Phố thời gian và ô cửa gió

Thứ Sáu, 13/10/2023, 17:40

Phố Hàng Bún hình thành từ trước năm 1831 (theo bản đồ thời nhà Nguyễn) do dân thôn Yên Ninh cuối phố có nghề làm bún lâu đời. Xưa, đây là con đường đất nối từ hào đi qua cổng thành phía Bắc (nay là phố Phan Đình Phùng) kéo tới cửa ô Thạch Khối bên sông Hồng. Cổng ô Thạch Khối bị đập bỏ cùng thời giặc Pháp phá thành Hà Nội để dựng phố mới (1894). Phố dài chừng 500 mét, rộng 8 mét tính từ đầu dốc Hàng Bún trên đê Yên Phụ đổ xuống.

Gót chân ai qua mùa lá đổ

Theo nhà văn Trần Dũng ở số nhà 59 cho biết vào quãng năm 1945 phố vẫn còn nhiều nhà làm bún. Có thể nói dân thôn Yên Ninh (đất dựng phố) nổi danh thành Thăng Long về tài làm bún sợi nhỏ trắng muốt. Kẻ chợ khắp nơi tới mua bún về làm hàng. Nhà văn còn cho biết phố Hàng Bún là ranh giới cuối cùng phía Bắc của kẻ chợ phố mang tên Hàng nằm trên sông Tô.

Ông kể đầu dốc phố hiện có cửa hàng xăng nằm trên đất Ô Thạch Khối xưa. Hàng loạt cửa ô dọc sông Hồng bị phá, chỉ giữ lại Ô Quan Chưởng vì ở sâu trong đê. Mỗi khi gió mùa về thổi lộng dọc phố từ phía sông Hồng tạo nên những ô cửa gió là vì vậy. Nhà thơ Phan Vũ cũng đã nhắc tới hình ảnh mang biểu tượng nghệ thuật này: “Em ơi! Hà Nội - phố!/ Ta còn em năm cửa ô/ Năm cửa gió/ Cơn bão những mùa qua đó?/ Ba mươi sáu phố/ Bao nhiêu mảnh vỡ?”.

1-phố hàng bún.jpg -0
Phố Hàng Bún.

Mỗi cửa ô là một tuyến đường huyết mạch đi vào thành hoặc vào kinh kỳ kẻ chợ. Ô Thạch Khối (thuộc thôn Thạch Khối cũ) đi từ ngoại vi tới thẳng cửa Hoàng thành nên phố Hàng Bún một thời thực dân Pháp rất cảnh giác theo dõi. Câu chuyện đẫm máu đã xảy ra ở đây vào ngày 17/12/1946 khi lính Pháp đổ quân tới phố bắn phá và giết hại hàng chục người dân vô tội. Đây là điểm đầu tiên chúng cố tình gây hấn để buộc dân ta phải nộp vũ khí. Nhưng ngay lập tức thanh niên trai tráng các thôn Yên Ninh, Yên Thành tập hợp cùng tự vệ thành đã chiến đấu quyết liệt chống trả giặc Pháp buộc chúng phải rút lui.

Và sau đó một ngày, kháng chiến toàn quốc bùng nổ theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/12/1946). Vậy là phố Hàng Bún là nơi chịu cuộc thảm sát đẫm máu của giặc Pháp, mở đầu cho công cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta. Hiện tại ngã ba Hàng Bún và ngõ Yên Ninh đã được bà con dựng bia (cạnh số nhà 54 Hàng Bún) tưởng niệm những người đã hy sinh với lời ghi nhớ: “Khắc sâu căm thù. Nơi đây thực dân Pháp đã tàn sát đồng bào ta, mở đầu cuộc gây hấn của chúng ở Thủ đô Hà Nội ngày 17/12/1946”.

Đồng thời với bia căm thù, phố Hàng Bún còn lưu giữ một ngôi đền kỳ lạ nhất Hà Nội thờ Bách Linh (những cô hồn) ở số nhà 15 Hàng Bún. Đó là đền Am nơi chia sẻ vận hạn cho những người chết vô thừa nhận. Phải chăng nơi đây xưa có nhiều sinh linh hoặc cô hồn chết mà không được người nhà nhận về chôn cất. Người dân kể xưa phố gần sông Hồng và sông Tô Lịch chảy qua. Hơn nữa quanh phố khi xưa có nhiều ao hồ. Không gian hoang vu bên hồ Mã Cảnh rộng lớn.

Nhất là nạn chết đói năm 1945 nhiều người tha phương nằm gục giữa đường giữa chợ bỏ mạng nơi đất khách quê người. Do vậy dân làng Yên Thành (phần nửa phố trên) dựng đền thờ để an ủi vong linh họ được siêu thoát. Âm hưởng phố luôn lặng đi trong những chiều đông lá rơi xào xạc. Gió hun hút, ngõ Hàng Bún nghe như có âm thanh vọng lên: “Lung linh/ Người ra đi mang theo buốt giá/ Áo choàng không ấm thân gầy/ Cầm bằng theo cánh chim bay” (Phan Vũ).

Ngôi nhà số 52

Có hai người đã tạo nên linh hồn phố Hà Nội vào đầu những thập niên 70 và 80 thế kỷ hai mươi. Trước hết phải nói tới cố nhà thơ, nghệ sĩ Phan Vũ (1926-2019), người đã sống ở ngôi nhà số 52 phố Hàng Bún. Ông viết bản trường ca “Em ơi! Hà Nội - phố” tại gác hai ngôi nhà này, trong suốt 12 ngày đêm máy bay B52 Mỹ ném bom tàn phá Thủ đô Hà Nội (18-30/12/1972). Đặc biệt, chúng tập trung đánh vào phố Khâm Thiên và những điểm lân cận.

Sinh thời, ông kể ngôi nhà của nữ nghệ sĩ Piano Trịnh Thị Nhàn bạn ông trên phố Quán Thánh cắt ngang Hàng Bún bị hư hại vì bom Mỹ. Hình ảnh chiếc đàn dương cầm và những âm thanh đổ vỡ như một điểm nhấn cho những câu thơ “Ta còn em” được nhắc nhiều lần trong các khổ thơ. Sự mất mát và đổ vỡ vật chất nhưng ngọn nguồn tâm linh Hà Nội không bao giờ mất. Mở đầu tác phẩm nhà thơ đã viết về ngôi nhà của mình: “Em ơi! Hà Nội - phố/ Ta còn em mùi hoàng lan/ Ta còn em mùi hoa sữa/ Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya?/ Cọt kẹt bước chân quen/ Thang gác thời gian/ Mòn thân gỗ/ Ngôi sao lẻ lọt vào căn xép nhỏ”.

Mãi sau này tới năm 1985, bài thơ mới được cất cánh qua giai điệu tự sự trầm ấm của nhạc sĩ Phú Quang. Những câu thơ đặc sắc đã được âm nhạc tôn vinh một cách thần thánh nhất. Từ đó bản trường ca về tình yêu Hà Nội say đắm này đi sâu vào lòng người. Và tới tận năm 2008, tác phẩm mới được in trọn vẹn trong “Phan Vũ - Thơ” (NXB Văn học).

3-ngôi nhà số 52 nơi nhà thơ phan vũ làm bài thơ em ơi hà nội phố năm 1972.jpg -1
Ngôi nhà số 52 nơi nhà thơ Phan Vũ sáng tác bài thơ “Em ơi Hà Nội phố” năm 1972.

Chủ nhân thứ hai của căn gác hai số nhà 52 là đạo diễn Trần Văn Thủy (sinh năm 1940). Ông đã mua lại căn phòng này của nhà thơ Phan Vũ. Khi đó nhà thơ chuyển vào TP Hồ Chí Minh sinh sống cùng con gái sau khi vợ mất. Đạo diễn Trần Văn Thủy là tác giả của bộ phim “Hà Nội trong mắt ai” (1982). Bộ phim tạo sự bùng nổ dư luận sôi nổi nhưng đã bị cấm phát hành. Trong khi chờ đợi, đạo diễn Trần Văn Thủy làm tiếp bộ phim “Chuyện tử tế” nhưng rồi cũng bị cất kho. Mãi tới năm 1987, cả hai bộ phim mới được “cởi trói”, chiếu rộng rãi và tạo nên hiện tượng điện ảnh đặc sắc.

Cả hai bộ phim đều mang tính chính luận cao về xã hội. Những vấn đề về đạo đức và lòng nhân ái được nêu ra với sự phản biện trực diện mang tính đương đại nóng bỏng. Đặc biệt, ông đề cập sâu vào thân phận cơ cực của con người nên những bộ phim của đạo diễn Trần Văn Thủy gây chấn động dư luận. Các bộ phim của ông đã giành được nhiều giải thưởng lớn trong nước và quốc tế. Riêng phim “Chuyện tử tế” còn được một viện phim nước ngoài đề cử vào danh sách 10 phim tài liệu hay nhất mọi thời đại. Đạo diễn Trần Văn Thủy đã được Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (2001).

Đánh thức tâm bồ đề

Điều kỳ diệu ở ngôi nhà số 52 Hàng Bún nay đang hiện hữu một ánh sáng khác lạ. Một cõi thiền trong không gian tĩnh lặng qua những bức tranh của họa sĩ Trần Nhật Thăng (sinh năm 1972). Anh là con trai của NSND đạo diễn Trần Văn Thủy nhưng sớm theo đuổi hội họa. Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật Việt Nam, họa sĩ Trần Nhật Thăng dấn thân vào con đường sáng tạo mới - Tranh trừu tượng. Tuổi thơ anh gắn với những câu thơ về ngôi nhà mình ở qua những câu thơ Phan Vũ: “Cơn mưa chợt đến trong chùm lá/ Vòm trên cao chuông hồi đổ/ Nhà thờ Cửa Bắc/ Tan chiều lễ/ Kinh cầu còn mãi ngân nga”.

Và nữa, đó là cầu thang gỗ luôn vang lên những âm thanh cọt kẹt bước chân quen. Anh lớn lên trong những “Chuyện tử tế” của bố và khai mở hành trình nghệ thuật sắc mầu riêng mình. Giờ đây trong ngôi nhà số 52 anh luôn thiền định mà Phật pháp truyền tâm. Những bức tranh trừu tượng ra đời trong cõi thức tỉnh nghệ sĩ trở về. Hướng nội giống như người cha, tranh Trần Nhật Thăng luôn giàu sự suy tưởng tâm linh trong hòa sắc.

Ở đó những “Ô cửa gió” mà nhà thơ Phan Vũ đã miêu tả, nay anh có những miền gió hay “Miền Không” trong tranh. Và cũng từ đây họa sĩ Trần Nhật Thăng nhìn thấu suốt trong cái “Không” lại có vô vàn tình yêu của con người. Con người lãng du trong anh dần đang dừng lại đánh thức tâm bồ đề qua thiện lương cứu vớt sinh linh khỏi bể khổ. Sau cuộc triển lãm “Miền không” (2022); nay anh mới có cuộc trưng bày “Trong cái không có cái gì không?” (2023) tại TP Hồ Chí Minh. Họa sĩ Trần Nhật Thăng luôn đi rồi trở về tu thân trong căn phòng của mình trên phố Hàng Bún. Những câu thơ ngày nào vẫn vang lên muôn thuở: “Ta còn em ngọn gió Nghi Tàm/ Thoảng mùi sen nở muộn/ Nhớ Nhật Tân/ Mùa hoa năm ấy/ Cánh đào phai/ Người dẫu ra đi vạn dặm dài/ Gió ngọn vẫn vương hương phố cũ” (Phan Vũ).

Vương Tâm
.
.