Và muôn chiều mái phố heo may

Thứ Bảy, 12/08/2023, 14:59

Mươi năm trước, tôi thường đi qua phố Hàng Bông (Hoàn Kiếm) để tới trụ sở Báo Hà Nội mới làm việc (44 Lê Thái Tổ). Phố trở nên thân quen với tôi mỗi khi tạt vào ngõ Tạm Thương ăn nem chua rán.

Những chiều đông luôn có tiếng phong cầm của nhạc sĩ Văn Tâm văng vẳng theo hướng gió. Tôi lắng nghe và nhớ tới thơ của Chế Lan Viên: "Sương giăng mờ trên ngõ Tạm sương/ Ngõ rất cụt mà lòng xa thẳm/ Ngõ bảy thước mà lòng muôn dặm/ Thương một đời đâu phải Tạm Thương".

Phố nối phố - Hàng Bông

Hàng Bông là con phố dài nhất (932 mét) trong các phố mang tên Hàng (chạy từ cuối phố Hàng Gai tới phố Đình Ngang). Hơn thế phố cũng lắm điều nhiều chuyện bởi vì gộp những 5 phố ngắn lại mà thành. Mỗi phố một nghề, nào là Hàng Bông Hài chuyên bán hài, nón và đồ thờ bằng giấy sắc màu đỏ lừng khắp nơi. Rồi tới phố Hàng Bông đệm, rặt những thợ bật bông luôn rộn ràng tiếng tời theo nhịp gỡ lõi chăn. Ở đoạn chính giữa là phố Cây Đa Cửa Quyền chả có liên quan gì đến bông sợi cả. Nhưng đoạn phố này gắn với câu chuyện gặp tiên của vua Lê Thánh Tông (1460-1497) nên có đền Vọng Tiên (số 120B) và đền Thiên Tiên (thờ Lý Thường Kiệt). Chưa hết, tiếp đến là phố Hàng Bông Lờ. Hồi đầu phố này còn dây tới nghề nhuộm vải xanh (Hàng Lam) nhưng sau đó toàn bán nơm đó, lờ hom, rọ lưới bắt cá. Thế mới lạ.

b.jpg -0
Ngã ba Hàng Bông - Thợ Nhuộm - Ngõ Hàng Bông (Cấm Chỉ cũ).

Cuối cùng là phố Hàng Bông Nhuộm chuyên nhuộm thâm tơ lụa vải vóc và giữ nghề lâu nhất. Bởi lẽ phố gần kênh rạch bắt nguồn từ Hồ Gươm và sông Tô chảy vào. Con kênh ấy chính là phố Thợ Nhuộm ngày nay. Hàng Bông là con phố biên giới phía Nam của khu phố cổ chạy qua Hàng Gai, nối với Hàng Thùng và Cầu Gỗ. Chính vì thế từ đầu thế kỷ XX, phố Hàng Bông đã trở thành trung tâm thương mại nhộn nhịp hơn cả những phố Hàng kẻ chợ. Các bài xẩm cũng gom lại mấy câu: "Rủ nhau chơi khắp Long thành/ Ba mươi sáu phố rành ràng thong dong/ Hàng Muối, Hàng Nón, Cầu Đông/ Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè…".

Phố Hàng Bông bất ngờ có những sự chuyển hướng ồ ạt nhiều nghề khác phù hợp với xu thế văn hóa và tân tiến đầu thế kỷ XX. Cùng thời điểm trên phố Hàng Bông có hàng chục nhà sách và xưởng in. Đáng chú ý trong đó có nhà in Tân Dân số nhà 93 do nhà viết kịch nổi tiếng Vũ Đình Long (1896-1960) làm Giám đốc. Ông là tác giả kịch đầu tiên ở nước ta, vở "Chén thuốc độc". Tại địa chỉ này liên tiếp ra đời những tạp chí lừng lẫy một thời như "Tiểu thuyết thứ Bảy", "Phổ thông bán nguyệt san". "Tao đàn", "Hữu ích" và "Truyền bá"…

Đặc biệt hơn cả phải kể đến nhà thơ Tản Đà (1889-1939) đã mở "Tản Đà thư điếm" ở số nhà 58, vào khoảng năm 1922. Tại đây đã in hầu như toàn bộ sự nghiệp văn thơ của Tàn Đà. Đồng thời ông còn làm chủ bút tờ "Hữu thanh tạp chí" và sau đó còn cho ra đời "An Nam tạp chí" chuyên về văn học. Từ thập niên 1920 tới 1930, nhà thơ Tản Đà bừng sáng như một ngôi sao nổi trội với tập thơ "Thề Non nước" (1922) và "Thơ Tản Đà" (1925)... Những người yêu thơ ông luôn nhớ tới những câu thơ hay như: "Dù cho sông cạn đá mòn/ Còn non, còn nước, hãy còn thề xưa/ Non cao đã biết hay chưa/ Nước đi ra bể lại mưa về nguồn". Hoặc những tâm trạng bâng khuâng trong một "Khối tình con": "Trận gió thu phong rụng lá vàng/ Lá rơi hàng xóm, lá bay sang/ Vàng bay mấy lá năm già nửa/ Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng".

Vành nón lật nghiêng choàng mái phố

Những ký ức phố tràn về như con gió thổi từ phía sông Hồng. Không ít lần tôi dừng chân tại ngôi nhà số 61 nơi nhà thơ Xuân Diệu và Huy Cận đã từng ở trong suốt thời "Gửi hương cho gió" (từ năm 1942-1946). Căn hộ tầng hai vẫn cũ kỹ không thay đổi là mấy. Sau tập thơ đầu tay "Thơ thơ" nhà thơ Xuân Diệu lo tính kế mưu sinh. Phải tới khi dọn về ở 61 Hàng Bông, ông mới tập trung làm hẳn nghề văn chương và báo chí. Tại đây nhà thơ xuất bản liên tiếp hai cuốn sách, tập thơ "Gửi hương cho gió" và tập thơ văn xuôi "Trường ca" (NXB Thời đại, 1945).

a.jpg -0
Cửa hàng bán đồ lưu niệm trên phố Hàng Bông.

Và cũng gần đó thôi, số nhà 11 Hàng Bông chất chứa vô vàn ký ức về hình ảnh và chân dung Hà Nội suốt hơn 70 năm qua. Đây là nơi ở của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Văn Lưu (1917-2003). Ông được coi là nhà "sử học" bằng ảnh về văn nghệ sĩ kháng chiến (1945-1954). Ông có 300 bức ảnh rất quý hiếm về văn nghệ sĩ kháng chiến. Đặc biệt bức ảnh ông chụp bảy nhà văn, nhà thơ ở xóm Chòi tại trụ sở ở Thái Nguyên (1949). Tác phẩm được các báo in hàng trăm lần trong hơn nửa thế kỷ qua. Đó là chân dung kháng chiến của các nhà văn nhà thơ nổi tiếng như: Ngô Tất Tố, Nguyễn Xuân Sanh, Tố Hữu, Xuân Diệu, Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân.

Một thời ngôi nhà số 11 Hàng Bông là nơi hội ngộ thường xuyên của bộ ba tri âm tri kỷ: Nhà thơ Vũ Đình Liên, họa sĩ Bùi Xuân Phái và nghệ sĩ Trần Văn Lưu. Ngôi nhà này được mệnh danh là "Bảo tàng Lưu-Liên-Phái". Ông và họa sĩ Bùi Xuân Phái rất thân thiết. Hai người đã cùng nhau tìm những phương kế sinh sống và sáng tác trong hàng chục năm trời khốn khó. Còn nhà thơ Vũ Đình Liên thường xuyên lui tới và coi là gia đình thứ hai của mình. Tại đây nhà thơ đã viết bài thơ "Người điên - Nàng tiên" để kỷ niệm một cuộc tình huyền thoại của mình. Bài thơ đã được họa sĩ Bùi Xuân Phái minh họa. Ba người biến ngôi nhà số 11 thành "Ngôi đền văn hóa" gần với đền thờ "Tổ nghề" làm gương ở đầu phố. Họ thường tự tổ chức lễ kỷ niệm những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng đã mất trong nước và thế giới. Nghệ sĩ Trần Văn Lưu được Nhà nước truy tặng Huân chương Kháng chiến Chống Pháp hàng Ba (2004).

Tiếng đàn buông trượt dốc rêu phong

Ngoài những ngôi nhà ghi dấu ấn văn chương phố Hàng Bông còn được gắn với cái danh phố nghệ sĩ. Bởi lẽ phố có tới ba nghệ sĩ ưu tú đã một đời sinh sống ở đây như Kim Tiến (Phát thanh viên VTV), danh ca Trần Thụ và nghệ sĩ kịch hài Trịnh Mai. Ấy là chưa kể tới ca sĩ Khánh Ly cũng được sinh ra tại số nhà 106 và từng sống ở đây 9 năm tuổi thơ. Nếu có thể kể thêm về một nghệ sĩ sân cỏ nữa là "Hồng Sơn công chúa" (số nhà 212). Nhưng có lẽ ấn tượng khó quên với tôi là giọng hát của NSƯT Trần Thụ (số nhà 78). Không ít lần qua phố tôi đã được nghe ông luyện giọng với những khúc Aria nổi tiếng trong vở nhạc kịch "Trà Hoa nữ". 

Với nhạc sĩ kiêm nhà thơ Nguyễn Thụy Kha (ở số nhà 60) lại gây ấn tượng độc đáo với tôi. Ngôi nhà anh ở một thời còn có nhà văn Ngô Thảo, nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh và nhà báo Hoài Giang. Nhưng hiện chỉ còn gia đình nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha vẫn ở đây. Chúng tôi đã cộng tác với nhau nhiều năm về báo chí và làm sách. Tôi rất phục Nguyễn Thụy Kha về sức làm việc "khủng" của anh. Mới đây anh đã được Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2023) với những công trình nghiên cứu biên soạn đặc sắc về âm nhạc. Với phố Hàng Bông ký ức trở nên sâu thẳm trong thơ Nguyễn Thụy Kha: "Giờ ta đã già phố lại trẻ ra…/ Những quả bàng chín rụng thơm nỗi nhớ/ Cứ vô tình dập nát dưới gót thời gian".

Đúng như nhà thơ đã viết, giờ phố Hàng Bông lại trẻ ra với rực rỡ cờ hoa. Con đường nhộn nhịp và xốn xang bao nỗi khi mùa thu tới. Một không gian Tháng Tám cách mạng cận kề tưng bừng trong nhịp sống hiện đại. Những cửa hiệu thời trang bị ngập chìm trong những ánh sao cờ đỏ. Tôi chợt dừng chân trước ngôi nhà số 117, nơi ra đời Ban Chấp hành Đảng Bộ đầu tiên của Thành ủy Hà Nội (1930). Một đoàn người đi về phía trước dọc con đường hướng tới quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Ngã Sáu Hồ Gươm). Tôi cũng guồng chân theo họ và cứ đi như hàng chục năm qua, hối hả trên phố Hàng Bông với bao nỗi buồn vui.

Vương Tâm
.
.