Đọc tập thơ "Hương cỏ" của nhà thơ Đỗ Chiến Thắng, NXB Hội Nhà văn, 2022

Từ miền hương cỏ

Thứ Sáu, 17/06/2022, 18:21

Tập thơ "Hương cỏ" của nhà thơ Đỗ Chiến Thắng mang đẫm hồn quê, nhưng nó đã được làm mới, làm khác khá ấn tượng từ cách lập dựng ngôn ngữ thơ của ông.

Đã từ lâu, “thơ quê” mặc nhiên được coi như một trường phái trong văn học. Thơ quê đã có những thành tựu và cả những đỉnh cao trong nhiều thập niên, như những tác phẩm của Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ… Ngày nay, để thơ quê như rượu quê, rau quê, vẫn là những đặc sản đích thực, thì những người làm thơ đã và đang tích cực làm mới ngôn ngữ thơ của mình. Có như thế thì thơ quê mới bắt kịp được những buồn vui đa chiều, đa diện của cuộc sống thời hiện đại.

Tập thơ "Hương cỏ" của nhà thơ Đỗ Chiến Thắng mang đẫm hồn quê, nhưng nó đã được làm mới, làm khác khá ấn tượng từ cách lập dựng ngôn ngữ thơ của ông. Dù mới tập trung cho thơ chỉ trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhưng những tác phẩm của Đỗ Chiến Thắng đã tạo được sự chú ý và tương tác tích cực từ giới chuyên môn. Những bài viết của các nhà thơ, nhà phê bình Vũ Nho, Nguyễn Vũ Tiềm, Lê Thành Nghị… đã làm cho thơ Đỗ Chiến Thắng ngày thêm lan tỏa!

Đọc tập thơ "Hương cỏ" của nhà thơ Đỗ Chiến Thắng, ta dễ dàng bắt gặp cái tư tưởng thơ được ông dựng bằng hồn vía của thơ quê:

Bong bóng phập phồng chở nặng tuổi ấu thơ
Củ khoai luộc chà vào đêm cổ tích
Góa bụa mẹ lặng lẽ đời u tịch
Tiếng chuông chùa ai thỉnh suốt chiều loang

(Hồn quê).

Từ miền hương cỏ -0
Bìa tập thơ "Hương cỏ" của nhà thơ Đỗ Chiến Thắng.

Đọc thơ ông, người ta nhận ra sự tìm tòi, sáng tạo từ câu chữ. Cái sáng tạo ấy đã góp phần làm mới, và thúc đẩy sức tương tác của thơ quê chạm tới những điều lớn lao của Tổ quốc và lịch sử dân tộc:

Cành que nào nhặt từ phía Ngọ Môn
Cọng rơm nào tha từ đàn Xã Tắc
Chiếc lá cây cạnh vết đạn thù lõm sâu thành cửa Bắc
Sợi vải này từ dải mũ Tổng đốc Nguyễn Tri Phương

(Tổ chim trên mái Hoàng Thành).

Người ta thường bảo, làm thơ là chơi thơ và chơi chữ, nhưng đấy đích thị là những sản phẩm được hình thành từ sự lao động nghệ thuật nghiêm túc:

Ngày bình phương
Tháng bình phương

 Sắc xuân căng bình phương son phấn
Mớ bảy mớ ba phớt đỏ má đồng tiền
Nhịp phách gõ chầu văn hành lễ
Thánh cũng bình phương thấp thoáng nhập thiền

 …

Tháng Giêng qua rồi
Giá thư giãn bình phương sau Tết
Xuân mệt nhoài
Học trò nghèo đánh vật khai căn

(Bình phương).

Để mang được hơi thở của sự hiện đại, mang được những rung cảm, nỗi niềm của thời 4.0 vào trong sự nhuần nhị, nhịp nhàng của lề lối thơ quê, thì chưa bao giờ là dễ cả:

Ai tìm ai vắt qua dọc chiều nay
Ngày trống vắng mong manh hư ảo
Mưa khẽ rùng mình có làm chiều ướt áo
Bài thơ tìm bóng chữ dở dang say

(Hương thầm).

Đỗ Chiến Thắng có thể cần nhiều thời gian hơn nữa để làm nên một thương hiệu trong mảng thơ quê, nhưng cái nét mới mà thơ ông mang tới, đang góp phần làm cho sự tương tác giữa thơ quê và cuộc sống hiện đại ngày một phong phú hơn! Đỗ Chiến Thắng làm thơ có cớ, có căn, bởi vậy mà ý tứ thơ ông luôn có ám ảnh, lay gợi để mở ra những chiều liên tưởng khác trong mạch ngầm của câu chữ khi tiếp cận bạn đọc. Trong thơ, câu chữ thì nhỏ nhắn, nhưng cái bóng của nó thì lớn đấy. Câu chữ trong miền "Hương cỏ" nhiều bài đã có sự lay gợi và biểu đạt ấy:

Chân thất thẻo bước đi trong bản ngã
Ráng hoàng hôn hiện bảy sắc cầu vồng
Gió mồ côi hoang hoải dọc bãi đồng
Cánh cò trắng thiên di miền xa khuất
Chênh vênh tôi bàn chân khất thực
Khát một điều giản dị giữa bình yên

(Chiều loang vỡ).

Nhà thơ và người chơi thơ, chơi chữ khác nhau cơ bản ở điểm nhìn, ở giá trị tư tưởng, ở nội dung mà câu chữ của thơ mình hướng đến! Thơ “ăn thua” nhau là ở cái ấy. Và với thơ, có đổi mới, có sáng tạo cũng chỉ nhằm mục đích để chở nhiều hơn những nỗi người, nỗi đời, hướng đến những tầng sâu hơn của miền nhân bản! Ấy mới là thành công vậy:

Cái thời mướp đắng mạt cưa
Nâng lên nào cạn ngày chưa giời hành
Tao - mày đều kẻ vô danh
Uống đi. Nuốt ực be sành lật nghiêng
Nỗi mày đâu phải niềm riêng…

(Be sành Chí rót rượu mời).

Cái tông màu của dòng thơ này, rất dễ khiến nhiều người làm nghề văn chỉ đọc lướt qua rồi lật sang trang khác, bởi trong cái sự đọc hôm nay đang có sự hờ hững với niêm luật, vần điệu, tuyến tính? Cái sự "ngại" vần điệu giờ đây đã ngấm cả vào một bộ phận người viết, và nhiều ý thơ hay, nhiều câu thơ có giá trị đích thực, vô tình đã bị chính tác giả và người đọc bức tử!

Nhẽ ra, đứng trước sự hội nhập toàn diện và sâu rộng, thì mọi cách làm, mọi hình thức nghệ thuật đều được bình đẳng để tồn tại, bình đẳng trong sự dâng hiến. Và riêng những thể loại đặc thù mang giá trị văn hóa truyền thống, mang sự tiếp nối, chia sẻ, trân trọng quá khứ thì cần phải được nhìn nhận công bằng và ưu ái hơn! Bởi giá trị của nó trước cộng đồng, trước cuộc sống thì không hề bị biến đổi! Như những câu thơ này của Đỗ Chiến Thắng có cũ, có mòn không? Cho dù chủ đề mà nó chạm đến và chuyển tải là những nỗi đau đạn bom từ chiến chinh một thuở, vẫn đang nhói lên hôm nay:

Đôi quả này gửi biếu mẹ dưới Luy Lâu
Con của mẹ cùng ngày nhập ngũ
Xương cốt anh còn ở đâu mưa rừng thác lũ
Trường Sơn Tết này có hương khói tỏa vong linh

Mấy quả này về trại thương binh
Thăm đồng đội còn lên cơn xung phong chiến đấu
Bạn cõng ông vượt đạn bom về trạm phẫu
Nằm đè lên ông che chắn mảnh bom thù

(Người thương binh và cây bưởi).

Trong miền "Hương cỏ" của nhà thơ Đỗ Chiến Thắng, không hiếm những bài thơ mà chỉ chạm vào câu chữ, đã thấy sự dẫn động của nó, nhất là với những người đọc ưa tiếp nhận thơ bằng sự lay thức của các tầng ngữ nghĩa trong ruột chữ:

Khật khừ năm cũ chạm nhau
Câu thơ thế sự dãi dầu nắng mưa
Ước gì cho đến mùa xưa
Buông câu giật nỗi đợi chờ lên phơi…

(Đau).

Người làm thơ ẩn tay nghề trong cách lập tứ, nhả chữ một cách tự nhiên, có những tứ thơ tưởng như chỉ là những từ ngữ theo mạch, theo chuỗi xuất hiện đấy, nhưng thực ra là kết quả của những chắt lọc, tìm tòi:

Váy em xòe ngược gió Hà Giang
Đâu cũng đá, đá thụ thai từ đá
Tiếng khèn môi gọi đá dậy yêu người…

(Đá).

Với thơ, mỗi người có một cái tạng, cái căn thơ, vậy nên đọc bài viết mới đây của nhà thơ Lê Thành Nghị, tôi rất tán thành với ông ở nhận xét rằng Đỗ Chiến Thắng phù hợp hơn với thơ truyền thống! Và thực tế, qua 5 tập thơ đã xuất bản, thì có vẻ như cái neo lại hơn nơi người đọc là những câu thơ với mạch nhịp quen thuộc, nhưng đã được Đỗ Chiến Thắng bơm vào những câu chữ mới:

Gió non bấy chưa ra ràng đã chết
Ánh sao Mai không sáng hết cả chiều
Đêm thai nghén vỡ đêm ra từng mảng
Thương đóa quỳnh nở trắng đơn côi
Niềm tin vừa nứt toác vỏ thôi nôi.

(Thôi nôi).

Dù là người làm nghề thơ hay người mắc nghiệp thơ, hay chỉ là người yêu thơ thôi, nhưng đã dấn thân vào cửa chữ của thơ là đối diện ngay với những cuộc vật lộn. Vật lộn với câu chữ, vật lộn với chính mình để tạo nên sự ấn tượng, sự đồng cảm từ bạn đọc, để trút hết được ruột gan của mình vào lòng chữ, ấy là một công cuộc khai phá và loại trừ liên tục trong các tầng thức của người làm thơ. Với nhà thơ Đỗ Chiến Thắng thì thơ là bóng người hiện trong bóng chữ, là cuộc gầy dựng của tâm thức thành những trang chữ trả nợ những trang đời:

Bóng chữ xô gầy trang bản thảo
Thơ còn mắc nợ nắng xiên khoai
Ve hòa tấu sôi hoài nghiêng nốt nhạc
Gió ăn chay hư ảo nét hình hài…

(Bóng chữ)

Đọc "Hương cỏ", thấy tác giả dù tuổi đã nhiều, nhưng vẫn tích cực và mạnh dạn làm mới thơ mình, tinh thần sáng tạo ấy rất đáng trân trọng. Cái cách mà Đỗ Chiến Thắng làm mới ngôn ngữ và cách biểu đạt ngay trong bộ khung sườn cũ của thơ quê có vẻ như đang phát huy hiệu quả! Thơ ấy nói được nhiều hơn, tương tác với cuộc sống sâu hơn, tinh tế hơn bằng những sự lay gợi. "Hương cỏ", một dấu mốc khẳng định cho một hướng đi đúng trên cung đường thơ của nhà thơ Đỗ Chiến Thắng!

Nguyễn Thế Kiên
.
.