Nhân đọc tác phẩm “Nợ nước non” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ - NXB Văn học, tháng 5-2022

“Nợ nước non” và cú thoát bẫy lịch sử của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ

Thứ Bảy, 28/05/2022, 10:53

“Nợ nước non”, quyển mở đầu bộ ba tác phẩm về thân thế, cuộc đời cách mạng, sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và tiến lên Chủ nghĩa xã hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Thế Kỷ ấp ủ thai nghén từ lâu, cuối cùng cũng đã ra mắt với đông đảo độc giả vào trung tuần tháng 5 năm 2022.

Về thể loại, “Nợ nước non” của Nguyễn Thế Kỷ là tác phẩm thuộc thể loại tiểu thuyết lịch sử. Nhưng đây không phải là lịch sử thường, mà là lịch sử của Hồ Chí Minh: một vĩ nhân của Việt Nam và thế giới; người sinh ra, lớn lên, hoạt động và tự kiến tạo cuộc đời tuyệt đẹp của mình trong quãng thời gian đen tối, bi thảm nhất, khi nước mất nhà tan, khi cả dân tộc đang phải chịu cảnh rên xiết dưới ách đô hộ của Pháp, đất nước rực rỡ ánh sáng văn minh, nhưng đồng thời cũng là một trong những chế độ thực dân phương Tây vô cùng tàn bạo.

unknown.jpg -0
Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ.

Với một đối tượng nghệ thuật đặc biệt như vậy, nhà tiểu thuyết luôn có nguy cơ bị rơi vào một cái bẫy: anh ta không viết tiểu thuyết, mà anh ta sẽ viết một truyện kể minh họa cho tầm vóc vĩ đại của nhân vật lịch sử, với rất nhiều phẩm tính đã được huyền thoại hóa trong sách vở và trong dân gian; bất quá, anh ta viết để bổ sung thêm một vài chi tiết lặt vặt mà ngành Hồ Chí Minh học hùng hậu còn chưa biết đến, hoặc đã bỏ qua. Làm được như thế cũng tốt, song nó vẫn không biến được một truyện kể thành một tiểu thuyết, bởi nó không “đi sâu vào tâm hồn của sự vật”, như cách nói của Gustave Flaubert, nó không biết đến cái “hiện tại không hoàn kết”, cái “hiền minh của sự lưỡng lự” vốn rất đặc trưng cho thể loại tiểu thuyết.

Viết “Nợ nước non”, Nguyễn Thế Kỷ đã thoát được “cái bẫy lịch sử” này, và thoát một cách khá ngoạn mục. Tác phẩm kể về Hồ Chí Minh khi còn ở làng Chùa làng Sen, rồi mấy lần ra vô Huế, vào Quy Nhơn, Phan Thiết, rồi vào Sài Gòn, trước khi lên tàu Admiral Latouche Tréville một ngày tháng 6 năm 1911, bắt đầu cuộc đời bôn ba hải ngoại của một nhà cách mạng, người đi tìm hình của nước. Quãng thơ ấu chiếm phần lớn dung lượng thời gian của truyện kể, và đó là quãng thơ ấu của một cậu bé, một cậu bé bình thường chứ không phải một thần đồng với những lời nói hay hành động đột xuất, tiên báo một thứ phẩm chất “lãnh tụ” hoặc “đế vương” gì đó cho sau này.

Qua mô tả của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, người đọc hoàn toàn có thể xây dựng một hình dung về cậu bé Nguyễn Sinh Cung: sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo xứ Nghệ, lớn lên trong sự rèn cặp nghiêm cẩn của người cha, trong tình thương yêu và đức hi sinh vô bờ của bà ngoại và mẹ, trong sự chan hòa thân ái với bà con xóm giềng và bè bạn cùng trang lứa, trong bầu sữa ngọt lành của những câu hát và những truyện kể dân gian vẫn muôn đời lưu truyền trên đất đai xứ sở.

Cậu bé Nguyễn Sinh Cung cũng vô tư, hồn nhiên, hiếu động, ham chơi và hay hỏi những câu “trên trời”, như phần lớn các cậu bé ở mọi nơi, mọi thời. Nhưng tuổi thơ của cậu không êm đềm: nó được đánh dấu bằng những cuộc dịch chuyển liên tục theo cha nay đây mai đó, thực chất là đi học để quyết khoa, “chiếm lấy cái bảng vàng” theo một quan niệm Nho gia sâu gốc bền rễ, hoặc đơn giản là đi dạy học thuê cho thiên hạ, lấy đó làm kế sinh nhai.

Ngay ở cuộc dịch chuyển đầu tiên, cả nhà (trừ chị cả Thanh) vào Huế để ông Nguyễn Sinh Sắc theo học Quốc tử giám, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã nếm trải đến tận cùng nỗi đau mất mát: mẹ và đứa em mới chào đời của cậu đã chết, vì ốm và đói, khi cha (dắt theo anh cả Khiêm) còn đang bận chấm thi ngoài Thanh Hóa.

“Mẹ cậu im lìm. Nước mắt vẫn chưa khô trên hai khóe mắt. Những sợi tóc lòa xòa trên vầng trán gầy guộc nhưng vẫn còn nguyên nét thanh tú của một thời xuân sắc của mẹ. Cung gọi mỗi lúc một to hơn. Cậu lay mẹ, ôm lấy mẹ. Cùng lúc đó em Nhuận thức giấc, em quờ quạng hai cánh tay nhỏ xíu như muốn tìm bầu sữa quen thuộc. Không thấy bầu sữa, em bắt đầu khóc toáng lên. Cung nhảy xuống khỏi giường. Cung lao ra cửa. Giọng cậu lạc đi. Cung gọi bà con láng giềng, cậu cần sự giúp đỡ của người lớn. Em Nhuận vẫn khóc thét. Cung cuống lên chạy vô bế em lên. Một tay bế em một tay lay mẹ. Rồi lại bế em chạy ra cửa, lại gọi. Mấy bà hàng xóm tất tả chạy sang. Trưa tháng Chạp, gió vẫn lạnh buốt lùa hun hút, vô cảm, tàn nhẫn. Cung đã mất mẹ thật rồi. Và cha thì không ở đây...”.

no-nuoc-non-2-1-16526898526581866837228.jpg -0

Ở đoạn văn mô tả thời khắc bà Hoàng Thị Loan qua đời, để lại cái xác và một hài nhi bấy bớt cho một đứa bé mới mười tuổi hơn, Nguyễn Thế Kỷ dùng liên tiếp các câu văn ngắn, nhịp nhanh, tựa như những giọt nước nước mắt lã chã nối nhau trong nỗi đau xé người. Nỗi đau làm người ta lớn lên. Và nỗi đau ấy, trong khung khổ một tuổi thơ như thế, có lẽ chính là điều mà Nguyễn Thế Kỷ muốn nhấn mạnh như một dẫn nhập vào cái cốt tủy của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh sau này: đó là tình thương yêu con người, là sự đau cùng nỗi đau của con người và nỗi đau của nhân loại lao khổ.

Tuy nhiên, ở cậu bé Nguyễn Sinh Cung, và sau đấy là anh thanh niên Nguyễn Tất Thành, sự trưởng thành về lý tính, trưởng thành về nhận thức trước các vấn đề chính trị xã hội trong nước và trên thế giới, các quá trình vận động lịch sử và con đường đúng để giành lại chủ quyền cho dân tộc Việt Nam, những cái đó chỉ đến từ thế giới đàn ông.

Ba nhân vật có thực của lịch sử đã được Nguyễn Thế Kỷ đưa vào thành ba nhân vật của tiểu thuyết, tạo ra những tình huống đối thoại đa dạng với Nguyễn Tất Thành, từ đó mở rộng tư tưởng và mài sắc thêm cho quyết định xuất dương của nhà cách mạng trẻ tuổi.

Nhân vật thứ nhất chính là ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ của Nguyễn Tất Thành, một nhà Nho ưu thời mẫn thế, nhưng cũng là một nhà Nho bị mắc kẹt trong chính những nguyên tắc xuất xử truyền thống của Nho gia, yêu nước nhưng đành bất lực ôm mối đau mất nước đến hết đời.

Nhân vật thứ hai là ông giải San, tức Phan Bội Châu, người chủ trương cứu nước bằng con đường thiết huyết, tức đấu tranh bạo động trên cơ sở cầu viện (sau đó là cầu học) đế quốc Nhật Bản, một nước châu Á “đồng văn đồng chủng”.

Nhân vật thứ ba là họa sĩ Lê Huy Miến, một trí thức Tây học uyên bác lịch lãm, người từng thực hiện những bản vẽ thiết kế vũ khí chống Tây theo yêu cầu của vua Thành Thái, người đã nhắc cho Nguyễn Tất Thành phải chú ý đến tính chất hai mặt cùng lúc của nước Pháp: “Có một nước Pháp văn minh bậc nhất, cũng có một nước Pháp thực dân đang dùng mọi chính sách hà khắc, dã man để bóc lột chúng ta”, và rằng muốn đánh bại họ thì cần phải hiểu họ, học họ.

Chính ba nhân vật này - cùng với một loạt nhân vật không xuất hiện nhưng được “kể đến” khác, như Phan Đình Phùng, Vương Thúc Miện, Phan Chu Trinh, Đào Tấn, thậm chí cả Hoàng Cao Khải hay Nguyễn Thân - đã làm nên một vi khí hậu tư tưởng chính trị xã hội với những luồng dịch chuyển rất phức tạp trong tiểu thuyết “Nợ nước non”. Nguyễn Tất Thành cọ xát và phản biện, ngầm hoặc công khai, với tất cả những luồng dịch chuyển ấy. Và đó có lẽ chính là sự khẳng định của tác giả Nguyễn Thế Kỷ: để chuyến xuống tàu rời cảng Sài Gòn của Nguyễn Tất Thành là một quyết định lịch sử tối hậu, bước mở đầu cho công cuộc đền nợ nước của một vĩ nhân.

“Nợ nước non” của Nguyễn Thế Kỷ, cũng như các tác phẩm “Chuyện tình Khau Vai” và “Hừng đông” trước đó, hay hai tác phẩm tiếp theo, sắp tới đây trong bộ ba “Nước non vạn dặm”, đều xuất hiện trước công chúng bằng hai phiên bản: tiểu thuyết và kịch bản sân khấu (kèm với nó là các vở diễn theo nhiều kịch chủng).

Có lẽ không ai, kể cả tác giả, dám đoán quyết rằng giữa tiểu thuyết và kịch bản sân khấu thì đâu là chính bản, đâu là phó bản. Bởi, khi xếp chồng hai phiên/ văn bản của cùng một tác phẩm, người đọc luôn nhận thấy những vênh lệch, so le, thêm và bớt, về cả nhân vật và các sự kiện trong đường dây cốt truyện. Vấn đề không hẳn đã nằm ở sự khác biệt về ngôn ngữ nghệ thuật giữa tiểu thuyết (để đọc bằng mắt) và kịch bản (chủ yếu để dàn dựng và xem trên sân khấu), mà dường như nằm ở tham vọng của nhà văn: giải phóng tác phẩm khỏi sự ràng buộc của chỉ một khung khổ chết cứng. Đây là điều rất ít gặp trong lịch sử văn chương kịch nghệ Việt Nam hiện đại và đương đại. Dù sao chăng nữa, nó cũng góp phần làm cho sự tiếp nhận tác phẩm của công chúng được nới rộng thêm, và mặt khác, đời sống nghệ thuật cũng trở nên phong phú hơn về sắc màu thẩm mĩ.

Hoài Nam
.
.