Từ Miche đến Trạng Bùng

Thứ Sáu, 01/12/2023, 22:15

Phùng Khắc Khoan (còn gọi là Trạng Bùng) làm quan thời Lê Trung Hưng, còn Miche (tức Jean - Claude Miche) là một nhà truyền giáo người Pháp. Hai người này không liên quan gì đến nhau vì họ sống ở hai giai đoạn khác nhau, dù giám mục Miche từng truyền giáo ở địa phận phía Tây Đàng Trong. Điểm "gặp nhau" giữa hai con người này là tên của họ, vào mỗi giai đoạn khác nhau, được đặt cho một con đường ở Sài Gòn xưa, TP Hồ Chí Minh ngày nay.

Người xưa...

Con đường một chiều ở Quận 1, TP Hồ Chí Minh chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, dài chỉ 600m, bắt đầu từ đường Nguyễn Thị Minh Khai cho tới Điện Biên Phủ, cắt các đường Trần Cao Vân, Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Văn Thủ. Con đường này rất đẹp, và có nhiều điều thú vị xung quanh nó…

Phùng Khắc Khoan (1528-1613) là người có văn tài kiêm thông cả thuật số, nhưng không đi thi và cũng không ra làm quan với triều nhà Mạc.

20-2.jpg -1
Đường Phùng Khắc Khoan (Quận 1, TP Hồ Chí Minh) trước 1975.

Tới năm 1557, Phùng Khắc Khoan đỗ đầu khoa thi Hương ở Yên Định (Thanh Hóa) và được cử giữ chức Ký lục, phụ trách việc ghi chép hành vi đạo đức của các quan võ. Năm 1595, được thăng làm Công bộ Tả thị lang, tương đương với chức Thứ trưởng Bộ Tư pháp và Tòa án tối cao ngày nay. Ông nổi tiếng có tài ứng đối với sứ Tàu và cũng là ông tổ của nghề dệt the (the làng Bùng, nên mới có tên Trạng Bùng). Ông mất năm 1613, được truy tặng chức Thái phó, đứng thứ nhì trong hàng Tam công gồm Thái sư, Thái phó và Thái bảo ở thời phong kiến.

Jean-Claude Miche (1805-1873) có tên Việt Nam là Mịch, là đại diện tông tòa thứ hai của địa phận Tây Đàng Trong năm 1847, nay là khu vực TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Bình Thuận, Ninh Thuận xuống tới Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau. Năm 1850, ông đã có hai chuyến đi ngược sông Mê Kông nhằm truyền đạo cho người dân Khmer ở hai bên bờ sông.

Do đã có quá trình truyền giáo ở Nam kỳ và thông thạo tiếng Việt nên năm 1865, khi quay lại nhận nhiệm sở tại Sài Gòn, ông đã được binh lính Pháp… bắn đại bác để chào mừng! Ông mất năm 1873 và được chôn cất gần mộ của Pierre Pigneau de Behaine (còn gọi là Bá Đa Lộc) ở khu Lăng Cha Cả, nay là bùng binh giao nhau của các đường Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, Trần Quốc Hoàn, Lê Văn Sỹ, Bùi Thị Xuân ở Quận Tân Bình.

Jean-Claude Miche cũng là người có công trong việc phổ biến và khuyến khích người dân thời đó… trồng cây mãng cầu xiêm, một giống cây ăn trái có gốc gác ở tận châu Mỹ xa xôi.

...Và con đường dưới hàng me vô đối

Năm 1877, Toàn quyền Nam kỳ là đô đốc Dupré cho lập con đường này mang tên Rue (đường) Miche, tới năm 1955 đổi thành Phùng Khắc Khoan và giữ tên ấy đến giờ. Đây là điều khá thú vị vì trải qua nhiều thăng trầm ở đất Sài Gòn, ít con đường chỉ có đúng 1 lần đổi tên như vậy. Nó nối đường Chasseloup - Laubat (trước 1975 là đường Hồng Thập Tự, nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai) với đường Legrand de la Liraye (trước là đường Phan Thanh Giản, nay là đường Điện Biên Phủ) đổ ra ngay vách của nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (nay là công viên Lê Văn Tám).

Đến đầu năm 1892, người ta định mở con đường này tới đại lộ Norodom (nay là đường Lê Duẩn) nhưng đã không được thực hiện, rồi tới năm 1907-1908 lại được các chủ đất ven sông tính kéo dài đường thêm lần nữa. Hội đồng thành phố khi ấy chấp nhận phương án này nhưng lại ra điều kiện: số tiền 10.800 đồng cần dùng để xây dựng lại trường nghề, bức tường và hàng rào cho các công trình quân sự sẽ do bên muốn mở đường phải đóng. Do không ai chấp nhận điều kiện ấy nên phương án này lại bị bãi bỏ.

Đây là đường có nhiều cây me nhất thành phố. Hai hàng me cổ thụ rậm rạp từ đầu đến cuối đường luôn tạo không gian mát mẻ quanh năm. Người lại qua nhìn lên thường thấy trái me lúc lỉu trên đầu. Tôi nhớ hồi nhỏ ở quê đã được uống rượu me, thực ra đó là nước từ trái me được lột vỏ, bỏ hột ngâm trong nước muối pha chút nước đường mà nhiều nhà đã dùng để làm món đãi khách trong ngày Tết. Húp nước me tuy không làm cho mình say như say rượu nhưng mấy chục năm rồi nó vẫn lâng lâng!

Bánh mì Miche và tư dinh đại sứ

Con đường này có nhiều biệt thự. Bên số chẵn, nổi tiếng lâu nhất là căn số 6. Dân Sài Gòn ngày trước nhiều người không biết và cũng chẳng cần phải biết cái ông Miche được đặt tên đường này là ai, nhưng họ vẫn thường hay nhắc đến Miche, nhắc về... lò bánh mì Miche.

Xin nói thêm một chút, "miche" và "baguette" đều là những thuật ngữ chỉ những ổ bánh mì Pháp được làm từ nhiều loại bột khác nhau và có hình dạng khác nhau, với "miche" là ổ tròn, lớn và "baguette" là ổ bánh dài, mỏng. Ổ bánh mì "miche" thường làm bằng bột nhào có chứa ngũ cốc, còn bánh mì "baguette" thì được làm với bột mì, men, muối và nước. "Baguette" từ tiếng Pháp có nghĩa là "dùi cui", trong khi "miche" là một thuật ngữ để chỉ ổ bánh mì nói chung. Điều trùng hợp thú vị là "bánh mì Miche" vừa là thuật ngữ "miche" (ở trong bánh mì), cũng vừa trùng khớp với tên của ông Miche.

Trở lại căn biệt thự số 6, ngày ấy dù không treo bảng hiệu nhưng là một lò bánh mì sản xuất quy mô lớn với kỹ thuật cao. Bánh mì ở lò này cung cấp hằng ngày cho Bệnh viện Grall (quân y viện của Pháp, nay là Bệnh viện Nhi Đồng 2), cho các tiệm cơm Tây và người mua lẻ. Bánh mì Miche mua về có thể để 3 ngày ăn vẫn mềm, vẫn thơm, vẫn ngọt. Cả sau khi đường này đổi tên, chẳng ai chịu kêu "bánh mì Phùng Khắc Khoan" cả, mà cứ một mực gọi "bánh mì Miche" thôi. Bây giờ thì lò bánh mì Miche không còn nữa, thay vào đó là tòa nhà mấy tầng đồ sộ hiện được Fosco (Công ty dịch vụ cơ quan nước ngoài) cho các công ty thuê làm văn phòng làm việc.

Gần cuối đường có căn số 38, bây giờ là nhà riêng của Tổng Lãnh sự Liên bang Nga tại TP Hồ Chí Minh. Một thời nó từng là dinh thự của các đại sứ Mỹ tại Sài Gòn, ông Cabot Lodge ở đây giai đoạn 1963-1964 và ông Graham Martin ở từ 1973-1975. Trước đó, căn nhà này là nơi ở của tướng Hòa Hảo "Năm Lửa" Trần Văn Soái - vào những năm cuối thập niên 1940 và đầu thập niên 1950. Cũng vì bảo đảm an ninh cho dinh thự này nên đường này từ đoạn Tự Đức (nay là đường Nguyễn Văn Thủ) đến vị trí tiếp giáp nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (ngã ba Phan Thanh Giản trước đây) có thời điểm trước 1975 đã bị cấm lưu thông.

20-1.jpg -0
Jean-Claude Miche (1805-1873) nhà truyền giáo, giám mục người Pháp.

Bên số lẻ ngày trước là các villa dành cho các viên chức và các chủ hãng người Pháp. Căn villa số 25 từng là cơ ngơi của ông chủ hãng Compagnie Francaise des Tramways de l'Indochine (CFTI) - Công ty đường sắt Đông Dương, chủ đầu tư đường xe điện ở đường Dưới (nay là đường Võ Văn Kiệt) mà dân chúng thường gọi là "đường xe lửa mé sông", chạy từ đường Nguyễn Huệ dọc rạch Bến Nghé xuống Bình Tây.

Nổi tiếng hơn có lẽ phải kể đến căn villa số 23, từng là nhà của ông cố vấn chính quyền Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Nhu. Em trai ông Diệm đã mua lại căn này của bà Da Cruz, nhũ danh Marie Louse Ida Peux vào năm 1957. Căn biệt thự có kiến trúc khá đẹp này hiện đang treo bảng cho thuê, và cũng thuộc Fosco quản lý.

Còn biệt thự số 45, trước 1975 là Tòa đại sứ Tân Tây Lan (New Zealand), nay là Tổng lãnh sự Cộng hòa Cuba. Bên trong không biết thế nào, chứ phía mặt tiền sau mấy chục năm không hề thay đổi gì, từ cổng chính, cổng phụ cho tới mái hiên hình chữ "V" cách điệu, vẫn y chang ngày trước, kể cả "bót" của lính gác, vẫn nằm vị trí đó!

Vào những thập niên 1940-1950 và đến tận bây giờ, con đường này luôn được mệnh danh là "con đường lãnh sự". Các quốc gia như Campuchia, Cuba, Indonesia, Kuwait, Nam Phi đều đặt tòa Tổng lãnh sự của nước mình trên con đường này. Tổng lãnh sự quán Liên bang Nga trước cũng nằm trên đường này, trước khi chuyển về đường Bà Huyện Thanh Quan như hiện nay.

Vĩ thanh

Từ nơi tôi ngồi làm việc mỗi ngày, bước ra balcon là có thể "nhìn" thấy bao nhiêu dấu ấn lịch sử, nó quá gần, gần đến nỗi đôi khi tôi nghĩ như mới qua nay thôi, dù những chi tiết đề cập ở trên, cũng non nửa thế kỷ rồi. Ngày nào cũng đi lại trên còn đường ấy, tôi hay ai đó chắc cũng có ít nhiều duyên nợ với nơi đây, sẽ luôn dành thời gian để ngắm nhìn và tìm kiếm những chi tiết nào đó mà mình chưa biết về con đường này.

Sai Gòn - TP Hồ Chí Minh luôn có đủ cả những góc ồn ào và yên ả. Cả sự phức tạp và sự đơn giản cùng dồn nén vào trong một nơi như thế, bao ngày tháng qua…

Lê Hồng Minh
.
.