“Triết luận'' của một người thơ trở về từ chiến tranh
Người thơ trở về từ chiến trận hơn ai hết họ hiểu được sự được mất ở đời, hiểu được: "Các anh ra đi trong im lặng/ Và sẽ trở về trong im lặng...Tiễn các anh đi/ Bài diễn văn hay nhất là sự im lặng/ Hãy nghĩ về chiến tranh, về các anh trong im lặng... Bởi có tri ân nào thẳm sâu hơn sự im lặng/ Nếu mai này cái chết đến với ta/ Ta sẽ đón chờ nó trong im lặng...". ( Im lặng).
Bếp lửa bùng lên sau lụi tàn
Rừng bắt đầu xanh lên sau sương tan
Hy vọng ngún lên sau cơn tỉnh thức
Câu thơ
Hiện về
Sau suy tưởng miên man...
(Cảm thức làng)
Đó là những câu thơ mở đầu tập thơ "Miên man khúc làng" (NXB Hội Nhà Văn 2023) mà tác giả vừa gửi cho tôi. Trước đó Nguyễn Tiến Lập đã xuất bản ba tập thơ, có hai tập in chung. Người thơ Nguyễn Tiến Lập, một người lính đã từng chiến đấu dưới mưa bom ở chiến trường Quảng Trị sau ngày trở về từ chiến trận đã "Triết luận":
Thạch Hãn đây rồi
Bờ lau hoa cỏ
Bên kia thành cổ
Bốn mươi năm nỗi nhớ chẳng rêu phong...
Bốn mươi năm đồng đội không về
Tôi thành người mắc nợ... (Về thành cổ)
Tôi có một người em trai, em Dương Xuân Việt đã hy sinh ở chiến trường Quảng Trị năm 1972 cho đến nay vẫn chưa tìm thấy mộ. Trong chiến tranh tôi cũng là một người lính, một sĩ quan điều khiển tên lửa nên tôi thấu hiểu sự khốc liệt của chiến tranh, tôi hiểu rằng chiến tranh đã đi qua bao nhiêu năm rồi mà nhiều đêm nằm mơ tôi vẫn như thấy em trai tôi với nụ cười hiền, như em còn ở đâu đó trên đất nước này...! Người thơ Nguyễn Tiến Lập sinh ra ở một vùng quê nghèo của miền Trung nắng lửa; nơi "Gió Lào thổi héo cỏ cây/ Thổi rát mặt người bụi mù đất đỏ". Đói, nghèo, vất vả... rồi chiến tranh, bom đạn: "...Đất quê mình/ Máu/ Mồ hôi/ Thấm sâu từng hạt/ Nắng gió Lào bỏng rát áo nàng Bân/ Nước mắt mẹ xanh luống khoai, ngọn lúa/ mỗi hạt đất quê/ Một giọt máu cha ông..." (Đất quê )
Quê hương là vậy, đau đáu bao điều:
...Làng nghèo... Bạc thếch ước mơ
Phận nghèo... bạc thếch màn mưa cuối bờ
Đồng khuya bóng mẹ dật dờ
Xạc xào gió
Xạc xào mưa
Trắng trời… (Đồng khuya vẳng tiếng vạc đêm nao lòng)
Từ chiến trận trở về, Nguyễn Tiến Lập gắn bó với Pleku- Gia Lai - một vùng quê mới - cho đến nay:
Mây lọt sàng rót trăng xuống cơn mưa
Thủy tinh lấp lánh
Đêm T"Nưng sóng lặng
Mặt hồ ngời biếc sắc xanh... (Dạ khúc T''nưng)
Dòng họ Nguyễn Tiến có nhiều người thông minh, hiếu học của mảnh đất nghèo miền Trung. Anh ruột Nguyễn Tiến Lập là nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Tiến Liêu vừa được giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Ông cũng từng là một người lính hải quân. Tôi quen biết ông. Ông đã xuất bản tập thơ và viết khá nhiều về thơ Haikư Việt Nam được dư luận chú ý, ông nói những người lình tri thức trở về từ chiến trận thường suy ngẫm, triết luận về nhiều điều vì chính họ đã trải qua ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết! Triết luận, triết lý là điều được nhiều người làm thơ hiện nay thể hiển qua sáng tác thơ của mình. Nhiều người nói cái thời thơ "Tình cảm ướt át qua rồi!", không biết có đúng không. Tôi cũng đã có câu "Những vần thơ ướt át một thời/ Giờ ngủ vùi trong hốc mắt bạn tôi...".
Nhưng, triết luận, triết lý nếu sa vào vụn vặt, khó hiểu, chẳng nói lên điều gì, chẳng cần thiết cho ai thì sẽ rơi vãi "Tắc tị", vô dụng!
Bài thơ "Nấc thang triết luận" của Nguyễn Tiến Lập tôi thiển nghĩ là điều đáng suy ngẫm:
Chen chúc nơi bậc thang cửa miệng
Là những triết lý chất chồng
Cũ
Mới
Lõa thể tư duy những chữ không lời
Đúng sai
Ngược xuôi
Rối rắm
Bản thể nhân gian hiện hữu giữa đất trời
Réo gào
ráo động...
Nhốn nháo người
Lặng lẽ ta
Muôn nẻo nhân gian
Phập phù
Triết luận!
Người thơ trở về từ chiến trận hơn ai hết họ hiểu được sự được mất ở đời, hiểu được: "Các anh ra đi trong im lặng/ Và sẽ trở về trong im lặng...Tiễn các anh đi/ Bài diễn văn hay nhất là sự im lặng/ Hãy nghĩ về chiến tranh, về các anh trong im lặng... Bởi có tri ân nào thẳm sâu hơn sự im lặng/ Nếu mai này cái chết đến với ta/ Ta sẽ đón chờ nó trong im lặng...". ( Im lặng).
Cố gắng để chúng ta không rơi vào triết luận "Phập phù" là điều mà người lính từ chiến trận trở về như Nguyễn Tiến Lập khi nghĩ về thơ đã hiểu!
Tôi thích những câu thơ của Nguyễn Tiến Lập như:
...Đêm
Nhiều đêm
Không ngủ
Chợt thấy mình
Ngày đã chiêm bao (Chiêm bao ngày)
...Xin đừng quá suy nghĩ
Được mất giữa ta bà...
Sáng lên đồi ngắm hoa
Chiều ra sông hóng gió
Lăn mình trên thảm cỏ
Ngắm một vầng trăng nghiêng (Nếu)
Tôi xin kết thúc bài viết này bằng chính bài thơ "Sợ" của người thơ Nguyễn Tiến Lập:
Từng qua chiến trận
Ngỡ là trong mơ
Cớ chi phải sợ
những điều vu vơ (?)
Sợ kẻ mưu mô
Kết tình thân thiện
Sợ trái chưa chín
Vỏ đã đổi màu
Sợ người buông câu
Chẳng nhằm câu cá
Sợ trời yên ả
Tích mây không lành
Sợ mầm chưa xanh
Đã già héo lá
Sợ ngày méo mó
Lại tròn vo đêm
Sợ người ta quên
Những điều đáng nhớ
Nhất điều đáng sợ
Lòng người dửng dưng.
(Sợ)
"Triết luận" của người thơ trở về từ chiến trận là vậy!
Sóc Sơn, 11-2023