Trà Giang, Thiên Ấn chuông gầm sóng

Thứ Sáu, 07/01/2022, 17:59

Miền đất Quảng Ngãi với tôi là hình ảnh của một cô gái Chăm xinh đẹp với đôi mắt to đen mơ màng. Lâu nay, thành cổ Châu Sa luôn ẩn giấu những điều kỳ bí. Trong Bảo tàng Quảng Ngãi lưu giữ hàng ngàn kỷ vật của một đế chế Chăm hùng cứ nơi đây. Con sông Trà Khúc luôn cuộn sóng mỗi mùa lũ về bên núi Thiên Ấn. Một cảm giác bồi hồi trong tôi khi vừa bước chân tới miền đất này.

Thiên Ấn Niêm Hà

Trong dân gian luôn truyền tụng câu "Núi Ấn, sông Trà" mỗi khi nói đến thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi). Đây là hình ảnh tập trung cho miền đất tuy âm thầm lặng lẽ nhưng đầy sóng gió qua lịch sử. Núi Ấn chính danh là Thiên Ấn Niêm Hà (Dấu trời đóng bên sông). Bởi lẽ nếu nhìn từ xa từ bốn phương ngọn, núi này có hình thang cân tựa như một chiếc ấn triện từ trên trời rơi xuống. Núi cao hơn 100m có đỉnh của hình thang cân nên bằng phẳng (rộng chừng 4ha) nằm trong cánh rừng đầy cỏ tranh hoang dã. Trong khi đó chân núi có chu vi hơn 5km với diện tích gần 20 ha.

Trà Giang, Thiên Ấn chuông gầm sóng -0
Góc thành phố Quảng Ngãi.

Theo sự tích dân gian, vào năm 1695 có một thiền sư (tên là Lê Duyệt) lên đỉnh núi dựng am thờ Phật. Ngài cho phát quang cánh rừng tìm chỗ đào giếng. Ngày qua ngày, thiền sư đào rất nhiều nơi nhưng không hề thấy nước. Đất núi xen lẫn đá son vừa cứng vừa dẻo quánh khó dò tìm nguồn nước. Thiền sư đành chỉ ăn nước trong hang cùng lá cây, củ rừng để tụng kinh niệm Phật. Có lần, ngài ngồi thiền suốt bảy ngày bảy đêm ngỡ như kiệt sức.

Một đêm nọ, ngài mơ thấy vị Bồ Tát xuất hiện chỉ cho chỗ có mạch nước trên núi. Sáng hôm sau, bỗng có một vị sư trẻ từ phương xa cũng lên núi tình nguyện cùng thày đào giếng. Hai người đào tới cả tháng trời vẫn chưa thấy nước. Dù đói ăn khát uống nhưng họ không nản vẫn tiếp tục đào. Rồi đến một hôm tia nước đầu tiên bật ra. Sau đó nguồn mạch nước đùn lên lênh láng. Quá sung sướng, thiền sư vội hứng nước uống thử. Không ngờ nước ngọt ngào và có mùi thơm của hoa cỏ nên ngài chắp tay khấn vái tạ ơn Bồ Tát.

Khi thiền sư quay lại thì nước đã dâng đầy mặt giếng và không thấy vị sư trẻ kia đâu nữa. Ngài cứ ngẩn ngơ đi tìm người quanh núi quanh rừng đã mấy ngày mà không thấy. Thiền sư chợt nghĩ, hay đó là người trời hạ giới xuống giúp nhà chùa. Trong dân gian đã kể lại: "Có thày đào nước trên non/ Đến khi có nước không còn tăm hơi". Mọi người đều gọi đó là giếng Phật. Từ đó chùa Thiên Ấn được hình thành ngày một mở rộng và linh thiêng khắp vùng đất Quảng.

Thiên Ấn vì có chất đất sét đỏ nên còn được gọi là Thổ Châu (núi đỏ). Ngay từ đầu, các nhà sư đã lấy đất hòa nước sông Trà làm son viết sớ và thảo văn tế. Học trò các đời sau cũng đều lấy đất khoáng ở núi mài mực viết chữ, đề thơ vẽ cảnh.Vậy mới có câu đối trong dân gian lưu truyền: "Son núi Ấn, mài hòn son Ấn, ấn tốt son tươi/ Nước sông Trà, pha nấu nước trà, trà thơm nước động".

Khi đứng trên núi Ấn, mọi người có thể nhìn hướng về phía biển và ngắm thành cổ Châu Sa, một di tích của người Chăm với những chiến tích huy hoàng một thời. Đây là một trung tâm kinh tế văn hóa của tiểu vương quốc Chăm Amaravati lớn nhất trong khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi vào năm 903. Thành cổ rộng hàng chục vạn mét vuông có hai vòm cung dẫn nội thành tới sông Trà Khúc. Tại đây được coi là bến cảng tấp nập bán buôn với các thương nhân nước ngoài. Kề bên gần Cửa Đại, nơi nước sông Trà chảy ra biển, còn có cảng Thu Xà của người Hoa cũng sầm uất một thời.

Thành cổ Châu Sa là trung tâm văn hóa, kinh tế Chăm và là điểm tựa cho người Việt di cư vào Quảng Ngãi làm ăn sau này. Đây là thành cổ duy nhất của người Chăm để lại dấu tích (còn khá nguyên vẹn) trên sông Trà Khúc mà không nơi nào có.

Sông Trà cuộn khúc     

Nhớ có thời cố thi sĩ Bích Khê (1916-1946) ở Thu Xà, Quảng Ngãi đã lên núi Ấn dựng chòi sinh sống và chữa bệnh. Nước giếng Phật đã làm giảm lui cơn đau ngực của nhà thơ. Bao đêm ông ngồi lắng nghe tiếng chuông chùa ngân nga lan tỏa khắp vùng quê. Trong lòng thi nhân luôn vang vọng nỗi sầu nhân thế qua những vần thơ: "Trà giang, Thiên Ấn chuông gầm sóng/ Vang tiếng ngàn năm đất Cẩm Thành/ Ngàn năm quả Ấn nằm trơ mốc/ Một dải sông Trà chảy sậm xanh…/ Nghìn dặm cố nhân đâu đó tá/ Cánh chim kêu lạnh đập trong cành" (Trên núi Ấn nhìn sông Trà).

Trà Giang, Thiên Ấn chuông gầm sóng -0
Thổ cẩm làng Teng (Quảng Ngãi).

Dòng sông Trà Khúc một thời gắn bó mật thiết với con thuyền của Bích Khê du ngoạn đó đây. Những chuyến đi của kẻ giang hồ bay bổng qua những vần thơ trĩu nặng tâm tư. Nhà thơ viết: "Nơi đây: làng cũ buồn thu quạnh/ Anh có khi nào trở lại chưa?/ Ngày đi chậm lắm. Dòng sông biếc/ Hừng sáng trong trời sợi sợi mưa" (Làng em). Còn nữa, trăng trên sông đã từng gieo sầu trong những vần thơ Cao Bá Quát khi ông qua đây. Ông vừa chơi đàn vừa hát lên tiếng lòng khi chia tay một người bạn cố tri: "Ở đời muốn gặp nhau chẳng dễ/ Uống cùng trăng, ta sẵn rượu thơm/ Sông Trà trong vắt như gương/ Gương trăng đáy nước vấn vương với người" (Trăng sông Trà - theo bản dịch Vũ Bình Lục).

Sông Trà Khúc dài chừng 140 cây số chảy từ thượng nguồn núi Đăk Tơ Ron (cao 2350 mét- thuộc Kon Tum). Đồng thời lại được hợp lưu từ bốn con sông khác nên dòng nước Trà Khúc hay gây lũ lụt vào mùa mưa. Con sông chảy qua thành phố Quảng Ngãi rộng mênh mông. Người dân tộc Chăm đặt tên "sông Trà" theo danh xưng của dòng họ Trà làm vua ở xứ này, đóng đô ở Trà Kiệu. Diện tích sông cùng với các nhánh phụ lên tới 3240 km2 nên khối lượng nước khá lớn. Vùng hạ lưu sông  trước khi chảy ra biển còn lưu dấu một di sản thành Chăm khác trên núi Phú Thọ. Đây coi là thành gác biên cương nơi sóng gió biển Đông. Thời gian sau trụ sở này cũng trở thành căn cứ của quân nhà Nguyễn trong quá trình mở rộng bờ cõi về phía Nam.

Nếu trên núi Ấn có di tích văn hóa với ngôi mộ của chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947); thì bên sông Trà Khúc cũng có đền thờ anh hùng dân tộc "Bình Tây Đại Nguyên Soái" Trương Định (1820-1864). Đây là hai danh nhân nổi tiếng có công với sự nghiệp cách mạng chống giặc Pháp xâm lược và giải phóng dân tộc. Danh nhân Huỳnh Thúc Kháng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia Chính phủ với chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ (1945). Sau đó ông còn được cử làm Quyền Chủ tịch nước Việt Nam (từ 31-5 đến 21-9-1946) khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp đàm phán. Cuối năm 1946, Huỳnh Thúc Kháng là đặc phái viên của Chính phủ vào làm việc tại cơ quan Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Trung Bộ đóng tại Quảng Ngãi. Năm sau (4-1947) ông mất vì bị bệnh nặng và được chôn cất trên núi Thiên Ấn.

Đền thờ anh hùng Trương Định bên sông Trà được dựng tại Bình Sơn quê hương ông. Danh tướng Trương Định là võ quan triều Nguyễn nhưng đã đứng lên tập hợp nghĩa quân chống giặc Pháp. Ông trở thành "Bình Tây Đại Nguyên Soái" do dân của ba tỉnh miền Đông bầu làm thủ lĩnh. Cuộc chiến đấu của nghĩa quân kéo dài 5 năm với nhiều chiến công tiêu diệt binh tướng giặc Pháp.

Không ngờ trong lực lượng có nội gián nên tướng Trương Định bị giặc Pháp bao vây. Ông chiến đấu chống trả quyết liệt nhưng bất ngờ bị trúng đạn trọng thương. Biết mình không thể sống, ông đã rút gươm tự sát không để cho địch bắt. Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã làm 12 bài thơ ca ngợi anh hùng Trương Định. Trong đó có bài văn tế điếu ông: "… Ngọn cờ ứng nghĩa trời chưa bẻ/ Cái ấn Bình Tây đất vội chôn/ Nỡ khiến anh hùng rơi giọt lụy/ Lâm dâm ba chữ điếu linh hồn".

Bến tình

Dòng sông Trà Khúc luôn vang vọng những câu hò điệu lý của nam thanh nữ tú đi dự lễ hội hàng năm. Câu hò quen thuộc với mọi người dân xứ Quảng luôn ngân nga: "Bao giờ Thiên Ấn hết tranh/ Sông Trà hết nước anh đành xa em". Đặc biệt những câu hát bài chòi có những ví von liên tưởng rất sống động về non sông gấm vóc quê nhà. Dòng sông Trà luôn huyền ảo khi hoàng hôn buông xuống hoặc những đêm trăng lững lờ trên núi Ấn. Sinh thời thi sĩ Bích Khê đã miêu tả: "Say khướt hơi thu. Trong nắng dịu/ Chiều tà, lá rụng bến sông yêu/ Mơ màng thấy dạng người nhi nữ/ Buồn mác bên hoa lệ nhỏ đều" (Thu).

Vương Tâm
.
.