Lửa thắp sáng núi Hồng

Thứ Sáu, 17/12/2021, 09:26

Đấy không phải ngọn lửa hào hùng sục sôi khí thế cách mạng của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh những năm tiền khởi nghĩa, một trong những “phát súng” đầu tiên mở màn cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công. Mà đây là ngọn lửa nhân sinh, hào sảng và nhân văn của những bễ rèn từ hàng trăm năm nay của dân làng Trung Lương, dưới chân núi Hồng Lĩnh.

Một thời chưa xa, Trung Lương còn ở cấp làng xã. Nhưng nay thì Trung Lương đã “lên đời” từ làng trở thành phường. Cái phường rèn nổi tiếng cả thế kỷ qua khắp trong Nam ngoài Bắc ấy thuộc Hồng Lĩnh, chốn quê nhà Hà Tĩnh mến yêu!

Bất động trước án tiền ngôi đền Rú Tiên thờ đức Tổ nghề rèn làng Trung Lương hướng cái nhìn vào những vòng khói hương sương khói đang thi nhau quẩn từng vòng trắng đục bảng lảng mờ nhân ảnh, ông Bùi Văn Lâm bỗng xúc động mở lời: “Nghề rèn của phường Trung Lương tôi được hình thành, phát triển từ cái ngày thuộc đời xửa đời xưa. Ấy thế nhưng, đức Tổ nghề khai sinh ra cái bễ rèn đầu tiên của làng vào ngày tháng năm nảo năm nào thì cho đến nay chả tường tận một cách rành mạch cụ thể cả đâu!”.

Lửa thắp sáng núi Hồng -0
Đền Rú Tiên nơi thờ đức tổ nghề rèn Trung Lương.

Ông Lâm bồi hồi nhớ lại: Rằng thì, lúc còn là cái anh chàng “bé như mắt muỗi” cởi truồng tắm sông, mình đã được nghe cha kể về “cái tích” ra đời nghề rèn của làng. Mà thật ra, cha ông cũng lại chỉ nghe các bậc sinh thành kể lại bên cánh võng tuổi thơ và cạnh bễ rèn rực lửa quanh năm rộn ràng những âm thanh cục cà…cục cạc của đe và búa cùng ánh lửa than reo vui chan hòa sức sống mà thôi.

Chuyện rằng: Nghề rèn của làng Trung Lương xuất hiện từ sớm lắm, thấy bảo ngay từ triều đại nhà Lý, lúc mà đức thủy Tổ cùng các bậc tiên hiền tiên liệt mới khai sơn phá thạch lập nên làng cơ đấy. Ấy thế nhưng, ông Lâm lại được cha mình kể lại thế này: ông Tổ nghề rèn Trung Lương có cái tên thật giản dị và thô mộc: Đùng!

Ông Đùng sống trên ngọn núi Hồng Lĩnh uy nghiêm hùng vĩ. Năm ấy, đâu như vào thế kỷ thứ 13 (?!) thấy dân trong làng không hề có bất cứ thứ dụng cụ nào để sản xuất cho nên ngài mới thương tình tự tay bới đất lấy sắt. Rồi thì ông Đùng lấy cây rừng đốt thành than tạo bễ rèn các dụng cụ lao động phát cho mọi nhà.

Muốn dân làng có nghề có nghiệp mà tạo kế sinh nhai lâu bền về sau, ông Đùng đã hoan hỉ truyền nghề cho dân trong vùng. Những người học được nghề đầu tiên đã lập nên làng rèn Trung Lương. Về sau, dân làng nhớ công đức của ông Đùng đã đúc tượng lập đền thờ tại Rú Tiên.

Đền ấy được gọi là đền thờ ông Thánh Thợ. Theo di lệ kế thừa truyền thống, vào ngày mồng 7 tháng giêng âm lịch hàng năm, nhân dân trong làng lại thành kính tổ chức linh đình lễ tế đức Tổ thánh thợ rèn để tri ân công cao đức dày của ngài.

Ông Lâm bảo: Mình còn được nghe những thế hệ đi trước truyền lại một câu chuyện khác về sự ra đời của làng rèn Trung Lương. Đầu đuôi thế này, ngày xửa ngày xưa, có hai anh em người họ Trương quê hương bản quán ở đâu chả ai tỏ tường, bỗng một ngày nọ, họ đến Trung Lương xin khởi nghiệp bằng nghề rèn.

Không lâu sau đó, người anh ở lại truyền nghề cho dân làng Trung Lương. Trong khi đó người em mang theo đồ nghề mà xuôi Nam vào cố đô Huế lập nên làng rèn Hiền Lương. Khi đã có nghề để mưu sinh dài lâu, để đền đáp công ơn của người đã cho mình “cái cần câu” mà câu con cá, dân làng Trung Lương đã tôn anh em họ Trương là tổ nghề rèn.

Rồi thì người làng Trung Lương cùng nhau công đức cúng tiến tiền bạc công sức xây ngôi đền Rú Tiên, vào năm 1880. Tại đền Rú Tiên hiện còn đôi câu đối nhắc đến công anh em người họ Trương. Vì không ai biết tên tuổi của anh em họ Trương kia nên tên làng rèn Trung Lương và tên làng rèn Hiền Lương của đất Huế được ghép đôi. Cái tên “Trung -  Hiền” thành tên hai anh em người họ Trương. Câu đối ấy như sau: “Trung Hiền tịnh tiến tương tiên hậu/ Lương thiện thành phong tự cổ kim”. Tạm dịch là: “Trước sau Trung Hiền đều sánh bước/ Xưa nay lương thiện đã thành lề”.

Lửa thắp sáng núi Hồng -0
Ông Lê Đức Cẩn, một thợ cả tay nghề cao của làng rèn Trung Lương.

Dẫu là người rất khiêm cung, kín đáo, nhưng trong một giây khắc nọ, ông Bùi Văn Lâm vẫn không giấu được niềm tự hào khi kể: Vào cái thời “cổ tích” chưa xa ấy, dân làng Trung Lương không chỉ sản xuất mỗi món nông cụ để phục vụ đời sống lao động thường nhật. Mà khi đất nước có binh biến người Trung Lương còn sẵn sàng mang tài năng của mình ra phò nước, cứu dân.

Thời Cần Vương, thầy trò cố Đường đã tình nguyện đem lò bễ của mình lên đại ngàn rèn đao, kiếm cho nghĩa quân Phan Đình Phùng. Mà nghe đâu, cũng nhờ có những bễ rèn của người Trung Lương mà cố Đường đã cùng với ông Cao Thắng chế tạo thành công những khẩu súng đầu tiên.

Nào đâu chỉ có thế, trong giai đoạn “Chín năm làm một Điện Biên. Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”, những người thợ rèn Trung Lương đã tự nguyện rèn hàng vạn mã tấu, dao, kiếm, và hàng ngàn khẩu súng kíp... phục vụ công cuộc kháng chiến của dân tộc. Những vũ khí thô sơ mà thợ rèn Trung Lương làm ra bằng cả tấm lòng sâu nặng dành cho cuộc ái quốc vĩ đại của dân tộc đã góp phần tạo nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

*

Cũng bởi kế mưu sinh mà “đánh bạn” với cây kìm cái búa, cái đe từ cái thuở “chưa nứt mắt” nay đã ngót 40 năm trời, ông Lê Đức Cần chia sẻ: Ở đâu thì chả biết, nhưng với người Trung Lương, nghề rèn đều mang tính chất cha truyền con nối. Việc ấy đã thành truyền thống từ mấy trăm năm nay rồi chứ chả thể nói là mới mẻ gì.

Cũng vì đó và phần cũng do cái sự phân công lao động không thành văn nên ở Trung Lương đã mặc định điều này: Nhà nọ làm dao thì nhà kia “chuyên món” liềm, cuốc. Thành ra mỗi hộ gia đình đều có bí quyết truyền nghề riêng để đảm bảo sinh kế bền vững của mình.

Tâm sự về cái nghiệp đe búa, ông Cần chân thành trải lòng: Để có thể “ăn nên làm ra” với nghề rèn là một việc rất khó. Nhưng không phải không thể được “đồng ra đồng vào” nhờ nghề. Bằng chứng cụ thể là, trải qua hàng trăm năm có lẻ, dẫu có lúc thăng khi trầm; khi thịnh khi suy, nhưng chưa bao giờ các bễ rèn của Trung Lương nguội tắt cả. Nghề vẫn cứ tồn tại, phát triển một cách căn cơ.

Người Trung Lương làm được điều đó với một bí quyết thật giản dị: lấy chất lượng sản phẩm làm chữ TÍN, thế thôi! Dĩ nhiên là bao thế hệ những người thợ rèn làng Trung Lương đã phải đổ mồ hôi nước mắt và thậm chí là cả máu cho việc rèn giũa tay nghề mới có được “thương hiệu” của riêng mình.

*

Khó khăn lắm mới có được những giây phút ngơi chân ngơi tay khỏi cây đe cây búa, bên ấm tích trà nóng đặc trưng xứ Nghệ, người thợ cả vào hàng “cao thủ” của đất Trung Lương, Bùi Văn Lâm thủ thỉ tâm tình: Để giữ được lửa nghề ngày một bền chặt keo sơn, quanh năm suốt tháng, cứ y như cái việc “sao y bản chính”, sáng nào vợ chồng ông cũng thức dậy từ lúc bốn giờ sáng cơ đấy.

Ấy thế mà, theo nghiệp tổ quá nửa đời người chuyên sản xuất các loại dao mỏng để mưu sinh, nhưng chưa khi nào ông Lâm có cảm giác chán nghề.

“Làm nghề rèn vất vả chết đi được anh ạ! - Ông Lâm bộc bạch tự đáy lòng - Nếu không có sức khỏe dẻo dai và con mắt tinh tường cùng tay nghề thật chắc thì chả thể “phải lòng” nghề được đâu. Sức nóng của lửa than. Bụi bặm và khí độc của than đá dễ khiến người ta nản lòng lắm!”.

Nhấp ngụm trà nóng ngọt chát nơi đầu lưỡi, ông Bùi Văn Lâm tiếp tục tục lời gan ruột. “Dù vậy, người khác thì chả biết thế nào. Nhưng với riêng tôi, chỉ khi nào sức cùng lực kiệt may ra mới có thể giã từ cây búa cái đe và ngọn lửa rèn được. Nghề rèn của Trung Lương là một phần hồn của di sản văn hóa làng nghề Hà Tĩnh quê tôi cả đấy. Ấy là tôi cứ nghĩ như vậy anh ạ!”.

Ôi, thì ra ĐẤT và NGƯỜI làng rèn Trung Lương là vậy. Đấy là ĐẤT cách mạng kiên trung sắt son. Con NGƯỜI nơi ấy tay búa tay kìm mà mềm mại bút hoa. Và cho dù vật có đổi, sao có dời thì trước sau, họ vẫn cứ một lòng nhất tâm chung thủy với di sản văn hóa của cha ông để lại. Đó chính là tâm hồn, nhân cách văn hóa của những người thợ rèn làng Trung Lương, ấy thế!

Công Hội
.
.