“Thồ tình yêu đến những cuộc chợ phiên''

Thứ Sáu, 05/01/2024, 18:04

PGS.TS Lê Thị Bích Hồng là sự hợp huyết giữa hai vùng văn hóa: Cố đô Huế - quê cha, Kinh Bắc - quê mẹ. Vốn là học sinh giỏi văn, chị có mặt trong đội tuyển thi học sinh giỏi toàn quốc; từng đảm nhiệm trọng trách Phó Vụ trưởng Vụ Văn hoá - Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) và hiện là giảng viên cao cấp Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.

1. PGS.TS Lê Thị Bích Hồng là sự hợp huyết giữa hai vùng văn hóa: Cố đô Huế - quê cha, Kinh Bắc - quê mẹ. Vốn là học sinh giỏi văn, chị có mặt trong đội tuyển thi học sinh giỏi toàn quốc; từng đảm nhiệm trọng trách Phó Vụ trưởng Vụ Văn hoá - Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) và hiện là giảng viên cao cấp Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.

Say mê văn chương, sự nghiệp quản lý, giáo dục của chị đồng hành với sáng tác và nghiên cứu. Văn xuôi chị được ghi nhận ở lời văn mềm mại, giàu chất thơ, đoạt nhiều giải thưởng của Hội chuyên ngành Trung ương. Từ quan niệm “Viết văn là để tri ân cuộc đời”, chị đã xuất bản 12 tập tiểu luận - phê bình với sự cảm nhận của một cây bút nữ sắc sảo. Tập mới nhất “Thồ tình yêu đến cuộc chợ phiên” do NXB Hội Nhà văn ấn hành, quý IV năm 2023 thể hiện rõ điều đó. Tác phẩm gồm 248 trang khổ 20,5 x 14,5cm với 18 bài viết công phu, tâm huyết.

“Thồ tình yêu đến những cuộc chợ phiên'' -1
Nhà văn Lê Thị Bích Hồng.

2. Nhan đề sách thu hút người đọc bởi sự lạ lẫm, độc đáo. Nói tình yêu là nói đến trạng thái tâm lý yêu thích, thương nhớ, muốn gắn kết với ai đó. Tình yêu vốn là khái niệm trừu tượng, không cân đong đo đếm được. Còn “thồ” lại là sự chuyên chở một hay nhiều vật thể bằng ngựa, xe hay các phương tiện khác.

Chợ phiên là nơi mua - bán đồ dùng thiết yếu, nông sản tự nuôi trồng của đồng bào dân tộc; nơi giao lưu, hội tụ sinh hoạt văn hóa “thấm đẫm chất thơ, nồng nàn chất tình” (trang 62). Chợ phiên có sức cuốn hút lạ kỳ với người già, người trẻ và du khách. Có nhà văn gọi đó là “những phiên chợ của niềm vui và nỗi nhớ” (Hoàng Hà Mai). Bích Hồng đã cụ thể hóa cái vô hình thành hữu hình, vận dụng khéo nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, nhờ đó tên của tập sách đậm chất thơ. Phải chăng nhà văn muốn “thồ tình yêu” sâu nặng của mình với đất và người các dân tộc thiểu số đến với “cuộc chợ phiên” đông đảo bạn đọc?

3. Cuốn sách gồm hai mảng lớn, ý nghĩa riêng nhưng có quan hệ biện chứng.

Phần I Ngọn đuốc soi đường: trình bày cơ sở lý luận có ý nghĩa nền tảng cho tác phẩm, thiên về lý thuyết. Qua mỗi bài, nhà văn phân tích rõ quan điểm mang tính nguyên tắc của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhận định: “Nhờ chính sách đầu tư khuyến khích cho phát triển VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam của Đảng, Nhà nước, VHNT các dân tộc thiểu số đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng… phát triển toàn diện cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu loại hình...” (trang 29, 30).

Chú ý về diện, nhà văn còn đi sâu vào điểm qua bài “Bản sắc văn hóa Tày nhìn từ sáng tác văn học song ngữ”. Tiểu luận đã khảo sát các sáng tác bằng tiếng Tày (Thổ) và tiếng Việt của các nhà thơ dân tộc tiêu biểu. Từ đó phát hiện: “Một điều dễ nhận thấy mẫu số chung trong những sáng tác của các nhà văn dân tộc Tày là sự vịn bám vào cuộc sống muôn màu của dân tộc mình, nhưng họ đã tìm được lối đi riêng, làm nên một phong cách riêng không nhòe lẫn” (trang 35).

Bài viết còn cung cấp những thông tin đối sánh, rất tiện ích cho bạn đọc tra cứu và nêu lên “những niềm mong” chân thành: “Các cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách nâng cao dân trí để đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện quyền dùng tiếng nói, chữ viết giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình”. (trang 52)

“Thồ tình yêu đến những cuộc chợ phiên'' -0
Bìa sách “Thồ tình yêu đến những cuộc chợ phiên”.

Phần II - Tác giả và tác phẩm với 14 bài viết nghiên cứu các tác giả và sáng tác mang tính thực tiễn, thể hiện rõ chính kiến và cái nhìn công tâm. Đây là phần có giá trị lớn nhất với nhiều thông tin tư liệu xác thực, bổ ích. Nhà văn thoải mái bộc lộ ý kiến cùng cảm xúc của mình với những văn nghệ sĩ mà chị yêu mến. “Mình về mình có nhớ ta” (trang 57) là những dòng văn lai láng cảm xúc, người viết tâm tình căn nguyên mình yêu thích văn hóa, văn học dân tộc thiểu số.

Bài “Người cao hơn núi...” (trang 68), dành nhiều tình cảm với lãnh tụ Hồ Chí Minh và Di chúc thiêng liêng: “Di chúc ngắn gọn thể hiện đầy đủ tầm vóc, trí tuệ, phẩm chất của một vị lãnh tụ có tấm lòng bao dung nhân ái”. Viết về Bác Hồ, các văn nghệ sĩ luôn tràn trào cảm xúc tri ân. Tố Hữu với “Bác ơi”, Hải Như với “Chúng cháu canh giấc Bác ngủ Bác Hồ ơi”...

Đặc biệt trường ca “Pắc Bó có Cúng Hồ” của nhà thơ Y Phương vô cùng xúc động bởi không chỉ con người mà cả thiên nhiên cũng tiếc thương Bác “Suối Lê nin òa lên nức nở” (trang 76). Tiếp nhận tác phẩm, rất thú vị khi đọc bài viết về chủ đề tình yêu trong thơ Y Phương, có những trang viết cảm xúc đạt tới độ thăng hoa: “Tình yêu nâng cánh bay”. “Thơ tình yêu là máu thịt làm nên văn nghiệp của ông, cho dù ông đã bước vào ngưỡng tuổi xưa nay hiếm. Tập “Vũ khúc Tày” gồm 100% bài thơ tình yêu, tình yêu không tuổi ngàn đời vẫn xanh... Thơ có thanh âm trong trẻo của giọt đàn, của vũ điệu nàng Hai, của câu hát Hà Lều rất ngọt” (trang 82). Nét nổi bật trong thơ Y Phương là tôn vinh phụ nữ và cái đẹp, cây bút rất có ý thức trách nhiệm với nghề: “Anh quyết khai tử những xác chết của chữ nghĩa, bỏ đi những bản nháp không thương tiếc bởi những non bấy, nhạt nhòa” (trang 97).

Là một cán bộ dày công nghiên cứu văn hóa vùng cao, Bích Hồng dành tình cảm nồng nhiệt với những bản nhạc phim hay. Bài “Nguyễn Văn Thương và nhạc phim "Vợ chồng A Phủ"” (trang 99) cho thấy chị không chỉ có kiến thức sâu rộng về văn chương mà còn am tường về âm nhạc và điện ảnh. Với “Bài ca trên núi”, nhạc phẩm đã thổi hồn, góp phần quan trọng làm nên giá trị kinh điển của bộ phim. Nguyên nhân thành công bởi: “Tác giả xử lý rất tài tình chất liệu dân ca Mông, nói lên khát vọng trái tim của đôi trai gái yêu nhau”.

Tiểu luận “Nông Viết Toại sáng tạo văn chương bằng tiếng Tày” (trang108) ghi nhận nhà thơ mang đến văn đàn Việt một tiếng thơ hồn nhiên, trong trẻo, đậm đà bản sắc dân tộc đã cùng các nhà văn: Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Nông Minh Châu… góp từng dòng suối trong trẻo của riêng mình hòa vào dòng đại trường giang văn đàn Việt.

Bên cạnh đó, điểm nhấn của tập sách là bài “Chuyện tình Khau Vai” từ sân khấu đên tiểu thuyết” (trang 123). Tiểu luận nghiên cứu khá kỹ các sáng tác của nhà văn PGS. TS. Nguyễn Thế Kỷ qua hàng loạt vở kịch: “Chuyện tình Khau Vai” (2013), “Mai Hắc Đế” (2015), “Hừng Đông” (2016), “Hoa lửa Truông Bồn” (2018), “Huyền thoại Gò Rồng Ấp” (2019), “Ngàn năm mây trắng” (2019) làm sôi động sân khấu Việt từ 2013 đến nay. Bích Hồng có nhận xét qua những câu văn hình ảnh rất tươi mới: “Tôi có cảm nhận nguồn văn chương trong anh đã ủ lửa từ lâu, chỉ chờ thời gian là phun trào nham thạch” (trang126).

Tập tiểu luận còn nhiều bài viết khác: Bế Thành Long qua “Ngủ đi nhẹ cánh cò bay” (trang 139) tái hiện chân dung nhà thơ quê Cao Bằng. Bài “NSND Dương Liễu: Thanh âm mãi ngân vọng” khẳng định giọng ca trong trẻo miền sơn cước sẽ sống mãi (trang 149). “Cô gái Tày của miền Phịa Bjooc” (trang 157) làm rõ chất văn dịu dàng đằm thắm của nữ nhà văn Bùi Thị Như Lan. “Nàng mê đắm trong bức tranh hoa cỏ” viết về Phạm Thị Phương Thảo (trang 170) với hàng loạt tác phẩm thơ giàu cảm xúc về thiên nhiên và các cháu thiếu nhi, “Hà Lệ Diễm đồng hành với “Những đứa trẻ trong sương” (trang 184) giới thiệu, khẳng định giá trị của bộ phim tài liệu của cô gái Tày rất trẻ, đoạt giải đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế tổ chức cuối tháng 11/2023. Điều đó cho thấy Bích Hồng có con mắt tinh tường, dự cảm đúng tài năng Hà Lệ Diễm.

Bên cạnh đó là những bài viết về nhà văn PGS TS. Nguyễn Ngọc Thiện, nhà thơ Cao Trần Nguyên (Quảng Ninh) (trang 2004), nhà văn Nông Thị Ngọc Hòa (trang 222). Tuy nhiên, người đọc nhận thấy ấn phẩm mới nghiên cứu, đánh giá về tác giả, tác phẩm vùng núi phía Bắc, chưa có bài viết, nhận xét nào về văn học dân tộc thiểu số khu vực miền Trung hay miền Nam.

Với những ưu điểm nổi bật, “Thồ tình yêu đến cuộc chợ phiên” vẫn là sự hội tụ tâm và tầm của một cây bút phê bình giàu bản lĩnh, tác giả gửi gắm nhiều tâm huyết, cùng sự đánh giá khách quan. Tập sách cho thấy Lê Thị Bích Hồng đã thể hiện một phong cách riêng rõ nét trong phê bình, nghiên cứu văn học, chính vì thế, tác phẩm vừa được trao Giải B Giải thưởng Văn học Nghệ thuật năm 2023 của Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam trao cuối tháng 12 năm 2023 vừa qua.

Nguyễn Thị Thiện
.
.