Nhặt tình trong “Tiếng chim xanh biếc”

Thứ Năm, 28/12/2023, 22:48

Nguyễn Nho Khiêm là thế hệ đàn anh mà tôi trọng, cả đường thơ lẫn đường đời. Ở Đà Nẵng, thi thoảng, tôi may mắn được hầu chuyện với các nhà thơ đàn anh quý mến như Nguyễn Ngọc Hạnh, Nguyễn Kim Huy, Trần Tuấn, Huỳnh Lê Nhật Tấn… và mới đây nhất là được ngồi với nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm đầy lý thú.

z5011009410311_14d2817fc1289cf252adf7b80f2d2b81.jpg -0
Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm.

Lê la cà phê vỉa hè, tôi được anh đề tặng thi tập “Tiếng chim xanh biếc” vừa “ra lò” rồi chia sẻ kinh nghiệm từ những người đi trước truyền lại rằng: thơ, ngoài tính xuất thần thì cần phải lao động mỗi ngày, viết với tâm thế hồn nhiên khi cảm xúc ngân lên chứ đừng gồng gánh một tham vọng hay sứ mệnh nào đó.

Tôi lắng nghe và ghi nhớ, rồi cũng trộm nghĩ: những bài thơ hay sẽ đến bất chợt như tiếng hót của chim trời ẩn tàng trong tán xanh cổ thụ, do người đọc bình chọn chứ không phải thi sĩ tự quyết được. Ở khía cạnh nào đó, tôi nhìn thấy thơ Nguyễn Nho Khiêm có sự trong trẻo, hồn nhiên như tiếng chim xanh biếc vậy.

Bây giờ là thời của mạng xã hội lên ngôi và thơ không thể đứng ngoài. Có lẽ, nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm biết rõ điều này nên anh sử dụng Facebook nhuần nhuyễn, là một phương tiện đắc lực để thơ tiếp cận được người đọc bằng con đường ngắn nhất, nhanh nhất, hữu ích và tối ưu nhất. Hẳn những ai theo dõi Nguyễn Nho Khiêm trên Facebook đều nhận thấy anh cần cù sáng tạo với cánh đồng thơ. Cứ như miền đất, miền người nào mà anh hữu duyên dừng chân, gặp gỡ đều có thể xúc tác để gọi thơ về.

Phải chăng chất tình hào sảng của đồng quê xứ Quảng đậm đặc trong anh, đặc biệt là với tri âm văn chương, nên Nguyễn Nho Khiêm công khai dành tặng 1.000 bản thể thơ “Tiếng chim xanh biếc” cho bạn bè trên Facebook. Tôi ấn tượng với hành động này. Lại nữa, chỉ mới lướt xem bên ngoài thi tập, tôi đã bị những câu thơ của anh quyến dụ:

Một trăm con mắt trong tôi
Nhìn hoa thấy quả và chồi xưa sau
Nhìn mây - biển hoá bể dâu
Thấy khung cửi dệt vết đau nhân tình

Tôi là người tập toẹ với thơ tình, đồ rằng trong “Tiếng chim xanh biếc” sẽ ăm ắp tình. Bằng sự kính quý của mình, tôi mạo muội sẽ mót nhặt cái tình ẩn ức thi vị của một người thơ lão luyện Nguyễn Nho Khiêm để tỏ bày cùng bạn đọc - những người yêu thơ rất đáng trân trọng giữa hối hả xô bồ này.

Cái sự đọc của tôi hơi ngược đời một chút, đó là đọc từ bìa cuối vào nội dung tập thơ, lật trúng bài nào đọc ngay bài đó. Chẳng biết kiểu đọc như vậy có ảnh hưởng gì không, bởi trong “Tiếng chim xanh biếc”, nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm đã kỳ công sắp xếp để chia thành 4 chủ đề rất có sức gợi: “Đêm Hội An”, “Khúc xuân phố biển”, “Biển xanh bóng núi”, “Chữ tri âm”.

Tuy nhiên, tôi vẫn đinh ninh rằng mỗi câu thơ đã là một chỉnh thể, nên có những câu thơ neo lại trong lòng người đọc qua nhiều thế hệ và định danh thi sĩ mà không cần biết nó thuộc bài thơ nào, tập thơ nào, thời đại nào...

Nối mạch thơ từ “Bên cửa sổ” (NXB Hội Nhà văn - 2022) đến thi tập “Tiếng chim xanh biếc”, Nguyễn Nho Khiêm tiếp tục trải tình lên lục bát. Theo cảm quan văn chương của mình, tôi cho rằng lục bát là một thể thơ khó. Khó vì gần như người Việt nào cũng biết, cũng thuộc ít nhất dăm câu Kiều; ai cũng “vần vè” làm được vài câu lục bát vì nó gụi gần như lời ru của bà của mẹ, như lời ăn tiếng nói hằng ngày. Bởi thế, để viết lục bát hay là rất khó! Nguyễn Nho Khiêm chắc chắn biết rõ điều này nhưng anh vẫn chọn dấn thân, chứng tỏ anh là người nghiêm túc trong sáng tác.

Lục bát của Nguyễn Nho Khiêm thường đi từ ngoại cảnh, lấy ngoại cảnh làm nền để nhịp nhàng chuyển ý thắm đượm nhân sinh. Cái tài tình của anh là chủ ý sắp đặt, chỉ để một vài câu thơ nào đó trong bài sáng bừng lên, ý thơ thẳm sâu khiến người đọc mải cảm thức mà chìm vào hun hút.

a.jpg -0
Bìa tập thơ “Tiếng chim xanh biếc” của nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm.

Chiều qua tắm biển trong mây
Hỏi ngàn năm trước vẫn bay miết trời?
Rằng bay là cuộc rong chơi
Khi tan thành nước là đời tái sinh

                                (Tắm biển)

Chở em qua mối tình đầu
Đường xưa duyên díu dan đau dốc dài

                                (Chở em qua núi)

Ngồi nghe sóng ngói mái nhà
Chép lời rêu rất thật thà: thương em

                                (Lời rêu)

Nghe người kể chuyện bể dâu
Tôi ngồi chép lại một câu thơ tình

                                (Mơ mộng Hội An)

Tức cảnh sinh tình, cái tình rút ruột dành cho thơ của Nguyễn Nho Khiêm luôn hồn nhiên mà dung dị, gụi gần như hơi thở. Cái tình trong thơ anh ngoài cảm xúc mãnh liệt là trạng thái tinh thần an nhiên ẩn tàng trong lớp chữ tinh tế, tươi mới và hướng tới tự do. Chỉ cần nhìn một bông hoa chúm chím, một cánh chim chao nghiêng, hay ai đó gọi tên địa danh thân thuộc, nhắc nhớ thi nhân… cũng khiến anh túy lúy tình.

Vậy nên nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh khẳng định: “Trong “Tiếng chim xanh biếc”, chúng ta gặp nhiều địa danh thân thiết mà anh đã đi qua, gợi lên bao cảm xúc trong cả tập thơ này. Tâm hồn nhà thơ gắn bó với từng vùng đất và tạo nên nhiều hình tượng nghệ thuật vượt ra ngoài tên đất, tên làng ấy. Có những địa danh được thi vị hóa, nhằm gửi gắm tình yêu, lưu giữ nhiều suy tưởng của nhà thơ, tạo nên mối giao cảm với tâm hồn người đọc”.

Hẳn vậy, thơ ca luôn có sự kết nối diệu kỳ của những tâm hồn đồng điệu với sự ngân rung từ con chữ. Nên, thơ ca có một năng lực siêu phàm là xóa bỏ mọi khoảng cách về không gian thời gian, bền bỉ chắt lọc và nâng niu vẻ đẹp tâm hồn. Bởi thế, từ trái tim sẽ đến được trái tim.

Phải là yêu từ trăm năm trước
Góc phố nào cũng cạn lòng say

                                (Say ở Hội An)

Tình như ủ dậy men trong lòng núi
Anh đi lên Hòa Bắc lại như về…

                                (Khúc Xuân Hòa Bắc)

Cuối đường mái ngói nằm mơ
Có đôi mắt phố khép hờ đợi ai

                                (Đêm Hội An)

Tôi nhớ đôi mắt em mở về phía tôi hôm ấy
Có bầu trời vĩnh viễn yêu thương

                                (Cửa sổ trời)

Cảm nhận của mỗi người đọc chắc chắn sẽ khác nhau, nên tôi chỉ trích dẫn những câu thơ nén tình tâm đắc khi lắng lòng nghe “Tiếng chim xanh biếc”, và sẽ không phân tích, đào xới những tầng nghĩa mang lớp lớp trầm tích trong đó. Tôi tin, người đọc sẽ đồng sáng tạo sau khi tác phẩm thành hình. Và biết đâu, mỗi người sẽ mở ra, nghe thấy những thanh âm khác ngoài “tiếng chim” mà ngay chính Nguyễn Nho Khiêm cũng sẽ ngạc nhiên khi soi lại bóng chữ của mình.

Có lẽ hữu duyên chăng, nên ý định ban đầu của tôi là chỉ ngẫu hứng mót nhặt nhưng lại may mắn thu về trĩu trịt tình. Thậm chí vượt lên cả tình là những chiêm nghiệm, đúc rút về vũ trụ, về nhân sinh chính từ sự trải từng thấm đẫm vị đời, thăng trầm sương gió cuộc người mà nên.

Thơ có thể khắc họa dung mạo thi nhân, tôi phần nào tin thế. Với Nguyễn Nho Khiêm, cả trong thơ lẫn ngoài đời, anh luôn đề cao các giá trị truyền thống về gia đình, xã hội, sự thuỷ chung… Đặc biệt, anh biết rõ ranh giới của những mối tình để vừa đủ gợi cảm hứng sáng tác, điều rất khó với những tâm hồn thở nhịp thi ca.

Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm sinh ngày 1/12/1963 tại thôn Bồng Lai (phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Anh nguyên là Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng trong suốt 10 năm (từ 2008 - 2018), là đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa VIII (2011 - 2016) và khóa IX (2016 - 2021). Hiện nay, nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm đang là Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật TP Đà Nẵng, Tổng biên tập Tạp chí Non nước.

Anh đã gặt hái được nhiều giải thưởng văn học, tiêu biểu như: giải A cuộc thi thơ Công đoàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng năm 1998; giải B cuộc thi thơ 2002 - 2003 của UBND TP Đà Nẵng; giải B của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật TP Đà Nẵng năm 2004; giải C tập thơ “Bên ngoài cánh đồng” của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam năm 2012; giải thưởng 5 năm Văn học - Nghệ thuật Đất Quảng của UBND tỉnh Quảng Nam lần thứ II (2009 -2013); giải thưởng 5 năm Văn học - Nghệ thuật TP Đà Nẵng lần thứ III (2010 – 2015)…

“Tiếng chim xanh biếc” là thi tập thứ 6 của nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, do NXB Hội Nhà văn cấp phép, vừa mới phát hành vào những ngày đầu tháng 10/2023. Năm tập thơ trước của anh gồm: "Khói tỏa về trời", "Bên ngoài cánh đồng", "Nắng trên đồi", "Bên cửa sổ", "Biến thể".

Lê Hải Kỳ
.
.