Thay đổi nhờ giãn cách

Thứ Sáu, 20/08/2021, 09:44

Biến chủng Delta đã kéo Mỹ và nhiều nước trên thế giới trở lại với cuộc chiến chống COVID-19, điều này dường như đã khiến con người phải thay đổi suy nghĩ của mình về đại dịch: thay vì đẩy lùi, dập tắt là giải pháp vaccine để giải thoát loại virus này khỏi nỗi lo âu hàng đầu của nhân loại.

Thật xúc động khi xem hình ảnh nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn biểu diễn tại bệnh viện dã chiến số 3 và số 6 ở thành phố Thủ Đức. Chắc hẳn sau khi được trở lại cuộc sống bình thường, hàng ngàn khán giả đặc biệt này sẽ vẫn yêu tiếng kèn của người nghệ sĩ tài hoa ấy. Người viết nhận ra chính bản thân mình cũng đã lâu lắm chưa được thưởng thức tiếng saxophone của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn. Mùa dịch, nhiều hoạt động phải gác lại, nhưng biết đâu nhờ thế, chúng ta thay đổi được những thói quen của mình, tìm lại được những giá trị tốt đẹp bị khuất lấp trong cuộc sống của mỗi người.

bộ trưởng đức từ chối bắt tay thủ tướng vì lo covid-19-nguồn ảnh báo tin tức. jpg.jpg -0
 Bộ trưởng Đức từ chối bắt tay Thủ tướng Đức vì lo COVID-19.

Mấy ngày trước theo dõi mạng xã hội facebook, tôi thấy gia đình một chị đồng hương tổ chức lễ thành hôn cho cậu con trai út. Cả đoàn đón dâu vừa đủ một chiếc ôtô 7 chỗ; một ngày đẹp trời, bên phía ngôi nhà đối diện với nhà tôi vừa hoàn thiện, gia đình đã dọn đến ở; cậu em họ gửi qua zalo cho tôi xem hình ảnh cậu ta nhận quyết định bổ nhiệm lên chức Trưởng phòng…

Tôi nhắn tin chúc mừng gia đình chị đồng hương và bảo chị cho xin số tài khoản để mừng hạnh phúc thằng cháu-thằng bé ngày nào còn tè ra áo tôi; tôi dặn vợ lát sang tặng nhà hàng xóm chiếc bình bày phòng khách. Tôi bấm điện thoại gọi shipper gửi mừng thằng em chai rượu quý… Tôi chỉ nghĩ đó là cách ứng xử hợp lý nhất trong hoàn cảnh này. Hẳn là, dù không nói ra nhưng cả đến những người thân của mình cũng ngại tiếp xúc, ngại tụ tập hoặc đang phải vất vả lo tiền bạc giữa mùa dịch này.

Mấy hôm sau chị đồng hương nhắn lại: “may quá, đợt cưới thằng cả, anh chú phải đi cấp cứu vì xuất huyết dạ dày, bạn bè quây kinh quá”. Đúng là anh chồng chị (và rất nhiều người đàn ông khác) thật may mắn né được trận rượu bất khả kháng là nhờ… COVID. Hôm rồi, anh hàng xóm đứng ở ban công bên kia tưới hoa nhân thể nói chuyện với tôi: “nói thật với anh, vợ chồng em dọn về nhà mới là cạn túi, chẳng mua sắm được gì nhiều, may là anh em mỗi người tặng một thứ bày nên nhà cửa đỡ trống trải”. Cậu em tôi nhắn tin: “không rửa ghế thì ngại bạn bè, mà làm rùm beng thì lại  ngại dư luận anh ạ”. Nói rồi, cậu ra rót một ly và nâng lên mời tôi theo kiểu “trực tuyến” khá hài hước… Trong những ngày giãn cách, cuộc sống vẫn đầy ắp những niềm vui và cũng nhẹ nhàng đi rất nhiều.

Tuy không ở vùng có dịch nhưng dạo này mấy đám hiếu ở khu vực chỗ tôi sống diễn ra lặng lẽ. Một tone đen hay một đóa sen trắng thay cho hình đại diện của ai đó trên mạng xã hội facebook nói với bạn bè rằng người đó vừa mất đi người thân. Từ xa, chúng ta gửi một lời chia buồn kính cẩn. Đành rằng, nếu có mặt của bạn bè, gia chủ sẽ thấy ấm lòng hơn nhưng chúng ta vẫn cảm nhận được sự chân thành của bạn bè. “Xa mặt” nhưng không hề “cách lòng”.

Khách quan mà nói, có những thói quen chỉ tạm thời chưa thể thực hiện nhưng cũng có thể vĩnh viễn phải từ bỏ một cách đáng tiếc. Bấy lâu nay chúng ta vẫn nói ở các làng lên phố, có thêm nhiều nhà cao, cửa rộng, tình làng, nghĩa xóm không còn gần gũi, gắn bó. Người già thấy buồn vì sự xuất hiện của siêu thị, của dịch vụ mua hàng online khiến họ mất niềm vui đi chợ để giao lưu, gặp gỡ.

Khi nhìn sang các nước phương Tây, chúng ta thấy những thói quen mang đậm bản sắc văn hóa đã tồn tại từ lâu đời như: nụ hôn má khi gặp nhau, hay thói quen ban bánh thánh vào miệng những tín đồ Công giáo, và tụ tập nơi đông người… đã được họ cương quyết từ bỏ. Ngày 02/03/2021, Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer đã từ chối bắt tay Thủ tướng Angela Merkel. Hay, ở New Zealand, một số trường tạm thời bỏ kiểu chào “hongi” (người chạm trán và mũi vào nhau)-một kiểu chào truyền thống của người Maori (theo Thông Tấn Xã Việt Nam). Đó là những điều thật đáng tiếc, chắc hẳn chúng ta sẽ còn lưu giữ trong kí ức và không phải vì thế mà giảm đi những tình cảm tốt đẹp.

cần thay đổi để không còn những cảnh chen chúc trong lễ hội-nguồn ảnh báo danviet.jpg -0
Cần thay đổi để không còn những cảnh chen chúc trong lễ hội. 

Nhưng sự thay đổi đến từ đại dịch COVID-19 cũng có một khía cạnh tích cực. Dư luận đã từng nói nhiều đến vấn nạn lãng phí, chạy theo mê tín, dị đoan, chuộng hình thức của các đám cưới, đám hiếu, giải hạn, tân gia, lễ tết… nhưng để mạnh dạn thay đổi thì lại rất khó khăn. Đây đó mới có một vài khu vực dân cư đề ra được quy định không phát loa với công suất quá lớn trong đám tang, lên án những lễ giải hạn tràn cả ra đường giao thông hay sự lố bịch, kệch cỡm mà các MC tự phong bày đặt ra các tiết mục trong các đám cưới hỏi.

Tại sao tất cả các hiện tượng nêu trên đều là sự biến tướng từ truyền thống văn hóa tốt đẹp ấy lại không được thanh lọc, bị tẩy chay? có lẽ rào cản lớn nhất là những cái “lệ” ấy đã trở thành đại trà, được số đông tin dùng. Người Việt vốn sống trọng tình, nể nang nên thật khó để một ai dũng cảm khởi xướng từ bỏ. Còn nhớ, sau khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP được ban hành (30/12/2020), nhiều người điều khiển phương tiện giao thông đã thở phào vì bấy lâu thật khó để từ chối một cốc bia, chén rượu. Vậy, đằng sau những sự thay đổi ấy nói với chúng ta điều gì?

1. Sau khoảng thời gian giãn cách, nhiều người cảm thấy có những sự thiếu vắng đã không còn quan trọng trong cuộc sống nữa. Dù không được bắt tay, ôm hôn, nâng ly chúc phúc, ngiêng mình tiễn biệt người đã khuất… thì những giá trị tốt đẹp cũng không hề mất đi. Lâu nay, sự chen chúc trong ngày ban ấn, đội lễ mặn ở các lễ hội, hay việc đốt vàng mã tiền tỉ ngày hăm ba tháng Chạp… đâu có thể thay thế cho lòng thành dù chỉ một cái chắp tay hướng Phật hay lễ mọn tâm lành kính cẩn trước tổ tiên… Sự thay đổi ngoài ý muốn của đại dịch đã vô tình loại bỏ nhiều nghi thức phù phiếm, bát nháo ấy. Khi chúng ta cùng bình đẳng ở nhiều điểm xuất phát, nhiều sự ganh đua kiểu “kém miếng khó chịu” mang tính bầy đàn đã không còn “đất” để tồn tại.

2. Sự xuất hiện của đại dịch là lời cảnh tỉnh với chúng ta về những giá trị sống. Khi công việc ít nhiều bị ảnh hưởng, thu nhập giảm sút bạn sẽ phải đặt lên bàn cân những khoản chi tiêu để tìm ra những lý do thiết thực. Những thói quen lãng phí trong tiêu dùng, ăn uống, xu thế “nghèo sang chảnh” ở giới trẻ, lối sống vô trách nhiệm với gia đình… bị loại bỏ bởi một thứ “kỉ luật sắt” mang tên COVID. Cũng với quan điểm này, tác giả Minh Tâm nhận định: “Nhưng dịch COVID-19 đã hạn chế gần như tối đa số người tụ tập, kể cả đi bar, hát karaoke… Việc “lập hội” tán dóc với nhau của các “hội bà tám” cũng giảm hẳn. Trong việc ăn uống, thói quen uống chung nhau ly bia, ly rượu, gắp thức ăn cho nhau, chấm chung chén chấm, uống xong thì bắt tay nhau… giờ cũng vắng hẳn, từ đây có thể tập dần một thói quen mới lịch sự hơn, vệ sinh hơn” (theo Trang tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh).

3. Văn hóa -với nội hàm rộng lớn của nó-là những giá trị được thử thách qua chặng đường dài sau những biến cố lịch sử. Những sở thích, khát vọng cũng cần được thử thách như thế để giúp chúng ta có được câu trả lời: hoặc hoàn cảnh sống không cho phép, hoặc nhận thấy không còn cần thiết. Vế thứ hai của câu trả lời từ thực tiễn ấy chính là đáp án hợp lý nhất cho những thắc mắc của chúng ta bấy lâu nay: đâu là giá trị, đâu chỉ là thói quen?

Đại dịch COVID - 19 tạo ra những đợt giãn cách xã hội, những khoảng lặng để sống chậm, nghĩ sâu để từng con người tổ chức lại cuộc sống của mình. Dẫu có khó khăn, bạn vẫn có thể tìm ra cho mình cách để thực hiện ý tưởng tốt đẹp và chính bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, chán nản với những thói quen chưa tốt; những sự lãng phí thời gian, tiền bạc và tâm trí. Giãn cách xã hội chính là một thách thức nhưng cũng chính là cơ hội để loại bỏ, là cái cớ tế nhị để chối từ. Dù giãn cách nhưng chúng ta thấy như được xích lại gần nhau hơn trong cuộc sống hôm nay.

Mai Phương
.
.