Giãn cách xã hội: Cơ hội cho người đọc, người viết

Thứ Năm, 12/08/2021, 14:37

Thủ đô Hà Nội đã bước vào đợt giãn cách xã hội lần thứ 2 trong năm, còn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam vẫn tiếp tục xiết chặt việc thực hiện kéo dài giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19. Việc ở trong nhà nhiều ngày liền sẽ khiến một số người cảm thấy bức bối, song một số khác có thể sẽ tìm được sự nhẹ nhàng, thanh thản nếu tìm được niềm vui từ những việc đọc sách, viết sách...

Cơ hội đọc nhiều sách hơn trong mùa dịch

Để việc thực hiện nghiêm giãn cách xã hội và chỉ đi ra ngoài khi thực sự cần thiết không trở nên nhàm chán bức bối, nhiều người đã lựa chọn cách làm bạn với sách và dạy con đọc sách như một niềm vui. Mọi người đều có chung nhận định lạc quan rằng, dịch bệnh đang làm xã hội đình trệ, chỉ riêng văn hóa đọc là... lên ngôi. Dù sao, đây cũng là một tín hiệu rất đáng mừng, trong bối cảnh số lượng sách trung bình mà người dân Việt Nam đang đọc hiện nay chỉ dừng ở mức 0,8-0,9 cuốn/ năm, thuộc diện thấp nhất thế giới.

Cách đây ít ngày, Thành Đoàn; Sở Thông tin & Truyền thông TP Hồ Chí Minh; Văn phòng phía Nam Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp thực hiện chương trình "Sách trao tay, học ngày giãn cách" nhằm ủng hộ đời sống tinh thần của người dân trong khu vực bị cách ly, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên trong thời gian TP Hồ Chí Minh giãn cách xã hội.

Giãn cách xã hội: Cơ hội cho người đọc, người viết -0

Tác giả Cù Thu Hương ký tặng sách cho độc giả trong buổi ra mắt cuốn "Paris+14".

Chương trình "Sách trao tay, học ngày giãn cách" được phát động từ ngày 18-7 và đã nhận được sự đóng góp, ủng hộ từ hàng chục nhà xuất bản, đơn vị phát hành và các nhà sách trên khắp địa bàn thành phố như NXB Trẻ, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Saigon Books, Huy Hoàng Bookstore, Thái Hà Books, Fahasa, Công ty Hương Trang, Công ty Quảng Văn... Tổng số sách ủng hộ mà chương trình đã nhận được lên tới 10.000 ấn bản sách giấy, 2.000 sách nói và hàng trăm đầu sách điện tử đã được chuyển đến các khu cách ly, các hộ gia đình trong một số khu phong tỏa.

Còn tại Hà Nôi, một số lượng sách khá lớn cũng được các lực lượng tiếp sức cho khu cách ly tại Đại học FPT (Hòa Lạc). Một trong những hoạt động ủng hộ sách đáng chú ý đó là Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch) với sự tiếp sức của các NXB, đơn vị làm sách như Trí Việt First News, Anpha Books... đã ủng hộ gần 4.000 cuốn sách cho các bệnh viện lớn ở Hà Nội.

Bên cạnh đó, trong thời gian tỉnh Bắc Giang bị cách ly, phong tỏa, một số cá nhân tích cực trong phong trào khuyến đọc như thầy giáo Nguyễn Quốc Vương, dịch giả Nguyễn Bích Lan... cũng đã trao tặng hàng trăm đầu sách cho khu cách ly ở Bắc Giang để động viên người bị cách ly vượt qua giai đoạn khó khăn. Không chỉ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mà đến nay nhiều tỉnh thành đã đẩy mạnh phát triển thư viện trực tuyến để giúp cho độc giả đọc được những cuốn sách cần thiết thông qua chiếc điện thoại thông minh mà đến nay nhiều người mang theo bên mình.

Có thể nói, trong bối cảnh nhiều tỉnh thành phố thực hiện nghiêm việc giãn cách để phòng chống dịch, những cuốn sách hay, bổ ích đến được với người dân chắc chắn sẽ khiến ngày bị cách ly, phong tỏa trở nên ngắn hơn. Người dân có thể tranh thủ thời gian này để tích lũy thêm kiến thức về phòng chống dịch bệnh, kiến thức chăm sóc sức khỏe cho người thân và gia đình, tích lũy tri thức, kiến thức văn học nghệ thuật... Vì thế, ở góc độ tích cực, hoàn toàn có thể coi đây là "giai đoạn vàng" để bổ sung kiến thức, đi du lịch qua sách vở - điều mà nếu cuộc sống bình thường bận rộn với cơm áo gạo tiền người ta dễ dàng bỏ qua.

Theo quan sát, trong giai đoạn đặc biệt này, một số đầu sách được nhiều người tìm mua như "Việt Nam - Cuộc chiến sinh tử chống COVID-19" do nhà báo Ngọc Niên chủ biên; bộ ba tác phẩm của bác sĩ Ngô Đức Hùng là: "Để yên cho bác sĩ hiền", "Ba phút sơ cứu" và "Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể" được rất nhiều người tìm mua, tìm đọc. Bên cạnh đó, những đầu sách trong tủ sách "Hạt giống tâm hồn", các đầu sách kỹ năng của Trí Việt First News, sách văn học... cũng được nhiều người tìm đọc như một cách hữu ích để chăm sóc, làm mới tâm hồn mình.

Nhiều cuốn sách ra đời trong đại dịch

Thời gian bắt buộc phải thực hiện việc giãn cách xã hội không chỉ là cơ hội cho người đọc mà còn là "cơ hội vàng" cho người viết tập trung cao độ vào tác phẩm, vào mục tiêu của mình. Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tư từng chia sẻ về việc con trai mình là Cao Khải An - cậu bé 12 tuổi trong thời gian giãn cách xã hội đầu năm 2020 rảnh rỗi đã viết xong tập truyện "Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm". Tập truyện này đã đạt Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn năm 2020 và sau đó được NXB Kim Đồng xuất bản tạo được nhiều ấn tượng tốt đẹp với độc giả nhỏ tuổi.

Giãn cách xã hội: Cơ hội cho người đọc, người viết -0
Thành đoàn TP Hồ Chí Minh trao sách tận tay người dân trong khu phong tỏa.

Cũng đoạt giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn năm 2021, cuốn "Đi trốn" của nhà vă n Bình Ca cũng được hoàn thành trong những lần dịch COVID-19 bùng phát trở lại khiến mọi hoạt động xã hội bị đình trệ và nhiều người như nhà văn Bình Ca chọn cách tìm cho mình một nơi thích hợp để "ở ẩn", sống chậm, viết văn và đắm mình với những trang viết.

Một trường hợp khác có thể kể đến đó là cuốn "Paris+14" của tác giả, Tiến sĩ Cù Thu Hương. Đây là cuốn sách đầu tay của tác giả Cù Thu Hương hình thành trong một tình huống bất ngờ vì chính tác giả cũng không nghĩ mình viết sách. Chính vì đại dịch COVID-19 ập đến làm đảo lộn thế giới, khiến cho Cù Thu Hương trở thành người "bất đắc dĩ".

Tiến sĩ Cù Thu Hương trở thành người Việt Nam đầu tiên viết truyện ký về những biến động của cuộc sống và những trải nghiệm của bản thân sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Vũ Hán và lan ra toàn cầu. Từ những trải nghiệm đặc biệt của mình trong đại dịch Covid-19 khi trở về từ châu Âu, đi khu cách ly quân sự, tác giả Cù Thu Hương đã ghi lại một cách chân thực những điều mình chứng kiến - qua góc nhìn và thông tin mà chị thu nhận được cùng những cung bậc cảm xúc buồn vui.

Tác giả Cù Thu Hương chia sẻ rằng, với 2 tuần cách ly chị đã nhận ra đại dịch COVID là một dịp để con người ta phải ngẫm lại cách sống của mình với thiên nhiên và đồng loại. Sau "Paris+14", cuốn "Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể" của bác sĩ Ngô Đức Hùng được nhiều người tìm đọc và thích thú. Trong đó, "Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể" đã kể nhiều câu chuyện trực quan, sinh động, nhiều câu chuyện đã xảy ra trong quá trình làm việc của bác sĩ Hùng, cung cấp cho bạn đọc không chỉ cái nhìn đa chiều về cuộc chiến đấu chống dịch bệnh của các y bác sĩ, mà còn lan tỏa thông điệp yêu thương và sự cảm thông, chia sẻ đối với lực lượng tuyến đầu chống dịch đang ngày đêm vất vả.

TP Hồ Chí Minh vẫn đang trong những ngày thực hiện giãn cách trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng. Vì thế, những tác phẩm của các tác giả trẻ ra đời trong khoảng thời gian dịch bệnh từ đầu 2020 đến nay đã đem đến những tín hiệu lạc quan như: "Đi qua mùa dịch" của Dy Kha; "Giữa muôn trùng nguy khó, vẫn có lối ra" của Nam Kha; "Giỏ trái cây" của Liêu Hà Trinh; "Sài Gòn còn thương thì về" của Tống Phước Bảo...

Tác giả trẻ Tống Phước Bảo chia sẻ trên trang cá nhân những dòng ấm áp: "Sài Gòn hơn hai tháng nay chẳng có chiều cuối tuần. Dây giăng mắc dọc ngang phố khóa trọn phận người ở yên trong nhà. Chúng tôi đồng lòng với nhau như thế. Hẹn ngày gặp lại khi cơn dịch tan. Tin chắc đó sẽ là những chiều cuối tuần rộn ràng niềm hân hoan nhất. Sài Gòn chiều thứ bảy đang cô đơn nhưng chắc chắn lúc này Sài Gòn không cô độc. Bởi ở cái thành phố này đôi khi nhiều điều rất lạ...".

Chắc chắn, những tác phẩm mang những thông điệp ý nghĩa, củng cố, cổ vũ tinh thần cho cư dân Sài Gòn vượt qua đại dịch lần này như "Sài Gòn còn thương thì về" của Tống Phước Bảo cũng sẽ là những dấu ấn nghề nghiệp khó quên trong đời cầm bút của các cây bút trẻ...

Nguyệt Hà
.
.