Thành phố mặn mòi vị biển

Thứ Hai, 12/08/2024, 20:10

Tôi đã về Cà Mau tới bốn lần với bao nỗi niềm yêu dấu cùng những câu thơ của Xuân Diệu “Tổ quốc tôi như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau”. Không ít lần tôi tự hỏi hình ảnh “con tàu” và “mũi thuyền” liệu có gì mâu thuẫn trong câu thơ chăng. Nhưng chả bao giờ lý giải được cảm xúc và tình yêu dào dạt trong cõi thơ. Thế đấy! Và tôi vẫn cứ yêu Cà Mau như thuở ban đầu. Một miền đất trẻ trung với năng lượng phù sa mới nở nang tươi non.

Ngã năm phố dòng người trẩy hội

Lần này về Cà Mau tôi may mắn gặp được các bạn văn thơ trẻ Nguyễn Ngọc Tư, Huỳnh Thúy Kiều và Phan Đăng Rin tại trụ sở Hội VHNT Cà Mau. Nguyễn Ngọc Tư nói với tôi hãy về các con chợ bên sông và những cây cầu trong thành phố cũng lắm chuyện vui. Thế là sáng hôm sau tôi cứ loanh quanh ngã năm thành phố để ra chợ bên sông Phụng Hiệp và Gành Hào. Trung tâm ngã năm là tượng đài cây đước cao vút.

Bốn mặt tượng cây đước đều khắc phù điêu trong sắc điệu hai màu vàng và nâu, biểu tượng cho hồn vía Cà Mau về sự hòa nhịp giữa hai vùng nước mặn và nước ngọt. Đó là sự chuyển hóa biến đổi những rừng Đước và Tràm trong sình lầy trở thành đất đai sinh sống cho con người. Đồng thời tượng đài cây đước cũng là trung tâm giao thông của thành phố đi về mọi ngả. Hồn thơ lai láng của thi nhân đã từng qua đây cảm xúc: “Ngã năm phố dòng người trảy hội/ Tượng cây đước ngời nắng hoa bay/ Cầu Cà Mau dốc nghiêng ngày mới/ Áo bà ba quang gánh trên vai…” (Hạnh Hoàng Thu).

1-ngã nam thành ph%3f cà mau.jpg -0
Ngã năm thành phố Cà Mau.

Thành phố Cà Mau có ba con sông uốn lượn ngay giữa trung tâm phố xá. Hình thù ba con sông này lạ lắm. Chúng tạo thành chữ Y gợi tưởng tới chữ “Yêu”. Nếu hai con sông Cà Mau và sông (kênh) Phụng Hiệp kết nối thành chữ V thì sông Gành Hào lại đính vào đáy chữ V kéo dài thành chữ Y. Vì thế có thi nhân còn gọi đây là thành phố với những dòng sông “Tình” hay thành phố ngã ba sông “Yêu”. Đặc biệt ba con sông đều chảy ra biển.

Điều thú vị, con kênh Phụng Hiệp còn rộng hơn cả sông Cà Mau và gắn liền với câu chuyện của bài vọng cổ “Tình anh bán chiếu” (sáng tác Viễn Châu). Bài ca là tâm sự của một chàng trai từ Cà Mau lên chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang) bán chiếu. Anh đã phải lòng một cô gái ở Phụng Hiệp và rong thuyền chiếu lên cho người mình yêu. Nhưng khi tới chợ mới hay cô gái đã đi lấy chồng. Lời ca mở đầu bằng câu hò: “Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm/ Công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu/ Chiếu này tôi chẳng bán đâu/ Tìm em không gặp tôi gối đầu mỗi đêm”. Chiếu Cà Mau chính là sản phẩm của làng nghề ở phường Tân Thành thuộc TP Cà Mau hiện nay. Câu chuyện tình thơ mộng này được gắn liền với ba con sông “Yêu” là vậy.

Đặc biệt, ba con sông này luôn gắn với thủy triều lên xuống nên hàng ngày dòng nước được thay đổi trong xanh. Sông Gành Hào có kênh Bảy Hiệp rộng lớn được đào nối liền kéo dài hàng chục cây số. Sông Gành Hào đổ ra biển tại Bến phà Gành Hào. Trong khi đó, kênh Bảy Hiệp nối với sông Cái Lớn rồi theo đó cũng ra cửa biển.

Riêng kênh Phụng Hiệp dài nhất (140 cây số) nối với sông Cái Côn và nhập vào sông Hậu (Hậu Giang) rồi mới đổ ra biển. Còn sông Cà Mau thì chảy vào sông Ông Đốc và xuôi về cửa biển “Hòn đá bạc”. Chính vì dòng triều lên xuống mà thị xã Cà Mau một thời luôn soi bóng nước. Nhà thơ Xuân Hoàng đã từng viết: “Có thị xã nào lạ thế này không/ Giữa mùa khô, bầu trời trong vắt/ Con nước lên, phố thành ngõ lụt/ Nắng phố vàng, chợ cá họp đường mai”. Đó là những ký ức bổ sung cho bức tranh toàn cảnh thành phố tươi trẻ Cà Mau luôn mặn mòi vị biển nhưng thơ mộng biết bao.

Cây cầu và con đường mang tên anh hùng            

Nhưng giờ đây thành phố Cà Mau đã khác biệt hẳn so với trước. Những con đường và đại lộ được mở rộng và xuất hiện nhiều tòa nhà và trung tâm thương mại lớn. Kèm theo những con đường là những cây cầu hiện đại vượt sông. Muốn vào trung tâm thành phố, các phương tiện giao thông đều phải qua cầu. Đó là những cây cầu quen thuộc như cầu Cà Mau, Huỳnh Thúc Kháng, Gành Hào, cầu Phan Ngọc Hiển (thay cho cầu quay cũ trên sông Phụng Hiệp)…

Trong đó cầu Phan Ngọc Hiển nằm trên đường cùng tên là niềm tự hào của thành phố bởi mang tên người anh hùng của vùng đất Cà Mau. Cung đường đôi Phan Ngọc Hiển rộng 30 mét chạy về khu trung tâm cơ quan hành chính và Tỉnh ủy thành phố. Còn cây cầu Phan Ngọc Hiển qua sông Phụng Hiệp (phường 5) là đầu mối giao thông xuyên Á (QL 63) đi các huyện Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình.

4-ch%3f bách hóa cà mau bên sông gành hào.jpg -1
Chợ Bách hóa Cà Mau bên sông Gành Hào.

Sau đó, chúng tôi đã được đoàn dẫn tới tượng đài tưởng nhớ nơi Phan Ngọc Hiển cùng đồng đội bị hành quyết. Tiếp theo, đoàn tới Đền thờ 10 liệt sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai (trên trục đường 63) số 449 Nguyễn Trãi. Tại đây, hướng dẫn viên kể lại những diễn biến của cuộc khởi nghĩa trên đảo Hòn Khoai (huyện Ngọc Hiển). Chỉ huy cuộc khởi nghĩa Phan Ngọc Hiển (1910-1941), một thầy giáo yêu nước đồng thời cũng là một nhà báo tài ba. Sau khi được kết nạp vào chi bộ Đảng thị xã Cà Mau, ông được tổ chức cách mạng điều về Sài Gòn làm Báo Liên đoàn lao động (1937).

Khi Thế chiến lần thứ hai xảy ra (1939-1945), tổ chức cách mạng có kế hoạch kêu gọi khởi nghĩa đánh Pháp. Nhà báo Phan Ngọc Hiển được cử về Hòn Khoai để tuyên truyền và gây dựng lực lượng cho cuộc khởi nghĩa (1940). Ông vừa dạy học vừa thuyết phục mọi người đi theo cách mạng. Hầu hết những nhân viên đèn biển đều tình nguyện tham gia cuộc khởi nghĩa. Kể cả các nhân viên coi kho súng cho đồn binh Pháp trên đảo cũng hăm hở hưởng ứng cách mạng. Cuộc khởi nghĩa đã bùng nổ vào ngày 13/12/1940. Các nghĩa binh đã phá toàn bộ kho vũ khí, giết chết tên đảo trưởng chỉ huy Oliver và làm chủ hòn đảo.

Với khí thế chiến thắng, Phan Ngọc Hiển cùng các chiến sĩ vượt biển trở về Rạch Gốc hợp tác với ban chỉ huy chuẩn bị tấn công đồn bốt trung tâm Năm Căn. Nhưng không ngờ, lệnh đình chỉ khởi nghĩa của mặt trận đã cấp báo tới. Phan Ngọc Hiển cùng với đồng đội tranh thủ đánh đồn Tam Giang, thu vũ khí rồi về rừng Sác phòng thủ. Quân đội Pháp huy động lực lượng tàn sát dân vùng Rạch Gốc và truy tìm quân khởi nghĩa.

Bị bao vây tứ phía, các chiến sĩ đã dũng cảm cầm cự được ba ngày thì hết đạn dược và lương thực. Toàn bộ lực lượng còn lại đều bị quân đội Pháp vây bắt tại đầm Khai Long. Cuối cùng, chỉ huy trưởng Phan Ngọc Hiển và 9 đồng đội bị giặc Pháp xử tử tại TP Cà Mau (12/7/2024). Nhà thơ Bằng Việt có dịp tới Hòn Khoai đã xúc động mô tả: “Anh du kích trẻ măng, bồng khẩu tiểu liên/ Khắp mình anh, hai mươi tám vết thương còn nhức/ Trên bản đồ, một hòn đảo chỉ bằng chấm mực/ Đã qua bao thử thách phi thường!” (Hòn Khoai).

Những lời ca yêu dấu

Nghe nói thành phố đang có những dự án xây thêm một số cây cầu để giảm tải cho những cây cầu cũ. Cùng với đó là những khu đô thị mới đang được triển khai mở rộng cho thành phố ngày thêm hiện đại. Tôi háo hức đi dọc những con phố bên bờ sông. Giờ đây đất Cà Mau không còn hình ảnh “Muỗi kêu như sáo thổi/ Đỉa lội lềnh như bánh canh” nữa. Mà mãi mãi vẫn còn đó với hình ảnh: “Mũi Cà Mau: mầm tươi đất non/ Mấy trăm đời lấn luôn ra biển/ Phù sa vạn dặm tới đây tuôn/ Đứng lại; và chân người bước đến/ Tổ quốc tôi như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó Mũi Cà Mau” (Xuân Diệu).

Chúng tôi bần thần ngắm cây cầu Cà Mau băng qua kênh Phụng Hiệp bên phiên chợ sớm. Phía xa những con thuyền cập bến khu “Chợ trái cây Cà Mau”. Một bóng hồng nghiêng bóng trên dòng Ghềnh Hào làm tôi lại nhớ tới hồn thơ của Hạnh Hoàng Thu đã viết về chợ nổi Cà Mau một thời tại đây: “Phiên chợ sớm thuyền về đậu bến/ Gành Hào sông soi bóng tóc dài/ Đôi mắt nón quên lời hò hẹn/ Bông sen này tôi tặng cho ai?” (Chợ nổi Cà Mau). Và dù có nguy nga tráng lệ theo năm tháng nhưng thành phố Cà Mau luôn vẫn dịu dàng với “Bồng bềnh sông dạo trời mây/ Gió ru dừa nước, đước say bãi bồi/ Dập dìu vỏ lãi ngược xuôi/ Áo ai tím để bóng trôi lững lờ” ("Một thoáng Cà Mau" - Tố Hữu).

Vương Tâm
.
.