Xôn xao con đường xôn xao lá

Thứ Bảy, 08/06/2024, 16:29

Đường phố Tràng Thi (phường Hàng Trống và Hàng Buồm - Hoàn Kiếm, Hà Nội) luôn thay đổi sắc màu của hàng cây và hoa theo bốn mùa. Lòng đường rộng với những hàng cây cổ thụ cao lớn nên phố Tràng Thi luôn xanh um tươi mát.

Nhưng vào mùa lá rụng thì thôi rồi. Đường phố vàng ươm cùng hoa sấu bay khắp chốn. Hoặc lại có khi phố bỗng thẫn thờ đỏ sậm vì lá bàng già cỗi vào đông xao xác. Rồi mùa hè nữa, hoa chuông vàng chen đua cùng những chùm hoa bằng lăng tím làm đường phố lộng lẫy và quyến rũ hẳn.

Đài các xiêm y phố

Nhưng bao giờ cũng vậy, khi tiếng chuông nhà thờ vọng sang cũng là lúc đường phố Tràng Thi bắt đầu sôi động với những tiếng còi xe và dòng người đi lại như mắc cửi. Bởi đây có thể coi là phố của những công sở với hàng chục cơ quan nhà nước và công ty tập thể. Tràng Thi độc đáo với chiều dài chừng gần 900 mét nhưng có rất ít số nhà so với những con phố khác.

Đáng kể là phố có tới ba bệnh viện vào hàng lớn nhất thành phố. Riêng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (40 Tràng Thi) có tuổi đời 118 năm, chiếm diện tích kéo dài gần hết phố Phủ Doãn (theo chiều dọc) và tới Quán Sứ (theo chiều ngang). Sau này một phần diện tích tách ra thành Viện Tai - Mũi - Họng Trung ương tại ngã tư Tràng Thi - Quán Sứ. Ấy là chưa kể Bệnh viện Phụ sản Trung ương (số 43) cũng có chu vi kéo dài cả trăm mét.

9-vòm cây hoa  d%3fu ph%3f tràng thi.jpg -1
Vòm cây đầu phố Tràng Thi.

Nhưng có lẽ dấu ấn hồn phố được mang tên Tràng Thi là khu đất Thư viện Quốc gia (số 31). Đây chính là khu phủ chúa thời Lê-Trịnh (thuộc thôn Vũ Thạch, huyện Thọ Xương cũ). Vùng đất này cao ráo chạy suốt từ phố Quang Trung tới Triệu Quốc Đạt và mở rộng tới Hai Bà Trưng. Vào thời Nguyễn (1802-1945) những lâu đài phủ chúa bị đốt sạch. Toàn bộ khu đất (chừng 3ha) trở thành nơi các sĩ tử phía Bắc (từ Thanh Hóa ra) tới ứng thi Hương (tương đương cử nhân). Con đường xưa rợp cây xanh đó được gọi là Trường Thi (hay Tràng Thi).

Cuộc thi Hương cuối cùng được tổ chức ở đây vào năm 1879 sau đó chuyển về Nam Định. Bởi lẽ khi thực dân Pháp đánh thành Hà Nội đã cho đóng quân ở đây. Tới năm 1917, khu đất này được xây Thư viện Trung ương Đông Dương. Sau Cách mạng tháng Tám, chính quyền nhà nước ta tiếp quản và đổi thành Thư viện Quốc gia. Tên phố cũng vậy, sau bốn lần thay đổi, cuối cùng vẫn đóng đinh hai chữ Tràng Thi.

Đáng chú ý nữa, đó là nhà số 2 Tràng Thi. Trước kia đây là đất đình làng Phúc Tô bị thực Pháp chiếm đóng (1883). Tới năm 1892 chúng phá đình và lấy đất xung quanh xây "Sở Cảnh sát Trung ương" (sở Cẩm). Vị trí ở ngã tư phố nhưng trụ sở kéo dài dọc phố Tràng Thi tới Nhà Chung, còn một phần mở rộng chừng 30 mét sang phố Hàng Trống (cũ). Dân quen gọi là "Bốt Hàng Trống" là vì thế. Tuy vậy trụ sở cảnh sát này chỉ có địa chỉ số 2 Tràng Thi. Điều thú vị về kiến trúc của khu nhà lại theo nghệ thuật Gothic Pháp vẫn được giữ cho tới nay (giờ là trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm).

Hiện phố chỉ cho phép đi một chiều dành ưu tiên cho sự hối hả của những ca cấp cứu vào các bệnh viện. Tuy nhiên, tối đến đường phố lại mang màu sắc liêu trai dưới những vòm cây cổ thụ dọc vỉa hè vắng vẻ. Những quán cà phê bên đường luôn ngân nga bản nhạc du dương thơ mộng.

Ngôi nhà cụ Hòe

Tràng Thi rất ít gia đình dân cư và chỉ tập trung ở hai đầu phố trong vài ngõ nhỏ. Nhưng ở đây ai cũng biết tới gia đình cụ Hòe (Phạm Khắc Hòe) ở số nhà 48B bên cạnh trụ sở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cụ Phạm Khắc Hòe (1901-1995) là một nhà văn và nhân sĩ có công với đất nước khi thuyết phục vua Bảo Đại thoái vị chuyển giao quyền lực cho Cách mạng. Cụ là một quan Thượng thư triều Nguyễn làm việc bên cạnh vua Bảo Đại nên đã trực tiếp viết "Chiếu thoái vị" cho vua đọc.

Sau này cụ Hòe tham gia kháng chiến. Tới năm 1957 cụ giữ chức Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phủ Thủ tướng cho đến khi về hưu (1964). Ngoài ra cụ còn là Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (từ năm 1961). Điều đáng chú ý cụ Phạm Khắc Hòe còn nổi tiếng với hai cuốn sách "Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc" và "Kể chuyện vua quan nhà Nguyễn".

Những người con của cụ Phạm Khắc Hòe đều thành đạt ở nhiều cương vị khác nhau. Đầu tiên phải kể đến cố nhà báo Phạm Khắc Lãm (1930-2023). Ông từng làm Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Đài Truyền hình Việt Nam (1988-1993). Trước đó ông Lãm đã là Vụ trưởng vụ Tuyên truyền Quốc tế (Ban Tuyên giáo Trung ương). Những ký ức thú vị của nhà báo Phạm Khắc Lãm luôn sống dậy mỗi khi nhớ lại thời kỳ làm thư ký cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại chiến khu Việt Bắc trong nhiều năm. Ông cũng là một trong những người được đào tạo báo chí đầu tiên ở Trung Quốc (1953). Nhà báo Phạm Khắc Lãm được coi là người khởi động cho giai đoạn đổi mới của Đài Truyền hình Việt Nam với nhiều chương trình mới (VTV2, VTV3 và VTV4). Sau đó ông đi nhận nhiệm vụ mới (1994) cho tới khi về hưu (1999) với hàm Vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài.

2-thu vi%3fn qu%3fc gia (s%3f 31 tràng thi).jpg -0
Thư viện Quốc gia (số 31 Tràng Thi).

Người con gái nổi tiếng của cụ Phạm Khắc Hòe là NSND, đạo diễn Phạm Thị Thành (sinh năm 1941). Bà là một tài năng lớn trên sân khấu nước nhà. Là nghệ sĩ sớm được đào tạo ở nước ngoài (Liên xô cũ), Phạm Thị Thành tốt nghiệp xuất sắc khoa đạo diễn sân khấu (1978). Về nước bà là một trong những người thành lập Nhà hát Tuổi trẻ và sau này là Giám đốc Nhà hát. Hơn nửa thế kỷ hoạt động, NSND Phạm Thị Thành đã dàn dựng tới 200 vở và đoạt 20 HCV và HCB qua những kỳ hội diễn toàn quốc. Học trò của bà có nhiều người rất nổi tiếng sau này như Lê Khanh, Anh Tú, Minh Hằng, Lan Hương…

Nghệ sĩ Phạm Thị Thành được phong danh hiệu NSND vào năm 1997 và nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2012. Anh em trong gia đình bà Phạm Thị Thành đều là những tài năng ở các ngành nghề và khoa học xã hội. Trong đó bác sĩ Phạm Kim Loan nguyên Viện trưởng Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương; hoặc Thiếu tướng Phạm Khắc Di, nguyên phó Giám đốc Học viện Quân sự. Cùng với đó, Tiến sĩ Phạm Khắc Chi, nguyên Hiệu trưởng đầu tiên và là người sáng lập ra Đại học Văn Lang (Đại học tư thục đầu tiên ở Việt Nam). Do vậy ngôi nhà số 48B Tràng Thi được coi là một địa chỉ văn hóa của một gia đình trí thức nổi tiếng có nhiều đóng góp cho xã hội.

Đêm ru phố

Sự bất ngờ trên đường đầy biệt thự và cây xanh này luôn là một tiềm ẩn khó lường nhưng đầy thú vị cho những ai đi qua phố. Tôi đã dành phần lớn cuộc đời đi qua phố Tràng Thi để về nhà, nơi xóm ga của những người cần lao. Không ít lần trực ca đêm tòa soạn báo trở về, tôi thường được nghe tiếng trẻ con cất tiếng khóc chào đời từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương (số nhà 43). Những đêm đẹp như mơ ấy chỉ có ánh trăng soi rọi và chứng giám sinh linh. Người ta nói xưa đây là đất nhà thờ được dành lại cho những người mẹ luôn khát khao chào đón những đứa con ra đời. Một công dân Thủ đô mới chào mọi người.

Và có những đêm thanh vắng, tiếng ru con của người mẹ trẻ cất lên trong vắt, dịu ngọt. Tôi có cảm giác như mình đang được mẹ ru vậy. Lời hát ngân nga dịu dàng như trong tiếng chuông nhà thờ văng vẳng trong đêm sâu: "Miệng con chúm chím xinh xinh/ Như đài hoa đang hé trên cành/ Khát nắng mới và sương lạnh/ Lá thắm rung cánh tay, ôm ấp lấy hòa bình/ A á ru hời ơi hời ru" (Nguyễn Văn Tý). Bao mệt nhọc tan biến trong tôi mỗi khi được nghe tiếng bé sơ sinh khóc ré lên. Đó là báo hiệu một bình minh cuộc sống. Phải chăng những đứa trẻ cất tiếng khóc chính là bản tin sống động nhất cho một ngày mới.

Vương Tâm
.
.