(Nhân đọc tập thơ “Thầm”… của nhà thơ Nguyễn Đức Hạnh, NXB Hội Nhà văn, 2021)

“Thầm...” của ông giáo Nguyễn Đức Hạnh

Thứ Năm, 05/08/2021, 12:18

Hình như ở đâu đó, vào một vài lúc nào đó, ta đã nghe: Trên tỉnh Thái Nguyên có một ông học vị học hàm khá cao, là PGS - Tiến sĩ, là nhà thơ, nhà lý luận phê bình. Ông viết văn, làm thơ, dạy học… mà như một ẩn sĩ. Thế mà gần đây, thơ ông lại xuất hiện cũng nhiều nhiều trên Facebook, khiến cho bạn đọc gần xa tò mò ông ẩn sĩ này là ai.

Tôi không bất ngờ lắm khi có mấy người đọc thơ ông giáo ẩn sĩ ấy, rằng:

- “Ở đây có một nỗi buồn
Vỡ như sương sớm lá luôn dỗ dành
Ở đây Đom đóm dịu dàng

Nửa đêm thắp sáng nửa bàn tay run”/ “Cố hương thơm sắn đồi guột nướng vàng/ Cùng lá tre lang thang ngõ cát/ Vết chân em nở hoa dịu dàng/ Rủ em lên đây tu lang thang/ Sách cổ chùa cổ lòng trong trong mới/ Kéo sương sương đắp chăn cho mơ/ Quả thông rụng thơm thơm trang cuối…”

Mấy người đọc thơ Nguyễn Đức Hạnh này hào hứng bình tán, và hầu như ai cũng có chung nhận xét: Chưa hiểu hết ý tứ của các chữ, các câu trong đoạn trích, nhưng thấy rất mới lạ mà vẫn quen quen, thân gần.

“Thầm...” của ông giáo Nguyễn Đức Hạnh -0
Nhà thơ, PGS-TS Nguyễn Đức Hạnh trong lễ nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú. 

Đọc tập thơ “Thầm…” mới xuất bản đầu năm nay của PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh - người được gọi là ẩn sĩ ấy, tôi thấy dường như trong khuôn thức không dài của mỗi bài đều gây cho mình một ý nghĩ là: chúng như được viết ra liền một hơi, nhanh và gọn. Dường như bài nào cũng gợi vẻ thanh thoát, có bài có vẻ kì khu trong chữ với nghĩa, nhưng dấu ấn của kĩ thuật không mấy rõ. Viết thế, là phần bản năng nổi trội hơn chăng?

Theo tôi, nếu quả có thế, thì sự nổi trội này đã chứng tỏ một thành công mới của nhà thơ Nguyễn Đức Hạnh rồi. Chẳng hạn, bài “Nhang cháy đi tìm trầm hương”, bắt đầu là:

“Sông đục quá lấy giần sàng mà lắc/ Đãi một đời được một chút trong trong/ Đường gặp bão đã toan đi tắt/ Qua cơn mê vấp nỗi ròng ròng”

Mở đầu này có sức gợi, nhưng vẫn có gì chơi vơi. Hay nói đúng hơn, chính cái chơi vơi “trong trong” với “ròng ròng” ấy đang dần đưa người đọc vào cõi suy tưởng. Rồi giữa mạch thơ tâm sự có giọng thầm thì chiêm nghiệm này, bỗng bật ra câu hỏi: “Đau mà im lặng thì còn đau không?”, rồi kéo theo là một thức nhận:

“Người ngã thơ cũng ngã/ Sẹo người lành mau, sẹo thơ còn lâu”

Lối thơ chuyển ý chuyển câu có vẻ như bất ngờ, tùy hứng này của tác giả “Thầm…” khiến người đọc lúc đầu ngỡ ngàng, nhưng đọc được dăm mười bài rồi thì thấy thú vị.

Viết liền hơi một bài và cả mấy bài, mà không vấp, hơn thế có sự liên kết, phát triển về ý tứ, chủ đề tự nhiên, ấy là thơ Nguyễn Đức Hạnh ở tập “Thầm…” này. Điều đáng chú ý là chủ đề của tập thơ này khá rộng và luôn ở thế có thể mở thêm, viết thêm. Thế là tác giả đang ngổn ngang phải không? Đúng là ngổn ngang, trong cảnh trí cảnh quan đã đành, mà ngổn ngang, thậm chí là không giấu được sự quả đoán của trí óc và cả sự mê hoang trong cõi tâm trạng nữa. Một ngày “Chạm mùa đông” kia, nhà thơ đang tự nhìn nhận, đang đếm ngày đếm lá đếm cây theo mưa theo nắng, bỗng buông ra một giật mình:

“Vài bạn hữu bay đau cả gió/ Thêm một người nhu nhú xuân sang”

là mênh mang buồn, cái buồn của tuổi già muôn thuở, lại cũng là sự ấp iu một hi vọng đang đến…, đang như thế, thì lại viết luôn:

“Bạc đầu châm lửa câu thơ/ Đốt lên pha một giấc mơ thay trà/ Rót mời em rót mời hoa/ Giật mình có mấy hồn ma uống cùng”

Có thể nói, cái trường thơ, phổ thơ của Nguyễn Đức Hạnh là khá rộng và rất gần với đời sống bình thường của mọi người mỗi ngày như sông suối cây lá nắng mưa… và hoa cỏ rơm rạ hằng ngày quanh ta.

Rộng thế, về đủ chuyện, như thơ với đời, tình yêu đôi lứa, tình nhân, tình quê tình bạn, rồi sự khốc liệt của thiên nhiên ở miền Trung nước Việt, sự vạm vỡ giàu có của văn hóa Việt từ những gian truân như Trời định như do cả sự ứng xử tàn tệ thiển cận của con người… Nhưng dồn tụ lại, thơ trong tập “Thầm…” là thơ về nỗi đau nhân thế mà thôi!

“Thầm...” của ông giáo Nguyễn Đức Hạnh -0
Bìa tập thơ “Thầm...” của nhà thơ Nguyễn Đức Hạnh. 

Nỗi đau ấy đã bộc lộ qua các câu hỏi như: “Xếp đá cuội bên gốc cây cùng ngóng/ Có tri âm nào trong hương sắc tinh khôi?” và: “Hoa tre nở mát tay cầm/ Ai hay tre khóc âm thầm vì giông?” rồi: "Áp má vào cây nghe quả rụng ngày xưa/ Em cùng đò đắm vào thương nhớ cũ/ Ta hóa thạch một mình/ Người khảo cổ đến chưa?”.

Và nhiều khi, nỗi buồn thương hoang hoải như không thể nào kìm nén được cũng lại hiện ra qua một phiến cảnh rất thực mà cũng rời xa đến khó tin:

“Đường mòn về đâu hun hút đại ngàn/ Có em bé còng lưng cõng cặp sách/ Chân lon ton về phía mênh mang/ Nhìn theo mãi rồi tự nhiên muốn khóc/ Bản xa xôi ánh lửa thở dài…”.

Cái là lạ quen quen trong thơ Nguyễn Đức Hạnh ở tập “Thầm…” này còn được tập trung thể hiện trong bài thơ “Nước mắt chó” thật bạo liệt:

Sáu chó con chưa mở mắt/ Tự nhiên sủa váng nhà chạy quàng chạy xiên/ Ông lão bảo chó điên/ Quẳng cả ổ xuống ao làm mồi cho cá/ Chó mẹ tơi tả/ Ngậm từng đứa con lên tha đặt giữa nhà/ Phủ phục lông ướt ròng ròng nhìn ông lão/ Ngửa cổ há mõm mà không kêu đau/ Giọt bàng hoàng biết chảy về đâu/ Thằng cháu 7 tuổi vai rung bần bật/ Nước mắt chảy thầm có mặn như nhau?/ Ông lão hút thuốc lào ho sằng sặc/ Nhúng đầu vào vại nước thật lâu”.

Có người kêu lên kinh hoàng. Có người bảo: như là truyện ngắn hiện thực phê phán trước năm 1945. Có người mắt hoe đỏ nói chậm rãi: thơ đích thực đấy, nó gợi nhiều ý nghĩ mà…

Bài này không thể trích đoạn trích dòng, tôi chép ra từ cả trang 35. Đúng là thơ “Thầm…”, của ông giáo Hạnh trẻ khỏe như trai làng thuở nào, rất bạo liệt mà đầy tràn niềm thương cảm xót xa. Rồi ngẫm thêm, ta thấy là chính chữ và câu thơ tỉnh táo ở đây đã đánh thức cái lương tâm lương tri người đời. Ông già lo lắng hốt hoảng đáng thông cảm hơn là đáng trách. Bài này gợi ta nhớ đến một dây truyện ngắn cũng đã gợi lòng trắc ẩn của Nguyễn Đức Hạnh. Vâng, tác giả tập thơ này cũng sáng tác truyện và còn viết chuyên luận chuyên khảo văn chương nữa. Có phải sự từng trải trên nhiều thể văn, nội dung văn, nên ông mới có bài “Nước mắt chó” cô đúc thế sự thế này chăng?

Thỉnh thoảng, trong mạch thơ buồn đau cay xót với những dòng nữa, như “Bóng em giờ thôi ríu ran/ Chưa trôi đến biển đã than ngậm ngùi/ Tóc thơ va nắng rực ngời/ Đừng đốt nữa/ Thơ thua rồi/ Áo cơm”… và “Tiền bạc như lũ gà con/ Vừa nghe khách đã lon ton trốn rồi/ Bạn cũ rơi rụng đôi người/ Đã toan níu/ Ngượng/ Đành trôi theo trời/ Soi gương gương rạn mất rồi/ Nhìn mình ngỡ chú hề cười rưng rưng/ Pha trà mời mưa ngập ngừng/ Cây vườn cũng chán/ Lừng khừng hát ru…”. Ta dễ nghĩ là thơ tâm trạng như thế, viết nữa, thì trôi đến đâu?

Nhưng tôi đã nhặt được mấy câu này: “Nửa đêm ra đường nghe cây/ Mới hay kẻ ngốc vạn ngày là ta”

Tôi đã bồi hồi với tác giả, và nhiều người nữa khi đọc mấy câu “Ngẫu khúc sông Hồng” sau đây: “Giữa đêm biên ải bơ vơ/ Cắn miếng Lịch sử rồi lơ ngơ về/ Bỗng nghe lồng lộng bốn bề/ Bóng đất nước động sơn khê bi hung”

Thơ của Nguyễn Đức Hạnh, cũng như ý tình của mọi người, một khi dựa vào dân tộc mà neo trụ rồi phát triển, chắc lại có thêm thành công.

Quả thực trong tập thơ “Thầm…”, người ta đang thấy hiện rõ dần hình ảnh một người đàn ông mang nỗi buồn đau tiếc nuối mà không hề chán nản. Người này luống tuổi nhưng vẫn có nét phong độ trẻ trai tự nhiên, đôi khi bồng bột đáng quý, nhất là khi anh/ ông viết về một nữ sĩ tài danh sau nhiều ngày đọc thơ của cô và ngắm những bức tranh cô vẽ, rồi cũng vẽ theo, rằng:

“Vẽ em bằng tưởng tượng/ Em là thủy tinh sôi ngàn độ/ Giấc mơ pha lê…” Rồi nhà thơ ngay thẳng, thật thà, (dẫu có chút điệu đà thì cũng quý) mà hạ bút thật gọn:

Ước mình hóa khung tranh làm bằng song/ Dẫu một mai khung vỡ mặn một mình”

Có lẽ những ai từng yêu mến các nữ sĩ vẽ tranh, cũng sẽ cảm ơn người viết ra hộ mình điều ước mà họ cũng đã thì thầm nhiều lần này.

Ông giáo Hạnh còn là Chi hội trưởng Chi hội Thơ của Hội Văn nghệ tỉnh Thái Nguyên - nơi có trữ lượng văn hóa văn chương thật dồi dào. Ông đang viết, nên xin dừng bài này ở đây mà không có lời kết nữa.

Nguyên An
.
.