Tết của bố tôi
Mỗi khi nhắc tới bố tôi, tôi thường nhớ tới những cái Tết của thời thơ bé đã xa lơ, xa lắc, cũng như nhớ tới những cái Tết trong quá khứ thì hình ảnh bố tôi lại hiện ra thật thương mến và gần gũi biết bao. Nếu như những cái Tết đó có trăm nghìn hương vị, thì bố tôi là một hương vị đặc biệt chẳng thể thiếu được và không bao giờ mất đi trong ký ức non tơ, bộn bề của tôi, để mỗi khi chạm vào, lòng lại khắc khoải đến nghẹn ngào.
Em gái tôi nói, bố tôi là người thích Tết nhất trong nhà. Có phải vì những mùa xuân cuộc đời ngắn ngủi mà bố tôi lại trân trọng những cái Tết đến lạ kì, ngay cả khi bố tôi chưa mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, hay vì gia đình tôi đã rời nơi chôn nhau, cắt rốn để đến sinh nhai, lập nghiệp nơi đất khách, quê người mà bố tôi luôn mong Tết để gia đình được sum họp, đoàn viên.
Quanh năm, suốt tháng tôi đi làm ở huyện, còn em gái thì lấy chồng, một nách hai con dưới Thủ đô, có về thăm nhà cũng chỉ tranh thủ trong chốc lát. Sau này, bố tôi mất rồi, có lúc tôi ân hận tự trách mình, sao cứ phải đi xa nhà suốt như thế để làm gì, mười lăm năm đi làm xa, số lần tôi về thăm nhà chỉ đếm được trên đầu ngón tay, và khi tôi về gần thì bố tôi lại đi xa, rất xa, không biết bao giờ mới có thể gặp lại trong lục đạo luân hồi.
Tôi thấy Tết bắt đầu về khi bố tôi chuẩn bị cái chổi lông gà để quét mạng nhện. Nếu lông gà đã mòn vẹt đi, thì bố tôi sẽ dặn một ông già bán chổi lông gà và phất trần từ vài hôm trước để mang đến một cái chổi khác thay thế. Cái chổi có cán tre thật dài, buộc một túm lông gà màu mật mía trên ngọn. Bố tôi cầm cây chổi, lùa vào từng góc nhà và xoay tít trong tay. Những cái mạng nhện bám đầy bụi sẽ bị cuốn hết vào túm lông gà như người ta làm kem bông ở hội chợ. Bố bảo quét dọn là để khai quang nhà cửa sau một năm cũ sắp qua và cũng là để khai tâm lòng mình đón một năm mới sắp tới.
Bố dặn, này đừng có dùng chổi mà miết, mạng nhện sẽ bết luôn vào tường vôi đấy, nghe chưa. Vâng, tôi lơ đễnh đáp và chạy lăng xăng đi nhặt những con nhện bị rơi xuống từ những cái mạng nhện để bỏ vào cái túi ni lon trên tay. Những con nhện bị tóm sống, sẽ không còn cơ hội trèo lên tường mà giăng tơ nữa, nên phải rất lâu sau mới có mạng nhện. Tôi cậy rằng tôi có bố thì cần gì phải quét mạng nhện, nhưng tôi đâu ngờ rằng có một cái Tết tôi vừa quét mạng nhện vừa quệt nước mắt. Và còn rất nhiều những cái tết sau này, chổi lông gà có quét đi được lòng tôi trống trải nóc nhà và nỗi buồn giăng đầy tơ nhện?
Bây giờ cứ mỗi cuối năm quét mạng nhện, tôi lại nhớ bố tôi, nhớ làn điệu chèo "Con nhện giăng mùng" mà bà tôi hay hát trên võng đay dưới một đêm trăng sáng, nhưng từ khi bố tôi không còn thì làn điệu chèo nở giữa môi trầu cắn chỉ cũng tắt. "Nhện hời là cái con nhện hỡi, chứ mày đi cái phương lai nào?". Lời bà tôi hát năm nào chỉ còn là cơn gió rét mướt thổi qua cánh đồng tháng mười gầy trơ gốc rạ. Cánh đồng tuổi thơ tôi, có ai đốt nhớ thương mà bỗng dưng cay mắt.
Mẹ tôi đun một nồi nước lá trầu, lá quế để bố tôi lau bàn thờ. Hương quế đại ngàn, hương trầu châu thổ hòa quyện nhau ngấm vào bàn thờ gỗ lim đen bóng sừng trâu. Hương ngũ quả thơm thảo vườn quê mẹ bày, hương nhang bài ngan ngát chợ làng bố thắp rẽ tấm màn nhiễu đỏ bay vân du trong ngôi nhà năm gian trầm mặc. Lòng người chưa kịp tắm nước lá mùi già đã muốn thanh tịnh bay lên cùng với những làn hương tháng Chạp. Trong khói nhang hư ảo tôi còn nghe thấy mùi thơm của nải chuối như ngón tay Quan Âm Bồ Tát, của quả táo như má ửng Thị Mầu, của quả bưởi như trăng rằm mười sáu, của quýt cam thập thò như mắt trẻ.
Sau khi quét dọn nhà cửa xong, thế nào bố tôi cũng bắt đầu là quần áo. Những chiếc áo sơ mi kẻ ca rô đã bạc sờn, hay cái quần âu vải thô đã cũ kĩ có vài mụn vá được mẹ tôi khâu mạng lại rất khéo, phải tinh mắt lắm mới nhìn thấy. Tất cả đám âu phục lỗi mốt đó được giặt giũ sạch sẽ, treo thẳng thớm trong ngăn tủ mùi thơm sực băng phiến lẫn với mùi ẩm mốc của thời gian. Bố lôi hết quần áo ra phản và là từng chiếc một bằng sự cẩn trọng và tỉ mỉ hiếm có. Bố đeo cặp kính lão gọng vàng trễ mũi săm soi miết thành từng đường ly thẳng đét. Bố dạy quần áo phải có ly như lòng người ngay thẳng, cũ, rách cũng được nhưng phải sạch và thơm, hoặc cũng có khi bố trách thằng này mặc quần áo hại quá, chất vải còn tốt thế này cơ mà.
Tôi nhớ đến những ngày giáp Tết của một năm chín mươi nào đó, thuở tôi mới ba tuổi theo bố lên ở tập thể cơ quan. Mỗi tối, sau khi hết giờ làm, bố lại đi làm bảo vệ, soát vé thuê cho rạp chiếu bóng Yên Ninh. Bố lái xe đạp đèo tôi ngồi sau trôi trên dãy phố nhỏ của thị xã miền núi nghèo. Ánh đèn vàng vọt hắt ra từ những nhà trên phố càng làm cho mặt đường mấp mô chạy về phía lòng đêm thăm thẳm. Gió bấc rét cắt da và mưa bụi bay đầy trời. Tôi cứ tha thẩn chạy ra, chạy vào nhìn người ta kéo nhau vào rạp xem phim. Bố dặn, con chịu khó chờ bố làm xong thì mình sẽ có đủ tiền mua áo mới và bánh chưng nhé. Tôi ngoan ngoãn gật đầu. Có đêm tôi ngồi ngủ gục trên ghế cuối rạp bị muỗi đốt cho sưng cả chân, nhưng tôi chẳng thấy đau.
Trong giấc mơ thơ bé, tôi gặp những tấm vé xem phim cứ bay chập chờn trước mặt. Tôi đuổi theo bắt được một tấm rồi xé ngay một góc. Bị ngã tôi đứng dậy phủi tay đuổi tiếp. Khi đã xé tấm vé cuối cùng, tôi thấy mình được diện áo mới còn thơm mùi hồ và ăn no bánh chưng mẹ vừa vớt có nhân đỗ xanh, thịt lợn rất dày. Bố ơi, bố chở con đi qua tuổi thơ của con, nhưng tuổi già của bố, con đã chở bố được mấy lần? Giờ vắng bố con thấy lòng chông chênh quá, bố ạ. Dãy phố ngày xưa dẫu có dài đến tận chân trời thì bố cũng không thể cùng con đi hết cõi người này phải không bố. Con xuống xe và lầm lũi bước một mình nhưng con chưa bao giờ đầu hàng hay gục ngã, còn bố, bố đạp xe từ bóng tối về ánh sáng, từ mùa đông sang mùa xuân, từ khổ đau đến hạnh phúc, thong dong trong cõi Niết bàn.
Bây giờ còn một việc cuối cùng rất quan trọng là mua cành đào chơi Tết. Cây đào là tinh hoa ngũ hành, xua đuổi bách quỷ, hoa đào là biểu tượng của mùa xuân Bắc Việt, cắm một cành đào là rước xuân vào nhà, khi ấy Tết đã về ngoài ngõ. Chưa năm nào nhà tôi thiếu vắng hoa đào, dù đầy đủ các loài hoa khác như lọ cúc vạn thọ thành kính trên bàn thờ, lay ơn kiêu sa trên tủ chè, thược dược và violet cùng khoe nhan sắc trên bàn uống nước. Cành đào Tết phải do chính tay bố tôi lựa chọn và trả tiền chứ không ai được làm thay, kể cả khi chúng tôi đã lớn.
Bố không chọn một cây đào thân to, thế đẹp, rêu mốc xù xì mà chỉ chọn một cành đào vừa phải có đủ cả nụ, hoa và chồi để cầu mong một năm mới nảy nở, sinh sôi. Đó là cành đào núi cánh mỏng, sắc phai mà người bán thường là một em bé, hay đàn bà từ trong bản mang ra. Cành đào ấy sẽ được cắm trang trọng trong bình gốm Giang Tây men rạn cũng chính tay bố tôi đã mua từ nhiều năm trước. Gió Đông sẽ chầm chậm mở từng cánh thư hoa đào báo tin xuân trong dìu dặt chầu văn hay rộn rã trống chèo từ chiếc đài cát sét quay băng. Này là yếm thắm, lưng xanh, kìa là khăn chầu, áo ngự. Những làn điệu dân ca gọi bố về quê nhà Nam Định.
Bố ạ, có một năm nhà mình không mua cành đào, và còn rất nhiều năm sau nữa con sẽ đi mua cành đào thay bố. Hình ảnh bố đầu đội mũ bê rê, cổ quàng khăn len, người khoác áo dạ, chân xỏ giầy da, tay giơ cao một cành đào chen giữa dòng người chợ hoa xuân trong ngày cuối năm dù mưa phùn hay nắng ấm sẽ không bao giờ phai mơ â trong ký ức con. Những ngày cuối năm xa xôi con còn thấy rõ rệt như vừa mới hôm qua. Chợ hoa bên sông Hồng sắp họp và sông Hồng sẽ nở hoa, nhưng bố đã hóa thành ngọn gió bay trên cõi người, bay trên tháng Chạp, bay trên dòng sông hoa đào.
Tôi sinh ra ở quê vào mùa xuân và thường trở về làng vào mỗi dịp Tết. Sự trở về ấy có thể bằng những chuyến đi, bằng những trang viết và có khi chỉ bằng đôi chân của ký ức. Bà tôi sinh ra ở quê và sống suốt đời ở làng. Bố tôi, mẹ tôi, em tôi và nhiều người làng tôi nữa cũng sinh ra ở quê, phải đi lập nghiệp xứ khác nhưng trong tim vẫn mang một mảnh hồn làng để mỗi khi lòng mưa phùn, gió bấc lại làm một cuộc hành hương trở về bản quán. Rồi tôi sẽ như bà tôi, như bố tôi... ở lại làng, không bao giờ đi nữa. Tết và mùa xuân phía sau lưng luôn ngóng đợi tôi về...