Ta còn em một màu xanh thời gian...!!!

Thứ Bảy, 25/12/2021, 15:30

Người nghệ sỹ ấy đã ra đi nhưng tiếng hát hát da diết về màu xanh thời gian thì có lẽ vẫn còn sống mãi với Hà Nội: “Ta còn em một màu xanh thời gian/ Từng chiều phai tóc em bay/ chợt nhòa, chợt hiện/ Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố/ Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường/ Ta còn em hàng phố cũ rêu phong/ Và từng mái ngói son yêu/ Nao nao kỷ niệm/ Chiều Hồ Tây lao xao hoài con sóng/ Chợt hoàng hôn về tự bao giờ...”.

Bài hát gây ấn tượng mạnh nhờ mở ra cánh cửa thời gian để đưa mọi người trở về với ngày hôm qua. Nghệ thuật thường là như vậy, phải tạo ra một khoảng cách thẩm mỹ để chiêm ngưỡng, thưởng thức. Cự ly quá gần sẽ không thể tạo ra một cái nhìn toàn cảnh, nhất là khó nhận ra những lớp hình ảnh, màu sắc hòa phối chồng lấn, tương phản hay tương hỗ để tạo ra hiệu ứng tiếp nhận cần thiết. Là nghệ sĩ của thời gian, nhiều nhạc phẩm của Phú Quang luôn có xu hướng hoài niệm, ngay trong bài “Em ơi, Hà Nội phố” này cũng thể hiện phong cách ấy qua những hình tượng “mùi hoàng lan”, “mùi hoa sữa”, “con đường vắng”, “cây bàng mồ côi mùa đông”, “nóc phố mồ côi mùa đông”, “mảnh trăng mùa đông”..., đều ở “mùa đông năm ấy”. Như một chân lý nghệ thuật, chưa kể tài năng, nghệ sĩ phải có vốn sống, có tình yêu, nhất là những kỉ niệm sâu sắc, mà với Phú Quang – một người của Hà Nội, thì hoàn toàn đáp ứng.

image001.jpg -0
Hàng cây mùa đông!

Đối lập với “màu xanh thời gian” này, họa sĩ, nhạc sĩ, thi sĩ Văn Cao có bài “Thời gian” độc đáo: “Rơi/ như tiếng sỏi/ trong lòng giếng cạn/ Riêng những câu thơ/ còn xanh/ Riêng những bài hát/ còn xanh/ Và đôi mắt em/ như hai giếng nước”. Tên bài thơ là chìa khóa mở ra mã nội dung: thời gian. Thời gian ở đây được hữu hình hóa như tiếng sỏi rơi trong giếng cạn. Đối lập triệt để với nhịp thời gian khô khốc lạnh lùng này là “Riêng”. Chữ “riêng” như cái bản lề khép mở hai vế cấu trúc của thi phẩm, khép lại nhịp thời gian đáng ghét, đáng sợ kia, mở ra những gì là hy vọng thật tràn trề là “những câu thơ”, “những bài hát”, nhất là “đôi mắt em” thăm thẳm mà huyền bí “như hai giếng nước”. Bài thơ đưa ra một quy luật: vượt qua cái khắc nghiệt của thời gian, chỉ có nghệ thuật (thơ) là bất tử, sự sống (bài hát) là bất tử, tình yêu (đôi mắt em) là bất tử!

Khẳng định “màu thời gian không gian” mà là “tím ngát”, thời Thơ mới, Đoàn Phú Tứ có bài “Màu thời gian” thật đặc biệt. Đặc biệt vì nó “màu sắc hóa”, “hương vị hóa” thời gian – một phạm trù vô hình, trừu tượng, không nhìn thấy: “Màu thời gian không xanh/ Màu thời gian tím ngát/ Hương thời gian không nồng/ Hương thời gian thanh thanh (…)/ Hương thời gian thanh thanh/ Màu thời gian tím ngát”.

Bài thơ này là một “phản biện” lại một quan niệm của người Pháp cho rằng thời gian màu xanh. Nhà thơ huy động cảm nhận về không gian hiện tại (“Sớm nay tiếng chim thanh/ Trong gió xanh”), sự hiểu biết về “liên văn hóa” phương Đông (“ngàn xưa không lạnh nữa Tần Phi” và “Tóc mây một món chiếc dao vàng”) làm căn cứ.

Tần phi xưa lúc sắp mất nhưng nhất định không cho vua Hán Võ xem mặt vì sợ thấy mặt mình tiều tụy mà vua sẽ hết yêu. Vì xa cách, Dương Quý Phi cắt tóc gửi người yêu là Đường Minh Hoàng. Như vậy với Đoàn Phú Tứ, màu thời gian tím ngát chứ không phải màu xanh, vì nó gắn liền với tình yêu – một tình yêu rất cổ điển, rất đẹp. Cũng vì thế mà “hương thời gian thanh thanh”!

Thế thời gian màu gì?

Tận cổ xưa, thần thoại quan niệm vì gắn liền với sự vật hiện tượng nên thời gian quay vòng, vĩnh viễn và bất tử như sự bất tử của các vị thánh vậy. Thần Mặt trời làm ra ngày. Thần Mặt trăng làm ra đêm. Thần Tình yêu luôn bay trên trời... Ai làm việc ấy. Thời gian cũng theo đó mà tuần hoàn, không đầu không cuối, cũng chẳng có kết thúc...

Nhìn từ góc độ này ta thấy thời gian trong truyện “Thánh Gióng” cũng bất tử như Thánh Gióng vậy. Đánh xong giặc Gióng bay về trời. Một hình tượng tuyệt đẹp đã vĩnh cửu hóa, bất tử hóa người anh hùng lý tưởng xả thân vì dân vì nước vô tư nhất, không “tham quyền cố vị”, không đòi hỏi chức nọ tước kia... Chàng bay lên trời để vĩnh viễn sống cùng mây trắng cũng là mãi mãi sống trong tâm thức văn hóa Việt để rồi trở thành cổ mẫu cho ngàn sau chiêm bái!

Những hạt cổ mẫu như vây từ cây văn hóa ngàn xưa rơi vào miền văn chương đương đại sẽ “nở” ra biết bao những mã mới. Ngày xưa chỉ có một Thánh Gióng nhưng càng về sau sẽ có rất nhiều những Thánh Gióng, không chỉ trong đánh giặc mà sẽ “vươn vai” ở nhiều lĩnh vực đời sống...

image003.jpg -0

Đến cổ tích thì thời gian bị nén chặt đến mức phi thời gian, chỉ đo đếm bằng sự kiện. Nhân vật không già đi. Cô Tấm vẫn là cô Tấm, dù có bị hãm hại, chết mấy lần cô vẫn như xưa. Chàng Thạch Sanh cũng luôn thế, chẳng thay đổi. Chàng Từ Thức lên cõi tiên sống, nhớ cõi trần mà trở về, chàng vẫn vậy, chỉ có người trần là thay đổi. Chàng đành bỏ đi vào núi... Phi thời gian đến nỗi như ở truyện “Nàng công chúa ngủ trong rừng” thì hàng trăm năm sau người ta vẫn thấy cốc rượu của đám vệ sĩ uống dở còn mấy giọt. Tức nó không bay hơi theo quy luật vật lý. Cổ tích là vậy, nó chống lại mọi quy luật để nó là chính nó với bao khát khao, bao ước mơ sẽ thành hiện thực. Thế nên ai cũng thích được trở về thời cổ tích! Thời gian cổ tích ư? Đơn giản chỉ là “ngày xửa ngày xưa...”!

Đến thời trung cổ người ta đo đếm thời gian bằng “mùa” gắn liền với công việc hay sự kiện quan trọng. Tương tự như ở ta “tháng hai trồng đỗ, tháng ba trồng cà”, thì trong ngôn ngữ cổ của người Đức thì tháng bảy là “tháng cắt cỏ”, tháng tám là “tháng gieo vãi”, tháng chín là “tháng làm rượu nho”... Người Thụy Điển cổ xưa gọi tháng Chạp là “tháng cừu” hay “tháng gia súc lạc nhau”, gọi mùa hè là “mùa giữa vụ cày và xếp đống rạ”...Dấu vết này vẫn còn có thể hiện trong ngôn ngữ. Từ  “year” trong tiếng Anh nghĩa là “năm” có âm tố “ar”, từ cổ có nghĩa là mùa màng. Ca dao người Việt có câu: “Tháng ba tháng bốn tháng khốn tháng nạn”, hay “đói tháng ba” tức “tháng giáp hạt”... Tức thời gian cũng đo bằng “mùa”, giáp hai mùa thì thường đói do thiếu ăn! Đến nay vẫn dùng: mùa mưa, mùa khô, mùa lễ hội, có cả “mùa kết nạp hội viên” (nhà văn)...

Như dòng sông lớn, thời gian càng chảy về miền hiện tại càng có nhiều chi lưu. Các phạm trù chỉ thời gian ngày càng đa dạng, đo bằng đời người (thời gian sinh mệnh), đo bằng vũ trụ (thời gian vũ trụ), thời gian các triều đại (thời gian lịch sử)... “Tây du ký” của Trung Quốc hấp dẫn là nhờ có nhiều kiểu thời gian, của thần thoại, của cổ tích, của lịch sử, của đời người... Thời gian bốn thầy trò đi từ đất nhà Đường đến Tây Trúc mất hơn 14 năm là thời gian lịch sử. Chuyện Tôn Ngộ Không bị núi đè mấy trăm năm, trước đó là “đại náo thiên cung”, “đại náo thủy cung”... là thời gian thần thoại, cổ tích... Thơ Đường hay một phần nhờ sử dụng nghệ thuật thời gian rất điêu luyện, như trường hợp bài “Đăng U Châu đài ca” của Trần Tử Ngang: “Nhìn về trước người xưa vắng vẻ/ Ngoảnh lại sau, người đến không có/ Ngẫm ra trời đất dài lâu/ Mình ta rơi hạt lệ sầu chứa chan”. Một hình tượng con người vũ trụ cô đơn đến cực điểm, cô đơn giữa hai chiều thời gian, cô đơn giữa không gian trời đất!

 Nguyễn Trãi rất hay triết lý về thời gian: “Khỏi triều quan mới hay ơn chúa/ Sinh được con thì cảm đức cha” (Trần tình). Hôm nay ta hiểu: ra khỏi nơi từng sống mới hay ân nghĩa tình đời. Phải từng thấu hiểu và thấu cảm trách nhiệm và bổn phận làm cha mẹ mới thấu hiểu thấu cảm tình cha mẹ. Mới thấy câu thơ Chế Lan Viên sau này không mới: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”. Con người chịu chi phối của quy luật lứa tuổi: “Tiếc thiếu niên qua lật hẹn lành/ Hoa hoa nguyệt nguyệt luống vô tình” (Thơ tiếc cảnh IV). “Lật” nghĩa là lỡ: thời gian trôi đem theo bao hẹn hò tuổi trẻ. Để bây giờ hoa nguyệt (cái đẹp) cũng trở thành vô tình với mình. Thật xót xa cho những ai không sống hết mình ở cái thời hồn nhiên mê say, để rồi quá lứa... Ý thơ mãi hiện đại mang tầm phổ quát với mọi người, mọi thời.

Nguyễn Du vẫn là nhà thơ nói hay nhất về thời gian, nhất là thời gian tâm trạng, khi vui thì “Ngày vui ngắn chẳng tày gang”, khi buồn thì thời gian như dài lê thê “Ba thu dọn lại một ngày dài ghê”. Không chỉ là nhịp trôi chảy của thời gian mà còn là nhịp đi của không gian, của đời người: “Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”.

Như vậy thời gian không màu, không vị. Nó gắn liền với quan niệm của thời đại và tâm trạng con người!

Nguyễn Thanh Tú
.
.