Nghĩ về câu: Trong thơ có họa

Thứ Năm, 02/12/2021, 14:56

Có ai đó nói hay chính tôi nghĩ ra, cũng không nhớ nữa, rằng hình tượng thơ giống như cánh diều bay bổng trên cao, nhưng phải luôn nối với cái gốc là cái cọc cắm dưới đất. Nếu dây đứt, cái diều sẽ rơi, hoặc có bay đi tới đâu rồi cũng rơi xuống mà thôi. Cái gốc thực đó là những chi tiết cụ thể.

Nói đến chi tiết là nói đến quan sát. Trong "Tuỳ viên thi thoại", Viên Mai (đời Thanh) đã dành khá nhiều trang/dòng cho mục quan sát này ở trong thơ. Ông đã dẫn ra nhiều câu thơ lý thú, thể hiện khả năng quan sát tinh tế và khả năng sử dụng những quan sát đó để tạo ấn tượng của những người làm thơ xưa. Xin dẫn một vài câu còn nhớ được (chỉ dịch nghĩa, hoặc tóm tắt ý thơ để tránh dài dòng):

Thơ của Vi Ứng Vật đời Đường tả cảnh quạnh vắng của bến đò đồng (không phải bến đò ở sông, bến đò đồng nước không chảy, chỉ có sóng nhỏ và gió: - Lưu ý chữ: tự):

Dã độ vô nhân, chu tự hoành

(Đò đồng không có khách, con đò tự quay ngang).

Những quan sát có khi cụ thể đến như vẽ ra cảnh trước mắt:

Sơn như bình lập đương song kiến
Lộ tự xà toàn cách trúc khan

(Nhìn qua song cửa, núi như chiếc bình dựng đứng. Ngắm qua hàng trúc, con đường như rắn bò).

Hoặc có khi trừu tượng hơn, nhưng càng chính xác và tinh vi:

Tư kinh quá vũ phong do đãng 
Vị đáo hoa thời diệp tảo hương

(Dường như sau mưa, gió còn thổi
Chưa đến thì hoa, lá đã thơm).

Tinh vi đến mức, có nhà thơ làm 30 bài thơ vịnh trăng 30 đêm trong một tháng, đêm nào ra đêm ấy, vừa khác biệt về độ lớn, hình dáng, ánh sáng... vừa gợi lên được những cảm xúc khác nhau từ những liên tưởng rộng lớn và bất ngờ (tựa như câu "mồng một lá trai, mồng hai lá lúa..." của ta, nhưng là những bài thơ tứ tuyệt trọn vẹn và đầy đủ hơn). Phải có một khả năng quan sát tinh tế và tài làm chủ kỹ thuật lắm mới làm được điều này.

image001.jpg -0
Hình tượng thơ giống như cánh diều bay bổng trên cao, nhưng phải luôn nối với cái gốc là cái cọc cắm dưới đất.

Những dẫn chứng như thế có thể tìm thấy ở nhiều nhà thơ trên thế giới. Xin nhắc đến một người thôi: X. Exênhin. Exênhin là người theo chủ nghĩa hình ảnh. Thơ ông tràn ngập hình ảnh và do đó, như trên đã nói, cũng tràn ngập chi tiết. Thơ ông là sự móc nối liên tục cái cụ thể với cái trừu tượng và ngược lại. Trong bài thơ "Con con chó", nhà thơ kể lại: Khi còn trẻ, ở quê, ông phải lòng một cô hàng xóm và thường nhờ một con chó làm người đưa thư. Mối tình không thành, ông ra đi và bao năm sau trở lại quê nhà, trong lòng còn bồi hồi những kỷ niệm cũ, một con chó nhỏ xồ ra đón ông và ông nhận ra ngay nó là con của con chó ngày xưa nhờ màu lông quen thuộc nhưng đã nhạt bớt do quy luật di truyền và biến dị của thiên nhiên. Câu thơ vốn rất giàu từ ngữ, ý tứ súc tích, khi dịch tôi đã cố lắm mới dồn được vào trong một dòng:

Con nó đấy, màu lông quen đã nhạt

Chỉ với mấy mấy "màu lông quen đã nhạt", câu thơ đã móc nối được bao mối tương quan giữa cái nhất thời và cái vĩnh cửu, cái bất biến và cái khả biến, cái sợi dây xuyên suốt vừa như mỏng mảnh vừa vô hạn bền chặt có tên gọi là thời gian... Từ một quan sát bề ngoài đã mở ra một thế giới bên trong phong phú và chính xác. Và đến cảm nhận này của nhà thơ thì quả là thiên tài:

Và nỗi đau này tôi dường như trẻ lại

Gọi là quan sát cũng được mà gọi là chiêm nghiệm cũng được. Trong thơ Việt Nam hiện đại, xu hướng địa chi tiết vào thơ cũng rất phát triển, thậm chí đến ồ ạt. Có thể do quan niệm phần nào máy móc về chức năng phản ánh hiện thực của văn học, hoặc do thực tế cuộc sống suốt mấy chục năm qua quá bề bộn và có sức lay động mạnh, nên các nhà thơ ta đã hết sức hào phóng để tràn ngập vào các trang thơ đủ mọi thứ chuyện đời, chuyện người của không thiếu một vùng đất, một lứa tuổi, một ngành nghề, một công việc... nào trong đời thật. Sự lạm dụng chi tiết thực đó dẫn đến những con bệnh như tự nhiên chủ nghĩa, chi tiết thiếu chọn lọc, không điển hình, không có sức liên tưởng và gợi mở... và biến thơ thành một loại hình văn xuôi có vần ở mức độ đôi khi giáp ranh với báo chí.

Nhưng thôi, điều này chỉ là sản phẩm của một thời và nhiều người cũng đã nói đến. Việc làm có ích hơn là "gạn đục khơi trong" để giữ lấy những gì còn có giá trị đến hôm nay - và nếu còn được đến mai sau thì càng tốt. Cũng chỉ xin đưa một vài dẫn chứng trong số này và tất nhiên là còn rất tuỳ tiện.

Một trong những nhà thơ thành công nhất trong việc đưa chi tiết vào thơ là Hữu Thỉnh, với trường ca "Đường tới thành phố", chẳng hạn những câu diễn tả nỗi cô đơn, buồn tủi của người vợ xa chồng đằng đẵng:

- Một mình một mâm cơm
Ngồi bên nào cũng lệch. . .
- Chị thiếu anh nên chị bị thừa ra
Trong giỗ, tết họ hàng nội ngoại
- Hai mươi năm chị tôi đi đò đầy
Cứ sợ đắm vì mình còn nhan sắc!

Thật là những chi tiết giúp cho người viết kiệm lời mà nói được bao điều.

Hình ảnh sau đây trong trường ca "Những người đi tới biển" của Thanh Thảo, để tả giây phút người nghệ sĩ bất ngờ trúng đạn ngã xuống:

Tay chầm chậm buông rơi tàu dừa nước

Đằng sau cái động tác đơn giản, cái bề ngoài rất nhẹ, rất khẽ, rất chậm... chất chứa cả một tấn kịch khổng lồ, một giây phút đầy đột biến, một sức nặng ngàn cân - nó cô đúc và có sức gợi hình như một cận cảnh, một trường đoạn trong phim. Thanh Thảo còn nhiều chi tiết tinh tế như thế, trong đó có một câu chắc nhiều bạn đọc đã biết:

Xin mẹ cứ nhai trầu cho buổi chiều yên tĩnh

Thực ra, những hình tượng thơ này không còn nằm trong phạm vi của khái niệm quan sát, hiểu theo nghĩa đen. Ở đây không còn là cảm nhận của những giác quan. Tuy  nhiên, cái gốc thực của chúng vẫn bắt đầu từ một quan sát.

Những chi tiết được sử dụng tài tình như thế trong thơ ta chắc không phải ít. Với sức cảm nhận có hạn và cũng vì khuôn khổ bài viết, tôi không thể trích thêm. Tuy vậy, cầm lòng không đậu, xin cho tôi được nhắc đến một câu nữa, ấy là câu thơ của Nguyễn Duy, trong "Trắng... và trắng…", một  bài thơ viết về tuyết tuyệt đẹp. Cũng là một người thợ chơi hình ảnh và chi tiết, Nguyễn Duy đã tạo được những cảm giác bất ngờ đúng là của một người lần đầu nhìn thấy tuyết, mà đẹp nhất, gợi nhất, tài nhất thì chắc chắn là câu sau đây: 

Hình như gò trắng, phập phồng
Bao nhiêu con gái ngủ trong tuyết dày.

(Theo thiển ý của tôi, giá như đổi chữ "tuyết dày"  thành "tuyết này" thì còn ấn tượng hơn).

Thật đúng như tiền nhân đã  nói - "trong thơ có họa" là như thế.

Anh Ngọc
.
.