Đọc “Rong chơi miền vui thú”, tùy bút, tản văn của tác giả Lê Hữu Tỉnh, NXB Văn học, 2024

Rong chơi như niềm vui sống

Thứ Bảy, 30/03/2024, 14:30

Cách đây chưa lâu, độc giả được cầm trên tay cuốn tản văn hấp dẫn "Tôi kể chuyện làng" (NXB Văn học, 2022) của nhà giáo, tiến sĩ Lê Hữu Tỉnh. Bất ngờ là chưa đầy một năm sau, khi "Tôi kể chuyện làng" dường như vẫn còn thơm mùi giấy mực, thì "Rong chơi miền vui thú" tiếp tục ra đời.

So sánh một chút, có thể nhận ra, nếu "Tôi kể chuyện làng" là sự tiếp nối, bổ sung cái “chuyện làng miên man không dứt” có từ "Quê hương tuổi thơ" (NXB Kim Đồng, 2015), "Chuyện làng quê một thuở" (NXB Văn học, 2021) thì "Rong chơi miền vui thú" là sự bứt phá, tách khỏi mạch xúc cảm ấy, để “thơ thới” giao hòa với thiên nhiên, với cuộc đời, trong những cuộc du chơi. Nếu "Tôi kể chuyện làng" ngân vang đường về ký ức với “Lũy tre làng tôi”, “Cây đa cổ thụ”, “Giếng nước tuổi thơ”, “Thú câu cá chuối”, “Nghề làm ren”, “Bánh gio làng Hạ”, “Nhà em có vại cà đầy” … thì "Rong chơi miền vui thú" là những cuộc tìm vui trong thời hiện tại đang sinh thành của nhà văn. Nhìn từ một góc khác, nếu "Tôi kể chuyện làng" là một “khảo cổ học về quá khứ”, miên man cảm thức “một mình với làng quê”, thì "Rong chơi miền vui thú" lại là cuộc du chơi, thong dong trên những miền đất lạ cùng những người bạn tâm giao…

nhà giáo, ts lê hữu tỉnh.jpg -1
Nhà giáo, tiến sĩ Lê Hữu Tỉnh.

Đọc "Rong chơi miền vui thú", thấy sinh quyển du chơi của Lê Hữu Tỉnh rất rộng. Bởi nhìn đời qua lăng kính của kẻ rong chơi, nên đâu cũng là thế giới của sự chơi trong cảm nhận của ông. Danh thắng, ẩm thực, lời ca, sưu tầm cổ vật, ghi chép lịch sử, chơi tổ tôm, đá gà, niềm vui con chữ… tóm lại là tất cả những sinh quyển vật chất, tinh thần mà ông gọi là “thú vui thường nhật”. Không phải ngẫu nhiên, câu chuyện, tình yêu mảnh đất, con người trong "Rong chơi miền vui thú" của Lê Hữu Tỉnh xuyên không gian, thời gian, từ những chuyện bé nhỏ li ti đến cả những việc trọng đại của đất nước.

“Sống có lãi” là câu cửa miệng đùa vui của những người hưu, những người biết tìm vui thú trong cuộc đời ở lứa tuổi này: cảm nhận thiên nhiên, cây cỏ, nhịp đi của thời gian, chắt chiu ánh mắt nụ cười, tiếng hỏi câu chào của bè bạn, người thân, của những người ta yêu mến. Lê Hữu Tỉnh còn có thêm chút khác biệt: ông dành thời gian trên những trang giấy thấm đẫm tình đời, cần mẫn, kỳ khu ghi lại những ký ức, kỷ niệm, những gương mặt mến thương. Không phải ngẫu nhiên, ai gặp Lê Hữu Tỉnh ngoài đời cũng cảm nhận ở ông sự ấm áp, nồng hậu, luôn cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói và lịch lãm trong ứng xử với mọi người.

"Rong chơi miền vui thú" trước hết là để “rong chơi”, hẳn thế rồi. Cũng không phải ngẫu nhiên, bài nào trong cuốn tản văn của Lê Hữu Tỉnh cũng ngây ngất men say. Nói rong chơi có người nghĩ ngay, phải có điều kiện mới chơi được như thế chứ. Tôi thì nghĩ khác. Điều kiện đành rằng là một ý, nhưng người chơi phải có tâm hồn đủ rộng, đủ bén nhạy để nắm bắt và hòa điệu với thiên nhiên và cuộc đời thì mới có những nhịp đi “thơ thới” như thế được. Nhưng rong chơi của Lê Hữu Tỉnh không đơn giản là sự thỏa mãn thú chơi của cá nhân, mà mang chứa niềm khát khao lan tỏa, mời gọi mỗi người hãy tìm lấy những niềm vui sống lành mạnh trong đời.

Bởi thế, trong cuộc rong chơi, Lê Hữu Tỉnh luôn có ý thức chắt chiu, gạn lọc để gìn giữ cái đẹp cho đời. Cái tinh chất ấy bắt nguồn từ sự cộng cảm, giao hòa “ba trong một” trong tâm hồn của “người chơi”: một nhà giáo lão thực, một trí thức - công dân gương mẫu và một văn nhân trầm tĩnh, dịu nhẹ, lắng sâu. “Một bát thắng cố nóng hổi vừa được múc ra bằng chiếc muôi gỗ từ chảo thắng cố sôi sục sục. Một bát rượu ngô Bản Phố cay nồng. Nhâm nhi nhấm nháp trong tiết trời se lạnh, vừa ấm bụng vừa thăng hoa, thơ thới. Trần gian hóa thiên đường trong chốc lát” (Phiêu du Bắc Hà - miền cao nguyên trắng).

Trong cuộc du chơi, Lê Hữu Tỉnh tỏ rõ là người quan sát kỹ lưỡng, tinh tường. Trước một cảnh sắc, một món ăn hay một thú chơi, ông luôn tái hiện chúng bằng toàn bộ con người xúc cảm của mình. Ngoại giới được nội tâm hóa, để rồi, đến lượt mình, chúng được ngoại hiện hóa bằng tất cả sự thính nhạy của các giác quan, song chủ yếu không phải các giác quan chiếm lĩnh, mà là các giác quan thưởng ngoạn. “Chúng tôi đến Y Tý đúng thời điểm lúa chín vàng rực trên những triền ruộng bậc thang uốn lượn chạy dài tít tắp. Những lớp sóng vàng, những dải lụa vàng trải dài trên sườn đồi, sườn núi hòa sắc cùng rừng xanh, mây trắng, tạo nên bức tranh thiên nhiên đẹp mê hồn” (Mênh mang… Y Tý đại ngàn).

Đọc Lê Hữu Tỉnh, không chỉ thấy niềm vui thưởng ngoạn, mà còn là những “khoái thú hiểu biết”. Hiểu biết ở đây không phải những câu chuyện hàn lâm, mà là những thường thức hết sức gần gụi, đời thường dành cho những ai chưa có điều kiện đọc, tìm hiểu có cơ hội biết thêm điều gì đó về mảnh đất, con người, văn hóa.

anh sach 1.jpg -0
Một tác phẩm của nhà giáo Lê Hữu Tỉnh.

Nói Lê Hữu Tỉnh rong chơi, nhưng là một cuộc rong chơi đầy trách nhiệm. Phải là người có tâm hồn gần gụi với thiên nhiên, có mối lương duyên và tương giao với vạn vật thì mới có sự quan sát tỉ mỉ, tinh tế, chi chút nâng niu như thế (chiếc lá mồng tơi, quả dưa chuột, khóm hoa tam giác mạch…). Thưởng ngoạn ở đây luôn gắn với chăm sóc, vun trồng, không phải thưởng ngoạn hay thụ hưởng một chiều. Thú vui của Lê Hữu Tỉnh luôn có lao động là như thế.

Lê Hữu Tỉnh có một trường nhìn, trường quan sát rất rộng và có lẽ quan trọng hơn, ông có một trường liên tưởng phong phú và sự khéo léo trong gắn nối thực cảnh với ký ức, với văn hóa. Chuyện cỏ cây hoa lá, thắng cảnh, thế là lại thành chuyện văn hóa, ý thức công dân, đôi lúc đan xen chút nỗi niềm nhân tâm thế sự. Có điều đặc biệt ở đây là, dầu viết về đối tượng nào, ngay cả trong những phút suy tư nhất, ngòi bút Lê Hữu Tỉnh không vây vo, hờn dỗi với đời, mà luôn hướng đến những điều tốt đẹp để chắp nhặt, nâng niu và lan tỏa.

Những thú vui trong cuộc rong chơi của ông, do thế, luôn là thú vui lành mạnh, mang lại năng lượng tích cực cho đời. Ngọn gió xuân, bông hoa li ti bên song cửa, cái thác nước óng ả, con đường đổ bóng, nhịp thời gian lúc sang mùa… Ở tuổi mình, hẳn ông thấu hiểu những thị phi phải trái ở đời, nhưng trước sau ông vẫn thủy chung theo đuổi triết lí sống của mình: hãy vui sống lành mạnh với cõi nhân gian, với mỗi phút giây hiện hữu trên mặt đất này. Nói ngòi bút Lê Hữu Tỉnh đa dạng mà thống nhất, là như thế.

Trong miền vui thú của Lê Hữu Tỉnh, có một cuộc rong chơi đặc biệt: rong chơi miền chữ nghĩa. Chính nhờ công việc không ít nhọc nhằn này, mà hàng nghìn, hàng vạn con chữ sinh sôi trên trang giấy. Ở đời rất lạ, anh có thể là một ông vua, nhưng tôi lại không phải thần dân trong vương quốc của anh. Cái người này cho là nhọc nhằn, khổ ải, lại là cái mang lại niềm vui cho kẻ khác. Hễ chơi là phải vui, phải thích. Thế là, Lê Hữu Tỉnh có cuộc chơi kép, một cuộc “siêu chơi”: rong chơi những miền vui thú cùng bè bạn và đến lượt mình, ông rong chơi một mình cùng con chữ. Chính nhờ cuộc chơi đặc biệt này mà những vui thú ở đời được neo giữ lại, được khoảnh khắc hóa, trở nên có ý nghĩa hơn. Rong chơi như thế, nào dễ mấy người!

Trong cuốn tản văn của mình, Lê Hữu Tỉnh dành nhiều tình cảm nồng đượm ân tình với những ký ức, kỷ niệm về Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2 và với Xuân Hòa, mảnh đất trung du nắng gió, nơi ông và bạn bè có những tháng năm không thể nào quên, nơi lưu giữ một thời tuổi trẻ nghèo khó nhưng đẹp đẽ. Cái ký ức, khung trời kỷ niệm ấy in sâu đến độ, giờ đây, bất cứ ai nhắc nhớ, hay chỉ chạm khẽ thôi, cũng đủ để thương nhớ, nghẹn ngào (Rưng rưng… năm tháng Xuân Hòa).

Ngôn ngữ tản văn Lê Hữu Tỉnh vừa chặt chịa, cô đúc vừa tung tẩy, khoáng đạt. Nhịp điệu câu văn như nhịp đi của tâm trạng. So với "Tôi kể chuyện làng", tương hợp với sự chơi, cách hành văn, giọng điệu trong "Rong chơi miền vui thú" dường như có phần phóng khoáng, bay bổng hơn. Phẩm tính nghệ sĩ và sự hòa điệu với cuộc du chơi đã khiến văn chương ông cất cánh như thế, phải vậy chăng.

Lê Hữu Tỉnh là nhà giáo, nhà quản lý gắn bó với giáo dục và ngành xuất bản ở những thời đoạn thăng trầm nhất của nó, nhưng có lẽ sự cộng cảm của chúng tôi với ông lại đến từ sự mực thước, rất đỗi ân tình mà ông dành cho bạn bè, đồng nghiệp, học trò. Gần đây, trong tâm thế của một người hưu, ông dành trọn tâm trí của mình cho lao động viết lách và những cuộc rong chơi. Chơi với bạn bè, kỷ niệm, chơi với những vùng đất, con người, cảnh vật và chơi với chính mình, trong thế giới chữ nghĩa của riêng ông.

Lê Hữu Tỉnh cảm nhận được rất rõ nhịp đi của thời gian. Ông chăm chút, gạn lọc và cần mẫn lưu giữ bằng con chữ những đẹp đẽ mến yêu của cuộc đời. Ông là một “nhà khảo cổ học” về những nét đẹp văn hóa tinh thần đã và đang còn vương sót lại trong cõi nhân gian vốn dĩ quá đỗi xô bồ này.

Phùng Gia Thế
.
.