Những ẩn ức và khát vọng tình yêu trong “Nắng dậy thì''

Thứ Tư, 20/03/2024, 15:42

Đọc và suy ngẫm mảng thơ tình yêu của Nguyễn Ngọc Hạnh giữa tiết trời Sài Gòn se lạnh, tôi có cảm giác như vừa được thưởng thức một ly cà phê nóng hổi pha trộn nhiều hương vị, chát, đắng, dịu ngọt và thơm nồng quyến rũ.

Tôi như vừa nhặt được câu thơ
Rơi trên vai em trôi lên ngực
Lấp lánh màu trời huyền diệu
Chạm hồn tôi nắng sớm dậy thì…

(Nắng dậy thì)

Tôi đã đọc và say mê những dòng thơ thủ thỉ, nồng nàn như thế trước khi biết đến nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. "Nắng dậy thì" của ông là ấn phẩm vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 12/2023. Tình yêu là hơi thở của mỗi cá nhân, vì thế mỗi bài thơ đều mang hồn cốt và nét riêng của người cầm bút. Nhà thơ từng chia sẻ: “Thơ là nơi duy nhất để tôi trở về, nơi tâm hồn tôi gửi gắm bao niềm yêu cháy bỏng giữa cuộc đời này...”. Đọc và suy ngẫm mảng thơ tình yêu của Nguyễn Ngọc Hạnh giữa tiết trời Sài Gòn se lạnh, tôi có cảm giác như vừa được thưởng thức một ly cà phê nóng hổi pha trộn nhiều hương vị, chát, đắng, dịu ngọt và thơm nồng quyến rũ.

Những ẩn ức và khát vọng tình yêu trong “Nắng dậy thì'' -0
Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh.        

"Nắng dậy thì" là một nhan đề lãng mạn, gợi nhiều trầm tích. Người thơ lưu giữ khoảnh khắc của tình yêu vừa chớm, tinh khôi và trong trẻo như những tia nắng ban mai ướp hương vào lá cỏ. Nhan đề còn gợi đến những cảm xúc bỡ ngỡ, thăng hoa, tràn đầy năng lượng của một cây bút mới bén duyên với thơ ca. Khi tuổi đời, tuổi nghề đã vào độ chín, nhà thơ vẫn nâng niu, trân quý giây phút thiêng liêng ấy như báu vật.

Thơ tình Nguyễn Ngọc Hạnh đa dạng trong sắc điệu của nắng. Nắng gắn với thời gian: “nắng sớm” (Nắng dậy thì), “nắng ban trưa” (Phố bên sông), “nắng cuối ngày” (Hạnh phúc). Nắng tồn tại trong tâm thức: “giọt nắng tơ vương bên trời” (Giao thừa), “Nắng rây rây như đắp lên chiều” (Biển chiều), “Chút nắng hanh vàng còn sót lại” (Thu rơi), “nỗi buồn nắng hạn” (Thu không lời), “chiếc nón lá nhớ da diết nắng trời” (Đóa vô thường) …

Giấu buồn trong từng lát cắt đơn côi

Mạch nguồn cảm xúc trong "Nắng dậy thì" của Nguyễn Ngọc Hạnh thiên về hoài niệm để phơi buồn, níu giữ, khát khao đến cháy bỏng về tình yêu lứa đôi. Từng lát cắt của thời gian được nhà thơ trải lòng. Đó là những buổi chiều chan đầy nỗi đau, buồn tủi về những va vấp, trắc trở của tình đời, tình yêu. Trong sự trống vắng, nỗi nhớ được đẩy lên, chạm khắc vào bầu trời “vàng vọt dỗi hờn im ắng”, thả nỗi cô đơn vào một “ngày biển lặng”.

Vẫn là nắng chiều, là mây trôi nhưng Nguyễn Ngọc Hạnh đã lạ hóa ngôn từ, tạo nên hiệu quả thẩm mĩ đặc biệt: "Nắng rây rây như đắp lên chiều/ Trời vàng vọt dỗi hờn im ắng/ Ai rót em vào ngày biển lặng/ Để mình anh uống cạn mây trôi" (Biển chiều). Trong bóng hoàng hôn tuổi chín, người thơ độc ẩm, tự đối thoại nhưng vẫn đau đáu dõi theo nhịp chảy của thời gian để khát vọng: "Em đâu biết bến bờ ngóng đợi /Cánh buồm nghiêng từ phía trăng lên" (Biển chiều). Chiều buông, nỗi buồn trĩu xuống theo từng bước nhớ: "Chiều lên nửa phố chiều trông/ Người đi từ phía bão giông chưa về!" (Lục bát qua sông).

Thơ tình Ngọc Hạnh trổ bông bình dị gắn với những không gian quen thuộc của quê hương như dòng sông, con đò, biển cả, góc phố, con đường… Dễ dàng nhận thấy, gam màu chủ đạo phủ lên kí ức tình yêu là màu trầm buồn về những hao khuyết, bấp bênh, lận đận của duyên phận: "Phút này rồi cũng xa xôi/ Tôi giao thừa với lở bồi đêm xuân/ Em là hoa giữa mờ sương/ Tôi như giọt nắng tơ vương bên trời" (Giao thừa), "Em hứng gì trên đôi bàn tay/ anh như vạt nắng chiều còn sót lại/ giọt nước long lanh rơi qua kẽ lá/ làm sao níu được đóa vô thường!" (Đóa vô thường).

Ngay cả khi chấp nhận số phận nghiệt ngã, người thơ vẫn âm thầm gánh chịu nỗi đau, để người yêu được hạnh phúc: "Hãy rót vào tôi niềm đau/ Cho lòng em thanh thản /Rót vào cơn mưa nỗi buồn nắng hạn/ Để cỏ non chiều lên xanh tươi" (Mùa thu không lời). Khoảnh khắc gặp gỡ thật ngắn ngủi, thoáng qua như tia nắng, hạt mưa nhưng lại có sức mạnh “thần thoại hóa” trái tim con người. Bén duyên với “Nắng dậy thì”, vườn tình, vườn thơ Nguyễn Ngọc Hạnh đâm chồi nảy lộc, đơm bông kết trái, cuộc đời bước sang trang mới: "Em đi qua như áng mây bay/ Không rực rỡ cầu vồng bảy sắc/ Mây in đời em vào tôi xanh biếc/ Em, bầu trời tình yêu của tôi/ Mênh mông lời của biển sâu/ Là câu thơ lấp lánh giữa đời" (Hạnh phúc).

Giữa cuộc bể dâu chốn vô thường, lời thơ có lúc đắng đót, ngậm ngùi cho canh bạc của số phận: "Thấp thoáng rồi xa đêm cứ trôi/ Hồn ai lấp lánh phía xa xôi/ Quờ tay chạm bóng đêm mù mịt/ Tan ánh ngày ra bạc trắng vôi" (Chiếc bóng). Trước nỗi buồn, sự éo le, oan trái của cuộc sống, có lúc người thơ vùi nỗi đau xuống lòng sâu của giếng, có lúc lại muốn được ngoi lên “nối sợi dây gàu”, tìm lối thoát cho sự cô đơn, lẻ bóng. Lúc ấy, vầng trăng và em trở nên gần gũi, ấm áp xiết bao: "Lặng lẽ với giếng sâu/ Xin nối sợi dây gàu cho lòng bớt cạn/ Tôi múc ánh trăng về làm thơ/ Rồi tri âm em mà bầu bạn" (Nhớ).

Khát vọng bừng cháy

Mạch thơ tình yêu của Nguyễn Ngọc Hạnh chứa đựng khá nhiều ẩn ức. Từ những chiêm nghiệm với bao nỗi đắng cay, mặn ngọt, bất trắc của đời sống, tấm lòng người thơ vẫn luôn bao dung, rộng mở và trân quý những gì mình có được. Tình yêu lứa đôi hay thơ ca đã chắp cánh để cảm xúc thăng hoa, hóa thân vào ngôn từ, chiếm lĩnh, khám phá vẻ đẹp kì diệu trong chiều sâu vũ trụ và tâm hồn con người: "Mỗi đời người là một ánh chớp/ Có thể loé sáng rồi tắt lịm/ Và, em là vì sao ấy/ Nở bung ra/ Bầu trời/ Em đã thắp sáng trái tim người đàn ông/ Cứu rỗi linh hồn ấy để cùng bay về phía ánh sáng bên kia hoàng hôn/ Có một bầu trời như thế/ Để tình yêu bay qua dịu dàng" (Khi bầu trời nở bung ra).

Thơ ca, tự nó có sứ mệnh riêng, đôi khi chính những sang chấn về tâm hồn lại bù đắp cho chủ thể những trái ngọt. Vẫn là nhớ, là yêu, là khát vọng nhưng cách Nguyễn Ngọc Hạnh thổ lộ thật đẹp, thật mới lạ: "Giao thừa tôi với đời em/ Lời yêu tách vỏ tiếng chim ra ràng/ Đêm xuân hoa cỏ trần gian/ Đưa em về giữa đường làng cùng tôi" (Giao thừa).

Những ẩn ức và khát vọng tình yêu trong “Nắng dậy thì'' -1
Cuốn sách chứa đựng nhiều cảm xúc, khát vọng tình yêu của Nguyễn Ngọc Hạnh.        

Táo bạo và mãnh liệt trong tình yêu, thơ Nguyễn Ngọc Hạnh mở ra những liên tưởng bất ngờ: “Mưa cong vút lên trời hoàng hôn/ Chiều chậm trôi mờ xa vơi đầy/ Treo bài thơ lên lưng chừng mây/ Như là em rơi trong thu gầy” (Thu rơi). Hay: “Gánh hoa này là gánh thơ tôi/ Cũng ngập tràn hương thơm ngào ngạt/ Có cả nụ cười và nước mắt/ Trên bờ vai cong đôi gánh nỗi niềm” (Gánh thơ). Dễ dàng nhận thấy, Nguyễn Ngọc Hạnh luôn đặt “em” song hành cùng với “thơ”. Tình yêu, tình thơ chính là hai mạch nguồn cộng hưởng, tạo nên vẻ đẹp rất riêng trong thơ anh: "Mơ màng em với trăng sao/ Là cơn mơ đẹp bay vào thơ anh/ Em tan vào giữa cao xanh/ Rơi như giọt lệ long lanh bên trời" (Ngập ngừng).

Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh giàu nhạc tính, êm ả, trôi trôi như lời ru buồn, như tia nắng bừng lên rồi dịu lại, tưởng chừng đóng kín một tâm trạng nhưng thực ra lại tạo được những hiệu ứng tích cực từ phía độc giả. Mỗi tứ thơ thường bắt đầu từ một lát cắt thời gian, một cảnh huống, một câu chuyện đời thường, từ đó thiết lập, tạo nên khoảng lặng suy niệm. Từ khoảng lặng đó, qua hình thức độc thoại, nhân vật trữ tình bùng nổ những cảm xúc đa chiều, đan xen giữa ký ức và hiện tại, giữa thực và ảo, đau buồn và khát vọng.

Hạnh phúc của người làm thơ chính là sự giải mã tâm hồn bằng nghệ thuật của con chữ. Nguyễn Ngọc Hạnh từng nói: “Tôi chỉ biết làm mới mình, bớt đi những thô ráp, “quê mùa” trên cánh đồng chữ nghĩa, nhưng vẫn giữ lại vẻ đẹp mộc mạc, giản dị, để thơ ca không chỉ là tiếng nói của tâm hồn mà còn là tiếng nói của thời đại”. Đa dạng về thể thơ, cẩn trọng, tinh tế trong từng câu chữ, những liên tưởng táo bạo, phép lạ hóa thi ảnh và ẩn dụ tài hoa khiến thơ Nguyễn Ngọc Hạnh được nhiều người sành thơ yêu thích.

Xin chúc mừng "Nắng dậy thì" của Nguyễn Ngọc Hạnh. Tôi tin rằng ấn phẩm xinh xắn này sẽ được bạn đọc xa gần đón đọc và chia sẻ.                                                                           

Triệu Kim Loan
.
.