Rỡ ràng sắc phố chợ vui

Chủ Nhật, 21/01/2024, 14:24

Mỗi lần qua phố Hàng Mã tôi luôn bị khựng lại ở ngã tư Hàng Lược vì các chiều xe cộ đi lại chóng mặt. Giai điệu "Từ một ngã tư đường phố" của nhạc sĩ Phạm Tuyên vang lên đâu đó trong tâm tưởng. Bởi lẽ tôi thường bắt gặp ở vòng xoay này những nụ cười cùng lời chào mời ríu rít. Hàng Mã được ví là con đường ánh sáng với sắc màu rực rỡ. Phố luôn giăng mắc những đường hoa giấy và đèn màu cùng những mặt hàng các mùa lễ hội khác nhau.

Phố xuân vui

Ít người biết rằng xưa Thăng Long có hai phố Hàng Mã. Con đường hiện nay, nối từ Phùng Hưng tới ngã tư Hàng Đường (dài 340m), trước được gọi là Hàng Mã (thượng). Còn một phố Hàng Mã (hạ) cổ nối từ đầu Hàng Buồm tới ngã ba Lương Ngọc Quyến. Thời Tiền Lê, cả hai phố cùng làm nghề vàng mã nhưng Hàng Mã (hạ) chuyên bán đồ cúng lễ lớn như ngựa, nhà, hình nhân, ông Công, Táo... Còn Hàng Mã (thượng) chỉ làm đồ nhỏ như vàng mã, hoa, tiền giấy, nhất là các loại đèn, nến... Sau này Hàng Mã (hạ) hợp với phố Hàng Mây (từ ngã tư Lương Ngọc Quyến tới ngã ba Hàng Bạc) thành đường Mã Mây như hiện nay. 

Rỡ ràng sắc phố chợ vui -1
Một thuở phố Hàng Mã xưa.

Nhưng vẫn còn chuyện phố Hàng Mã từng bị con sông Tô cắt ngang làm hai khúc. Tới thời Pháp thuộc, sông Tô bị lấp vì cạn nước để xây đường phố Hàng Lược. Vì thế, phố Hàng Mã được nối thành một đường như hiện nay. Mối nối ngã tư Hàng Lược và Hàng Mã tạo nên quảng trường luôn rạo rực không khí của những ngày hội lớn. Hàng Mã vẫn giữ được truyền thống hàng trăm năm giữ nghề làm đồ vàng mã, cúng lễ tâm linh và làm đồ chơi Trung thu cho trẻ em.

Tuy nhiên trước tốc độ phát triển văn hóa và kinh tế ồ ạt, phố Hàng Mã mở rộng những mặt hàng làm bằng giấy cho các mùa lễ hội quanh năm. Nào là dịp Noel, lễ tình nhân, hay lễ hội Halloween… đều có những mặt hàng mới cung ứng trên phố. Ngày rằm hàng tháng hay dịp tết đến xuân về, phố Hàng Mã luôn rực đỏ sắc màu tươi thắm. Hàng xếp đầy đường, xe đi như mắc cửi, ngã tư Hàng Lược và Hàng Đường, Hàng Chiếu nhộn nhịp đúng với nghĩa: "Phồn hoa thứ nhất Long Thành/ Phố giăng mắc cửi như tranh họa đồ/ Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ…".

Vào thời gian này, khách tới phố Hàng Mã chật kín các ngả đường trong dịp xuân Giáp Thìn. Điều thú vị là khách tới mua hàng đa số là phụ nữ và các nam thanh, nữ tú. Riêng các ông đi theo vợ đều phải đứng ở đầu phố chờ. Nếu không họ phải gửi xe từ xa và đi theo các bà để xách đồ. Nhiều cô gái đẹp còn đua nhau lên Hàng Mã để check-in những tấm hình đủ sắc màu làm nền.

Hàng Mã còn được gọi là phố Xuân là vì thế. Phố ê hề những mặt hàng, nào ông Công, ông Táo, nào những bộ quần áo giấy sẫm màu nâu đỏ cùng những ngọn đèn lồng rung rinh trong nắng mới. Thậm chí có nhà trang trí một con rồng vàng khổng lồ cao qua ba tầng nhà để thu hút khách hàng. Một cô gái đang nhún chân theo điệu nhạc bán hàng và đội vương miện như một hoa hậu vậy. Mọi người hồ hởi vẫy tay chào người đẹp, thật đúng là: "Em ơi! Hà Nội phố/ Ta còn em đống kim ngân/ Đổ đầy Hàng Mã/ Lâu đài, dinh thự/ Ngựa, xe, võng, lọng/ Gấm, vóc, lụa, là/ Những hình nhân hầu gái/ Đẹp như hoa" ("Em ơi! Hà Nội phố" - Phan Vũ). Lại có khi từ cuối Hàng Mã, còi tàu hỏa trên đường ray Phùng Hưng hú lên inh ỏi. Những đầu ngã tư phố tựa như cánh chong chóng quay tít những dòng xe xuôi ngược trong ngày xuân. 

Con đường tràn đầy ký ức tuổi thơ

Phải nói đã từ lâu phố Hàng Mã luôn thu hút mọi người. Đặc biệt, Tết Trung thu phố Hàng Mã trở nên nhộn nhịp hơn cả dịp Tết Nguyên đán. Biết bao ký ức tuổi thơ chúng tôi dội về khi đi qua phố vào dịp đón trăng rằm tháng Tám. Ngày đó những cánh diều tuổi thơ luôn bay bổng cùng những đèn ông sao năm cánh. Đặc biệt là những chiếc tàu thủy sắt chạy bằng dầu sùng sục trong những chậu nước trên phố. Hay đó còn là các chú thỏ sắt gõ trống tong tong bên vỉa hè. Rồi nữa những câu chuyện được người lớn kể quanh chiếc đèn kéo quân về tích "Vinh quy bái tổ" cùng chuyện các ông trạng ở thôn quê.

Tôi còn nhớ ngày đó trên ngã tư Hàng Chiếu, Hàng Đường một đoàn xe múa lân cùng tiếng trống tưng bừng khắp phố. Từng bầy trẻ nối đuôi nhau thắp đèn hạt bưởi rồi nhảy vòng ca vang: "Bóng trăng trắng ngà/ Có cây đa to/ Có thằng Cuội già/ Ôm một mối mơ/ Lặng im ta nói Cuội nghe" ("Thằng Cuội" - Ca khúc Lê Thương). Một không khí quê bên sông Tô ngày nào trùm lấp ký ức mộng mị trong tôi với tâm cảm về một Thăng Long huyền thoại.

Rỡ ràng sắc phố chợ vui -0
Rồng Hàng Mã đón xuân Giáp Thìn.

Hàng trăm năm qua, phố Hàng Mã trở thành nơi kết nối thân thiết với trẻ em Hà Nội. Để đón tết Trung Thu nhà nào cũng có mâm cỗ hoa quả và bánh nướng, bánh dẻo hình con cá. Bên cạnh đó thì chuyện đi chơi phố Hàng Mã để mua đèn và đầu sư tử là chuyện không thể thiếu. Các em còn rước đèn ông sao luôn trên phố cùng tiếng trống rộn ràng. Trông trăng là ngày hội sống động nhất trong mọi gia đình với các em nhỏ. Bởi đúng giờ rằm bao giờ cũng vậy: "Chị Hằng chúm chím môi xinh/ Em tròn xoe mắt giật mình sao rơi/ Nối đuôi áo bạn vui chơi/ Múa Rồng tháng Tám Cuội cười trên cao".

Khi đó ông trăng rọi sáng khắp vườn quê, các bạn nhỏ lại háo hức lắng nghe ông bà kể sự tích về chị Hằng Nga và chú Cuội ngồi bên gốc cây đa. Và, ai cũng ngóng lên trăng mong chị Hằng Nga tốt bụng ban cho may mắn và bình an. Chính vì thế phố Hàng Mã còn được ví là dòng sông ngàn sao. Cảnh tượng lung linh dưới ánh trăng tròn xoe như quả bóng tròn sáng rực ánh vàng. Đó là ngày hội rước đèn luôn rộn ràng nhịp điệu: "Tùng dinh dinh tùng tùng dinh dinh/ Đây ánh sao vui chiếu xa non ngàn/ Tùng dinh dinh tùng tùng dinh dinh/ Ánh sao Bác Hồ tỏa sáng nơi nơi" ("Chiếc đèn ông sao" - nhạc sĩ Phạm Tuyên).

Tuy giờ đây phố Hàng Mã còn bán nhiều đồ chơi trung thu phong phú hơn. Nhiều mặt hàng được du nhập hoặc làm giả theo mẫu nước ngoài nhưng không thể cạnh tranh được với những mặt hàng truyền thống. Những hình nhân cúng rằm không thiếu như ông phỗng cười và tiến sĩ. Đây là nội dung kèm theo lễ trông trăng khi ông cha muốn khuyến khích tinh thần học tập luôn được trẻ em ghi nhớ.

Đáng chú ý là có gia đình còn bày một chậu nước đón trăng lên vào lúc tròn nhất khi đó mới bắt đầu đốt pháo hoa phá cỗ. Những ánh đèn nến trong ngôi sao lung linh cùng lửa cháy từ hạt bưởi lấp lóe tia sáng tạo nên sự huyền ảo cùng mùi thơm tỏa lan. Lúc này bản hợp ca đồng dao mới hòa nhịp vang lên: "Lửa vàng như ánh trăng/ Lửa xanh màu cổ tích? Lửa hồng làn gió mát/ Lửa thơm màu lung linh/ Tùng dinh tùng dinh dinh". Hàng Mã luôn là nơi hội tụ ký ức tươi xanh của người dân Thủ đô ở mọi lứa tuổi qua bao đời nay. 

Những cánh sao vệ quốc ngày ấy

Ít ai có thể ngờ sau những ngôi nhà cổ tích trên phố Hàng Mã xưa đã từng là các chiến lũy và ụ súng của chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô trong cuộc chiến đấu chống giặc Pháp. Trận chiến diễn ra (từ 19/12/1946 tới 17/2/1947) theo lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi đó trung đội 4 (Tiểu đoàn 101- Trung đoàn Thủ đô) đóng tại phố Hàng Mã và Hàng Đồng nhằm chặn đánh địch từ cửa thành phía đông. Hơn nữa phố Hàng Chiếu nối với Hàng Mã là nơi trụ sở của chỉ huy mặt trận đóng nên các chiến sĩ trung đội 4 còn có nhiệm vụ bảo vệ chỉ huy sở mặt trận chợ Đồng Xuân. Do đó phố Hàng Mã thường bị địch bắn phá thậm chí dội bom bằng máy bay.

Những chiến sĩ đã biến những ngôi nhà trên phố Hàng Mã trở thành công sự liên thông để chặn đánh và tiêu diệt kẻ địch. Cuộc chiến của mặt trận Liên khu I kiên cường và dũng cảm với khẩu hiệu "Quyết chiến để Tổ quốc quyết sinh". Các chiến sĩ Thủ đô đã rút quân lên chiến khu (17/2/1947) với tâm niệm hẹn ngày chiến thắng sẽ trở về với Thủ đô yêu dấu. Quả nhiên tới ngày Thủ đô giải phóng (10/10/1954) họ đã trở về với hình ảnh rộn ràng: "Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng/ Cờ ngày nào tung bay trên phố" ("Tiến về Hà Nội" - Văn Cao).

Vương Tâm
.
.