Phố hẹn ngã ba sông
Có hai điểm mà nam thanh nữ tú Hà Nội rất nghiện “check in” trên phố Hàng Đậu. Đầu tiên phải kể đến cầu Long Biên ở phía trên. Sau đó là tháp nước cổ ở cuối phố. Hàng Đậu sớm hình thành đường phố từ thời Lê-Trịnh với Bến Nứa (sông Hồng) và cửa ô Phúc Lâm tấp nập kẻ chợ vào ra. Tuy chỉ dài hơn 270 mét nhưng hiện nay phố Hàng Đậu được ví là cổ họng của ngã sáu, xe cộ khắp nơi tụ về vượt sông lên phương Bắc.
Ký ức phố cổ
Với tôi phố Hàng Đậu trở nên thân thuộc bởi lẽ từ thập niên 80 thế kỷ trước tôi đã quen thân với không ít bạn bè văn thơ báo chí ở quanh phố. Nhất là với cố thi sĩ Trúc Thông (1940-2021) ở 16 phố Hồng Phúc kế bên Hàng Đậu. Có lần ông kể khi còn nhỏ vẫn thấy hai bên dãy phố bán nhiều loại đỗ hạt như xưa. Còn hàng gạo thì bán đầy ở phố Nguyễn Thiếp. Nhiều người còn làm giá đỗ ngay trên vỉa hè bán cho người đi chợ. Hoặc có nhà xay đỗ xanh bằng cối đá thơm phức cả phố.
Ông còn nhớ ở ngay ngã tư Hàng Đậu và Nguyễn Thiếp chính là cửa ô Phúc Lâm (gọi theo tên đất thôn cũ). Sau thực dân Pháp đã phá đi để xây đường dốc gạch dẫn lên cầu Long Biên (khánh thành năm 1902). Từ đó phố Hàng Đậu là đường huyết mạch từ cầu Long Biên đến khu Thành cổ, nơi đóng quân và các cơ quan đầu não của thực dân Pháp (cho tới 1954).
Nhớ lại một thời phố Hàng Đậu cũ, nhà báo Bùi Kim (1940-1989) ở số nhà 31 đã kể với tôi rằng, xưa trên phố Hàng Giấy cắt ngang Hàng Đậu có nhiều nhà hát cô đầu xuất hiện. Những âm thanh tom chát rộn rã suốt đêm làm cả phố mất ngủ. Không ít kẻ lãng tử thương hồ cháy túi vì ghiền thuốc phiện ngủ lăn lóc dưới mái hiên nhà. Ông còn nhớ một kẻ giang hồ vặt luôn nghêu ngao những lời ca sến xẩm não nề: “Long Biên còi tàu đôi ngả/ Hẹn hò đậu bến hiên nhà/ Mắt em trên ô cửa cũ/ Nhìn về đăm đắm tình xa…”. Sau này đồn cảnh sát Hàng Đậu đẩy đám cô đầu này về vùng đất Thái Hà và Khâm Thiên (1935). Hàng Đậu được mở rộng tới 12 mét trở thành trục đường giao thông chính yếu vượt sông đi các nơi.
Trong dân gian có câu truyền tụng ngày đó: “Hà Nội có cầu Long Biên/ Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng/ Tàu xe đi lại thong dong/ Người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi”. Hàng Đậu còn có mấy ngả đường dẫn vào chợ Đồng Xuân, Cầu Đông và Bắc Qua nên càng nhộn nhịp ngày đêm. Nhưng cũng từ đó phố Hàng Đậu không còn những hàng hạt như ngày nào. Hai bên trục đường mọc lên sớm nhất là các cửa hàng săm lốp ô tô và sửa chữa xe cộ. Hiện phố phát triển thêm nhiều mặt hàng kinh doanh khác rất phong phú. Nay phố thuộc cả hai quận Hoàn Kiếm và Ba Đình, Hà Nội.
Tuy vậy, phố vẫn lưu giữ những ngôi đình thôn làng xưa. Tuy ngắn nhưng phố có tới 6 di tích đền, đình, chùa, trường học Cúc Hiên và từ đường cổ họ Phạm. Đó là những chứng tích mang phong vị của một phố cổ lâu đời. Trong dân gian vẫn còn ghi: “Rủ nhau chơi khắp Long thành/ Ba mươi sáu phố rành rành bên sông/ Hàng Muối, Hàng Nón, Cầu Đông/ Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè…”.
Đồng thời những di tích này cùng với dân phố Hàng Đậu ngạo nghễ nhìn giặc Pháp phải cúi đầu rút khỏi thành phố (1954). Vẫn còn đó những hình ảnh hàng chục ngàn lính viễn chinh Pháp đi qua cầu Long Biên rút về bến cảng Hải Phòng để về nước. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có lần đi qua cầu đã viết: “Ba mươi năm/ Ta lại đạp xe qua chiếc cầu cũ kỹ/ Trong sớm thu dịu ngọt/ Nghe sông Hồng vặn mình trong cát/ Gió rít mỗi trụ cầu/ Thấy màu mắt những anh hùng trong thép/ Thấy những sóng người dào dạt/ Trùng trùng những lớp đi xa” (Cầu Long Biên).
Kỳ tháp ngã sáu
Gần với nhà báo Bùi Kim một thời còn có gia đình cố nhà báo Vương Thanh Bội (số nhà 45) và gia đình nhà thơ Lương Ngọc An (ở số 43). Tình cờ tới gia đình nhà báo Vương Thanh Bội, tôi gặp được con gái ông là nữ sĩ Vương Huệ Anh. Sau khi cha mất chị vẫn ở ngôi nhà đó cho tới nay đã hơn 60 năm. Chị đưa tôi xem những kỷ vật của cha để lại như chiếc cặp và thẻ nhà báo. Nữ sĩ Vương Huệ Anh làm thơ và xây dựng giá sách của cha để lại thật phong phú. Chị xúc động nhắc lại con phố chị đã gắn bó đời mình. Chị đã viết: “Hà Nội ơi, những lối chiều hò hẹn/ Ta còn em mùi hoa sữa tóc vương/ Bao hàng cây vẫn trổ lá bên đường/ Và đâu đó yêu thương về ấm phố” (Ký ức phố).
Nhưng có lẽ thú vị nhất khi chị còn quấn quýt thân thương với “Lâu đài” tròn ngã sáu đầu phố trong hàng chục năm qua. Đó chính là tháp nước Hàng Đậu với 54 ô cửa sổ đẹp tựa tháp cổ ở châu Âu. Chị cho biết ngôi tháp này được người Pháp xây dựng trước cả cầu Long Biên. Đó là một câu chuyện đầy truân chuyên khi nạn dịch bệnh lỵ đã xảy ra ở Hà Nội vào cuối thế kỷ 19. Chính viên Thống sứ Paul Bert mắc bệnh lỵ mà chết nên người Pháp phải hoàn thiện đường dẫn nước sạch để dùng. Năm 1894, tháp nước Hàng Đậu và Đồn Thủy đã được xây để cung cấp nước sạch cho thành cổ và các trại lính dùng.
Tháp nước Hàng Đậu là điểm nhấn (tháp cao 25 mét và đường kính dài 19 mét) tại ngã sáu đường phố đi vào Hàng Đậu. Đó là giao điểm của các đường Hàng Cót, Hàng Giấy, Phan Đình Phùng, Quan Thánh và Hàng Than. Tháp nước còn ngự bên vườn hoa Hàng Đậu cũ (nay gọi là công viên Vạn Xuân). Với vỉa hè khá rộng (từ 2 đến 4 mét) vòng quanh cùng hàng cây trổ hoa rực rỡ, tháp nước tạo nên cảnh quan kỳ thú. Mùa nào cũng có nét đặc trưng gợi cảm bởi mặt trời luôn chiếu rọi suốt ngày. Nữ sĩ Vương Huệ Anh cho biết vào dịp xuân hoặc thu tới tháp nước Hàng Đậu người đến chụp ảnh rất đông. Nhất là vào mùa hàng cây lộc vừng thay lá cuối cùng từ giã gió đông rét mướt. Những cụm lá vàng rơi và bay theo gió sông Hồng thật náo nức. Một không gian thanh khiết nõn xanh lộc biếc thay cho mùa lá rụng vàng bay khắp phố. Thật nao lòng: “Có những chiều một mình trên phố cũ/ Nghe tàn phai phủ trên lối đi dài/ Có những chiều mây trắng hững hờ bay/ Ngày thêm rộng trong không gian vô tận” (Vương Huệ Anh).
Ta tự hào đi lên
Tình cờ tháp nước trổ 54 cửa sổ bao quanh như những con mắt trầm buồn đầy mỹ lệ trong những mùa đông gió lùa tứ tán. Con số 54 trùng với đuôi số năm mà thực dân Pháp phải rút khỏi Hà Nội (1954). Đồng thời đây cũng là năm mà chiến sĩ thắng trận Điên Biên Phủ trùng trùng như sóng tiến về tiếp quản Thủ đô (10/10/1954). Sinh thời, nhà thơ Trúc Thông nói cho tôi biết ở số nhà 37 Hàng Đậu có NSƯT Hữu Nội (1948-1994), người hát rất hay những bài ca cách mạng. Giọng hát Hữu Nội dầy ấm vang dội và được coi là ca sĩ kế cận với đàn anh NSND Trần Khánh. Cả hai đều là những cây đơn ca hàng đầu của Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam vào thập niên 80 thế kỷ trước. Nếu giọng hát Trần Khánh tràn trề nội lực và ẩn chứa âm hưởng bi tráng thì Hữu Nội lại có độ vang vọng hùng ca bay bổng. Mỗi người một âm sắc tài hoa dị biệt.
NSƯT Hữu Nội nổi tiếng với những bản ca tráng lệ như: “Ta tự hào đi lên. Ôi! Việt Nam” (Chu Minh); “Đất nước trọn niềm vui” (Hoàng Hà); “Ca ngợi Tổ quốc” (Hồ Bắc); “Tình ca đất nước” (Phan Nhân) … Thật khó ai có thể quên khi được chứng kiến ca sĩ Hữu Nội đứng tại sân khấu bên cạnh tháp nước hát bài “Ta tự hào đi lên. Ôi! Việt Nam”. Dường như mỗi mùa xuân về dọc đường phố ồn ào vẫn vang vọng lời ca: “Ta đứng đầu ngọn sóng/ Nơi đấu tranh bão táp diệu kỳ/ Nơi hy vọng những vườn hoa nở/ Nơi chân lý sáng ngời đầu sóng gió/ Ta tự hào đi lên. Ôi! Việt Nam”. Đặc biệt ca khúc “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” (Cao Việt Bách) khó ai vượt được Hữu Nội. Đây là bản hợp xướng hùng tráng mà Hữu Nội là người biểu diễn thành công nhất. Vậy đó, Hàng Đậu luôn là nơi hò hẹn cho những chuyến đi xa. Nơi ngã ba sông Hồng rạo rực những nỗi niềm chia xa. Hồn thơ thi nhân luôn lai láng bởi: “Lá vàng sau mùa hoa rụng/ Gió sông thổi dọc phố Thu/ Xạc xào níu bàn chân bước/ Lãng tử nheo mắt giang hồ” (Hạnh Hoàng Thi).