Phải lòng Shấng Cọ

Thứ Sáu, 07/01/2022, 17:52

Ngượng nghịu gãi đầu nhưng ánh mắt lấp lánh niềm tự hào kiêu hãnh, anh Trần Văn Hòa thú nhận: “Mình phải lòng Shấng Cọ từ cái thuở còn cởi truồng tắm sông. Nó còn hơn cả bùa ngải với mình đấy!”. “Nhưng mà, anh…”. Cảm giác được cái nhìn ngạc nhiên của tôi, anh Hòa bảo: “Là người Kinh chứ đâu phải dân tộc Cao Lan đâu mà lại có căn duyên với Shấng Cọ chứ gì?”.

Người nghệ sĩ chân quê thô mộc bồi hồi đưa mắt nhìn vào cõi xa với niềm rung động đầy diệu kỳ: “Shấng Cọ mang tới cho mình tình yêu với vợ cùng con và anh em bè bạn chòm xóm láng giềng. Rồi nữa là lời ru à ơi khi bổng lúc trầm của mẹ cùng tiếng võng đay kẽo kẹt trưa hè. Những câu Shấng Cọ cho tôi cơ hội tìm lại cảm giác rung động bồi hồi xao xuyến rạo rực thuở đầu đời rụt rè bẽn lẽn nắm bàn tay con gái!”.

Thấu triệt sâu sắc cái tâm, cái tình, cái nghĩa tròn trịa còn hơn cả bát nước đầy mà “người dưng” Trần Văn Hòa dành cho những câu Shấng Cọ của người Cao Lan mình, đôi mắt già nua của nghệ nhân Sầm Văn Dừn chợt ầng ậc nước: “Bây giờ thì chả cứ riêng gì chú Hòa đây đâu. Còn rất nhiều bà con khác thuộc dân tộc Mường, Tày, Dao… thôn Mãn Hóa, xã Đại Phú và ở ngoài huyện Sơn Dương chúng tôi mê mẩn với những câu Shấng Cọ đấy anh ạ. Ở nơi suối vàng, chắc hẳn các bậc tổ tiên của chúng tôi đã được ngậm cười!”.

shấng cọ gồm rất nhiều thể loại, như hát đố, hát giao duyên của nam thanh nữ tú.jpg -0
Shấng Cọ gồm nhiều thể loại, như hát đố, hát giao duyên của nam thanh nữ tú.

*

Ông Sầm Văn Dừn kể, Shấng Cọ là hình thức hát giao duyên của người Cao Lan mình. Nó còn có tên gọi Sịnh Ca. Người nghệ nhân tuổi “thất thập cổ lai hi” trở lại với dòng hồi ức của mình. Rằng thì, để Shấng Cọ “sống” một cách mãnh liệt ở cái thời 4.0, ông và những thành viên trong câu lạc bộ Shấng Cọ đã trải qua những đận vất vả không bút lực nào tả xiết.

“Nói ra thì mang tiếng kể công này nọ!” - ông Sầm Văn Dừn bộc bạch - “Nhưng cũng phải khó khăn lắm cánh tôi mới có được những trang ghi chép bài bản, căn cơ về tiếng lòng gan ruột của cha ông gửi lại con cháu. Mà tôi nghiệm ra thế này, giữ vàng giữ tiền xem ra còn dễ hơn việc lưu giữ cốt tủy của bao đời tiền bối chú ạ!”.

Nghệ nhân mang những phẩm chất truyền thống cao quý của dân tộc Cao Lan bồi hồi nhớ lại, “ngày xửa… ngày xưa” Shấng Cọ như thể hơi thở của mỗi một thành viên Cao Lan vậy. Nhưng rồi một ngày nọ, cơ chế kinh tế thị trường xuất hiện len lỏi người ta chả còn mấy mặn mà với tiếng lòng của tổ tiên mình nữa.

Ngay tại những bản làng chốn thâm sơn cùng cốc của xứ Tuyên ngày đêm cũng chỉ rặt những điệu nhạc chát xình chát bùm bùm. Và những diệu nhảy “đít cậu - đít cô” loạn xị, tạp pí lù. Rủ bạn già Shấng Cọ thì người ta ngơ ngác: “Nó là cái món chết tiệt gì ấy nhỉ?”.

“Chú biết không, một ngày kia, đi ăn cỗ ở huyện xa, một người thân quen là dân tộc Tày hỏi tôi thế này: “Em hỏi thật nhà bác nhé. Nếu như Shấng Cọ “tan theo gió” thành dĩ vãng thì bà con Cao Lan của bác còn lại gì là quý giá nhất?”. Thoạt nghe thì nghĩ, họ cạnh khóe. Đêm xuống vắt tay lên trán mới hốt hoảng giật mình thấy rằng, câu ấy là lời gan ruột của lão bạn già ấy.

“Phải tìm cách lưu giữ lại những câu Shấng Cọ thôi, trước khi mọi sự chưa muộn!” - ông Sầm Văn Dừn chắc nịch một câu - “Nhưng muốn giữ, phát triển các loại hình diễn xướng của Shấng Cọ thì nhất định phải có người biểu diễn. Không thể đem những câu Shấng Cọ của ông bà tổ tiên lồng vào khung kính, treo lên tường mà ngắm được!”. Thế là việc đầu tiên ông Sầm Văn Dừn quyết làm cho được: Vận động bà con làng xóm tham gia câu lạc bộ Shấng Cọ.

Nói thì dễ như bỡn. Đụng vào thực hiện ý tưởng nhân văn của mình mới thậm khó. Ông Dừn bảo thế. Để cho ra đời được câu lạc bộ Shấng Cọ bản Mãn Hóa gồm mấy chục thành viên như bây giờ, nghệ nhân nông dân thuần phác ấy đã phải đối mặt với vô vàn thử thách. Lúc đầu, người trong bản nhất định không chịu hợp tác với ông Dừn.

Cái sự ráo hoảnh ngoảnh mặt làm ngơ của người làng với ông nào đâu chỉ đơn thuần là những điều ong tiếng ve còn hơn cả xát muối. Chỉ vì không muốn lây cái “bệnh hâm”, “bệnh rửng mỡ”… của ông Dừn mà nhiều người đã thô bạo đóng sập cánh cổng “cấm tiệt” lão nghệ nhân bước chân vào nhà rủ rê họ tham gia câu lạc bộ Shấng Cọ bản Mãn Hóa. Nhưng ông Dừn không nao lòng nản chí. Rồi thì vào cái ngày đẹp trời ấy, câu lạc bộ Shấng Cọ Mãn Hóa ra đời.

Thời gian và năm tháng với rất nhiều yếu tố chủ quan, khách quan đã khiến cho những câu Shấng Cọ ở Mãn Hóa rơi rụng dần, trở nên nghèo nàn. Ông Dừn nghĩ đến việc sưu tầm các thể loại Shấng Cọ. Thành người đi mót những hạt vàng vô giá của ông bà xưa, ông Dừn tìm đến các bản làng người Cao Lan khắp non nước xứ Tuyên gặp các nghệ nhân. Nhưng vị nghệ nhân của bản Mãn Hóa “trầy vẩy” với hàng loạt thách thức. Song cuối cùng, ông Dừn cũng đã vượt qua cả trăm ngọn núi đầy chông gai để đạt được khát vọng của mình.

*

Vi Thu Lan, cô nữ sinh năm cuối hệ phổ thông trung học có cái nét đẹp truyền thống của con gái người Tày, lại cũng rất hiện đại. Vi Lan khoe, mình đang nuôi ước mơ sẽ trở thành một kỹ sư công nghệ cao cấp chuyên viết phần mềm trong tương lai. Chuyện đang nở như ngô rang, sực nhớ ra, Vi Lan sôi nổi đặt vấn đề: “Phải rồi, đêm nay chú sẽ chứng kiến người ta tìm nhau qua những câu Shấng Cọ để nên vợ thành chồng chứ?”.

Cảm giác được cái trố mắt của tôi, Vi Lan thẹn thùng mân mê tà áo tự tin đáp: “Cháu sắp qua tuổi 18 rồi đấy. Đến lúc cũng phải học cách tỏ tình của người Cao Lan chứ. Một cách làm phong phú bản thân để biết yêu tử tế chứ chú!”. Câu nói chưa kịp tắt trên cặp môi đỏ như cánh hoa rừng, cái ánh nhìn háo hức của Vi Lan đã hướng về một nơi thật xa.

nghệ nhân nhân dân sầm văn sừn truyền dạy những làn điệu sịnh ca cho thế hệ con cháu.jpg -0
Nghệ nhân Sầm Văn Dừn truyền dạy những làn điệu Sịnh Ca cho thế hệ con cháu.

Cái đêm tình nhân thánh thiện ở bản Mãn Hóa ấy rồi cũng đến. Không gian Mãn Hóa lõa lồ ánh trăng vàng. Sương bảng lảng thực mà hư.  Đất trời bừng thức, tràn trề năng lượng nhân sinh, ngỡ chỉ có trong cổ tích. Bỗng đâu một giọng nam trầm ngân lên buông lời tán tỉnh: “Hôm nay gặp nàng ra đường chơi/ Nhìn chân nàng đi giày nhỏ đẹp/ Anh muốn hỏi nàng lấy lời hát/ Không biết ý nàng thế nào?”.

Không phải một mà là một tốp các nàng thôn nữ miền sơn cước bất ngờ nhất loạt tinh nghịch véo von đáp lời chàng trai si tình chưa kịp thuộc mặt: “Ngàn vạn dặm đường trồng tùng bách/ Ngàn vạn dặm đường rực rỡ hoa/ Ngàn thôn vạn xóm đến tìm nàng/ Lại muốn cùng nàng kết đôi hoa?”.

Gặp được ý đối dìu dặt, thiết tha và đầy lưu luyến của những người đẹp, chàng trai trở nên si mê và mạnh bạo hơn. Chàng mạnh dạn buông câu hẹn ước. Ý đối càng lúc càng thêm dìu dặt, tha thiết, lưu luyến, để rồi chàng trai mạnh dạn hẹn ước: “Anh gặp nàng rồi nàng gặp anh/ Giống như cá chép gặp ao lớn/ Cá chép vào ao ăn báu vật/ Đôi ta gặp mặt sắm giường chung”.

Không còn cái vẻ tinh nghịch phút ban đầu nữa, một nàng sơn nữ của “miền gái đẹp đất Tuyên” bỗng trở nên e lệ, đầy nữ tính: “Em có lời ca hỏi tới anh/ Anh con nhà tốt ở nhà đẹp/ Anh thuộc họ tốt ở nhà đẹp/ Hát ra đây nói thật em nghe...”.

Thoắt cái, không gian huyền thoại ấy trở nên đậm chất liêu trai, như thuở hồng hoang khi chàng và nàng bịn rịn hướng vào nhau. Bốn con mắt đẹp của những người đang thắp lên trong mình ngọn lửa tình yêu tình tứ trao nhau. Men tình yêu khiến chàng trai không thể kìm nổi xúc cảm của mình: “Anh có lời ca hỏi trước nàng/ Hỏi nàng là người nhà nào đây?/ Hỏi nàng nhà ấy họ gì vậy?/ Xin nàng nói thật cho anh nghe”.

Có vẻ như đã tìm được người mình mong đợi ngày đêm bấy lâu nay, nàng thôn nữ ngất ngây, bối rối không thể thả tiếp câu giao duyên nữa rồi. Còn Vi Lan, câu hát của chàng trai bỗng gieo vào con tim một nguồn năng lượng, đầy vi diệu. Cô bé đỏ chín mặt, xốn xang rạo rực.

*

 “Đấy, không chỉ những câu Shấng Cọ Thsao chủ đề tình yêu mới hướng người Cao Lan chúng tôi đến với tình yêu đẹp, cao cả và nhân văn đâu nhà chú nhá!” - Nghệ nhân Sầm Văn Dừn chia sẻ - “Mà các thể loại khác, như Shấng Cọ Tò tan - hát đố). Rồi Shấng Cọ Thsăn lèn - mừng năm mới, vân vân và vân vân đều chứa đựng sâu sắc luân lý tình yêu; triết lý nhân sinh. Nhờ nó mà chúng tôi biết sống tử tế!”.

“Ông đã có thể tính chuyện nghỉ ngơi rồi nhỉ? Ngoài câu lạc bộ Mãn Hóa hoạt động liên tục, ông và các cộng sự của mình đã đưa được Shấng Cọ trở thành một môn học chính thức tại nhà trường phổ thông rồi mà?”. “Ấy chết, nghỉ thế nào được!” - ông Dừn trải lòng - “Nào tôi đã ghi chép hết những câu Shấng Cọ ở đất Tuyên chứ. Thôi thì mình chả có tiền bạc để lại cho cháu con thì chịu khó góp nhặt những câu Shấng Cọ làm vàng ròng bạc nén cho chúng vậy. Chẳng hay ý nhà chú thế nào nhỉ?”.

Lê Công Hội
.
.