Ong bay trong truyền thuyết!

Thứ Năm, 10/11/2022, 16:14

Đến nay đủ căn cứ khẳng định con người biết dùng mật ong khoảng trên 10.000 năm. Nghề nuôi ong có cách đây 7.000 năm. Khảo cổ học tìm thấy trong các hang động xa xưa nhất của người Ai Cập đã có những hình vẽ về loài ong.

Khi trong ý thức có thần thánh thì con người gắn liền ong với các vị thần. Người Ai Cập cổ đại tin rằng loài ong được tạo ra bởi những giọt nước mắt của Thần Ra - thần Mặt trời, vị thần tối cao của họ. Trong văn hóa La Mã, ong gắn liền với các vị thần như Aphrodite, Artemide… Người La Mã coi ong là biểu tượng của sự chăm chỉ, cống hiến và niềm tin gắn kết cộng đồng.

Trong Cơ đốc giáo, những con ong tượng trưng cho các bậc thánh, tổ ong là biểu tượng của sự đoàn kết, tri thức và hiểu biết. Ở nhiều nền văn hóa có những bằng chứng cho thấy loài ong là biểu tượng của thai sản và nữ tính. Điều này có lẽ xuất phát từ mẫu gốc là tổ ong luôn đông đúc nhờ ong chúa đẻ rất khỏe, bầy đàn đoàn kết cao, cho mật ngọt... Vì lẽ này ong thường được gắn liền với nữ thần. Ong bay vào thế giới truyền thuyết với tư cách một biểu tượng lâu đời và phong phú các biến thể bậc nhất.

image001.jpg -0
Ong trở thành một biểu tượng lâu đời trong truyền thuyết.

"Truyện cổ Grim" có truyện “Công chúa ong” khá thú vị. Ba anh em hoàng tử nọ cùng đi dạo chơi thì gặp một tổ kiến. Hai anh muốn phá đi xem kiến sẽ ra sao và tha trứng đi như thế nào. Nhưng chú út có tên Ngốc nói: “Xin các anh để chúng yên thân, em không muốn các anh quấy nhiễu chúng”. Ba anh em lại đến một cái hồ đầy vịt đang bơi. Hai anh muốn bắt một đôi làm thịt, nhưng chú Ngốc không chịu, lại xin không giết. Họ lại đến một tổ ong đầy mật. Hai anh muốn đốt lửa ở gốc cây hun cho ong chết để lấy mật, nhưng chú Ngốc ngăn lại. Ba anh em đi mãi đến lâu đài của ba công chúa rất đẹp mà cả ba đều muốn lấy làm vợ.

Các công chúa bèn ra điều kiện làm ba việc, ai làm tốt sẽ được chọn người mình ưng, nếu không làm được sẽ bị hóa đá. Việc thứ nhất là vào rừng, tìm ở dưới đám rêu một nghìn viên ngọc. Người anh cả đi tìm chỉ được có một trăm viên ngọc. Thế là anh ta hóa đá. Đến lượt người anh thứ hai đi tìm ngọc. Cũng không hơn được anh cả bao nhiêu, anh ta chỉ tìm được có hơn hai trăm viên ngọc và cũng hóa đá. Sau cùng đến lượt chú Ngốc đi mò ngọc dưới rêu. Chú ngồi khóc trên một tảng đá. Bỗng Chúa kiến mà chú đã cứu thoát trước kia cùng với năm nghìn kiến quân đến giúp tìm đủ số ngọc trong chốc lát và xếp thành đống.

Việc thứ hai là mò ở đáy bể lên cái chìa khóa buồng ngủ của công chúa. Chú Ngốc vừa đến bờ bể thì tức khắc đàn vịt mà chú đã cứu lặn xuống nước và mò chìa khóa lên. Việc thứ ba là phải tìm ra trong ba công chúa ai là chị ai là em. Ba nàng công chúa đều giống nhau như đúc, chỉ khác là trước khi ngủ ba nàng ăn đồ ngọt khác nhau: cô cả ăn một thìa đường, cô thứ hai uống một cốc nước cam, cô thứ ba uống một thìa mật ong. Bầy ong mà chú Ngốc đã cứu thoát khỏi ngọn lửa bèn đến giúp. Ong bay đi rồi đậu lên môi công chúa đã ăn mật ong... Thế là chàng Ngốc ta liền xin các công chúa hóa giải hai người anh trở lại làm người và chọn cô út xinh nhất làm vợ. Cả ba anh em đều hạnh phúc suốt đời.

Câu chuyện theo đúng motif, kết cấu cổ tích: em út hiền lành gặp may mắn, cứu người và kết hôn cùng người đẹp. Ngày nay nhìn dưới ánh sáng của phê bình văn học sinh thái có thể coi đây là mẫu truyện kể kêu gọi con người biết yêu thương, hòa nhập, sống cùng thiên nhiên sẽ được thiên nhiên bao dung, giúp đỡ và ngược lại... Thì ra cổ tích kể chuyện tận xa xưa nhưng lại rất hiện đại, thời sự!

Cổ tích Việt có “Nàng Ong” mang tính giáo huấn rất rõ. Truyện kể ngày xưa, có một người đàn bà tên là nàng Ong làm việc chăm chỉ nhưng vẫn nghèo túng vì nhà đông con. Mẹ chăm chỉ bao nhiêu thì lũ con lại lười biếng bấy nhiêu. Nàng Ong thường khuyên: “Muốn no thì phải chăm làm/ Một hạt thóc vàng, chín giọt mồ hôi” nhưng chả đứa nào nghe. Lớn lên chúng bỏ nhà ra đi, để nàng Ong ở nhà một mình vò võ. Nàng buồn phiền quá mà chết. Mấy năm sau, lũ con trở về. Đứa nào cũng rách rưới, xanh xao, vàng vọt. Hổ thẹn vì không nghe lời mẹ dạy, chúng bảo nhau chăm chỉ làm ăn, chả mấy mà có của ăn của để.

Năm ấy chẳng may một trận hỏa hoạn xảy ra, đám con chết cả. Xuống âm phủ được gặp mẹ đứa nào đứa ấy kể chuyện đã nghe lời mẹ mà chí thú lao động. Diêm vương biến họ thành loài ong cho lên dương gian tiếp tục chăm chỉ làm ra mật ngọt. Mẹ làm ong Chúa, các con làm ong thợ. Cũng vì thế mà ong rất sợ lửa. Câu chuyện cắt nghĩa tập quán loài ong qua đó đưa ra bài học giáo dục con người phải chăm chỉ lao động thì mới có thành quả (mật ngọt).

capture.jpg -0
Ảnh minh họa.

Cổ tích “Bà chúa Ong” cũng mang tính giáo dục, phải chăm chỉ, hiền lành, đức độ sẽ gặp may mắn. Ngày xưa có anh học trò nghèo lại rất có hiếu. Đến kỳ thi anh nhờ hàng xóm trông nom cha mẹ rồi mình trảy kinh ứng thi trong khi không có một đồng trong tay. Chàng vừa đi vừa làm thuê kiếm tiền độ nhật. Hôm ấy mệt quá, trời đã tối, chàng xin vào nhà bên đường ngủ trọ. Một cô gái mù ra mở cửa. Những điều cô nói làm anh kinh ngạc vì cứ như cô ở bên cạnh mình từ lâu. Chàng hỏi, cô trả lời vì mù nên ông trời thương phú cho linh cảm rất tốt.

Đêm ấy không ngủ chàng nhìn lên ban thờ thấy quyển sách Phật, tò mò chàng đọc, càng đọc càng thấy hay, sâu sắc mà thiết thực. Hôm sau chàng tạm biệt. Kỳ thi ấy chàng đỗ cao vì nhà vua ra đề đúng vào một phần nội dung quyển sách Phật ấy. Trạng nguyên vinh quy trở về ghé nhà cô gái cảm ơn thì thấy cô gái ấy bỗng xinh đẹp lạ thường, mắt sáng long lanh. Nàng nói được Chúa Ong hút thần dược rồi nhỏ vào mắt. Sung sướng vô cùng, họ cùng nhau về xin phép cha mẹ để thành gia thất. Đúng là “song hỷ” vừa “đại đăng khoa” (đỗ Trạng) vừa “tiểu đăng khoa” (cưới vợ đẹp)!

Nếu ở lĩnh vực truyện cổ tập trung khai thác đặc tính (nội dung) chăm chỉ cần cù của loài ong để đưa ra bài học luân lý, thì cùng mục đích nhưng ở thành ngữ, tục ngữ, ca dao lại khai thác khía cạnh tập quán (hình thức). Chỉ tính riêng trong “Truyện Kiều” được coi là tiêu biểu cho việc học tập, tiếp thu lời ăn tiếng nói dân gian đã thấy có rất nhiều câu: “Ong bướm đi về”, “Bướm lả ong lơi”, “Bướm chán ong chường”, “Hoa xưa ong cũ”, “Ong qua bướm lại”...

Đấy là dựa vào nét hình thức tập quán ong thường tìm đến các loài hoa hút mật để chỉ các chàng trai đi tán tỉnh các cô gái đẹp. Cũng là một cách khuyên răn con người ta phải đứng đắn, thủy chung, đừng như những chàng ong chập chờn nay hoa này mai hoa khác. Còn với các cô gái, đẹp như hoa trà mi cũng phải rất cảnh giác, đừng để cho “con ong đã tỏ đường đi lối về” kẻo hối tiếc (“Tiếc thay một đóa trà mi”). Riêng một thành ngữ “Nuôi ong tay áo” chỉ việc tin dùng kẻ xấu sẽ bị phản bội là đi xa so với tập quán loài ong. Ong hung hãn chỉ đốt khi tổ của chúng bị phá. Còn trong quan niệm chung ong là loài vật hiền lành, chăm chỉ. Ở nhà quê, nhà nào có ong đến làm tổ là điềm may mắn!

Trước nay văn chương ca ngợi, mượn hình tượng ong để diễn giải một vấn đề nào đó nhưng hiểu ong một cách cụ thể làm người đọc phải ngạc nhiên thì có lẽ chưa ai vượt được Nguyễn Tuân trong “Tờ hoa” nổi tiếng: “Đời sống con ong để lại cho người đọc nó một bài học về kiên nhẫn, về cần lao, về tích lũy, chế tạo và sáng tạo. Người ta đã đánh dấu con ong, theo dõi nó, và thấy rằng cái giọt mật làm ra đó, là kết quả của 2.700.000 chuyến (bay) đi, đi từ tổ nó đến khắp các nơi có hoa quanh vùng. Và trong một nửa lít mật ong đóng chai, phân chất ra được 5 vạn thứ hoa. Tính ra thành bước chân người thì tổng cộng đường bay của con ong đó là 8.000.000 cây số”.

Nhà văn có nói đến cá nhân mình “dầu không được một chuyến đi bằng một đời ong, mình cũng là một con sinh vật đang nung một thứ mật gì. Sự tích lũy ở mình cũng ngày ngày có giọt ra mà phần nào đem thơm thảo vào sự sống”, bạn đọc hiểu “thứ mật gì” đó, với nhà văn thì chính là tác phẩm. Một liên tưởng thật hay: tác phẩm văn chương phải là một thứ mật ong nguyên chất có sứ mệnh “đem thơm thảo vào sự sống”, nghĩa là phải đẹp, vàng óng ánh (như mật ong), nội dung phải tinh chất, nguyên khiết, phải ngọt ngào, phải là chất bổ (như mật ong) cho cuộc đời!

Nguyễn Thanh Tú
.
.