Đại bàng - Bay trong huyền thoại!

Thứ Năm, 20/10/2022, 16:12

Với nhiều nền văn hóa, hình tượng chim đại bàng được yêu mến nâng lên thành biểu tượng gửi gắm khát vọng về sự mạnh mẽ, ý chí, tầm nhìn xa thì trong văn hóa Việt lại không như vậy. Trong cổ tích “Thạch Sanh”, đại bàng biểu trưng cho thế lực độc ác, xấu xa. Công chúa đẹp, quý phái, vương giả thế mà nó dám sà xuống cắp tha về hang...

Thật đáng đời cho kẻ ác khi bị người anh hùng Thạch Sanh giết chết! Không đến nỗi bị ghét như thế, trong cổ tích “Cây khế” đại bàng chủ yếu mang tính “chức năng” làm bật lên tính cách tham lam của người anh và sự thật thà hiền lành của người em. Ở đây, đại bàng mang tính biểu tượng cho lẽ phải. Người em than sao lại ăn khế, nó trả lời: “Ăn một quả trả cục vàng...”, tức “ăn một” trả tới “một trăm” nghĩa là biết thương người nghèo khổ. Đến khi người anh vì mang nhiều vàng quá nên rơi xuống biển nó chẳng thèm cứu trong khi có thể cứu được. Ý nghĩa của truyện toát ra là “tham thì thâm”, “ở hiền gặp lành” rất tiêu biểu cho cổ tích Việt. Vì gần như “trung tính” như vậy nên khi phân tích người ta ít quan tâm đến nhân vật này!

Gần gũi với văn hóa Việt thì ngay trong văn hóa Lào, văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ chim đại bàng cũng mang tính biểu tượng đáng quý. Tại sao trong văn hóa Việt đại bàng không có thiện cảm? Như trong câu thơ của Tố Hữu ca ngợi Thạch Sanh cũng coi đại bàng ngang loài rắn độc đáng phải tiêu diệt: “Chém mãng xà vương, giết đại bàng”!

3.jpg -0
Hình ảnh thần Vishnu chinh phục Garuda trong văn hóa Ấn Độ.

Xin kể về một truyền thuyết Phật giáo!

Tiếng Hindu cổ gọi đại bàng là Garuda, tức loại chim to lớn, lông vàng, hung dữ chuyên ăn thịt các loài động vật khác. Một hôm nó đuổi bắt rồng. Rồng chạytrốn ẩn dưới tòa sen của Đức Phật xin được cứu mạng. Đại bàng đòi Đức Phật phải cho nó ăn thịt rồng. Với giọng ôn hòa, Phật cất lời giảng pháp rằng như thế là sát sinh. Đại bàng ăn thịt rồng là do nghiệp báo. Từ nay bỏ sát sinh đi theo Đức Phật thì dỡ bỏ nghiệp chướng và sẽ thành Phật.

Nghe lời, đại bàng phát tâm quy y tam bảo, trở thành một trong tám bộ chúng ủng hộ Phật pháp. Phật gọi nó là Kim Sí Điểu. Tương truyền lúc Đức Phật giảng kinh “Diệu Pháp Liên Hoa” tại núi Linh Thứu có rất nhiều Kim Sí Điểu đến nghe. Chúng đều cải tà quy chánh rồi bay vào hào quang Phật pháp với hình tượngthân hình vạm vỡ, đầu chim, mỏ đại bàng, có mũi miệng, tất nhiên có một đôi cánh. Biểu tượng Kim Sí Điểu (Garuda) trong văn hóa Ấn Độ thường được điêu khắc trong tư thế đang ăn rắn thần Naga hay được thần Vishnu đang chinh phục Garuda hoặc Garuda đội bệ đá hoa sen... là có tích từ đó.

Câu chuyện bật ra ý nghĩa ca ngợi sức cảm hóa của độ lượng từ bi nhà Phật. Là loài chim ác có sức mạnh, hình dáng mạnh mẽ lại luôn sát sinh, ăn thịt những loài vật khác thế mà dưới ánh sáng từ bi của Phật pháp cũng được giáo hóa từ xấu thành tốt, được Phật Tổ phong thành vị hộ pháp tượng trưng cho sức mạnh nhà Phật bảo vệ con người. Đó là nhánh chính của chùm huyền thoại.

Một nhánh phụ thì kể về mối thù truyền kiếp giữa loài rắn (rồng) với chim thần Garuda. Mẹ của Kim Sí Điểu bị mẹ của các loài rắn (rồng) là Kadru bắt giam. Thế nên Kim Sí Điểu phải lên thiên đình ăn trộm các vị thuốc và bảo bối của các vị thần để mang về cứu mẹ mình... Đại để là có rất nhiều tình tiết ly kỳ chung quanh rắn thần Naga và đại bàng Kim Sí Điểu mà kể ra thì cứ như là kiểu “ngàn lẻ một đêm” không hết. Vì xuất phát từ một thực tế gốc ngoài đời là đại bàng rất thích ăn thịt rắn, dù là rắn độc. Tức chúng là “thiên địch” của nhau ngoài đời thì sẽ mãi mãi không hòa bình trong huyền thoại!

Trong thần thoại Hy Lạp, đại bàng là biểu tượng đại diện cho thần Zeus. Với thần thoại La Mã đại diện cho thần Jupiter. Trong văn hóa Đức là đại diện cho thần Odin… Trong Kito giáo, đại bàng là biểu tượng của Thiên chúa. Điều này lý giải vì sao quốc huy nhiều nước phương Tây có hình ảnh đại bàng. Chùm huyền thoại Babylon đáng chú ý hơn cả. Thuở xa xưa vũ trụ có bốn cây cột chống bốn phương là thần Marduk - vị Thần bảo hộ dưới hình dạng một con vật như con bò; Nergal - vị Thần chiến tranh dưới hình dạng con sư tử; Ninurta - Thần Gió dưới hình dạng con chim đại bàng; Nabu - vị Thần sự khôn ngoan dưới hình dạng con người.

Bốn vị Thần này cũng làm thành biểu tượng cho bốn mùa trong năm: Hình con bò - mùa Xuân, hình con sư tử - mùa Hè, hình con bọ cạp dưới dạng hình người - mùa Thu, hình chim đại bàng - mùa Đông. Các biểu tượng này đi vào huyền thoại đạo Thiên Chúa được “phân công” như sau: Con sư tử là biểu tượng cho phúc âm theo Thánh Marco. Tiếng sư tử gầm dọn đường cho Chúa đến. Hình dạng con bò là biểu tượng cho phúc âm Thánh Luca. Vì Thánh Luca mang con bò non vào làm lễ dâng tiến Thiên Chúa. Chim đại bàng là biểu tượng cho phúc âm thánh Gioan với cái ý những tư tưởng cao xa về Thiên Chúa như chim đại bàng tung cánh bay vút tận trời cao vượt quá tầm nhìn của mắt người.

image001.jpg -0
Đại bàng đầu trắng biểu tượng của văn hóa Mỹ!

Là loài chim lớn, có tập quán sống khá kỳ lạ và khát vọng sống mạnh mẽ được con người ngưỡng mộ rồi lấy làm biểu tượng cho hoài bão, ý chí, quyết tâm. Đại bàng thường sống cô độc, đầy kiêu hãnh, một mình làm chúa một đỉnh núi cao, bay liệng săn mồi ở trên tầng mây cao nhất khiến các loài chim khác đều phải nể sợ, kính trọng. Khi săn mồi đại bàng không bao giờ chịu thất bại, theo đuổi đến cùng.

Đại bàng rất thích bay trong gió bão vì đó là cách thử thách chính nó. Khi về già đại bàng lựa chọn sự tái sinh đầy mạnh mẽ và đau đớn. Nó sẽ tìm đến đỉnh núi cao gõ mỏ vào đá cho đến khi chiếc mỏ vỡ gãy rời ra. Đợi đến khi có mỏ và móng vuốt mới nó sẽ rỉa bằng hết lông cũ để thay lông mới. Hoặc là nó sẽ chết hoặc là nó sẽ trở thành một chú đại bàng thanh niên để sẽ sống tự do mấy chục năm nữa. Khi ấp nở, đại bàng bố mẹ cố tình cho con non phải biết vượt qua vất vả, đau đớn để tạo sức đề kháng mạnh: chịu sự đâm của gai nhọn ở tổ, phải chịu ăn đói, tập bay sớm...

Ở vùng văn minh thảo nguyên, đại bàng được huấn luyện thành chim săn mồi rất hiệu quả. Chúng là bạn với người, là biểu tượng cho ý chí, cho khát vọng tự do... Nhưng ở văn minh nông nghiệp như nước ta thì khác. Vì là chim ăn thịt chúng rình bắt gà, cả gà mẹ gà con, mà với người nông dân thì đàn gà là tài sản, là gia cầm thân quen... Tất nhiên là chúng bị ghét, còn ghét hơn diều hâu hay quạ (chỉ bắt được gà con), do vậy chúng không thể bay vào bầu trời văn hóa để kết thành biểu tượng tốt đẹp, may mắn...

Gần đây, người ta hay mua tranh, tượng đại bàng về làm vật phong thủy là do tiếp biến văn hóa với văn hóa du mục (cả bên Trung Hoa gần gũi). Những hình ảnh đại bàng đạp trên quả địa cầu, đại bàng cắp cá chép, đại bàng vờn rắn hay đại bàng và hổ... ngoài chức năng trang trí còn mang ý nghĩa phong thủy với quan niệm đại bàng tỏa ra năng lượng rất mạnh, từ đôi mắt sắc lạnh, từ móng vuốt, cặp mỏ cứng và sắc…

Xin kể lại câu chuyện ngụ ngôn “Đàn gà và đại bàng” để thấy một quan niệm giáo dục tinh tế, thâm thúy của người Việt: Đại bàng làm tổ trên núi cao nhưng để trứng lăn xuống rồi rơi vào một ổ gà đang ấp. Một ngày kia, trứng nở ra một chú đại bàng con xinh đẹp nhưng vẫn “bình đẳng” như những con gà con khác. Lớn lên đại bàng cũng tin nó chỉ là một con gà. Nó yêu và làm bổn phận một đứa con tronggia đình gà. Nhưng nó vẫn khao khát một điều gì đó cao xa hơn (theo bản năng). Đến một hôm nhìn lên trời thấy những chú chim đại bàng đang sải cánh dũng mãnh bay cao, nó thở dài rồi buột mồm: “Ồ! Ước gì tôi có thể bay như những con chim đó”. Bầy gà cười ầm lên: “Là gà sao có thể bay trên trời được!”. Thế là nó - đại bàng con cứ mãi tin như thế để rồi mãi sống kiếp con gà...

Câu chuyện thấm thía: thì ra môi trường giáo dục sẽ quyết định nhân cách. Môi trường nào sản phẩm đó. Sống trong môi trường của gà thì dù có là đại bàng cũng chỉ là gà mà thôi. Muốn tốt hơn, muốn phát triển hơn phải tạo ra môi trường giáo dục tốt. Hoặc tự phải thay đổi sang một môi trường mới. Muốn vậy phải có tư duy, phải có tầm nhìn và sự quyết đoán. Đừng như chú đại bàng kia cứ tưởng mình là gà nên chấp nhận kiếp gà. Nó không biết giá trị của mình, càng không biết đến sự đổi mới nhận thức để đổi mới hành động...!!!

Nguyễn Thanh Tú
.
.