Những vòng tròn văn hóa đồng tâm!

Thứ Năm, 30/12/2021, 15:57

Ngày 15/12/2021, sau cuộc họp toàn thể tại Paris (Cộng hòa Pháp), tổ chức UNESCO đã chính thức ghi nhận Nghệ thuật xòe Thái (Việt Nam) là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây không chỉ là niềm tự hào của văn hóa dân tộc Thái mà còn của cả nền văn hóa Việt Nam.

Từ nay những vũ điệu xòe không chỉ làm say mê bao người dân trong khu vực Đông Nam Á mà còn mở ra chinh phục không gian văn hóa nhân loại bởi tính cộng đồng, tinh thần dân chủ, bình đẳng, nhất là sự kết nối những tâm hồn cùng hướng về ánh sáng, về cái đẹp, niềm tin, hạnh phúc...

Thế mà, chỉ hơn nửa thế kỷ trước, nhà văn Nguyễn Tuân trong tùy bút “Xòe” nổi tiếng đã viết về điệu múa này với bao nỗi ai oán của những người dân mất nước thời trước 1954: “Ngoài sàn múa xòe kia, tiếng thác sông Ðà vẫn xô đá ào ào. Và trong đêm tiệc, máu đồng trinh cứ rỏ theo bước đi của đôi chân khiêu vũ, cô gái xòe cứ giẫm lên máu mình mà múa, rồi máu tươi ấy khô dần một đống trên một cuộc đời đã biến thành cái đệm, lớp máu đêm sau đóng vẩy lên lớp máu đêm trước, và cứ thế, cứ thế...”.

Đất nước bị nô lệ thì nghệ thuật cũng bị nô lệ. Nghệ thuật xòe bị bọn chúa đất chúa bản biến thành trò chơi của riêng. Những bà mẹ có con gái đẹp lại xòe giỏi thì thật khổ đau, nhất là trong những ngày Tết vì con họ phải sống trong địa ngục: “Cái Tết của cô gái xòe ở nhà chúa đất Tây Bắc sao mà nó dài quá. Tiệc rượu phải hầu đứng, chỉ được uống không được ăn, máu dồn xuống chân, buồn thương mà phải cười, nước mắt cay nồng mùi men, chân múa tay múa mà lòng cô xòe, đội xòe để ở những đâu đâu”. Lịch sử miền Tây Bắc vẫn ghi nhớ chúa đất Ðèo Văn Long có nhiều những đội xòe như vậy...

image003.jpg -0
Điệu “xòe quạt”.

Bộ đội ta giải phóng Tây Bắc. Từ đấy những cô gái được múa trong không gian tự do, múa cho đồng bào mình xem. Nghệ thuật xòe như hoa nở dưới ánh mặt trời. Nhịp múa tươi vui, khỏe khoắn, có hồn hơn!

Là nghệ thuật tiêu biểu của văn hóa Thái thể hiện tập trung đặc trưng cuộc sống sinh hoạt, lao động, tâm hồn và bao khát khao những điều may mắn, ấm áp, tốt lành của đồng bào miền Tây Bắc, xòe được thực hành trong các lễ hội cộng đồng Xên mường (Cúng mường), Xên bản (Cúng bản), Xên lẩu nó (Cúng rượu măng), Hết chá (Lễ tạ ơn), các lễ hội cầu mưa, xuống đồng, các lễ cúng tổ tiên, lễ tang ma, lễ cúng vía, cúng ruộng, trong đám cưới, lễ mừng nhà mới, mừng sinh nhật…

Có khoảng 30 điệu xòe xếp trong 3 nhóm chính là xòe nghi lễ (các lễ hội bản, mường, lễ cúng) với các điệu múa Dâng lễ, múa Cầu vong, Cầu vía... Xòe biểu diễn do một nhóm múa nhỏ mang tính trình diễn kết hợp với các đạo cụ, như khăn (xòe khăn), nón (xòe nón), quạt (xòe quạt), xòe sạp, xòe nhạc, xòe gậy... Xòe giải trí diễn ra trong các sinh hoạt giải trí của cộng đồng mang tính cộng cảm cao ở sự giao lưu, kết nối. Điệu xòe vòng (xoé voóng) tiêu biểu cho Xòe giải trí có số lượng người tham gia không giới hạn.

Các điệu xòe này đều có gốc gác từ 6 điệu xòe cổ: “Khắm khăn mơi lảu” (Nâng khăn mời rượu); “Phá xí” (Bổ bốn); “Đổn hôn” (Tiến lùi); “Nhôm khăn” (Tung khăn); “Ỏm lọm tốp mư” (Vòng tròn vỗ tay); “Khắm khen” (Nắm tay). Điệu xòe “Nhôm khăn” rộn ràng với chiếc khăn dài quàng qua cổ, hai tay tung khăn theo nhịp trống giòn giã miêu tả cảnh tưng bừng mùa màng bội thu. Điệu “đổn hôn” theo nhịp chân tiến lên, lùi xuống như muốn nói cuộc sống dù có lúc này lúc khác lúc yên ả êm đềm lúc mưa sa lũ cuốn nhưng niềm tin con người vẫn vẹn nguyên, bền vững cùng hướng về nhau...

Theo nhiều nghệ nhân tả lại thì nhạc xòe cổ chỉ gồm 1 trống, 2 cồng, 1 chũm chọe nhưng lại nói lên quan niệm của người xưa về vũ trụ. Tiếng trống biểu trưng cho âm thanh của mặt đất, tiếng cồng là âm vọng của bầu trời, tiếng chũm chọe là âm thanh “phồn sinh”, “phồn thực” của muôn loài. Ba giai điệu lặp đi lặp lại theo tiếng nhạc “tùng tùng rinh, rinh rinh tùng” cũng là biểu trưng cho 3 vía trời, đất, người.

Xa xưa, giữa vòng xòe là một cây cột (xén xính) biểu trưng cho cây vũ trụ, trên ngọn treo nhiều hình thù các con vật, hình mặt trăng, mặt trời... được đan bằng tre hoặc đẽo bằng gỗ rất khéo. Cây vũ trụ này có thể là sự “chuyển di” từ phong tục “hạn khuống” rất đậm trong sinh hoạt văn nghệ dân tộc Thái. Trong “Tiễn dặn người yêu” (Xống chụ xon xao) “hạn khuống” được dịch là “sàn hoa”, đúng nghĩa đen là “sàn sân” (“hạn” nghĩa là sàn, “khuống” nghĩa là sân) là vì ở giữa cái sàn cao làm sân biểu diễn ấy luôn có một cây vũ trụ lớn, bốn góc sân/sàn là bốn cây vũ trụ nhỏ. Trên các cây ấy treo hình các con vật, nhiều hơn cả là các loài hoa, nhìn từ xa màu sắc lung linh trông rất đẹp. Nhà văn Mạc Phi (người dịch “Xống chụ xon xao”) dịch “sàn hoa” là rất tinh tế!

Tùy thuộc không gian diễn xướng, cây cột có khi được thay bằng đống lửa luôn rừng rực cháy tỏa sáng đêm xoè, tỏa ấm không gian, xóa nhòa thời gian. Ngọn lửa bập bùng như giục giã, như mời gọi những bàn tay nắm lấy những bàn tay cùng múa trong đêm hội ấm áp tình người. Lại có khi “tâm xòe” là một hũ rượu cần... Hội xòe càng đông càng vui, như thúc giục cây cối trong vườn đơm hoa kết trái, cây lúa trên nương sây hạt nặng bông, như giục đàn gà, đàn lợn đông đúc hơn, đàn trâu trên rừng thêm béo tròn...

image001.jpg -0
Điệu “Vỗ tay đi vòng tròn”!

Là nghệ thuật của không gian, ở những nơi vòng xòe không thể nới rộng hơn, người múa sẽ tách vòng ra làm 2, 3 vòng tròn đồng tâm. Vòng này xuôi theo kim đồng hồ thì vòng kia ngược lại. Hội xòe chỉ kết lại bằng điệu “Vỗ tay đi vòng tròn” trong niềm hân hoan hứng khởi rồi lưu luyến bịn rịn. Âm nhạc của xòe cũng ngày một đa dạng hơn nhờ sự tham gia của các nhạc cụ tính tẩu, kèn loa, khèn bè, trống, chiêng, pí pặp, mák hính... Vòng xòe luôn mở cho bất cứ ai, không phân biệt tuổi tác, địa vị đều có thể nắm tay nhau để rồi cứ muốn nắm mãi tay nhau mê mải trong điệu múa... Đây là một đặc điểm được UNESCO đánh giá cao ở tinh thần đối thoại nhân văn bình đẳng, dân chủ, chia sẻ, tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau hướng về ngọn lửa tái sinh đang rừng rực cháy.

Đồng bào Thái coi nghệ thuật Xòe như một điểm tựa tinh thần trong cuộc sống lao động cũng như trong đời thường: “Không xòe không vui/ Không xòe cây ngô không ra bắp/ Không xòe cây lúa không trổ bông/ Không xòe trai gái không thành đôi”. Theo nhiều nhà nghiên cứu thì điệu xòe “Khắm khen” (Nắm tay nhau) ra đời trước nhất được hình thành trong quá trình lao động từ thuở sơ khai để biểu thị sự gắn kết cộng đồng. Có niềm vui cùng nắm tay nhau nhảy múa. Gặp lúc hoạn nạn cùng nắm chặt tay nhau chung sức đồng lòng.

Sau này lan tỏa trong đời sống dân gian, xòe được chỉnh lý, cải biên, nâng cao, hoàn thiện rồi được nâng lên thành nghệ thuật biểu diễn vừa đậm chất dân gian vừa mang tinh thần bác học khá rõ. Bản thân quy luật này cũng đã cho thấy mặt tích cực và bất cập luôn song hành. Môi trường diễn xướng đang có sự thay đổi. Xòe nguyên thủy thường diễn ra trong không gian bản thì ngày nay rộng hơn, là sân trường học, sân cơ quan, sân vận động... Âm nhạc được khuếch đại qua loa điện tử... Vòng xòe rộng hơn nhưng rõ ràng tính chất thay đổi, có thể đông nhưng không hẳn vui bằng ngày xưa... Chưa kể đến thời gian diễn xướng, các điệu múa, các đạo cụ, trang phục, nhạc cụ đệm... đang có nguy cơ làm thay đổi tính nguyên bản của Xòe truyền thống.

Ngày xưa chỉ có người nữ xòe, ngày nay cả nam, và bất cứ ai, kể cả người nước ngoài đều có thể tham gia. Thực tế ấy càng cho thấy điệu xòe cổ đang có nguy cơ phai nhạt (vì người lạ làm sao múa đúng điệu được!). Mà ai cũng biết truyền thống phải là cái gốc, phát triển là ngọn, là cành lá. Cây nghệ thuật xòe chỉ có thể xanh tươi nhờ cái gốc nguyên bản vững vàng cắm sâu chùm rễ vào mảnh đất phong tục, tập quán kết tinh trong đó tâm hồn, tính cách, khát vọng, ước mơ có từ lâu đời của văn hóa Thái! Như vậy, bên cạnh niềm vui được khẳng định, vinh danh chúng ta cần có những biện pháp khả thi để giữ gìn, phát triển tài sản vô giá này.

Một bài học của thế giới là đi đôi với giáo dục tình yêu di sản là bồi dưỡng năng lực tiếp nhận thẩm mỹ cho công chúng. Theo ý nghĩa này thì phải tăng cường hơn nữa việc quảng bá, giới thiệu, nên đưa vào các nhà trường phổ thông dạy ngoại khóa các điệu xòe cổ, các hình thức múa cơ bản nhất để nhân rộng. Để khi ai đó tham gia vào vòng xòe là một dịp để họ nhập thân trọn vẹn, được sống hết mình cùng với những điệu dân vũ mê say ấy! 

Nguyễn Thanh Tú
.
.