Những câu hỏi - đáp mang tầm lịch sử!
Đặt câu hỏi là thủ pháp lập luận quen thuộc được nhiều người sử dụng trong văn chính luận. Nhưng không hề đơn giản, phải hiểu sâu sắc đối tượng, nắm chắc chân lý và hiểu bối cảnh thời thế mới có những câu hỏi đích đáng. Trả lời câu hỏi cũng là một dịp thể hiện chính kiến, tầm hiểu biết, trí tuệ của người được hỏi. Vượt lên trên tầm một lập luận thông thường là vấn đề ý thức hệ, tư tưởng, quan niệm không chỉ của một người mà còn của cả cộng đồng.
Cha ông ta từng sử dụng rất thành công nghệ thuật đặt câu hỏi vào nhiều mục đích khác nhau. Ví như trong “Đại Việt sử ký toàn thư” (viết xong năm 1272) bàn về việc Lý Thái Tổ bắt dân dựng chùa, Lê Văn Hưu viết: “Lý Thái Tổ lên ngôi mới được 2 năm, tông miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà trước đã dựng tám chùa ở phủ Thiên Đức (…), tiêu phí của cải sức lực vào việc thổ mộc không biết chừng nào mà kể. Của không phải là trời mưa xuống, sức không phải là thần làm thay, há chẳng phải là vét máu mỡ của dân ư? Vét máu mỡ của dân có thể gọi là làm việc phúc chăng? Bậc vua sáng nghiệp, tự mình cần kiệm, còn lo cho con cháu xa xỉ lười biếng (…), chả trách đời sau xây tháp cao ngất trời, dựng cột chùa đá, điện thờ Phật, lộng lẫy hơn cung vua. Rồi người dưới bắt chước, có kẻ hủy thân thể, đổi lối mặc (…), dân chúng quá nửa làm sư sãi, trong nước chỗ nào cũng chùa chiền, nguồn gốc há chẳng phải từ đấy?”.
Lập luận này vạch ra cái tội vua mắc tội quá “mộ Phật”, mới lên ngôi mà đã cho xây “tám chùa” trong khi đó “tông miếu” thờ tổ tông “chưa dựng”. Tức coi Phật còn hơn ông cha tổ tiên mình. Để xây được nhiều chùa thì phải “vét máu mỡ của dân”. Thế là hại dân chứ không phải “làm việc phúc”. Các câu hỏi được đưa ra cũng chính là các câu trả lời. Cũng bằng cấu trúc câu hỏi tác giả khái quát cao hơn về tầm chiến lược của quốc gia: Phải tránh việc “Phật hóa” tràn lan; phải lấy tấm gương của “bậc vua sáng nghiệp, tự mình cần kiệm”, chứ không chỉ thỏa mãn cái sở thích riêng rồi để lại hậu quả cho con cháu sau này lười biếng.
Trong “Quân trung từ mệnh tập”, Nguyễn Trãi có những câu hỏi “khóa mõm” đối phương, vạch ra cái vô đạo lý, cái giả dối, tráo trở của giặc Minh tự xưng là “cha mẹ” đến bao bọc che chở người Nam nhưng thực tế thì ngược lại: “Chẳng hay làm cha mẹ lại như thế ư?... Đấng vương giả không lừa dối bốn biển, đặng bá gia không lừa dối láng giềng. Nay ngài là cha mẹ lừa dối con ư?”. Lẽ thông thường thì cha mẹ phải yêu con, ở đây thì ngược lại “cha mẹ” lại vơ vét của cải, đày đọa, chém giết “con”. “Chẳng hay làm cha mẹ lại như thế ư?”. Tương tự, cha mẹ phải làm gương cho con, ở đây cũng ngược lại, “lừa dối” “con”. “Nay ngài là cha mẹ lừa dối con ư?”. Những câu hỏi bóc trần sự thật làm trơ ra cái bản chất giết người của kẻ xâm lược!
Đến thời hiện đại nghệ thuật này được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa, phát triển, vận dụng thành một thứ vũ khí vạch trần tội ác của đế quốc Mỹ. Những câu hỏi của Bác Hồ sau này nhiều trường đại học báo chí trên thế giới đưa vào giáo trình giảng dạy, coi đó là những ví dụ kinh điển về lập luận. Đây là lời “thách” không chỉ cho một Tổng thống Mỹ mà còn cho cả chủ nghĩa đế quốc, cho những thế lực đi ngược lại sự tiến bộ vì con người: Nhân dịp này, tôi thách Tổng thống Kennedy trả lời mấy câu hỏi sau đây: Việt Nam xa cách Hoa Kỳ hàng vạn dặm. Nhân dân Việt Nam và nhân dân Hoa Kỳ không thù oán gì nhau. Ông có lý do gì mà gây nên cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam, hoang phí hàng tỉ đôla của nhân dân Hoa Kỳ để ủng hộ một chính quyền thối nát độc tài, đã bị nhân dân miền Nam Việt Nam phỉ nhổ? Ông có quyền gì mà bắt buộc hàng vạn thanh niên con em người Hoa Kỳ sang giết hại người miền Nam Việt Nam vô tội, rồi họ cũng bị chết trong cuộc chiến tranh phi nghĩa, bẩn thỉu ấy?...
Vì sao Tổng thống Kennedy lại hành động tự sát một cách u mê, điều mà nghị sĩ Kennedy đã cảnh cáo một cách sáng suốt?... Tổng thống Kennedy có muốn hay là không muốn làm theo dư luận chính đáng của nhân dân Mỹ?” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14. NXB Chính trị Quốc gia 2011, tr 81). Những câu hỏi dồn dập xoáy vào những chỗ sơ hở nhất, điểm yếu nhất của đối phương rồi dùng “gậy ông đập lưng ông” để hạ bệ một cách đích đáng nhất.
Không còn là mấy câu hỏi thông thường của cá nhân với cá nhân mà là những vấn đề lớn của thời đại: Tại sao chủ nghĩa đế quốc tự cho mình quyền đi xâm lược nước khác và đi ngược lại dư luận tiến bộ? Tại sao một người khi chưa là Tổng thống Mỹ thì có suy nghĩ tích cực nhưng khi là Tổng thống Mỹ thì lại ngược lại? Phải chăng bản chất hiếu chiến, xâm lược, dã man của chủ nghĩa đế quốc đã biến sự sáng suốt của con người thành sự u mê, mà Tổng thống Kennedy là một ví dụ? Một ý nghĩa toát ra: muốn thế giới hòa bình, muốn con người hạnh phúc, thông minh, tỉnh táo, muốn con người luôn có những suy nghĩ tốt đẹp thì phải loại bỏ chủ nghĩa đế quốc xâm lược. Như vậy người hỏi luôn đứng ở vị thế chính nghĩa, đạo lý, công lý để “lột mặt nạ” Tổng thống Mỹ.
Là đại diện cho nhân dân Việt Nam, đại diện cho các dân tộc bị áp bức, xâm lược, tiếng nói của Bác Hồ vượt lên trên tính cá nhân để trở thành tiếng nói của hòa bình, lương tri và lẽ phải. Vượt lên trên những thủ pháp nghệ thuật thông thường, đơn lẻ, cá biệt lời Bác Hồ vươn tới tầm phổ quát của tư tưởng thời đại: giải phóng con người, giải phóng dân tộc, đưa con người tới hạnh phúc, tự do. Đó là tầm cao văn hóa của thời đại, của lịch sử để phán xét, buộc tội chủ nghĩa đế quốc, buộc chúng phải dừng bước đi phi nghĩa đối đầu với lương tâm nhân loại.
Ngày 30/4/1966 trên Báo Nhân dân có đăng bài "Trả lời ông Menxphin Thượng nghị sĩ Mỹ" của Hồ Chủ tịch: “Một lũ cướp hung dữ từ phương xa ồ ạt đánh vào một làng lương thiện. Như vậy, dân làng hay là lũ cướp, ai là kẻ xâm lược? Lũ cướp đã đốt phá, giết người, vơ vét của cải. Dân làng đã dũng cảm chống lại chúng. Lũ cướp bèn thay đổi chiến thuật, tay thì cầm súng sẵn sàng bắn, miệng thì bảo dân làng rằng: “Các người hãy ngồi xuống với chúng ta để đàm phán hòa bình không điều kiện”. Như vậy, dân làng nên chăng tin lời của lũ cướp?” (Sđd, tập 15, tr 109). Những câu hỏi nhưng đồng thời cũng là chân lý nên ai cũng hiểu, vì một lẽ đương nhiên: đến cướp nước người thì dứt khoát đó là kẻ xâm lược không đáng tin!
Hiệp định Paris về Việt Nam (1968-1973) thực sự là một “chiến trường” đối ngoại giữa Việt Nam - nước bị xâm lược và Mỹ - kẻ xâm lược. Đó là những cuộc đấu trí căng thẳng, không chỉ trên bàn đàm phán mà cả khi trả lời phỏng vấn. Một nhà báo phương Tây móc máy hỏi bà Nguyễn Thị Bình: “Có quân đội miền Bắc ở miền Nam không?” và nhận được câu trả lời: “Dân tộc Việt Nam là một, người Việt Nam ở Bắc cũng như ở Nam đều có nghĩa vụ chiến đấu chống xâm lược”. Câu trả lời không đi thẳng vào trọng tâm câu hỏi mà nêu lên quan điểm về ý chí đoàn kết và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc của mỗi công dân. Đó là chân lý, công lý cũng là nguyên lý lịch sử của bất kỳ một công dân yêu nước nào.
Lại có nhà báo hỏi: “Với miền Nam Việt Nam, vùng giải phóng ở đâu?”. Tận dụng ngay vấn đề câu hỏi, người trả lời đã tố cáo đanh thép tội ác tàn bạo của đế quốc Mỹ trước công luận: “Nơi nào Mỹ ném bom, bắn phá thì đó chính là vùng giải phóng của chúng tôi. Nếu không tại sao Mỹ lại phải ném bom?”. Thật tuyệt vời! Những câu trả lời ấy mau chóng bay nhanh khắp thế giới khẳng định chính nghĩa Việt Nam, tầm trí tuệ Việt Nam, phụ nữ Việt Nam anh hùng… chắc chắn sẽ thắng Mỹ!
Nghệ thuật lập luận hỏi - đáp là câu chuyện rất dài, xin khép lại bằng hai giai thoại xưa nay để cùng suy ngẫm. Một lần trò (Hạng Thác) hỏi Khổng Tử vì sao cây tùng, cây bách mùa đông vẫn xanh tốt? Đáp: “Vì cây gỗ đặc cứng rắn, không xốp chịu được giá rét!”. Trò liền vặn lại: “Vậy sao cây tre rỗng ruột vẫn xanh tươi quanh năm được?”. Xin mời các bạn đoán Khổng Tử trả lời thế nào? Một vị mục sư hỏi lãnh tụ da đen: “Ngài có quyết tâm giải phóng người da đen, sao ngài không sang châu Phi? Ở đó nhiều người da đen!”. Lãnh tụ da đen bèn hỏi lại: “Ngài có mong muốn giải phóng linh hồn, sao ngài không xuống địa ngục? Ở đó rất nhiều linh hồn!”. Mời bạn thử trả lời giúp mục sư nọ!