“Đứa... đốt rơm” là “đứa” nào?

Thứ Bảy, 07/10/2023, 21:06

Bài ca dao “Ngồi buồn đốt một đống rơm” đã có nhiều hướng tiếp cận, phân tích khác nhau: “Ngồi buồn đốt một đống rơm/ Khói bay nghi ngút chẳng thơm chút nào/ Khói lên đến tận thiên tào/ Ngọc Hoàng phán hỏi: Đứa nào đốt rơm?”. Trên tinh thần tôn trọng các cách hiểu khoa học, bài viết xin bàn góp một tiếng nói, vẫn có thể là chưa đúng, chưa lột tả cho được cái thần thái hồn cốt của bài ca dao, do vậy xin được lắng nghe, học tập ở những trao đổi, phản biện tiếp theo.

image001.jpg -0
Hình ảnh Ngọc Hoàng trong tín ngưỡng dân gian.

Các phân tích trước đó thường tập trung xoay quanh hình tượng “người đốt rơm”. Một, người đốt là anh nông dân nghèo đại diện cho giai cấp bị trị chống lại Ngọc Hoàng đại diện cho giai cấp thống trị. Vì chẳng có thứ vũ khí nào khác ngoài đống rơm nhỏ bé nên anh ta bèn đốt nó để “chống lại” Ngọc Hoàng. Cái “buồn” chỉ là cái cớ để nhân vật “hành động”. Vì thế vừa ngửi thấy khói là Ngọc Hoàng đã quyết “truy tìm” thủ phạm: “Đứa nào đốt rơm”.

Hai, người đốt là một địa chủ giàu có. Căn cứ vào đâu để nói vậy: vì từ trần gian tới “thiên tào” rất xa nên đống rơm phải rất to mới đủ khói để “vươn tới” trời. Vì là địa chủ cùng giai cấp thống trị với Ngọc Hoàng nên ông ta đốt rơm là một cách xã giao chào hỏi, trước hết là để khoe khoang của nả (giàu có nhiều ruộng cấy nhiều lúa nên có nhiều rơm), sau đó là cầu thân nhằm “liên minh” bóc lột.

Ba, cái người đốt này là một anh nông dân say rượu. Mà ngày xưa thì chuyện chè chén xôi thịt là một tệ nạn. Anh là nạn nhân. Giã rượu rồi buồn đến mức đốt cả đống rơm nhà mình. Anh ta tưởng tượng ra ngọn khói bay lên “thiên tào” và Ngọc Hoàng “ngửi” thấy mùi rơm đốt. Ẩn ý của bài ca dao là chống lại nạn rượu chè be bét bê tha… Bốn, bài ca dao phê phán nạn đốt rơm rạ bừa bãi gây mất vệ sinh môi trường đến mức Ngọc Hoàng - đại diện cho tự nhiên phải “ra tay” trừng phạt…

Xin được lý giải bài ca dao từ lý thuyết biểu tượng và lý thuyết đối thoại.

Trước hết xin có “phản biện”. Về ý “bốn” thì chắc chắn là gán ghép vì đã “hiện đại hóa”, kéo tinh thần nội dung bài ca dao về với ngày hôm nay, trong khi đó tác phẩm đã ra đời từ rất lâu rồi. Thời xưa rơm rạ rất quý không như thời bây giờ đun nấu đã có điện, cày bừa đã có máy nên thu hoạch lúa xong (cũng bằng máy) là đốt rơm rạ đến mức “gây mất vệ sinh môi trường”. Cách hiểu ba, xét trên văn bản không đủ cơ sở để cho rằng người đốt say rượu từ đó tố cáo nạn chè chén… Cách hiểu hai thiên về xã hội học giai cấp coi Ngọc Hoàng cùng là “thống trị”. Đống rơm phải to nên đốt khói mới lên đến trời được là nhận định theo kiểu cơ giới. Cách hiểu ý một cũng đi theo hướng này, không có căn cứ nào để nhận định người nông dân lấy đống rơm làm “vũ khí” (!?). Chắc gì Ngọc Hoàng là kẻ thù của anh nông dân nghèo này?

Xin hình dung về “đống rơm” ngày trước có vai trò, vị trí… như thế nào trong đời sống người nông dân. Là phần thân trên của cây lúa chín, sau khi đưa về nhà tuốt hết hạt thóc, phần còn lại của bông lúa là rơm. Khác với rạ, là phần thân dưới của cây lúa khi gặt sẽ bỏ lại ở ruộng để đưa về sau dùng vào việc lợp nhà và đun nấu. Rơm vàng ươm thường dành làm thức ăn cho trâu bò, còn là nguyên liệu quan trọng để nuôi trồng nấm rơm (một loài nấm chuyên mọc trên rơm).

Rơm còn được trộn đều với bùn ao để trát vách. Rơm phơi khô được dồn vào một chỗ “đánh” thành đống, có nơi gọi là cây rơm. Nhà nào có ruộng nhà ấy có đống rơm. Càng nhiều ruộng đống rơm càng to, dần dần nó trở thành biểu tượng cho sự trù phú, no đủ. Cạnh đống rơm mượt mà là đống rạ xù xì, thô cứng. Thế nên đống rơm “thi vị” hơn, hay được trẻ con chọn làm nơi trốn tìm… Rơm cũng được bà con “yêu quý” hơn. Rơm được bện thành những chiếc chổi quét nhà, quét sân, nhẹ, bền lại óng ả đẹp.

Vào mùa đông rét, khi ra đồng bà con bện chặt rơm thành “nùn rơm” vừa để sưởi ấm vừa có lửa để hút thuốc lào. Đêm mùa đông ngày xưa rất lạnh, thường là đắp chiếu (mấy nhà có chăn bông) nên muốn ấm áp thì nằm ổ rơm. Sau này nhà thơ Nguyễn Duy trong bài “Hơi ấm ổ rơm” nói rất hay, thật và tình cảm: “Mẹ chỉ phàn nàn chiếu chăn chả đủ/ Rồi mẹ ôm rơm lót ổ tôi nằm/ Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm/ Tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng/ Trong hơi ấm hơn nhiều chăn đệm/ Của những cọng rơm xơ xác gầy gò/ Hạt gạo nuôi hết thảy chúng ta no/ Riêng cái ấm nồng nàn như lửa/ Cái mộc mạc lên hương của lúa/ Đâu dễ chia cho tất cả mọi người”. Trước đó trong thơ Huy Cận rơm rạ cũng thành thi liệu “Đường làng rơm rạ với mùi thơm” (Đi giữa đường thơm)…

Như vậy rơm rất quý, gần gũi, thân thiết với bà con nông dân. Nên chẳng dễ có người nông dân lương thiện nào “buồn” mà đốt cả đống rơm cả. Chỉ duy đốt rơm vào việc… thui chó. Khi “tháng ba ngày tám” nhàn rỗi hoặc dịp hội hè, giỗ chạp… bà con hay giết chó làm thực phẩm. Vì chó dễ nuôi, không to quá như lợn, lại dễ chế biến làm nhiều món, dễ chia phần,… Thui chó thì dùng rơm là tiện nhất, tốt nhất. Da chó sẽ vàng ươm, không bị nứt. Thịt sẽ thơm và ngon…

Thế thì việc đốt đống rơm kia không phải nghĩa thực, nghĩa đen mà mang nghĩa biểu tượng. Xin đưa ra một dị bản khác: “Làm chay đốt bảy đống rơm/ Khói lên nghi ngút chẳng thơm chút nào/ Ngọc Hoàng phán hỏi Nam Tào/ Ở dưới dương thế đứa nào đốt rơm?”. “Làm chay” là làm lễ cúng, theo quan niệm dân gian xưa, để cầu cho linh hồn người chết được siêu thoát. “Nam Tào” là vị tiên ông trông coi bộ sổ sinh của con người ở trần gian, tức sổ những người được sinh ra đời, gọi là sổ Nam Tào. Như vậy Nam Tào là “cánh tay phải” giúp việc đắc lực cho Ngọc Hoàng. Còn “thiên tào” là nơi đặt “cơ quan” làm việc của cõi trời, người cao nhất là Ngọc Hoàng (còn gọi là Ngọc Đế hoặc Thiên Đế, Ngọc Hoàng Thượng Đế) tức vị vua tối cao của bầu trời, cai quản Thiên đình/tào. Vốn người trần, tu luyện một nghìn bảy trăm năm mươi kiếp, mỗi kiếp mười hai vạn chín nghìn sáu trăm năm mà thành Ngọc Hoàng Thượng Đế để cai quản toàn bộ lục giới: Nhân, Thần, Ma, Yêu, Quỷ, Tiên. Giới thiệu sơ qua như vậy cũng đã thấy Ngọc Hoàng rất nhiều việc lớn lao, trách nhiệm rất ghê… thế mà lại đi chú ý cái việc rất nhỏ bé, vớ vẩn là chuyện “đốt rơm”?

image003.jpg -1
Cây rơm nhà quê.

Xin đọc lại lần nữa văn bản: “Ngồi buồn đốt một đống rơm/ Khói bay nghi ngút chẳng thơm chút nào/ Khói lên đến tận thiên tào/ Ngọc Hoàng phán hỏi: Đứa nào đốt rơm?”. Có hai thế giới: trần gian và thiên tào. Có hai nhân vật: anh nông dân “buồn” (được ẩn đi) và Ngọc Hoàng tối cao. Nối hai thế giới này là “khói bay nghi ngút”, dĩ nhiên “chẳng thơm chút nào”.

Dân gian đã kiến tạo một bức tranh tương phản đối lập của mô hình truyện cười dân gian: trên - kẻ có quyền cao vút/ dưới - kẻ lao động nghèo dưới đáy. Cách hiểu này không suy diễn vì căn cứ vào hình tượng bài thơ và liên hệ với tín ngưỡng dân gian, có lẽ ai cũng hiểu vậy. Với người nông dân, rơm quý thế nên lý do dù “buồn” đến mấy cũng chẳng thể dẫn tới hành động đốt cả “đống rơm”.

Vả lại ngày xưa đống rơm, đống rạ gần nhau, thường “đánh” ở trong sân, trong vườn, gần với nhà, với bếp để tiện việc đun nấu và “rút” rơm cho trâu bò ăn, nên đốt đống rơm là việc nguy hiểm dễ gây ra hỏa hoạn… Ngọc Hoàng chức to thế, lẽ ra phải nghĩ đến những việc tầm “vũ trụ” “kinh thiên động địa” chứ sao lại quan tâm đến việc nhỏ nhặt dưới hạ giới có kẻ đốt rơm. Thế nên dứt khoát đây không phải chuyện thật. Đó chỉ là mô hình giả định. Để bật ra ý gì?

Một là, giễu cợt, phê phán những người (nông dân) sống đời sống nhàn nhạt, vô vị, vô công rồi nghề vô tích sự không có ý chí, không hoài bão, không lý tưởng, quanh quẩn, buồn chán vớ vẩn mà làm những việc vô nghĩa, dại dột, chẳng đâu vào đâu, có khi làm thiệt hại đến chính tài sản, thành quả lao động của mình, gia đình mình, thậm chí dễ gây nguy hiểm!

Hai là, phê phán, mỉa mai những kẻ có quyền cao chức trọng nhưng sống như người thừa, không suy nghĩ trăn trở, thiếu tầm nhìn chiến lược, thiếu tư duy quản lý  nên không nghĩ được những điều xa xôi, chiến lược nên chỉ biết quan tâm (ngửi) đến cái vặt vãnh, nhỏ bé, tầm thường, ít ý nghĩa, vô giá trị.

Soi vào thời nay vẫn thấy hai loại người này, còn nhiều lắm. Vẫn thế, vẫn vậy, ít thay đổi!

Mới hay dân gian thâm thật. Xin được bạn đọc góp ý!

Nguyễn Thanh Tú
.
.