Những cánh cò chợt tới trong mơ
Cầu Gỗ (phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là con phố luôn sôi động và nhộn nhịp xe cộ hơn cả chợ. Nhưng cứ đêm tới phố lại vắng lặng dưới hàng cây xà cừ um tùm lá. Nó lầm lũi khép nép sau con phố kềnh càng Đinh Tiên Hoàng bên hồ Hoàn Kiếm.
Ngày xưa còn chợ Hàng Bè kế bên có người hát xẩm hay mủi lòng nhớ: “Tôi mơ làm một cây cầu/ Cho người qua lại hai đầu đường xa/ Tôi xin làm mái hiên nhà/ Chở che lũ trẻ không cha mẹ nghèo”. Cây cầu gỗ trên phố nay còn đâu!?
Phố thương
Phố Cầu Gỗ dài chừng 250 mét ngỡ như bị đứt đoạn bởi những phố hay ngõ đi ngang qua. Cách đây chừng 140 năm trước, phố Hồ Hoàn Kiếm chính là một con kênh lớn cắt ngang phố nối thông hồ Hoàn Kiếm với hồ Hàng Đào (khu vực chợ Hàng Bè ngày nay). Chiếc cầu gỗ lớn được bắc qua con kênh này để mọi người qua lại. Do vậy mới có tên phố Cầu Gỗ từ thời Lê Trịnh.
Câu ca xẩm còn hát về những hình ảnh thuyền đò qua lại: “Tôi mong làm một con thuyền/ Đưa mẹ đi hóa buồn phiền chùa vui/ Chính tôi là những nụ cười/ Như hoa buổi sớm thắm tươi trong vườn”. Bởi lẽ từ hồ Hàng Đào còn có hào nước đi tới sông Tô Lịch (phố Nguyễn Siêu và Ngõ Gạch) để mọi người lên bến Cầu Đông lễ chùa. Sau này người Pháp cho lấp hồ Hàng Đào, phá cây cầu gỗ và lấp kênh để xây nhà và phố chợ mới (năm 1888).
Nhà số 37 Cầu Gỗ được xây năm 1910 hiện là một di tích lịch sử thành phố. Ngôi nhà này bề ngang chỉ 2,5 mét thông sang số 43 Đinh Tiên Hoàng. Chủ nhà Phạm Quang Hưng là một nhân viên công sở Bưu điện Bờ Hồ thời đó. Cụ Hưng có tới 12 người con (5 trai, 7 gái) nên đường làm ăn cũng khá vất vả.
Nhưng riêng người con trai thứ tư, ông Phạm Quang Chúc (1906-2002) có chí hướng yêu nước hơn người. Ông sớm hoạt động cách mạng và bị giặc Pháp bắt đầy đi Côn Đảo (1930). Sáu năm sau ông Chúc được thả tự do vì những biến động ở nước Pháp. Ông trở lại ngôi nhà cũ và tìm cách kết nối với các đảng viên Cộng sản. Ông Chúc mở hiệu kem bên 43 Đinh Tiên Hoàng để mưu sinh (năm 1937) nhưng cũng là nơi hoạt động bí mật của những nhà cách mạng.
Đặc biệt, bên số 37 Cầu Gỗ là nơi ở trọ của các đồng chí Phạm Văn Đồng, Nguyễn Kim Cương. Ngôi nhà trở thành địa chỉ “đỏ” qua lại thường xuyên của các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Lương Bằng. Tuy nhiên cơ ngơi 37 Cầu Gỗ luôn bị điệp viên Pháp theo dõi vì ông Chúc có tên trong sổ đen. Có lần sở cẩm Pháp bắt ông và ra lệnh đóng cửa hàng kem để không còn ai ra vào nữa (1941). Sau ba tháng chúng phải tha bổng ông vì không có chứng cứ gì trong tay.
Từ đó, các nhà hoạt động cách mạng đều rút vào bí mật. Đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Chúc công khai hoạt động và được chính quyền mới trao nhiệm vụ làm Giám đốc Cơ quan ấn loát Trung ương (1946). Cùng trong những năm tháng này, ngôi nhà 37 Cầu Gỗ còn là mảnh đất ấm lành nảy sinh một mối tình kỳ lạ. Đó là câu chuyện nên duyên vợ chồng của Bộ trưởng Phạm Văn Đồng (chức vụ khi đó) với bà Phạm Thị Cúc. Họ âm thầm yêu thương nhau và hẹn thề nhân ngãi khi cách mạng thành công.
Bà Cúc là con gái thứ 6 của cụ Phạm Quang Hưng. Trước đó bà Phạm Thị Hồng, con gái cả cụ Hưng cũng đã kết duyên với nhà cách mạng Nguyễn Kim Cương (1937). Sau đám cưới của em gái, ông Chúc lên Việt Bắc hoạt động kháng chiến cho tới ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954) mới trở về Hà Nội. Chúng tôi bồi hồi đứng trước ngôi nhà lịch sử với tâm thế ngưỡng mộ những người trên con phố này. Đó là những chàng trai cô gái tuổi 20 ngày nào: “Năm khởi chiến/ Thề ra đi/ Không trở về khi giặc chưa yên/ Cô gái Hà Nội trong đám đông đưa tiễn/ Gửi chàng trai một bó hoa/ và một nụ hôn” (Phan Vũ). Tình yêu của họ là những bài ca không bao giờ tắt với nhịp phố thân thương. Dãy hàng hoa trong ngõ Cầu Gỗ tỏa hương và mọi người tất tả mua bán mỗi buổi sáng. Luôn vẫn đó “Ta còn em cô hàng hoa/ Gánh mùa thu qua cổng chợ/ Những chùm hoa tím/ Ngát/ Mùa thu” (''Em ơi''! Hà Nội phố - Phan Vũ).
Đường xưa mộng ước
Phố Cầu Gỗ gắn bó với tôi với những nốt nhạc trên cây đàn ghi ta của cố nghệ sĩ nhà báo Quang Tôn. Chúng tôi cùng làm việc ở tòa soạn Báo Hà Nội mới. Sinh thời ông từng mở lớp dạy đàn tại số nhà 70 Cầu Gỗ. Có lần ông dẫn anh em tới viết bài về cố nghệ nhân Lê Văn Hào, người may áo dài truyền thống nổi tiếng ở số nhà 82 (hiệu may Mỹ Hào). Ông kể, vào hai thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước, đa số nữ nghệ sĩ và phát thanh truyền hình đều tới thuê nghệ nhân Lê Văn Hào may áo dài. Đó là những kiểu mẫu áo dài truyền thống, không chiết ly mà ôm sát eo rất tự nhiên.
Phải nói nghệ nhân Lê Văn Hào có con mắt tinh tế khi chỉ nhìn người mà định dáng áo. Bàn tay tài hoa của ông có bí quyết xử lý những đường viền tùy cơ thể người đẹp. Ông giỏi ở nghệ thuật cắt may vừa sát thân hình họ mà không hề bị dúm dó nơi nách áo. Nay các con cháu nghệ nhân vẫn tiếp nối truyền thống của gia đình. Nghệ nhân Lê Văn Hào là một kỳ tài cho tới nay khó ai sánh kịp.
Nhưng có câu chuyện về âm nhạc làm tôi rất thú vị khi được nghe nghệ sĩ Quang Tôn kể lại. Chuyện diễn ra tại ngôi nhà cuối phố Cầu Gỗ, đó là cửa hàng sách Ngoạn nổi tiếng một thời. Ông chủ nhà sách Ngoạn chơi đàn violon khá thành thạo. Do đó nhà sách này là nơi hội tụ bạn bè nghệ sĩ khá quen thuộc. Trong đó có hai nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Đình Phúc (1919-2001) và Phạm Duy (1921-2013) thường tới giao lưu.
Có lần (năm 1942) hai người cùng được ông chủ nhà sách mời đến để khoe tập thơ mới “Lỡ bước sang ngang” của Nguyễn Bính. Ba người bạn cùng tâm đắc và say mê đọc tập thơ chân quê này. Bất ngờ họ nảy sinh ra một ý định thách đố. Cuộc chơi định luật cho hai nhạc sĩ tài hoa, mỗi người tự tìm một bài thơ của Nguyễn Bính để phổ nhạc. Nhưng thời gian cho phép hoàn thành bài hát được tính bằng cuộc đi bộ hai vòng Hồ Hoàn Kiếm. Hai nhạc sĩ hứng khởi lấy mốc tính thời gian xuất phát là đài phun nước ở giữa quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Thế là hai tác phẩm “Cô lái đò” (Nguyễn Đình Phúc) và “Cô hái mơ” (Phạm Duy) ra đời sau hành trình vòng hồ.
Họ hát cho nhau nghe và nhờ ông chủ sách Ngoạn làm chứng. Không ngờ những bài hát đó đều là dấu mốc quan trọng về phong cách âm nhạc của Nguyễn Đình Phúc và Phạm Duy trong trào lưu tân nhạc. Hai ca khúc mang âm hưởng dân gian ra đời đã hơn 80 năm nhưng vẫn được khán giả yêu mến.
Cánh buồm đỏ thắm nơi ngõ phố
Tôi đi dọc phố trong miên man gió bay từ phía hồ Hoàn Kiếm. Có năm cò về đậu trắng trên những cây xà cừ bên hè phố Cầu Gỗ. Mấy cậu bé đùa vui trên vũng nước mưa trước cửa chợ. Chúng giương cao chiếc áo làm cánh buồm giả tưởng đang vượt ra đại dương. Khi ấy tôi chợt nhớ cuốn sách “Cánh buồm đỏ thắm” (Aleksander Grin) do cố nhà văn Phan Hồng Giang (1941-2022) dịch. Ông đã từng ở cuối ngõ Cầu Gỗ một thời gian dài. Người vợ trước của ông là Minh Tâm, biên tập viên (NXB Hà Nội) đã duyệt in tập truyện ngắn đầu tiên của tôi (1980). Tác phẩm “Cánh buồm đỏ thắm” nuôi dưỡng tâm hồn những đứa trẻ luôn ước mơ bay bổng. Cô bé Assol và cậu bé Arthur trong câu chuyện kiên nhẫn chờ đợi và làm nên những điều kỳ diệu để thực hiện hoài bão.
Nhà văn Phan Hồng Giang còn là người dịch những tác phẩm văn học Nga nổi tiếng như “Truyện ngắn Sê Khốp”, “Đaghextan của tôi” (Hai tập của Rassul Gamzatov), Nàng Lika (Bunin)... Năm 2012, nhà văn Phan Hồng Giang đã được Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với những công trình nghiên cứu văn hóa, văn nghệ xuất sắc. Tôi chợt dừng chân bên hàng cây xum xuê bóng lá và mơ những cánh cò trở về như ngày nào. Những tà áo dài thướt tha dịu dàng thấp thoáng trong ngõ hàng hoa. Chợt một giai điệu Bolero từ một quán cà phê nhẹ nhàng ngân vang. Dòng người đi qua cùng gương mặt rạng ngời trong nắng sớm. Thật đáng yêu sao khi “Ta còn em khăn choàng màu tím đỏ/ Thoáng qua/ Khuôn mặt chưa quen/ Bỗng xôn xao nỗi khổ/ Mỗi góc phố một trang tình sử” (Phan Vũ).