Nhạc sĩ Trương Quang Lục: "Đời tôi có nhiều may mắn..."
Có người nói trong đời nhạc sĩ chỉ cần một bài hát được công chúng biết đến đã là hạnh phúc thì nhạc sĩ Trương Quang Lục có hơn điều đó, bởi ông có đến 2 ca khúc nổi tiếng, một dành cho người lớn là “Vàm Cỏ Đông” (thơ Hoài Vũ), một dành cho trẻ em là “Trái đất này là của chúng mình” (thơ Định Hải).
Hôm nay trò chuyện cùng tôi khi đã ở tuổi 89, người nhạc sĩ gốc Quảng Ngãi cho rằng, ông là người có nhiều may mắn mà một trong những may mắn là có nhiều sáng tác được công chúng yêu mến.
Tạo ra cái riêng cho mình
Trong Lễ trao giải âm nhạc thường niên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2021 diễn ra vào ngày 15/1/2022 tại Hà Nội, nhiều người ngạc nhiên khi nhạc sĩ Trương Quang Lục được xướng tên ở giải cao nhất (là một trong 10 giải A) với ca khúc “Đẹp nhất bông sen”. Tài năng của ông thì ai cũng biết nhưng ở tuổi 89 như ông mà vẫn có tác phẩm dự thi mà lại được giải cao nhất quả là một trường hợp hiếm có. Điều đặc biệt là ca khúc này còn mang đến cho ông giải Xuất sắc của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2021.
Được “giải đúp” nhưng tiếc rằng khi ấy vì tình hình đại dịch COVID -19 còn nhiều phức tạp nên ông không thể bay từ TP. Hồ Chí Minh ra nhận giải được. Ngồi ở nhà xem trực tuyến Lễ trao giải, ông đã vô cùng xúc động khi thấy 2 ca sĩ hát còn mấy em nhỏ múa minh họa. Thực ra dụng ý ban đầu của ông là viết cho thiếu nhi nhưng sau khi xem xong phần thể hiện này ông mới ngộ ra rằng, để trẻ em hay người lớn hát đều rất phù hợp.
Với những nhà báo chuyên viết mảng văn hóa - văn nghệ có lẽ đã không còn xa lạ với những bài viết của ông và những chương trình truyền hình trên sóng Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh (HTV) do ông trực tiếp làm MC. Với lợi thế được sống cùng thời với các nhạc sĩ, lại có kiến thức sâu sắc về âm nhạc cũng như trí nhớ tốt, ông đã giới thiệu khoảng 50 chân dung nhạc sĩ trên sóng truyền hình và hàng trăm chân dung nhạc sĩ trên các báo từ Trung ương đến địa phương.
Tôi cảm nhận những bài viết/ chương trình ấy, ông đều có cái riêng của mình. Lại nhớ trong dịp gần đây, nhạc sĩ Hoàng Long khoe với tôi tờ báo số xuân Nhâm Dần mà Trương Quang Lục viết về cặp đôi nhạc sĩ song sinh Hoàng Long - Hoàng Lân, bằng giọng hóm hỉnh: “Bài viết của ông Trương Quang Lục đấy! Đúng là không thể lẫn với cây bút khác”.
Cặp đôi “Lục Vân Tiên”
Thường thì người ta chỉ biết Trương Quang Lục là một nhạc sĩ nhưng ít ai biết ông là môt kỹ sư hóa chất (ông tốt nghiệp Khoa Hóa Học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội khóa 1). Bài hát “Vàm Cỏ Đông” của ông sáng tác chính là trong khoảng thời gian ông công tác tại Nhà máy Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao bên dòng sông Thao (tỉnh Phú Thọ) thơ mộng. Là người con miền Nam tập kết ra Bắc học tập và công tác, nỗi nhớ dòng sông Vàm Cỏ Đông ở miền Đông Nam bộ da diết khiến ông đã sáng tác được một ca khúc để đời.
Cũng chính vì nguyên cớ này mà từng có một bài báo với tiêu đề “Vàm Cỏ Đông bên dòng sông Thao” gây “tranh cãi” với nhiều người khi cho rằng nhà báo kém hiểu biết về… địa lý. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, giới âm nhạc vẫn khẳng định bài hát “Vàm Cỏ Đông” chính là một trong những bài hát thể hiện thành công tình cảm, nỗi lòng của người con tập kết ra Bắc với quê hương bản xứ của mình.
Điều thú vị nữa mà có thể nhiều người không biết là Trương Quang Lục từng là một nhà báo (ông công tác và nhận sổ hưu tại Báo Sài Gòn Giải phóng). Chuyện là khi chuyển vào công tác tại TP Hồ Chí Minh, từ một vị trí Giám đốc của một nhà máy thuộc Tổng cục Hóa chất, ông xin chuyển về Ban Văn hóa – Văn nghệ, Báo Sài Gòn Giải phóng để có nhiều cảm hứng, thời gian sáng tác âm nhạc.
Sau đó, Tổng Biên tập Báo phân công ông làm Trưởng Ban Khoa giáo với lý do là “có nhiều anh em kỹ sư phản ánh các bài viết trên Báo chưa thật chính xác” mà ông lại có bằng kỹ sư và nhiều năm lăn lộn ở các nhà máy. Ban đầu ông viết báo về kỹ thuật dưới bút danh Trương Quang Lục nhưng sau đó Tổng Biên tập cho rằng như thế là… báo hại tờ báo vì “độc giả nghĩ là báo hết người rồi hay sao mà bắt ông nhạc sĩ viết báo kỹ thuật”. Chính vì lý do vui vui này mà ông đã lấy bút danh viết báo kỹ thuật là tên con gái Trương Vân Tiên.
Chuyện về mối tình của ông với bà xã và cái tên Trương Vân Tiên cũng thật thú vị. Những năm là sinh viên đại học, ông nảy sinh tình cảm với một cô gái người Hà Nội học cùng lớp. Đến bây giờ qua 62 năm chung sống với nhau, ông vẫn không thể lý giải được vì sao một cô gái Hà Nội có điều kiện, xinh đẹp lại yêu một chàng sinh viên tập kết ra Bắc nghèo khó, không có gì nổi trội về ngoại hình?
Ông bảo, hồi ấy lớp ông có khoảng 20 nữ thì đa phần họ đều có vẻ kênh kiệu, chê bai “dân tập kết ra Bắc”, riêng vợ ông bấy giờ thì lại “vơ vào”. Bà là người hiểu chuyện, hơn nữa lại yêu âm nhạc mà hồi đó ông đã có sáng tác “Tiếng tàu trăng” được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam nên họ đã đi vào “tầm ngắm” của nhau. Ông tên Lục, bà tên Vân nên bạn bè hồi ấy hay gọi vui cặp này là “Lục Vân Tiên” chính vì thế sau sinh cô con gái ông đã đặt tên là Trương Vân Tiên.
“Trả ơn” cuộc đời bằng những sáng tác
Nhạc sĩ Trương Quang Lục yêu và có năng khiếu với âm nhạc từ rất sớm nhưng lại chọn học Đại học Bách khoa Hà Nội bởi ông nghĩ nghề sáng tác âm nhạc rất bấp bênh hơn nữa muốn sáng tác hay thì người nhạc sĩ phải đi sâu, đi sát vào đời sống của nhân dân. Ông chọn học hóa chất để có nghề nuôi niềm đam mê sáng tác âm nhạc. Ông đến với âm nhạc một phần cũng là do sự ngưỡng mộ nhạc sĩ Trần Hoàn bởi khi học ở Trường Khải Định (Huế) ông đã thấy người anh cùng trường này sáng tác được ca khúc ngay từ khi còn là học sinh.
Âm nhạc và kỹ thuật nghe qua thì chẳng liên quan với nhau nhưng với cách giải thích của ông thì chúng lại có mối quan hệ mật thiết: “Âm nhạc và kỹ thuật đều cần phải chính xác, đồng thời phải có sự sáng tạo. Âm nhạc dù lãng mạn, mộng mơ nhưng nội dung phải chính xác. Âm nhạc mà rập khuôn theo phương trình có sẵn thì chẳng bao giờ có tác phẩm mới”.
Ông bảo, ông có nhiều may mắn trong cuộc sống khi có nhiều ca khúc “sống” được trong lòng công chúng, trong đó “Trái đất này là của chúng mình” từng được một bang của Canada chọn làm bài hát chính thức của Đại hội các dân tộc vì “đã nói đến vấn đề chống phân biệt chủng tộc”; một đoạn trong ca khúc “Quảng Ngãi đất mẹ ngoan cường” của ông được chọn làm nhạc hiệu của Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ngãi. Ông cảm thấy may mắn, vinh dự và tự hào khi được là hội viên trẻ nhất tham gia Đại hội thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam vào năm 1957. Nay ở tuổi 89, ông cho rằng, mình may mắn khi vẫn có sức khỏe khá tốt, trí nhớ minh mẫn và mỗi quý vẫn được nhận về số tiền không nhỏ (so với một công chức về hưu) tiền tác quyền âm nhạc.
Chính vì nghĩ cuộc đời đã có nhiều ưu ái cho mình nên ông bảo mình sẽ “trả ơn” cuộc đời bằng những sáng tác: “Nếu như nhạc sĩ Hoàng Việt lúc sinh thời có nói: “Sẽ sáng tác cho đến lúc từ biệt cuộc đời này!”. Nhạc sĩ Huy Thục khi đến tuổi rời quân ngũ có nói: “Theo chế độ công tác thì về hưu, nhưng trong sáng tác âm nhạc không về hưu”. Tôi cũng sẽ gắn bó với âm nhạc suốt đời để phục vụ nhân dân, phục vụ quê hương, đất nước”.