Nhạc sĩ Vinh Sử: Tơ tình đã khép

Thứ Năm, 15/09/2022, 17:58

Vậy là "vua nhạc sến" đã rời bỏ cõi tạm. Rũ hết đớn đau của căn bệnh ung thư quái ác giày vò hơn mười năm trời. Rũ cả cuộc đời từng bước lên đỉnh huy hoàng mà cuối chiều cùng quẫn, nghèo khó. Nhắm mắt vĩnh biệt thế gian, người nhạc sĩ già thanh thản nương mình trong vòng tay vợ cũ với lời thều thào sau cuối: "Đời tôi nợ bà nhiều lắm!".

Căn bệnh ung thư đại tràng của nhạc sĩ Vinh Sử hành hạ ông từ năm 2011. Đến bây giờ, không ai nhớ nổi lão nhạc sĩ đã vào viện mấy lần để phẫu thuật vì vết mổ cũ bị di căn. Hai đợt mổ đầu, bao nhiêu tiền của dành dụm phòng tuổi già bất trắc đều đội nón ra đi. Đến các đợt mổ sau, một xu dính túi cũng không, ông đành nương nhờ vào tấm lòng thơm thảo của bạn bè, đồng nghiệp. Hồi mổ đợt ba, đến thăm ông ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định, ông bảo chỉ mong có liều thuốc chuột, uống vào chết quách cho xong. Chết là hết. Hết đớn đau thân xác, hết chật vật túng thiếu, hết khổ sở cho vợ, cho con.

vinh-su-1452062400-1662772831313712486990.jpeg -0

Nhạc sĩ Vinh Sử sinh năm 1944 trong một gia đình nghèo khó ở quận 4, TP Hồ Chí Minh. Cả nhà chạy ăn ba bữa còn không đủ nên mãi đến năm lên mười, ông mới được đi học vỡ lòng. Ít ra biết cái chữ, đời nó đỡ khổ hơn ba mẹ. Nghe lời ba mẹ, mới học hết tiểu học, nhặt nhạnh được đôi ba chữ "đủ nhét lá mít" là ông nghỉ ngang. Vậy mà với vốn chữ nghĩa lẹt phẹt ấy, chỉ vài năm sau, chàng trai nghèo đã trở thành nhạc sĩ nổi danh.

Hàng trăm nhạc phẩm trở thành bất hủ, nằm lòng bao thế hệ thính giả như "Nhẫn cỏ cho em", "Nối lại tình xưa", "Người phu kéo mo cau", "Gõ cửa trái tim", "Nhành cây trứng cá", "Làm dâu xứ lạ", "Mưa bụi", "Chuyến xe lam chiều", "Vòng nhẫn cưới", "Hai bàn tay trắng", "Không giờ rồi"... Có một thời nghèo khó nên những ca khúc của ông gần gũi với đông đảo công chúng bình dân, thấu hiểu nỗi lòng của nhiều cảnh đời gian truân. Các ca khúc như nói hộ cho tâm sự của những chàng trai, cô gái lận đận tình duyên do gia đình phân biệt sang - hèn. Những bài hát của ông có ca từ giản dị, dễ hiểu, nhạc điệu bolero buồn hiu buồn hắt đi vào lòng người.

Thời hoàng kim, một bản nhạc bán cho các công ty làm đĩa, đài phát thanh... đủ để cậu trai nghèo tậu hẳn hai chiếc xe hơi đời mới. Bài hát bán chạy như tôm tươi. Cuộc sống chìm ngập trong kim tiền, sống không biết ngày sau. Ai cũng khiếp vía khi "ông vua nhạc sến" sẵn sàng chi gần 20 cây vàng cho một đêm ăn chơi trác táng. "Nhất dạ đế vương", một đêm làm vua, tiền đem ra đốt cùng gái đẹp, rượu ngon, cao lương mỹ vị.

Nổi tiếng, nhiều tiền lại tài hoa, nhạc tình của ông được công chúng mê mẩn đến đâu thì ông lại được các kiều nữ săn đuổi đến đó. Ông từng khoe: "Cái mã tôi thô kệch, xấu xí nhưng đã yêu là tôi yêu toàn giai nhân". Giai nhân đầu đời của ông mới 17 tuổi. Học chung lớp. Rung động đầu tiên và cũng là nhạc cảm đầu tiên làm nên một "ông vua nhạc sến" sau này. Yêu mà không dám ngỏ. Để hôm hẹn nàng ra công viên, trái tim ông đập liên hồi tưởng như chẹn ngang cổ họng.

Cả buổi ngồi bên người đẹp, ông không nói được tiếng nào. Nàng cũng thẹn, lặng im. Đến khi nàng thẽ thọt đòi về thì ông mới cuống cuồng. Vội vàng ngắt lá cỏ ven đường, đan thành chiếc nhẫn rồi ngượng ngùng bảo nàng đưa tay lên. Nàng nhận món quà với ánh mắt bẽn lẽn. Ngày đó, ông khù khờ quá nên không biết ánh mắt của nàng đã nói hộ lời yêu. Năm tháng đưa trôi. Nàng và ông phiêu dạt. Đọng lại chỉ còn câu hát ghi dấu mối tình thơ ngây: "Anh nghèo nên chẳng nhẫn kim cương/ Tặng em theo sính lễ huy hoàng/ Thì đây anh đan nhẫn cỏ/ Tặng em coi như bỏ ngõ/ Lòng anh chắc em đã biết..." (Nhẫn cỏ cho em).

Mỗi tình khúc của nhạc sĩ Vinh Sử gần như dành cho một người tình. Mà đời ông, có hàng trăm tình khúc. Nhưng yêu ai, ông cũng bị người ta hoặc phản bội, hoặc rũ bỏ. "Em ơi, anh đâu có ngờ tình ta như cánh diều bay/ bay cao đứt chỉ, cho diều nó bay...". Đâu ngờ rằng, câu ca ấy vận vào đường tình duyên của ông như một định mệnh nghiệt ngã. Chỉ vì chở một cô ca sĩ mà ông bị người tình hiểu lầm. Nàng không thèm nhìn mặt, dù ông có hằng ngày đến tìm gặp và van nài. Nàng dứt tình ông, lạnh lùng tìm vui bên người mới. Đêm lạnh giữa lòng Sài Gòn ông lang thang như kẻ điên. Ca từ bật ra, cào vào trái tim: "Bước lang thang qua từng vỉa hè/ Biết đêm nay đi về nơi đâu/ Người yêu ơi! Em đã sang ngang/ Tình yêu ơi! Xin vấn khăn tang". Bản "Đêm lang thang" ra đời cho mối tình vô vọng.

nhac si vinh su.jpg -0
Nhạc sĩ Vinh Sử những ngày cuối đời.

Không chỉ bị người tình bỏ mà ông còn bị vợ bỏ. Ba người vợ đầu không chịu nổi tính ngông nghênh, phóng túng, "hở tí là nhậu", "hở tí là yêu" không biết trời đất gì của ông. Đang nhậu, bạn gọi điện ới ời kêu đi Lâm Đồng không? Vậy là ông nhảy lên xe đò liền. Chẳng cần báo với ai. Vợ con ở nhà lo sốt vó, ông cũng kệ. Riết rồi chịu không nổi nên mấy bà ôm con bỏ đi.

Đến cô vợ thứ tư thua mình hơn 20 tuổi, người mà ông cưng chiều tặng bài hát "Quên cây cầu dừa", ông quyết tỉnh trí ở nhà làm ăn vì thời thế của nhạc sến đã hết, tiền tác quyền không đủ trang trải qua ngày. Nhạc sĩ Vinh Sử yêu chiều nàng như chiều… con gái. Hồi tán tỉnh, để lấy lòng nàng, ông mua hẳn căn nhà hoành tráng ở quận 7. Rồi nàng xoay ra kinh doanh, ông dốc hết tiền ủng hộ. Lúc đó hai người vẫn chưa có hôn thú, chưa con cái. Kinh doanh đang ăn nên làm ra, vẫn chưa thấy nàng nói gì. Thời gian sau, nàng giục ông đi làm giấy đăng ký kết hôn. Nhận giấy xong, đùng một cái nàng đòi ly dị rối biến mất dạng. Lúc đó ông mới biết nàng làm ăn vỡ nợ nên mới cố tình đi đăng ký để nợ đè lên vai ông.

Tình tan nát, cơ nghiệp lụn bại. Nhà bán trả nợ, ông đành gửi thân nơi căn nhà trọ xập xệ chưa đến 10m vuông ở quận 7. Nhìn lại, ông trắng tay. Bây giờ, tiền tác quyền chỉ đủ cho ông trang trải tiền ăn, tiền trọ qua ngày. Để nuôi mình, ông làm thêm ở tiệm giày da. Nỗi đau đớn trong tình trường khiến những bản nhạc tình của ông về sau càng thê thiết, chất chứa đầy khổ ải của kẻ trót si, trót dại.

Ngày ông lâm bệnh, căn nhà trọ lúc nào cũng cửa đóng im ỉm. Ông sợ mùi tanh tưởi phát lợm của căn nhà làm người ta nhăn mũi, nôn mửa. Hồi mới mổ, ông thấy hơi tưng tức bụng là chạy vào nhà vệ sinh. Nhưng toàn chạy không kịp. Ho một tiếng phân cũng tự dưng ào ra. Vậy nên để tiện lau dọn, ông lót giấy báo khắp nhà. Một nhạc sĩ già trong căn phòng lúc nào cũng khóa trái cửa, tưng tửng bật lên những khúc nhạc bolero đứt đoạn, cô độc. Đói, ông lại pha mì, gặm cơm nguội. Rồi lại vạ vật với cái toilet, với cây guitar.

Bà Nguyễn Ngọc Lệ thấy vậy, không nỡ cầm lòng. Dẫu gì bà cũng từng là vợ ba, mang nặng duyên cầm sắt một thuở. Căn phòng nồng nặc mùi xú uế đón thêm người đàn bà sáng sáng, trưa trưa với cái cà mên đựng cơm trên tay. "Một hôm, tui ghé qua đưa cơm như thường lệ thì thấy ổng nằm bất tỉnh trên sàn nhà. Tui sợ quá chở ổng đi cấp cứu mới hay ổng bị di căn. May mà nhờ anh em nghệ sĩ giúp đỡ chứ tôi không biết chạy vạy tiền đâu ra". Từ ngày mổ đợt hai, bà dọn về ở hẳn với ông. Để kiếm thêm thu nhập, bà giặt thuê quần áo. Hai vợ chồng rau cháo nuôi nhau. Bà Lệ ngậm ngùi: "Sau khi mổ đợt ba, ổng khỏe lên chút ít. Nhưng thời gian sau lại ăn không được, bụng cứ trướng lên, sụt hơn 20 kí. Sức ông yếu quá nên để tiện chăm nom, tui đưa ông về nhà tui ở quận Bình Tân".

Lần nhập viện cuối, sức khỏe của ông giảm sút nghiêm trọng. Bác sĩ phải cho thở máy và truyền máu vì có hiện tượng xuất huyết bao tử. Trên giường bệnh lạnh lẽo, ông nằm nghe cơn đau đay nghiến. Cái chết lóe lên giữa mớ ống dẫn lằng nhằng xuyên nhức da thịt. Nhưng khi tấm khăn mát lạnh từ bàn tay người vợ cũ nhẹ nhàng áp vào da mình, nước mắt ông chực trào. Tình xưa, nghĩa cũ neo bà về bên ông lúc cuối chiều. Và còn bạn bè, còn đồng nghiệp hết lòng góp sức chạy chữa cho mình. Ông phải sống, gắng sống để trả ơn đời...

Hồi vẫn còn khỏe, mỗi lần vô viện, ông lại cố lết dậy, lẩm nhẩm giai điệu mới. Có lần, bác sĩ kêu hoài không thấy ông đâu. Bà Lệ từ dưới sảnh lấy đồ đạc lên mới hớt hải đi tìm. Hóa ra ông đứng ở hành lang. Ông biểu: "Tôi ra ngoài này nhìn trời nhìn đất, rồi còn sáng tác nhạc chứ ở trong đó chật ních, ngột ngạt vậy thì sao có cảm hứng".

Giờ thì đàn xưa đã khép, tơ tình gói lại. Cả một đời thăng trầm tận hiến, ông đã trả nợ ân tình cho biết bao nhiêu người. Ông đi, nhưng câu hát gửi lại vẫn còn mãi mãi với tha nhân...

Phan Thi Uyên
.
.