Nhà văn Vũ Đảm - Bên văn, bên đời

Thứ Sáu, 19/01/2024, 09:38

Vũ Đảm sinh tuổi Bính Ngọ - 1966, cái năm dương nam tuổi Bính Ngọ này dễ sinh hạ những kẻ tầm cỡ, kỳ tài. Đến nay, sau hơn bốn mươi năm trong nghiệp văn chương, báo chí, văn nhân họ Vũ này đã xuất bản 22 đầu sách văn học ở nhiều nhà xuất bản (NXB) khác nhau. Trong ấy nổi bật với 8 cuốn tiểu thuyết, 15 tập truyện ngắn và một tập phóng sự!

Mười năm qua, có một nhóm các nhà văn đang trú ngụ ở khu Lĩnh Nam, Thúy Lĩnh, Tân Mai, Trương Định, vẫn thường xuyên gặp nhau loanh quanh ở cạnh cái Chợ Đêm - Lĩnh Nam ngập khói bụi nhân sinh! Nhiều văn nhân đến đây rất ngạc nhiên, bởi giữa cái chợ cá, chợ người nồng nặc những bán mua ồn ã suốt ngày đêm, thì lại mọc lên một phòng văn với bộn bề sách vở, thơ phú ở ngõ 295 Lĩnh Nam! Có dịp tôi sẽ viết sâu hơn về địa điểm văn chương này và những gương mặt văn nhân ở xứ "Lĩnh Nam chích quái" (chúng tôi thường gọi đùa nhau như thế) để hầu bạn đọc!

Thông thường, trong những buổi gặp gỡ cà phê hay tiếp đón khách văn chương về chơi với nhóm nhà văn Lĩnh Nam, thì thường có Bùi Thanh Minh, Lê Tiến Vượng, Đặng Văn Chương, Nguyễn Thế Kiên và Vũ Đảm. Những lúc ấy, chúng tôi ồn ào, cười nói xoang xoảng, còn Vũ Đảm lặng lẽ nâng cốc nhâm nhi, cả bữa có khi ông chỉ nói vài câu, nhưng ánh mắt ông thì lại lấp lánh sự hoan hỷ!

vu-dam.jpg -0
Nhà văn Vũ Đảm.

Ấy, nhân tướng Vũ Đảm đấy, treo giữa dòng đời suốt mấy mươi năm qua, chỉ duy nhất một chân dung ấy, một tính cách ấy giữa muôn mặt thật giả của văn chương xứ này.

Hiện nay, Vũ Đảm vẫn đang là Phó Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống. Người viết dùng chữ "vẫn đang là" là bởi năm 2011, ông đã đảm nhiệm công tác Phó Tổng biên tập tạp chí này. Dù ở cương vị nào, thì Vũ Đảm - Vũ Khắc Chừ vẫn chân chất hiện lên với ngoại hình và tính cách lành lặn, nhu mì như đồng đất Thái Bình quê ông vậy!

Vũ Đảm sinh tuổi Bính Ngọ - 1966, cái năm dương nam tuổi Bính Ngọ này dễ sinh hạ những kẻ tầm cỡ, kỳ tài. Đến nay, sau hơn bốn mươi năm trong nghiệp văn chương, báo chí, văn nhân họ Vũ này đã xuất bản 22 đầu sách văn học ở nhiều nhà xuất bản (NXB) khác nhau. Trong ấy nổi bật với 8 cuốn tiểu thuyết, 15 tập truyện ngắn và một tập phóng sự! Cuốn tiểu thuyết đầu tay  "Nước mắt đêm" được NXB Thanh niên in năm 1991, khi ấy ông văn sĩ "lủm củm"  Vũ Đảm - Vũ Khắc Chừ kia mới tròn 25 tuổi! Những năm sau đó, là hàng loạt tác phẩm mang tên Vũ Đảm được xuất bản, tái bản liên tục, như: "Chuyện ở đời", tiểu thuyết, NXB CAND 1992, tái bản 2003; "Tiền ơi", NXB Thanh niên, 1993, tái bản 2002; "Hãy về với anh", tiểu thuyết, NXB Thanh niên, 1993; "Dâng hiến", NXB Thanh niên, 1993; "Người trong cuộc", tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn 1996…

Chỉ riêng năm 1993, nhà văn Vũ Đảm đã cho ra mắt bạn đọc tới 3 cuốn tiểu thuyết là "Hãy về với anh", "Tiền ơi", "Dâng hiến". Kết quả ấy đủ để minh định sức sáng tạo, sự dấn thân và năng lượng làm việc của một cây bút văn chương tài hoa đích thực. Và xin được nhắc thêm, lúc ấy nhà văn của chúng ta mới hai mươi bảy tuổi!

Nhân tướng thì hiền lành, kiệm lời, nhưng khi đối diện với cuộc sống bằng cảm xúc và sự kiến giải của văn chương, thì chữ ào ạt chảy, và lúc ấy, có lẽ ông chỉ là người chép lại mạch văn chương lúc nào cũng dào dạt nơi ông! Văn của Vũ Đảm bài bản mà sắc lạnh, chồng lớp và ám gợi. Những chi tiết mà ông dùng, những cao trào, kịch tính mà ông lập dựng, rồi cả cái cách mà ông hạ giải kịch tính trong tác phẩm của mình cũng rất độc đáo, nó luôn tạo ra những bất ngờ đầy nhân bản khi tác phẩm khép lại!

Gần đây nhất, hai tập truyện ngắn là "Người tử tế" và "Dòng sông nổi giận" của Vũ Đảm được NXB Hội Nhà văn ấn hành! Đọc trong ấy, thấy một cách lập tứ rất riêng như đã thành thương hiệu của Vũ Đảm. Ở tập truyện ngắn "Người tử tế", trong truyện ngắn cùng tên, người đọc gặp nhân vật Lễ với sự gian manh thượng thừa trong cái mác "tử tế". Bơm chỗ này, xúi chỗ kia, "chơi được" với mọi loại người toàn bằng "thủ đoạn người" là đặc điểm nhận dạng chung của cánh "người tử tế" này.

Ở một truyện ngắn khác, người đọc gặp chân dung những ông trọc phú thời "hội nhập" và cả "thời ô tô nhập" này. Một ông trưởng thôn, vay lãi xã hội đen để sắm ô tô. Mua xe rồi, gặp cơn đen đủi, ở đoạn kết, ông định thắt cổ tự vẫn, thì chính hai thằng xã hội đen đến đòi nợ khi trước, chúng quay lại… gỡ ra không cho ông chết: "Ai cho mày chết, mày phải sống để trả hết nợ đã, rồi sống hay chết cũng mặc mẹ mày". Cái kết của câu chuyện độc đáo và đẫm nét bi hài! Kết được câu chuyện theo cách ấy như thế là sáng tạo và cao tay trong nghề văn lắm mới dựng nên được!

Kiểu kết truyện độc đáo này rất thường thấy trong bút pháp truyện ngắn Vũ Đảm. Ở truyện ngắn "Con ruồi", khi ông Giám đốc nhà máy nước sạch Tinh Khiết đang thao thao bất tuyệt về con ruồi, nhằm thao túng tâm lý ông khách hàng rằng: "Con ruồi chết trong chai nước là con ruồi cái, bụng trương lên vì mang thai", thì bị ăn một cái tát như trời giáng vào mặt từ ông khách hàng, vì rằng "con ruồi đậu trên mép ông là con ruồi đực, nó đã làm cho con ruồi cái kia mang thai và phải chết đấy". Những cái kết rất khó đoán và rất độc ấy gần như đã trở thành lối viết riêng trong truyện ngắn của Vũ Đảm.

vu dam.jpg -0
Một số tác phẩm mới xuất bản của Nhà văn Vũ Đảm.

Trong truyện ngắn "Cõi người" (viết cách đây đã hơn 10 năm) có nhiều chi tiết rất ám ảnh. Ấy là câu chuyện của một công chức vừa mất vợ vì tai nạn nhà sập, rồi đường cùng, ông bố anh phải giả điên giả dại, để bán cả mảnh đất đang táng phần mộ của người mẹ của anh ở quê cho một ông háo danh trong làng ấy! Câu chuyện với hàng loạt những chi tiết, được nhà văn kiến tạo và sắp đặt công phu, tạo nên một tác phẩm đầy dư ba.

Văn của Vũ Đảm chính là những lát cắt của thời thế mà ông sống, những lát cắt sắc lạnh ấy, tưởng như lạnh, nhưng đấy là cái lạnh của một thông điệp nhân văn là báo động, cảnh tỉnh cuộc sống này! Viết được như vậy là rất khó, bởi sự cảnh tỉnh, sự báo động càng chân thực, càng sâu sắc càng dễ bị những sự hẹp hòi và quy chụp biến thành sản phẩm văn chương của sự bôi đen hoặc những trang văn tiêu cực!

Bên cạnh những cuốn tiểu thuyết dày dặn, và những tập truyện ngắn hừng hực hơi thế thời phả vào câu chữ, Vũ Đảm còn là tác giả của hàng ngàn câu truyện cười trên báo chí với bút danh Lão Phích (bút danh này chính là tên tập truyện ngắn đầu tiên của Vũ Đảm xuất bản năm 1992), và cả trên trang Facebook cá nhân của ông! Có nhiều truyện mà đọc xong, kẻ tham nhũng thì toát mồ hôi, còn người đọc thì vừa cười mà cũng vừa phát hoảng, bởi chỉ cách một nấc chữ mong manh nữa, là nhiều những truyện cười của ông sẽ được phiên sang một lối rẽ tiêu cực khác!

Mang nghiệp văn, làm nghề văn, không thấy mồ hôi nước mắt, không thấy đói rét, bất công, mất mát, không hướng câu chữ về với người yếu thế ở đời này, thì đố anh nhà văn nào viết hay cho nổi. Tuy nhiên sự thật thì có đâu nhiều thời thế muốn nhà văn viết về cái xấu, cái kém, cái bất công của xã hội do mình quản trị? Có đâu nhiều quân tử biết và dám lắng nghe lời chê mà tự sửa mình?

Dài dòng mạn đàm một chút để trở lại với nhà văn Vũ Đảm "lủm củm" của chúng ta! Sau khi in tiểu thuyết đầu tay "Nước mắt đêm", năm 1992 Vũ Đảm nhập Trường Viết văn Nguyễn Du khóa V, học cùng với các văn nhân như Chu Thị Thơm, Lương Ngọc An, Nguyễn Ngọc Phú, Nguyễn Phúc Lộc Thành… Quăng quật mình trong nghề chữ, trải mấy mươi năm qua, Vũ Đảm vẫn là một trong những nhà văn tiêu biểu và xuất sắc của khóa học ấy!

Nhà văn, nhà báo thường có một cái tật chung là cái gì cũng biết. Khổ thế, lại chỉ biết màng màng, nên món chém gió là kinh lắm, nên nhiều anh là nhà văn hứng lên còn làm "công đức" đủ thứ "nghề" khác trên mạng, có anh cùng lúc còn làm cả "luật sư online", rồi "cán bộ điều tra" … chém tút nào ra tút ấy, tranh luận ào ào cùng cả thế giới!

Nhưng với Vũ Đảm vốn kiệm lời, kiệm giao tiếp, lại hiểu rõ mình, nên ông chỉ giao tiếp cùng câu chữ văn chương là cơ bản! Có thể chính cái kiệm lời kia, ngại tranh luận, ngại giao tiếp kia lại là một thế mạnh của ông, bởi câu chữ văn chương được hình thành bởi sự tương tác giữa hiện thực cuộc sống và ý thức của người viết! Và kết quả của sự tương tác ấy là những tác phẩm được sinh ra! Vũ Đảm bên đời lặng lẽ, để cõi văn Vũ Đảm luôn nhộn nhịp những cuộc khai sinh của chữ!

Người nghe nhiều mà nói ít luôn là người có lãi, trong cõi văn và cả cõi người. Câu ấy luôn đúng, thì đấy, Vũ Đảm là một điển hình!

Hà Nội, 12/2023

Nguyễn Thế Kiên
.
.