Nhà văn Lê Quang Trạng: "Nghề văn đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi!"

Thứ Sáu, 12/01/2024, 10:38

Hội Nhà văn Việt Nam vừa công bố danh sách 6 tác phẩm được trao giải thưởng Văn học năm 2023, trong đó có tác phẩm “Cá linh đi học” của nhà văn trẻ Lê Quang Trạng được trao giải ở hạng mục Văn học thiếu nhi. Vậy là chàng trai sinh năm 1996 Lê Quang Trạng quê ở vùng sông nước An Giang không chỉ là một trong các nhà văn trẻ nhất khi được kết nạp vào Hội, mà đồng thời còn là một trong số ít những tác giả được Hội Nhà văn trao giải thưởng khi tuổi đời dưới 30...

- Xin chào nhà văn trẻ Lê Quang Trạng! Chúc mừng anh đã trở thành một trong những nhà văn trẻ nhất được trao giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam với truyện dài “Cá linh đi học”. Anh có thể chia sẻ với độc giả Chuyên đề Văn nghệ Công an tâm trạng của mình lúc này?

1.jpg -0

+ Khi nhận tin truyện dài “Cá linh đi học” được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng Văn học năm 2023, tôi vừa vinh dự, tự hào nhưng cũng vừa cảm thấy trách nhiệm. Tôi vui mừng khi quá trình lao động sáng tạo và tác phẩm của tôi đã được ghi nhận, như một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của mình. Đây cũng là động lực để tôi cố gắng hơn nữa, cho ra nhiều tác phẩm chất lượng hơn nữa.

- Là một người viết trẻ sống ở một tỉnh xa trung tâm và là nơi vốn ít các mối giao lưu, tương tác về văn chương như các đô thị. Vậy mà trong khoảng gần 10 năm trở lại đây anh đã liên tục đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi văn chương. Việc nhiều giải thưởng văn học, nhiều cuộc thi được mở ra có phải là một động lực đáng kể để anh liên tục cho ra đời các tác phẩm mới?

+ Tôi nghĩ khoảng cách địa lý không còn quá rào cản với người viết chúng tôi trong thời buổi hiện nay - khi mạng xã hội đã đến được với mọi người, mọi nhà, các nguồn thông tin về nghề viết cũng như sách báo mở ra đầy trên không gian mạng, nên việc tiếp cận cũng khá tiện và dễ dàng. Vấn đề quan trọng nhất vẫn nằm ở người viết. Tôi luôn tự vấn mình phải viết ra sao, viết thế nào để tác phẩm mình không bị lạc mất trong dòng cuốn thời gian và xã hội. Từ những điều tôi thấy, đã học được, tôi đã viết và may mắn đạt một số giải thưởng. Với tôi mỗi giải thưởng là một kỷ niệm đẹp và cũng là một dấu mốc, động lực cho việc sáng tạo tác phẩm. Đành rằng mỗi cuộc thi đều có những tiêu chí giải thưởng khác nhau, nhưng qua đó người viết cũng biết được phần nào sức viết của mình để điều chỉnh, học hỏi và vun bồi thêm. Tôi cho rằng, các cuộc thi văn chương như những đợt mưa rào, vừa tưới cho nền văn học tươi lên, vừa từ đó phát hiện nhân tố mới và đồng thời cũng cho người viết thêm động lực vươn xa.

- Là nhà văn thứ 3 của mảnh đất An Giang đoạt được giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam sau nhà văn Nguyễn Quang Sáng với tiểu thuyết “Dòng sông thơ ấu” (1985) và Lê Văn Thảo với tiểu thuyết “Cơn giông” (2003), anh có thể chia sẻ 2 tên tuổi lớn này có ảnh hưởng gì đến tình yêu văn chương của anh không?

+ Tôi may mắn sinh ra và lớn lên cùng quê với nhà văn Nguyễn Quang Sáng (xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, An Giang). Hiện nay, ngôi trường THCS tôi từng học đã được đổi tên thành trường THCS Nguyễn Quang Sáng như một niềm tự hào của quê hương. Nhưng may mắn hơn là tôi được sớm tiếp xúc ông ngay khi tôi đang ấp ủ những dự định viết đầu đời. Ông là người đã tận tình truyền cho tôi nguồn động lực, sự quan tâm suốt những năm tháng cuối đời của ông và cả tác phẩm của ông. Đọc gần như hết kho tác phẩm của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tôi nhận ra rằng, mình cũng phải cố gắng viết một cái gì đó “coi được”. Như ngôi sao sáng dẫn đường, tác phẩm và tên tuổi của ông luôn là điều tôi ngưỡng vọng và lấy gương ông mà cố gắng.

Đối với nhà văn Lê Văn Thảo, tuy chưa có dịp tiếp xúc ông, nhưng tôi đọc tác phẩm của ông nhiều trong những năm tháng tuổi thơ, những tác phẩm như “Ông Cá Hô”, “Thằng Cung”, “Cơn giông”… đã “mớm” cho tôi những bài học đầu đời trong việc viết. Với tôi, 2 nhà văn đồng hương tiền bối nêu trên vừa là người ơn, vừa là nguồn động lực để tôi học hỏi, noi theo!

2.jpg -1
Bìa cuốn sách được trao giải thưởng Văn học 2023 của nhà văn Lê Quang Trạng.

- Mỗi nhà văn đều có những mong muốn, những lợi thế khi viết về những con người, những vùng đất mà mình quen thuộc nhưng không phải ai cũng thành công như Đỗ Bích Thúy viết về miền cao nguyên đá Hà Giang, Nguyễn Ngọc Tư viết về vùng đất sông nước Cà Mau. Theo dõi hành trình văn học của Lê Quang Trạng, có thể thấy anh rất đắm đuối với vùng đất mà mình sinh ra và lớn lên. Anh có thể chia sẻ về điều này?

+ Hồi nhỏ, tôi rất tò mò thích thú những chuyện xưa tích cũ, phong tục quê hương. Tôi thích đến với đám đình, ma chay, lễ hội... Có khi về nhà “phục dựng” nghi thức phong tục nào đó, như trong lúc chơi nhà chòi thì bị người lớn rầy. Tôi không lấy đó làm điều buồn, mà vẫn nhen nhóm nuôi dưỡng đam mê. Sau lớn hơn, đọc sách báo, nghiền ngẫm, tôi càng say mê… mê đến giờ vẫn chưa ngơi chút nào. Có lẽ niềm đam mê đó vừa cho tôi những mong ước muốn hiểu thêm về phong tục và những trầm tích quê mình, mà cũng vừa cho tôi kiến thức để những trang viết tôi thật hơn, gần hơn với nơi tôi sinh ra, lớn lên và đắm đuối đam mê vô cùng tận!

- Đến với văn chương từ khá sớm và cũng đạt được những thành công đáng kể với những trang viết dành cho người lớn trong “Dòng sông không trôi”, “Vệt sáng của bụi”… Từ lúc nào anh cảm thấy hứng thú với việc viết cho thiếu nhi? “Thủ lĩnh băng vịt đồng” và “Cá linh đi học” đã ra đời trong tâm thế như thế nào?

+ Thật ra, tôi đã viết những trang viết cho thiếu nhi ngay từ khi tôi còn là thiếu nhi đấy chứ! Chỉ là những trang viết đầu đời ấy vụng dại quá, không thể đăng báo được. Tuy nhiên, tôi vẫn vui mừng vì những hạt phù sa đầu tiên vun bồi nên tôi là những trang viết thiếu nhi. Chính vì thế mà khi đã viết một số tác phẩm được xuất bản, tôi không quá ngỡ ngàng quay về với văn học thiếu nhi. Tôi như đứa trẻ đi lên phố, sau đó quay về làng và vẫn thấy mình hồn nhiên như năm nào đó thôi. Khi viết cho thiếu nhi, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là tôi là một người bạn của các em thiếu nhi, và tôi đóng vai tôi năm 8 tuổi, kể lại câu chuyện mà cậu bé 8 tuổi kể cho bạn nghe! Và tôi cũng cảm thấy rất hạnh phúc khi những câu chuyện tôi kể được các em thiếu nhi đón nhận.

- Với nhiều người, việc viết văn cho thiếu nhi giống như một người có công việc chính và một việc để… “làm thêm”. Quan điểm của Lê Quang Trạng về vấn đề này như thế nào?

+ Công tâm mà nói, sống bằng nhuận bút thì quả là ít có ai làm được. Nhưng nói vậy không phải coi việc viết văn là một việc phụ, đôi khi việc phụ là việc kiếm ra tiền, mà việc chính lại là việc kiếm ra niềm vui khi viết (cười). Với tôi, viết vừa là kiếm sống một phần nào đó qua nhuận bút, nhưng lớn lao hơn cả là viết văn đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi lớn lên, trong sáng và lương thiện. Viết - với tôi - là một trong những việc quan trọng trong đời và viết cho tôi cái quyền năng tái tạo mình mỗi khi vấp ngã!

- Thời gian gần đây, thấy anh tham gia một số hoạt động nghề nghiệp như “Hội nghị người viết văn trẻ năm 2022”, “Diễn đàn Văn học châu Á lần thứ V-2023” tại Hàn Quốc. Với một nhà văn 9X như anh, việc tham gia những hoạt động nghề nghiệp như thế này có ý nghĩa như thế nào?

+ Tôi cảm thấy tự hào, vì mình được các nhà văn Hàn Quốc đánh giá cao và mời tham dự. Đây vừa là vinh dự cá nhân, vừa là cơ hội giúp tôi đưa hình ảnh văn học Việt đến với các nhà văn, độc giả nước ngoài. Tại “Diễn đàn Văn học châu Á lần thứ V-2023” đã diễn ra nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa và thú vị. Chuyến đi mang lại cho tôi thêm nhiều hiểu biết, nguồn năng lượng và mở rộng tầm mắt để tôi nhìn thấy mình đang ở đâu và cần phải viết ra sao để vươn đến những chân trời mới.

- Xin cảm ơn nhà văn Lê Quang Trạng!

Nguyệt Hà
.
.