Nhà văn trẻ Lê Quang Trạng: Văn chương bắt nguồn từ vùng đất
Tôi nhớ, mình gặp nhà văn Lê Quang Trạng lần đầu tiên vào đầu mùa nước nổi 2018 qua sự giới thiệu của nhà văn Võ Diệu Thanh. Trạng ở huyện Chợ Mới - tỉnh An Giang, tôi giữa trưa từ TP Hồ Chí Minh ra bến xe miền Tây bắt xe đi xuống. Nhưng xe cũng không qua thẳng Chợ Mới, xe dừng ở bến đò phường 11, thuộc đất của TP Cao Lãnh - tỉnh Đồng Tháp, phải qua phà sang bên kia cù lao Giêng mới là đất của Trạng.
Nước sông Tiền màu nâu sánh phù sa quánh đặc. Giọng bà con đi cùng chuyến xôn xao hòa cùng tiếng ồn ã của động cơ gắn trên phà. Mặt trời vừa lúc trước còn nằm trong tầm mắt, sau đôi chút nhãng ra đã ngã hẳn xuống khoảng cây cối, sông nước mênh mông nào đó rồi. Tiếp đến bóng tối chụp xuống không báo trước, bờ bên kia đèn đóm nhoang nhoáng ánh lên.
Văn chương đi cùng vùng đất
Gặp Trạng, tôi có hơi bất ngờ về một chàng trai nhỏ bé, tóc vuốt sang bên, đeo kính trắng, áo sơ mi xanh kẻ cộc tay, quần kaki đen đóng thùng, đi dép xăng đan. Trên chiếc xe Dream cũ phủ bụi đường trường Trạng đưa tôi về ngôi nhà "3 gian, 2 chái bát dần" theo lối kiến trúc truyền thống Nam bộ, với khoảng sân rộng nhìn ra đường trồng hoa.
Bên trong ngôi nhà cổ, cha của Trạng đang ngồi lúi húi chấm bài cho học sinh. Còn mẹ Trạng dưới bếp đang làm món cá linh kho lạt cho bữa tối. Cá linh đầu mùa ngọt béo, bông điên điển mềm thơm thoang thoảng mùi hành phi, ngò gai. Bữa ăn còn vài ba món nữa nhưng đến giờ chẳng hiểu sao tôi chỉ nhớ có món cá.
Nhớ Trạng kể, cá linh đầu mùa ăn là ngon nhất, thường được kho lạt, tẩm bột chiên giòn chấm mắm me, hoặc nấu canh chua ăn cùng điên điển, lục bình, ngó súng, hẹ nước…; dần dà theo con nước đồng ruộng sông ngòi cá lớn lên, trưởng thành xương cứng hơn thì thường làm món kho mía, kho tiêu hay ủ mắm.
Rồi hành trình của cá từ trứng nở cá non, vào đồng ăn sinh vật phù du, lớn quay ra sông theo con nước rút về thượng nguồn sông Mekong bên nước bạn Campuchia. Ngay cả tên cá linh cũng có nhiều giả thiết, từ cách đọc trại cá lên (chỉ hành trình quay về cội nguồn của cá) mà đọc thành cá linh; hay tên cá linh là do cá chu du khắp miền sông nước Cửu Long biết đúng ngày mùng 10 tháng 10 mà về cố hương; hoặc theo ghi chép phương Tây: Nguyễn Ánh từ Vàm Nao (con sông nối Tiền Giang và Hậu Giang ở An Giang), nhưng vì thấy cá nhảy vào thuyền sinh nghi không đi, sau biết được nếu đi thì khốn vì có phục binh của Tây Sơn ở Thủ Chiến Sai (chợ Thủ, ngang cù lao Giêng nay thuộc Chợ Mới), vì vậy ngài đặt tên cá là cá linh để tri ân…
Thật, chỉ một con cá linh nhỏ bé mà ẩn chứa nhiều câu chuyện đến thế. Lúc đó, Trạng bảo sẽ có ngày viết về cá linh, tôi tin ngay. Bởi mỗi nhà văn đều có một vùng đất sáng tạo riêng, có thể trùng với vùng đất sinh ra lớn lên hoặc không. Viết về vùng đất của mình hay vùng đất mình từng đặt chân đến là tùy mỗi nhà văn. Có người cứ đi viết tung tẩy đẩu đâu mãi rồi dần dà quay lại quê lúc nào chẳng biết, cái đặt dấu ấn trên con đường văn chương lại chính là cái ở quê, do gần gũi thân thuộc quá nhiều lúc chẳng để ý đến. Có người thì đặt dấu ấn văn chương ngay với quê hương xứ sở. Trạng ở dạng thứ hai này, xây dựng thế giới văn chương từ chính ngôi nhà, vùng đất, con người quanh mình.
Chuyến đi giang hồ vặt thú vị
Trở lại với hành trình chuyến đi về An Giang của mình. Trạng hỏi tôi chuyến này vào An Giang định trước đi những đâu. Do khi này Trạng vừa ra trường còn đang chờ xin việc nên Trạng sẽ đi cùng tôi cả chuyến được, năm mười ngày chẳng kể, dừng nghỉ nơi đâu chẳng tính. Tôi nói ý định của mình, có hai điểm cứng phải đến là Sư đoàn 330 Quân khu 9 và Di tích Nhà mồ Ba Chúc. Trong đó đến sư đoàn viết bài hoàn thành nhiệm vụ chuyến đi với cơ quan, còn nhà mồ thì do đọc được cuốn bút ký "Về từ hành tinh ký ức" của nhà văn Võ Diệu Thanh mà tìm đến. Còn điểm mềm thì tùy tình hình chuyến đi, nếu được thì rong ruổi ra Hà Tiên một chuyến thăm Nhà lưu niệm nhà thơ Đông Hồ, xong ra Phú Quốc thăm thú cũng được. Về thời gian tôi có thể đi chừng ba tuần.
Trạng nghe bảo vậy dễ, vì sư đoàn đóng gần biên giới, cách Ba Chúc một ngọn núi, chừng vài cây số đường chim bay. Thời gian vậy thoải mái, trước mắt tranh thủ đi chơi huyện Chợ Mới đã. Rồi Trạng đưa tôi qua phà vượt sông Tiền sang cù lao Giêng, vào chùa Đạo Nằm, đình Tấn Mỹ, Tu viện dòng Phanxico và Nhà hưu dưỡng của các sơ dòng Chúa Quan Phòng… Ở mỗi điểm dừng Trạng đều giới thiệu lịch sử chi tiết của điểm đến.
Ngoài ra anh còn giới thiệu kiến thức mở rộng thêm về Thiên Chúa giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ ân Hiếu Nghĩa, rồi đạo nội sinh với các ông đạo như Đạo Ba, Đạo Gò Mối, Đạo Nổi, Đạo Nằm, Đạo Sệ… ở vùng đất này.
Trong biên khảo "Lịch sử đất An Giang" của nhà văn Sơn Nam thì sự hình thành vùng đất diễn tiến ra sao. Xong đến phần nhà văn, nhạc sĩ đã từng gắn với nơi đây như Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Hoàng Hiệp, chỗ nào là ngôi nhà họ từng gắn bó, trong tác phẩm của họ vùng đất này hiện lên ra sao. Nghe, nhìn ánh mắt tôi hiểu được Trạng yêu vùng đất của mình lắm.
Và sau một ngày la đà ở Chợ Mới quê Trạng chúng tôi đi đến Sư đoàn 330 Quân khu 9. Vừa tranh thủ thời gian làm việc ở sư đoàn, kết hợp xuống Ba Chúc luôn vì có thể đi lại trong ngày. Nhờ Trạng mà tôi biết Tiểu đoàn 307 trong bài hát cùng tên, lời Nguyễn Bính, nhạc Nguyễn Hữu Trí sau là Tiểu đoàn 2, thuộc Trung đoàn 1 của Sư 330; và chừng mười năm nay đã về lại tên cũ 307.
Nhờ Trạng mà tôi biết những điều đọc được trong sách vở về Ba Chúc chẳng là gì so với thực tế diễn ra. Những chiếc sọ trắng trong nhà mồ Ba Chúc đặt cho chúng ta nhiều câu hỏi hơn bất cứ ai. Mùi hương trong nhà mồ ám ảnh tôi mãi, đến gần tuần sau tôi vẫn ngửi thấy váng vất mùi hương…
Xong phần cứng của chuyến đi, đến phần mềm Trạng đưa tôi đi dọc kênh Vĩnh Tế từ An Giang sang thành phố Hà Tiên - tỉnh Kiên Giang. Mùa nước nổi, nước mênh mông, nước xóa nhòa ranh giới nước mình và nước bạn Campuchia. Những ngọn cây chơ vơ đu đưa theo sóng nước. Thi thoảng Trạng lại dừng xe lại chỉ cho tôi khu vực này khu vực kia những năm chiến tranh biên giới Tây Nam quân dân ta đã anh dũng chiến đấu với quân Polpot ra sao; ở làng đó, làng kia vẫn còn nhân chứng, giá còn nhiều thời gian hơn ghé chơi, sẵn nhậu hỏi chuyện cũng được…
Đến “Cá linh đi học”
Tính đến thời điểm tôi viết bài này, phải chăng nhờ đất quê nhà nâng bước mà Lê Quang Trạng đã có cho riêng mình 11 tập sách ở nhiều thể loại. Với thơ có tập "Áp tai vào đất"; truyện ngắn có các tập: "Dòng sông không trôi", "Vệt sáng của bụi", "Khói biên phương", "Lửa không màu"; truyện thiếu nhi có các tập: "Thủ lĩnh băng vịt đồng", "Cá linh đi học"; bút ký có: "Người chở chữ qua sông", "Nghĩa tình nơi Mê Kông chảy vào đất Việt"; tản văn có "Những hạt bùn vạn dặm"; nghiên cứu biên khảo có: "Lịch sử hình thành và phát triển Đình Thần Chợ Thủ".
Cùng loạt giải thưởng khủng mà bất cứ nhà văn nào cũng muốn sở hữu như: giải truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Báo Văn nghệ, Báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, Tạp chí Cửa Việt, giải bút ký văn học đồng bằng sông Cửu Long, giải Văn học tuổi 20…
Với riêng cuốn sách "Cá linh đi học" đã đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023 ở hạng mục Văn học thiếu nhi. Cuốn sách kể về hành trình của chú cá linh ống từ bên Biển Hồ - Campuchia đến với trường học đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn. Ẩn sau hành trình của chú cá là tâm tư của Trạng (người viết) về môi trường, sinh thái.
Vì như trước đây khi con người còn khai thác cá bằng ngư cụ truyền thống thì cá xuống nhiều, về nhiều, từ đó hình thành nên nếp văn hóa về cá linh của người dân Nam bộ vùng thượng nguồn sông Cửu Long - trong đó có An Giang quê Trạng. Có thể kể đến việc gọi tên con trai là thằng cá linh, rồi làm mắm cá linh, các món ăn từ cá linh, đèn cá linh… Cho đến những năm gần đây khi người dân khai thác bằng lưới điện, tận diệt từ trứng cá đến cá non thì cá về ít và ngược quay đi cũng ít.
Xuất phát từ tình yêu thiên nhiên, sự hiểu biết về một nếp văn hóa truyền thống đang mai một dần mà Trạng đã viết nên "Cá linh đi học". Cuốn sách góp tiếng nói vào việc bảo vệ thiên nhiên từ chính những em nhỏ - chủ nhân tương lai của vùng đất sau này.
Còn với Trạng, hành trình văn chương của chàng trai sinh năm 1996 chỉ mới bắt đầu. Trạng sẽ còn đi nữa, viết nữa, bởi còn nhiều lắm những câu chuyện, thân phận ở vùng sông nước miền Tây mà Trạng mới chỉ "xuất bản miệng" với tôi mà chưa thấy đưa vào tác phẩm. Và tôi vẫn chờ, như chờ câu chuyện về cá linh ngày nào…