Thượng uý - nhà văn Phan Đức Lộc: Tận tụy với ngành, chân thành với văn chương

Thứ Năm, 15/02/2024, 10:48

Năm 26 tuổi, chàng chiến sĩ Công an Phan Đức Lộc đã được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, một độ tuổi rất trẻ và làng văn chưa bao giờ xôn xao hay bàn cãi việc này, bởi với Phan Đức Lộc, thành tích văn chương đã xác tín cho vị trí này một cách thuyết phục.

Có lần cần phải liên lạc với Phan Đức Lộc cho một việc gấp, tôi nghe Lộc khấp khởi bảo đang đi phát cháo từ thiện cho bệnh nhân nghèo tại Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên). Một lần khác, giọng Lộc nghe bập bõm vì anh đang lặn lội lên bản cùng đội Dân phòng chữa cháy rừng. Cũng có khi tận đêm khuya, Lộc vẫn lách tách bàn phím nhập dữ liệu dân cư, thực hiện Đề án 06. Tôi tự hỏi, quỹ thời gian đâu Lộc có thể viết văn?

Năm 26 tuổi, chàng chiến sĩ Công an này đã được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, một độ tuổi rất trẻ và làng văn chưa bao giờ xôn xao hay bàn cãi việc này, bởi với Phan Đức Lộc, thành tích văn chương đã xác tín cho vị trí này một cách thuyết phục.

Từ chàng Công an của “thị trấn ngủ mưa”

Tôi nhớ lần hội ngộ cùng anh Công an trẻ này vào kì trao giải “Cây bút Vàng” - giải thưởng do Bộ Công an tổ chức đã có lịch sử gần ba mươi năm. Với những người sáng tác văn chương, giải thưởng này là một điều mơ ước, riêng với dân viết trong ngành thì đó là một niềm hãnh diện.

Tôi đến Hà Nội vào đêm muộn và cùng tác giả trẻ Lê Đình Trung thao thức chờ anh đang trên đường từ Điện Biên xuống. Mãi 4 giờ sáng, Lộc mới ùa vào phòng và ba chúng tôi nói về văn chương, về công việc của một chàng chiến sĩ Công an nơi huyện miền núi xa xăm. Thao thao bất tuyệt mãi đến lúc sáng trưng mới diện đồ để đi dự lễ. Lần đầu tiên tôi thấy Phan Đức Lộc trong bộ cảnh phục xanh nghiêm ngắn, cầu vai và mũ kêpi. Tôi nhìn chàng trai sinh năm 1995 đầy ngưỡng mộ.

1.jpg -0
Nhà văn Phan Đức Lộc.

Truyện ngắn “Pảng Cò Moong” đoạt giải “Cây bút Vàng” khiến tôi ấn tượng về hình ảnh người chiến sĩ Công an nơi vùng biên với những nhọc nhằn hiểm nguy đấu tranh chống tội phạm. Bằng ngòi bút sắc sảo và tinh tế, Phan Đức Lộc đã khắc họa nhân vật Công an Thòng đầy quả cảm. Sự hy sinh tận cùng cho công cuộc giữ gìn trật tự an toàn xã hội, vì bình yên bản làng và hơn hết là tình người ăm ắp trong chính Thòng mới là điều xóa nhòa mọi khoảng cách hủ tục. Qua đó, gieo niềm yêu thương và cả sự tin tưởng của người đồng bào với lực lượng Công an. Lối viết chặt chẽ, kết cấu đan cài thông minh và giọng văn mượt mà, Phan Đức Lộc chinh phục tôi bằng thông điệp về hình tượng người chiến sĩ Công an trong nguy hiểm vẫn kiên cường bất khuất.

Sau buổi trao giải ấy, chúng tôi lang thang với đêm Hà Nội se se lạnh. Đó là những ngày cuối của tháng 12, một năm mà cả nước gồng mình đi qua đại dịch. Phan Đức Lộc kể nhiều về những lần truy vết của F0, F1 đầy cam go, hay những bài viết đăng tải liên tục trên Facebook tuyên truyền cho người dân hiểu đúng về dịch để có giải pháp tự bảo vệ bản thân. Thậm chí nhiều đợt, Lộc phải tăng cường tham gia đảm bảo an toàn cho nhân dân tại khu cách ly tại Trường trung học cơ sở xã Quài Cang.

Tôi hỏi Lộc sợ hay không bởi nhiều chiến sĩ đã nhiễm dịch. So bước chân mình ngắn dài trên con phố khuya, Lộc cười nhẹ, nếu sợ thì chắc chắn Lộc không bao giờ chọn theo ngành. Trăm ngàn đồng đội mình vẫn chiến đấu, muôn triệu người dân còn khó khăn, đôi khi chiếc áo xanh với hai cầu vai không chỉ là nghề nghiệp mà đã là số phận của cuộc đời mình. Một số phận luôn xanh màu chính nghĩa. Chúng tôi đi mải miết trên phố, thả ước mơ của tuổi trẻ theo gió bay lên trời đêm…

Tôi hay gọi đùa mảnh đất Tuần Giáo nơi Lộc đang làm nhiệm vụ là “thị trấn ngủ mưa” như nhan đề một truyện ngắn Lộc đã viết. Nếu được chọn lựa giữa thị trấn trùng điệp núi non thẳm xanh lá rừng ấy với Hà Nội Thủ đô thì Lộc sẽ chọn nơi nào? Bởi với tuổi trẻ, đường văn của Lộc chẳng thể ẩn mình ở xứ núi đó mãi. Chàng Công an trẻ không trả lời mà lặng lẽ từng bước khua gót giày lên con phố khuya. Phan Đức Lộc người Yên Thành, Nghệ An, công tác tại Tuần Giáo, Điện Biên. Nhưng, hiện mẹ của Lộc lại đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Tôi nghĩ, một ngày nào đó bước chân này sẽ ùa về nhà ngồi bên mâm cơm chiều cùng mẹ. Đó sẽ là hạnh phúc của chàng Công an - nhà văn trẻ hai mươi tám tuổi này…

Chính tôi đã từng ngồi cạnh hai mẹ con trong một buổi lễ. Nhìn cảnh người con trai mặc sắc phục Công an đứng trên sân khấu để nhận bằng khen trong buổi trao giải Cuộc thi viết và Trại sáng tác văn học về hình tượng người chiến sĩ CSND, kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống lực lượng CSND (20/7/1962 – 20/7/2022), ánh mắt mẹ Lộc đỏ hoe và nụ cười rất ấm áp. Hai mẹ con quấn quýt nhau mãi tận cuối chiều, Lộc phải vội vã lên xe cho kịp về lại xứ sở hoa ban. Quãng đường xa, thời gian ngắn, nhưng cái ôm của hai mẹ con thì thắm thiết xiết bao. Gần 2 giờ sáng hôm sau, tôi nhận được tin nhắn Lộc đã về cơ quan an toàn. Từ “thị trấn ngủ mưa” ấy, chàng Công an trẻ cũng kịp lưu lại dấu ấn với danh hiệu Thanh niên Công an tiêu biểu tỉnh Điện Biên giai đoạn 2019 – 2021; Chiến sĩ Thi đua cơ sở năm 2022.

Đến cây bút nổi bật của làng văn trẻ

Nếu tính trong hành trang văn chương của mình, Phan Đức Lộc có một góc riêng các tác phẩm về người chiến sĩ Công an. Sau “Pảng Cò Moong”, độc giả ấn tượng với “Mùa hoa pa pát”, một truyện ngắn đẹp như bài ca núi rừng uốn lượn những câu văn chắt lọc, tinh cất. Ở tác phẩm này, anh Hịa - một chiến sĩ Công an trẻ tham gia đấu tranh với tội phạm không hề nao núng, hoang mang, dao động. Thể như niềm tin vào chính nghĩa, vào điều tử tế đã thắp lên ngọn lửa để anh chắc tay súng, vững bước chân đi qua nhiều hiểm nguy.

Phan Đức Lộc viết về ngành, viết về các cuộc đấu tranh chống tội phạm nơi đại ngàn sâu hút đầy chất văn chương tự nhiên, nhuần nhị. Đọc truyện Phan Đức Lộc, độc giả cảm nhận hiện hữu một thông điệp cao đẹp nhẹ nhàng ẩn vào câu chuyện kể, chứ không hề phô trương hay nặng nề yếu tố tuyên truyền.

2.jpg -1
Các tác phẩm của nhà văn Phan Đức Lộc.

Điều này càng thấy rõ trong tiểu thuyết đầu tay “Tuyết đỏ” in năm 2021. Cuốn sách đầy đặn gồm 21 chương với 2 mạch truyện đan cài song song, gây ấn tượng mạnh trên văn đàn bởi lối viết tiểu thuyết lồng tiểu thuyết, mê cung trong mê cung. Một mạch truyện là hành trình phá án của Trung úy Phan Hà. Mạch truyện thứ hai là cuốn tự truyện của nhân vật Thiên Di, mấu chốt để lần giở những manh mối chằng chịt từng bước đi tìm sự thật.

Nếu chỉ có nghiệp vụ điều tra thì “Tuyết đỏ” chỉ chinh phục được dân đọc trinh thám, riêng Phan Đức Lộc lại cao tay khi đan vào đó những hiện thực xã hội đi từ lãng mạn bay bổng đến đen tối trần ai. Người đọc vừa tò mò, vừa thích thú cứ vậy mà bị dẫn vào mê cung chữ của Phan Đức Lộc. Gấp cuốn sách lại, độc giả như thấy trước mặt mình là xã hội phức tạp nhưng chính nghĩa luôn giành chiến thắng, và một Trung úy Phan Hà vừa nhạy cảm, vừa sắc bén trong hành trình đi đến tận cùng của chân tướng sự thật. Cuốn tiểu thuyết ấn tượng bạn đọc và bạn văn đến nỗi sau này mọi người vẫn mong chờ Phan Đức Lộc quay lại với nhân vật Trung úy Phan Hà cùng những chuyện phá án hấp dẫn khác.

Phan Đức Lộc sống và viết với niềm trăn trở rằng đam mê phải trọn vẹn, và dấn thân phải quyết liệt. Dẫu quỹ thời gian nghỉ ngơi và giải trí rất ít đối với người chiến sĩ Công an, nhưng Phan Đức Lộc vẫn chắt chiu để dành cho văn chương bằng sự tận tụy, nhiệt huyết và thành tâm nhất. Cho đến bây giờ chỉ riêng tờ Văn nghệ Công an, tôi đã đọc  nhiều bài từ truyện ngắn, thơ, tản văn, xã luận, lý luận phê bình… của Phan Đức Lộc xuất hiện đều đặn hằng tuần. Còn với làng văn trẻ, Phan Đức Lộc vẫn là cái tên khiến bạn văn lẫn bạn đọc háo hức đón đợi tác phẩm mới. Có lần chúng tôi ngồi điểm danh những cây bút văn trẻ đang ghi dấu ấn nổi bật trên văn đàn, thì cả nhóm bật ra ngay cái tên: Phan Đức Lộc. Lẽ hiển nhiên bởi Lộc là đại biểu duy nhất trong lĩnh vực văn chương được tham dự Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ III, năm 2020.

Tuổi 28, Phan Đức Lộc đang sở hữu 9 đầu sách in riêng và hơn 20 giải thưởng văn học từ địa phương đến Trung ương. Có thể nói, Thượng úy - nhà văn Phan Đức Lộc như đóa hoa đương độ nở rộ và bát ngát hương sắc nhất. Có hai điều mà tôi nể trọng Lộc: tận tuỵ với ngành và chân thành với văn chương!

Ân Điền
.
.