Nhà văn Hồ Phương: Những trang văn thấm đẫm khói lửa trận mạc

Thứ Năm, 11/01/2024, 10:28

Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương, sinh năm 1930, quê Hà Đông, Hà Nội qua đời tối 2/1/2024, hưởng thọ 94 tuổi. Ông đã tham gia nhiều chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957. Ông để lại một sự nghiệp văn học đồ sộ ở nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký và ký sự. Ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật  năm 2012.

Trước khi cầm bút, Hồ Phương là người lính cầm súng, tiểu sử văn chương của ông là những trang văn thấm đẫm khói lửa trận mạc và bừng sáng những gương mặt anh hùng trong cuộc chiến tranh dựng nước, giữ nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Nhà văn Hồ Phương tên thật là Nguyễn Thế Xương, sinh ngày 15/4/1930 tại Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội. Tháng 12/1946, Hồ Phương gia nhập lực lượng tự vệ Thành Hoàng Diệu, gia nhập quân đội, trở thành "Chiến sĩ Quyết tử" của Thủ đô 60 ngày đêm khói lửa. Sau đó ông trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch lớn trong đội hình Đại đoàn 308. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, ông trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch lịch sử, trong đó có Chiến dịch Biên giới năm 1950, Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, trong đội hình của Đại đoàn quân chủ lực đầu tiên của Quân đội, Đại đoàn 308, sau này là Sư đoàn Quân Tiên phong Anh hùng.   

thiếu tướng nhà văn hồ phương.jpg -0
Thiếu tướng nhà văn Hồ Phương.

Trưởng thành từ quân đội, Hồ Phương làm phóng viên, cán bộ phụ trách Báo Quân Tiên phong của Đại đoàn 308, rồi làm Chính trị viên Đại đội. Năm 1954, ông được cấp trên điều về Tổng cục Chính trị viết văn và tham gia thành lập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông làm phóng viên mặt trận và đi B, năm 1984 làm Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, quân hàm Thiếu tướng. Sau khi nghỉ hưu, ông làm Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam. Ông là ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III.

Một gia tài văn chương đồ sộ

Trong sự nghiệp văn chương của mình, nhà văn Hồ Phương đã sáng tác nhiều tác phẩm nổi tiếng như: "Thư nhà" (truyện ngắn, 1948); "Vệ Út" (1955); "Những tiếng súng đầu tiên" (tiểu thuyết, 1955); "Vài mẩu chuyện về Điện Biên Phủ" (1956); "Lá cờ chuẩn đỏ thắm" (1957); "Cỏ non"  (1960); "Trên biển lớn" (1964); "Nhằm thẳng quân thù mà bắn" (1965); "Chúng tôi ở Cồn Cỏ" (1966); "Kan Lịch" (tiểu thuyết, 1967); "Số phận lữ dù 3 Sài Gòn" (ký, 1971); "Khi có một mặt trời" (1972); "Những tầm cao" (tiểu thuyết 1974); "Biển gọi" (tiểu thuyết, 1978); "Phía Tây mặt trận" (1978); "Cầm Sa" (1980); "Bình minh" (tiểu thuyết, 1981); "Mặt trời ấm sáng" (tiểu thuyết, 1985); "Đại đoàn đồng bằng" (1989);  "Ông trùm" (1992); "Cánh đồng phía Tây" (tiểu thuyết, 1994); "Yêu tinh" (tiểu thuyết, 2001), "Ngàn dâu" (tiểu thuyết, 2002); "Những cánh rừng lá đỏ "(tiểu thuyết, 2005); "Cha và con" (tiểu thuyết, 2007)... Trong đó, truyện ngắn "Cỏ non" của ông đã được trích in vào trong sách giáo khoa, giảng dạy trong nhà trường suốt nhiều năm liền.

Nhà văn Hồ Phương từng nhận nhiều giải thưởng văn học như: Giải thưởng Báo Văn nghệ với truyện ngắn "Cỏ non" (1958), Giải thưởng văn học Thủ đô 1983 cho tác phẩm "Những tầm cao", Giải thưởng Bộ Quốc phòng (1994) với "Cánh đồng phía Tây", Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam - Bộ Công an với tiểu thuyết "Yêu tinh" (2001), Giải thưởng Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (2003) với tiểu thuyết "Ngàn dâu".

Suy nghĩ về nghề văn, nhà văn Hồ Phương trải lòng: "Khuynh hướng bao trùm các sáng tác của tôi là luôn hướng về cái thiện, cái đẹp trong cuộc đời và những con người chân chính. Chiến tranh đã qua rồi. Đã có thể rũ bỏ những hạn chế và vượt qua những công thức, cùng mọi ấu trĩ xưa, để đổi mới ngòi bút - Nhưng đổi mới không có nghĩa là chối bỏ hết mọi thành tựu ta đã có, để chạy theo những gì là lai căng, lập dị, huênh hoang, ít nhất là quá xa lạ".

Nhà văn Hồ Phương trong ký ức bạn bè

Nhà văn Thiếu tướng Hồ Phương tuy đã đi xa nhưng những kỷ niệm tốt đẹp về văn chương của ông, nhân cách của ông vẫn còn sống mãi trong ký ức bạn bè, đồng nghiệp. Nhà văn Lê Phương Liên nhắc về những kỷ niệm khi bà biên tập cuốn tiểu thuyết "Cha và con" của nhà văn Hồ Phương:

"Ông đã trải qua chinh chiến, làm công việc chính trị văn nghệ quân đội gần hết cả cuộc đời. Khi ông đã ở tuổi thất thập có một duyên may khiến tôi làm việc cùng ông. Tôi đã nhận ra rằng dẫu có trải qua bao nhiêu sương gió, một chút cốt cách thư sinh Hà Nội vẫn ở trong ông - "Anh bộ đội Cụ Hồ". Đó là vào thời điểm những năm 2005-2007, tôi tình cờ gặp nhà văn Hồ Phương. Ông tâm sự với tôi rằng: ông rất kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh nên đã lấy họ HỒ làm bút danh cho mình. Tác giả "Cỏ non" luôn ấp ủ mong muốn viết một tác phẩm về Bác Hồ.

Khi ấy, biết tôi là người đã tham gia biên tập cuốn "Búp sen xanh" (của nhà văn Sơn Tùng), nhà văn Hồ Phương vẫn đưa bản thảo tiểu thuyết "Cha và con" cho tôi và nói: "Tôi không đến nỗi quá ngần ngại là đã có nhiều người viết về Bác. Bởi cứ nghĩ: trong văn chương, mỗi người đều có những suy nghĩ riêng và những rung động cùng những sáng tạo nghệ thuật riêng". Ông nhấn mạnh rằng: "Tôi viết theo phong cách và phương pháp tiểu thuyết, đây không phải là ký sự tiểu sử nhân vật".

Trân trọng tâm huyết của nhà văn Hồ Phương, tôi đã nhận bản thảo làm biên tập cuốn sách này. Quả thực tôi đã thấy có sự khác biệt giữa "Cha và con" (của Hồ Phương) và "Búp sen xanh" (của Sơn Tùng). Nhà văn Hồ Phương không kể lại cuộc đời của Bác theo mạch thời gian, theo dòng sự kiện từ nhỏ cho đến khi ra đi tìm đường cứu nước. Cậu bé Nguyễn Sinh Côn bắt đầu xuất hiện trong tác phẩm khi đã ở tuổi thiếu niên. Trong "Cha và con", giai đoạn lịch sử Nguyễn Sinh Côn đến Bình Định đã được nhà văn Hồ Phương trình bày chi tiết sâu sắc hơn. Nỗi băn khoăn của chàng thanh niên đang khát khao một cuộc đổi đời cho dân tộc; tâm tư của những chí sĩ yêu nước bất phùng thời đầu thế kỉ XX như cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc để lại ấn tượng mạnh trong tác phẩm "Cha và con". Theo cảm nhận của nhà văn Hồ Phương "Người Cha - Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ảnh hưởng rất nhiều, nếu không nói là nhiều nhất đến sự hình thành và phát triển tính cách của cậu con trai Nguyễn Sinh Côn - sau này là Nguyễn Tất Thành".

Ngày 1/9/2007, cuốn tiểu thuyết về Bác Hồ của nhà văn Hồ Phương ra mắt độc giả tại Làng Sen quê Bác. Đó là một kỷ niệm đẹp của nhà văn Hồ Phương với Nhà xuất bản Kim Đồng và với bản thân tôi trong những năm đầu thế kỷ XXI. Đó cũng có thể coi là một cuốn sách cuối cùng của nhà văn Hồ Phương để lại. Đã mười mấy năm qua, nhà văn Hồ Phương không còn xuất hiện trong các hoạt động văn học nữa. Nay, nghe tin ông đã thanh thản ra đi, xin thắp nén tâm hương đưa tiễn ông - một nhà văn chiến sĩ đã sống trọn vẹn một cuộc đời "Anh bộ đội Cụ Hồ".

Nhà thơ, nhà biên kịch điện ảnh Nguyễn Thị Hồng Ngát khi nghe tin nhà văn Hồ Phương ra đi ở tuổi 93 - tuổi khá thượng thọ, bà tâm sự: "Tôi không buồn nhiều mà chỉ nhớ ông. Một nhà văn Quân đội hiếm hoi mang hàm Thiếu tướng. Tính ông hiền hậu, cởi mở, chuyện trò nhỏ nhẹ. Tôi biết và hay được trò chuyện cùng ông nhiều là khi được mời đi theo ông để đi tìm tài liệu cũng như đi về các chiến trường xưa để cả nhóm tập trung xây dựng kịch bản "Giải phóng Sài Gòn".

Thật ra, không chỉ có kịch bản này mà ước vọng của Cục Điện ảnh hồi bấy giờ - Cục trưởng NSND Bùi Đình Hạc - là xây dựng 4 tập phim lớn về chiến dịch Hồ Chí Minh - tập Giải phóng Sài Gòn chỉ là tập cuối cùng. Đề cương chi tiết cả 4 tập do Thiếu tướng - nhà văn Hồ Phương khởi thảo. Do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, cuối cùng mỗi tập Giải phóng Sài Gòn là được dựng thành phim.

Tôi nhớ mãi chuyến đi ô tô xuyên Việt cùng ông (và các nhà văn Hữu Mai, Chu Lai, biên kịch Thiên Phúc và tôi - duy nhất là nữ tham gia nhóm trong chuyến đi này). Chuyến đi khoảng nửa tháng gì đó nhưng đủ để tôi quí sự hiền hậu, tính tình mát mẻ và hay tủm tỉm cười độ lượng của Hồ Phương - một nhà văn đầy ắp vốn sống và tư liệu về 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ. Trong 4 tập đề cương ông khởi thảo đã đầy đủ lắm rồi, còn chuyến đi về các chiến trường xưa cốt để cho chúng tôi - hai nhà biên kịch ngoài quân đội - biết và hiểu thôi. Còn 3 nhà văn quân đội lừng lững toàn tướng tá thì chỉ cốt hâm nóng lại cảm xúc.

Mỗi khi đến "thủ phủ "của một doanh trại quân đội nào đó thuộc cấp Quân khu, bọn tôi lại "bắt" nhà văn Hồ Phương thay thường phục để mặc quân phục và gắn lon Thiếu tướng lên cho oách. Đi qua cổng doanh trại không phải trình bày. Các Thủ trưởng tiếp đoàn vì thế mà cũng nể nang hơn. Mỗi lần như vậy nhà văn Hồ Phương chỉ mủm mỉm cười, lắc đầu vì biết bọn tôi láu lỉnh nhưng ông cũng vui lòng cho bọn tôi "bắt ép". Mải lo công việc cho cuộc sống bộn bề lâu lắm rồi tôi cũng không đến thăm ông được - nay biết ông đã về với thế giới người hiền. Cầu mong ông an lành viễn du miền cực lạc". 

Nguyễn Việt Chiến
.
.