Nhà thơ Trúc Thông: Bờ sông anh vẫn gió

Thứ Sáu, 08/12/2023, 18:30

Nhà thơ Trúc Thông, sinh năm 1940, quê Hà Nam, mất năm 2021 ở Hà Nội. Ông tốt nghiệp Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, về công tác tại Ban Văn nghệ, Đài Tiếng nói Việt Nam cho đến lúc nghỉ hưu. Là một nhà thơ trưởng thành trong chiến tranh giữ nước, Trúc Thông là một gương mặt thơ khá đặc biệt và có nhiều đóng góp đáng ghi nhận cho nền thơ đương đại Việt Nam mà Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2016 đã nói lên điều đó.

Cho đến nay ông đã để lại nhiều bài thơ khá ấn tượng, làm nên một giọng thơ mới độc đáo mang thi pháp Trúc Thông. Trong số các nhà thơ thuộc thế hệ những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, Trúc Thông là một trong số ít các nhà thơ của thời “cận đại” còn đối thoại được với những tìm tòi - cách tân của các cây bút trẻ ngày hôm nay. Vốn là một nhà thơ từ xưa đến giờ luôn nổi tiếng vì sự khắt khe, đòi hỏi ở chính mình cũng như những người làm thơ khác (nhất là những cây bút trẻ) một nỗ lực mới cho nền thơ đương đại của chúng ta, Trúc Thông và thơ của ông dường như không bao giờ chịu cũ, không khi nào chịu già, không bao giờ chịu dừng lại và thôi tìm tòi, thể nghiệm.

nhà thơ trúc thông 3.jpg -0
Nhà thơ Trúc Thông (ảnh V.Chiến).

Nói đến Trúc Thông, nhiều bạn bè văn chương thường nhắc tới người vợ hiền của ông là bà Minh Nguyệt. Tuy xây dựng gia đình khá muộn, đến năm Trúc Thông về hưu, các con vẫn còn nhỏ, nhưng thật may mắn, ông có một người vợ tận tụy và đảm đang, suốt đời lo lắng, chăm sóc cho chồng, con nhất là giai đoạn ông đang bệnh tật hiểm nghèo. Trước khi mất, 8 tháng liền, nhà thơ Trúc Thông không rời khỏi giường bệnh, ông ăn trên giường, uống trên giường, ngủ li bì trên giường. Sau 13 năm ông bị tai biến, người vợ hiền vẫn lặng lẽ, bền bỉ chăm sóc ông và có lẽ ông cũng biết đây là những ngày cuối trên thế gian của mình. Ở ngưỡng tuổi cao, sau một thời gian lâm bệnh nặng, trải qua hai lần bị tai biến mạch máu não trong vòng 10 năm, nhà thơ Trúc Thông trở nên già yếu, chậm chạp, chân tay run rẩy, đi lại và nói năng thật khó khăn.

Con mắt thơ phải giống như một con sói?

Tôi còn nhớ lần cuối cùng tôi đến thăm ông ở một con ngõ nhỏ nằm trên phố Cầu Giấy. Nghe tin tôi xuống chơi, được vợ dìu từ trên gác xuống, Trúc Thông đã ngồi sẵn ở bàn trà tầng một đợi khách với nụ cười lặng lẽ nhưng đầy thân thiết. Nhìn ánh mắt rưng rưng của ông, tôi biết ông nhớ bạn bè lắm, nhớ cái không khí văn chương cởi mở cách đây hơn hai chục năm khi tôi cùng Hoàng Nhuận Cầm, Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Đỗ Minh Tuấn, Hữu Việt, Trần Hùng và một số nhà thơ trẻ khác thường tụ tập tại ngôi nhà của ông ở phố Hồng Phúc (Ba Đình) để đàm đạo, tranh luận với nhau về một tập thơ mới, một khuynh hướng mới trong thi ca cách tân. Thật ra, mỗi người thơ (cứ tạm gọi là có tài năng) đều có một tạng thơ riêng, một diễn ngôn thi ca của riêng mình và có lẽ, chẳng ông nào chịu ảnh hưởng ông nào. Ngay cả khi ngồi với “đàn anh” Trúc Thông (người được coi là một ngọn cờ phụng sự thi ca như một Tôn giáo) thì cuộc khẩu chiến của mấy đàn em về các trường phái thi ca mới vẫn bừng bừng khí thế.

Vậy mà sau hai chục năm, chúng tôi dường như chẳng bao giờ còn gặp lại cái không khí đàm đạo, tranh luận thi ca trẻ trung, hồn nhiên của thời trước nữa. Hôm gặp nhau lần cuối, ngồi trong ngôi nhà thanh vắng của Trúc Thông, tôi cảm nhận được nỗi buồn ấy phảng phất trên gương mặt ông. Bây giờ trông ông hiền lành, dịu dàng, nhẹ nhàng lắm. Không còn như hồi cách đây mấy thập niên, có lần ông cười rất sảng khoái, bảo tôi: “Với mình thi ca là một thứ Tôn giáo đặc biệt, “Con mắt thơ” của mình phải giống như một “con sói”, thấy một tứ thơ mới, một câu thơ mới là phải vồ ngay, phải ngấu nghiến ngay, cậu thấy mình có giống một con sói không?”.

Quả thực lúc ấy, tôi cảm thấy Trúc Thông đúng là một “con sói thơ” với vẻ ngạo mạn đáng yêu, đầy dũng mãnh khi ông luôn luôn đứng về phía những nhà thơ trẻ để phát hiện những tố chất thơ mới của những “con sói trẻ” vừa thức giấc trong cánh rừng thi ca đương đại. Còn giờ đây, sau nhiều năm cầm cự với căn bệnh hiểm nghèo, trên gương mặt mệt mỏi, đau yếu của Trúc Thông chỉ còn đọng lại một nụ cười bao dung và ấm áp. Dường như nụ cười hiền hậu ấy không bao giờ ngưng lặng trên khóe môi ông. Ông lặng lẽ nghe bạn nói, lặng lẽ cảm nhận và lặng lẽ ngắm nhìn mọi người xung quanh với ánh mắt chan chứa thịnh tình.

Trúc Thông rất quan tâm đến các nhà thơ trẻ. Hai tập thơ của tôi “Mưa lúc không giờ” (1992) và “Những con ngựa đêm” (được trao giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Việt Nam năm 2004) đều được ông viết bài giới thiệu. Trong tập thơ được giải thưởng, tôi lấy tên bài thơ “Những con ngựa đêm và trăng” để làm tựa đề. Đây là một trong những bài thơ mở ra hướng viết mới trong cách tiếp cận đời sống ngôn ngữ thơ đương đại của tôi. Nhà thơ Trúc Thông rất tinh tế khi nhận xét: "Làm gì có ngựa thật, đó là ảo giác thi sĩ vụt loé ở một khoảnh khắc quý hiếm đã được diễn tấu bằng một sự say sưa với tiết tấu như thế, sự chuyển động hình ảnh và dừng lại bất ngờ như thế.“Những con ngựa đêm”- tên tập thơ là một ẩn dụ mang tính tuyên ngôn của Nguyễn Việt Chiến về cách sáng tạo thơ theo lối của riêng anh. Nghĩa là được quyền tự do "mơ ngủ", nhập đồng liên tưởng như phi lý, ngôn từ nhiều khi như tự động rời khỏi ngòi bút, dẫn đi".

Người thơ về chốn “Bờ sông vẫn gió”

Những người viết trẻ thường tìm đến với Trúc Thông như một tấm gương của sự tận tuỵ phụng sự thi ca như một tôn giáo. Gần gũi với nhau, tôi mới biết, tuy là một người rất khe khắt, đòi hỏi thơ phải luôn mang lại cái mới và không được nhàm cũ, nhưng Trúc Thông không phải là một người giáo điều trong thi ca. Có thể nói, trong thơ của mình, Trúc Thông đều cố gắng đưa vào một nét kiến trúc mới, một phát hiện mới, hoặc một ý tưởng mới… khiến chúng ta đôi khi phải kiểm tra lại các giác độ “thưởng ngoạn” thơ hiện đại của chính mình.

Là một nhà thơ kiệm lời, đôi lúc hơi cực đoan, ta thấy ông muốn từng con chữ phải chở được một ý tưởng, một thông tin thơ nào đó đã được mã hóa bằng cảm xúc, bằng ấn tượng như kiểu những câu thơ sau: “Nhà thơ ơi/ dịu dàng ngọn gió/ anh đi qua những bức tường/ người ta nhìn rõ bóng anh qua/ ôi áo ngực gày/ máu rỏ vài ba chữ/ và người ta điên cuồng đuổi theo/ tận thẳm cùng bóng tối/ xa, xa mãi/ trăng trắng mười lăm dòng”. Diện mạo đời sống hàng ngày đi vào thơ Trúc Thông một cách tự nhiên như nó vốn tồn tại, không cần vẽ vời bằng một thứ cảm xúc khác: “Quê hương như ghè rượu/ ta say/ Quê hương nhìn bằng mắt các em/ còn trong áo rách”. Hoặc: “Phận hèn/ cắp thúng/ bánh mỳ đây…/ trong đoàn ca dao hoa hậu xưa/ đây là câu bị gạt ra lề/ vì phận thấp”.

Trong thơ Trúc Thông, dường như ở dưới tầng ngôn ngữ, câu chữ hạn hẹp ấy có một dòng chảy đời sống đang nhắc nhở chúng ta về nỗi đau của cuộc chiến tranh khốc liệt đã đi qua và những lo âu, trăn trở trong đời sống con người hôm nay. Thơ của Trúc Thông không phải là thứ thơ để ngâm nga, diệu vợi mà là thứ thơ phải đọc bằng mắt, bằng văn bản, bằng sự trải nghiệm của con người trước nỗi đau. Nhiều bài thơ của Trúc Thông như các đoạn phim quay chậm và diện mạo đời sống hàng ngày cứ đi vào thơ ông một cách tự nhiên như nó vốn tồn tại, không cần vẽ vời bằng một thứ cảm xúc khác. Và phải chăng, khi tìm tòi - cách tân đến tận cùng thì thơ đương đại lại trở về với sự giản dị, hàm súc vốn là một trong những giá trị muôn đời của thi ca.

Trong gia tài thơ của Trúc Thông, một trong những bài thơ nổi bật nhất là bài lục bát “Bờ sông vẫn gió” viết tặng mẹ nổi tiếng của ông: “Lá ngô lay ở bờ sông/ Bờ sông vẫn gió người không thấy về/ Xin người hãy trở về quê/ Một lần cuối… một lần về cuối thôi/ Về thương lại bến sông trôi/ Về buồn lại đã một thời tóc xanh/ Lệ xin giọt cuối để dành/ Trên phần mộ mẹ nương hình bóng cha/ Cây cau cũ giại hiên nhà/ Còn nghe gió thổi sông xa một lần/ Con xin ngắn lại đường gần/ Một lần… rồi mẹ hãy dần dần đi”. Bài thơ trên của Trúc Thông được giới phê bình văn học coi là một trong những bài thơ hay nhất viết về mẹ trong thi ca Việt Nam hiện đại.

Trước khi Trúc Thông đi xa, tôi đã viết tặng anh bài thơ “Bờ sông anh vẫn gió” như sau: “Là anh đấy ư/ ngọn lửa ưu tư/ suốt đêm dài/ bờ sông vẫn gió/ chậm rãi từng câu một/ dè sẻn từng chữ một/ lặng lẽ mài sáng từng hạt bụi trong cõi mung lung/ là anh đấy ư/ ngọn gió âu lo trên màu cây đặc sẫm/ những trẻ con ngày ấy/ nếu còn được sống tới hôm nay/ hẳn vết thương chiến tranh kia/ không dằn vặt thơ anh đến vậy/ là anh đấy ư/ ngọn sóng âu lo/ suốt ngày dài bờ đêm vẫn sóng”. Nghe tôi đọc bài thơ này, Trúc Thông gật đầu và nở một nụ cười lặng lẽ. 

Nguyễn Việt Chiến
.
.