Nhà thơ Thanh Thảo với nghệ danh “Vua trường ca”
Với 17 trường ca và hàng chục tập thơ, bút ký, tiểu luận văn học đã in trong nửa thế kỷ qua, nhà thơ Thanh Thảo được bạn bè văn chương đặt cho cái nghệ danh là ông "Vua trường ca" của thi ca đương đại Việt Nam. Nhưng có một điều khá hay, Thanh Thảo vẫn là một nhà thơ lớn của những bài thơ nhỏ rất đặc sắc, hiện đại và đáng chú ý. Ông đã được trao nhiều giải thưởng văn học giá trị của Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Nhà nước về VHNT đợt 1 năm 2001.
Có lẽ khó có tác giả trường ca đương đại nào sánh được với nhà thơ Thanh Thảo về mặt bề dày sáng tác cũng như chất lượng của trường ca - một thể loại được coi "Loài thơ quý hiếm" cần đưa vào "sách đỏ thi ca". Cứ dăm năm miệt mài trong lặng lẽ, thể nào Thanh Thảo cũng lại có thêm một trường ca mới cho đất nước, cho nhân dân cần lao của mình. Cho đến nay, ông đã xuất bản tới 17 trường ca.
Với Thanh Thảo, có lẽ thơ hay dễ như thò tay vào cái túi "thi sĩ mộng mỵ" nơi ông để rút ra dăm tứ thơ tài hoa mà thường là độc đáo. Độc đáo là bởi nét nghĩ, nét suy tưởng, nét cấu trúc ngôn ngữ thi ca của riêng ông đã quật vác lên những nét thơ mới như những người nông dân tay trắng, chân đất ở Quảng Ngãi quê ông đã vác đá xây nên dải Trường Lũy tự thuở nào.
Không hiểu vì sao, tôi chợt liên tưởng, cái nguồn mạch trường ca dồi dào và sâu lắng của Thanh Thảo có thể cũng đã bắt nguồn từ mạch sống trường tồn của dãy Trường Lũy nơi quê hương ông vì "Địa linh thường sinh nhân kiệt". Và, nếu không sinh ra ở miền đất nghèo khó mà quật khởi ấy, nếu không được nuôi dưỡng bởi nhân dân hào hùng và đau thương ấy thì làm sao Thanh Thảo có thể viết được những trường ca làm nên tên tuổi sáng chói của ông như: "Những người đi tới biển", "Trẻ con ở Sơn Mỹ", "Những ngọn sóng mặt trời", "Khối vuông ru-bích", "Đêm trên cát", "Metro"…
Quê hương ơi làm sao tôi sống thiếu người!
Và bằng trường ca "Chân đất" mới đây, Thanh Thảo đã hướng chúng ta vào một hệ-quy-chiếu thi ngữ mới với cấu trúc của các chương như các "Chân…Thơ" thật độc đáo găm vào trí giác người đọc, từ Chân tre tới Chân ruộng, từ Chân mưa đến Chân núi, từ Chân cò, Chân tháp, Chân mây tới Chân sóng, Chân lũy. Rồi, từ những đường nét kiến trúc khá đặc biệt ấy, ông dựng nên ngôi nhà trường ca "Chân đất", theo giọng điệu riêng mà Thanh Thảo dành cho tập thơ này: Uyên thâm mà phóng túng, dân dã mà hiện đại, tối giản mà sâu sắc, bình dị mà đa dạng…
Nếu ở ''Chân tre'', ông thầm gọi đất đai máu thịt: "Quê hương ơi làm sao tôi sống thiếu Người/ làm sao tôi thành một bóng cây/ nho nhỏ/ nếu trước nhà tôi, ngoài ngõ/ không rậm rì rậm rịt một bóng tre", thì ở ''Chân mưa'' Thanh Thảo cảm nhận đau đáu về mẹ: "những dấu chân mưa bờ tre phấp phỏng/ bong bóng phập phồng/ tôi ngồi nhìn mẹ tôi xay lúa/ tôi không biết và tôi không nghĩ/ đời mình như chiếc cối xay tre".
Nếu ở ''Chân tháp'', ông ngược về những thế kỷ trước của văn hóa Chàm, để chiêm nghiệm cái đẹp: "tôi kính dâng lên tổ tiên mình/ chiếc bát mẻ nằm lặng bên chân tháp/ cái bát người con trai Việt/ lăn lóc tìm cặp mông người con gái Chàm/ như tìm nơi trú ngụ/ lăn lóc tìm mênh mang vó ngựa/ lăn lóc tìm ấm êm bếp lửa/ lăn lóc tìm đức tin" thì ở ''Chân sóng'', những câu thơ đau đớn của Thanh Thảo như những vết bầm dập trên cơ thể đất nước làm chúng ta xúc động: "lặng im như đá mồ côi/ họ dạy anh tình yêu không lời/ không thể thiếu Hoàng Sa, Trường Sa/ không thể sống thiếu biển/ anh yêu biển mà anh đứng trên bờ/ anh yêu nước mà không biết bơi/ làm sao anh hiểu/ có những người lính đảo/ trần lưng trước mưa đạn quân thù".
Theo tôi, người tài trong làng thơ Việt hôm nay đã hiếm và người hiền trong làng thơ Việt hôm nay cũng hiếm hoi hơn. Với Thanh Thảo, tôi cho rằng ông có đủ cả hai phẩm chất trên, và bởi thế con người thơ trong ông dường như không chịu ngủ quên trên những giá trị thẩm mỹ cũ, nên cứ dăm năm, ông lại "tái xuất giang hồ" với thể loại trường ca tưởng như đang trở thành một "loài thơ quý hiếm".
Đầu tháng 10/2023 mới đây, Hội nghị đại biểu Nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất diễn ra tưng bừng tại Hải Phòng với sự có mặt, động viên của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với hơn 300 nhà văn tuổi trên 70 đã làm nên một thời kỳ chói sáng của văn học Việt Nam qua nửa thể kỷ trận mạc. Trong "Đêm thơ Mùa thu" chào mừng thành công của hội nghị, nhà thơ Thanh Thảo ở độ tuổi 78 "xưa nay hiếm", đi lại rất khó khăn vì bệnh tật nhưng vẫn lên đọc thơ. Tôi phải dìu ông từng bước một, từ cuối hội trường lên sân khấu. Đêm ấy, ông đọc bài thơ ca ngợi tình hữu nghị với Việt Nam của thượng nghị sĩ John McCain (cựu phi công Mỹ bị bắn rơi ở hồ Trúc Bạch, Hà Nội năm 1967), người sau này có công rất lớn trong việc thúc đẩy xóa bỏ toàn bộ lệnh cấm vận của Mỹ nhằm vào Việt Nam, và tiến tới bình thường hóa quan hệ hai bên để mới đây, trở thành "Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình".
Tôi chợt nhớ tới bài thơ của Thanh Thảo cũng viết về những cựu phi công hai nước sau chiến tranh. Trong bài thơ này, nhà thơ kể chuyện về anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy, người từng bắn rơi 7 máy bay các loại của Mỹ. Thanh Thảo nhấn mạnh cái chi tiết, sau chiến tranh, các cựu binh phi công hai phía ngày xưa từng đối mặt sinh tử trên bầu trời, nay gặp nhau lại trở thành bạn bè tâm tình và ông Bảy nói với họ: "Nếu bay nữa có khi tôi chết/ hoặc thêm mấy bạn phi công Mỹ không còn trên cõi đời/ cuộc chiến tranh kỳ quặc mà buồn quá đi thôi/ vì chúng ta sinh ra để là bạn tâm giao/ mà phải đi qua cửa những cựu thù". Câu chuyện giản dị, có hậu và thật cảm động về tình con người sau chiến tranh.
Sáng tạo để không ngủ quên trên thành tựu cũ
Thơ của Thanh Thảo thường có cách cuốn hút riêng bởi cách kể chuyện thơ thật giản dị, gần gũi với cuộc đời mà vẫn thấm đẫm một chất thơ mang thi pháp của riêng ông. Ở các tập thơ sau này, dường như Thanh Thảo lắng mình xuống sau những tìm tòi, cách tân ở 17 tập thơ và trường ca trước đây, để tìm một cách diễn - đạt- thơ thật tình cảm, một cách nói- thơ thật dân dã mang hơi thở mộc mạc, chân chất, khó nhọc và thân thuộc của đời sống.
Trong bài thơ "Thầy tôi", Thanh Thảo kể chuyện về người cha của mình sống một đời vất vả, gian lao "Khi nằm xuống gói tròn ba tấc đất/ khỏi cần điếu văn vớ vẩn lôi thôi/ bấy nhiêu đó đổi mười năm tù ngục/ bao nhiêu năm cơ cực giữa đời/ bấy nhiêu đó kèm theo bao uất ức/ gió thoảng mây bay lặng lẽ mỉm cười". Và nhà thơ cầu mong một điều duy nhất, nếu được đầu thai kiếp khác vẫn xin được làm con của cha mẹ mình dù cháo rau khổ cực như dưới mái nhà xưa. Cái đọng lại trong cách kể chuyện thơ này là tình người, tình cha con, tình bè bạn và tình yêu thương.
Cách kể chuyện khá độc đáo như viết nhật ký thơ hàng ngày của Thanh Thảo, thêm một lần cho ta thấy những ngẫm ngợi, trăn trở, suy tư trước đời sống xã hội, trước con người và đất nước luôn là mạch chảy nhân văn giàu sức lao động sáng tạo nghệ thuật của thi ca ông. Với bài thơ "Những mùi thơm bình dị", Thanh Thảo kể chuyện về ngày đi học ông thèm mùi cơm chín, rồi ngày ở chiến khu luôn thèm mùi sắn nướng và đêm ở một vùng quê, mùi ổi đào dẫn ông đi về phía mùi hương tóc của một người con gái để ông thao thức mãi: "có mùi thơm giữa anh và em/ còn nghe được cách nhau nghìn cây số/ không nước hoa không xạ hương không rõ/ vì sao thơm khi mùi ấy yêu thương".
Trên con đường tìm kiếm cái mới, nhà thơ Thanh Thảo không bao giờ là người ngoài cuộc. Trong khi anh đang trăn trở thể nghiệm thì không ít người chỉ muốn anh quay trở lại với những giá trị đã làm nên tên tuổi của anh thời chiến tranh. Nhưng Thanh Thảo không chịu ngủ quên trên thành tựu của những giá trị cũ. Bằng tài năng thơ và một nỗ lực không chịu bất lực của mình, mấy chục năm qua, Thanh Thảo vỡ vạc chính anh ở mảng đời sống tâm trạng của một người lính đã thấm đẫm nỗi đau trận mạc và mảng đời sống thơ đích thực trước đây anh chưa có thời gian khai phá đến. Tôi cho rằng trong con- người- thơ của Thanh Thảo, một nội lực sáng tạo lớn luôn thôi thúc anh, luôn cày xới anh, luôn vắt kiệt anh ở những bến bờ mới.
Trong Đêm thơ Mùa thu ở Hải Phòng đáng nhớ ấy, khi tôi dìu Thanh Thảo lên đọc thơ, tôi đã viết tặng anh bài thơ sau: "Lúc tôi dìu anh lên đọc thơ/ anh như một ngọn gió bị thương mệt mỏi/ chầm chậm say chầm chậm bay/ trong đám mây ngôn từ của thi ca/ bên vai tôi là ngọn gió từ nửa thế kỷ trước/ từng thổi qua cánh rừng cháy tàn cháy rụi vì bom napan/ những người chết trẻ/ họ đồng hành cùng ngọn gió lên chót đỉnh trời cao rồi hóa thành mây/ trong đêm thơ mùa thu ở Hải Phòng/ khi Thanh Thảo lên đọc thơ/ tôi chợt gặp những đám mây ngày trước/ đang chầm chậm cùng anh/ ngọn gió bị thương suốt đời còn thao thức/ trong cánh rừng mất ngủ của thi ca". Và tôi nghĩ, nhà thơ Thanh Thảo trong hành trình thơ suốt nửa thế kỷ qua vẫn luôn bền bỉ, luôn trăn trở với nhân dân, với đất nước như thế.