Nguyễn Tiến Thanh trong miền phiêu lãng

Thứ Năm, 15/12/2022, 10:35

Paul Valéry nói, đại ý, thơ là một ngôn ngữ riêng trong ngôn ngữ chung của loài người, làm thơ tức là làm thế nào cho ngôn ngữ trở thành nghệ thuật. Nguyễn Tiến Thanh có khác, anh làm thơ, không làm chữ. Nói khác đi, sáng tác thơ với anh là sự tạo sinh và không gian hóa cảm xúc bằng ngôn từ. Điều này cũng có nghĩa, chữ trong thơ anh, theo mạch cảm xúc ấy, tự nhiên được gọi về, không cần cân đong, gò đẽo.

Sáng tác và có thơ công bố từ năm 17 tuổi, song mãi tới khi chạm vào tuổi ngũ thập, Nguyễn Tiến Thanh mới in thơ, và in liền hai tập ("Chiều không tên như vết mực giữa đời", NXB Văn học, 2021 và "Loạn bút hành", NXB Hội Nhà văn, 2021). Như thế, thơ, với Tiến Thanh, theo nghĩa nào đó, là một sự chơi. Chơi với kỷ niệm, với bạn bè. Chơi với con người nghệ sĩ của mình. Tất nhiên, ai cũng hiểu, sự chơi đó phải bằng sự tử tế, tài hoa, hoàn toàn không phải lối dụng thơ để làm sang.

anhnguyentienthanh1.jpg -0
Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh.

Gặp Nguyễn Tiến Thanh ở ngoài đời, dù lần đầu hay khi đã thân quen đều luôn cảm nhận ở anh sự hào sảng, thân tình. Con người Tiến Thanh khi trút bỏ tấm áo hành chính, khỏi vai ông Tổng biên tập đương kim (với không ít áp lực, căng thẳng, cả "mệt quá thân ta này" nữa, hẳn rồi) là một người đàn ông gần gụi, yêu bạn bè, yêu kỷ niệm.

Đến nhà Tiến Thanh, thường bắt gặp hình ảnh ông chủ chốc lại chạy ra chạy vô kiếm tìm, lục lọi xem trong bếp, trong tủ có gì hay mang ra đãi bạn bè. Bạn văn tụ tập quán nhỏ ven đường, câu thường được nghe là "lát Tiến Thanh sẽ đến". Tiến Thanh lịch lãm mà không bóng bảy, từng trải lại phảng phất chút trẻ thơ (tôi hay đùa anh là "sát thủ mang gương mặt trẻ thơ"). Và, khi thần lưu linh và nghệ thuật nhập hồn, anh thường phiêu diêu với Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng…, đưa bè bạn trở về khung trời hoa mộng ngày xưa…

"Chiều không tên như vết mực giữa đời" và "Loạn bút hành" của Nguyễn Tiến Thanh tuy mang những nét riêng về chủ ý, suy tưởng và phong cách, song vẫn có thể nhận ra những mẫu số chung, cái làm nên một Nguyễn Tiến Thanh tài tử và tài hoa, như ta biết.

Thực tiễn cho thấy, bằng phương pháp phân tích nội quan, hoàn toàn có thể tách việc thẩm bình thơ ra khỏi con người tiểu sử nhà thơ. Bằng chứng ở đây là, chỉ qua phương pháp thống kê cơ học, có thể nhận thấy mảng từ vựng trong thơ Nguyễn Tiến Thanh chạm ngay và chạm sâu vào ký ức: "đi giữa những cơn mơ", "đi qua mùa nhớ", "bụi đời dĩ vãng", "giấc cô miên"… "Chiều không tên như vết mực giữa đời" là những xúc cảm lãng mạn, tinh khôi, phảng phất buồn của chàng trai mới lớn, kiêu ngạo, bất cần, bụi bặm, và thêm chút "mặc cảm thân phận" đặc trưng của nam nhi thời ấy, dĩ nhiên rồi: "Ta nghèo may túi ba gang/ Đựng dăm mộng ước, vài trang thơ tình/ Nghe lòng nắng chếch mưa xiêu/ Hoang vu gió thổi nghiêng chiều, vắng em" (Lục bát tuổi trăng tròn).

"Chiều không tên như vết mực giữa đời" là một không gian thơ đầy huyễn mộng xen lẫn những "vụng dại" của tuổi hoa niên nay chỉ còn trong niềm nhớ. Không phải ngẫu nhiên, khi in thơ, Tiến Thanh giữ nguyên bút tích của ngày xưa. Anh thậm chí chụp in kèm cả những bài thơ chép sổ. Như một kỷ niệm, một niềm tín mộ, một nâng niu. Bởi nó đúng là khuôn hình, bản ngã, xúc cảm của anh, và rộng hơn, của thời anh sống: "Chiều không tên như vết mực giữa đời/ Em ngắt nắng xem hoàng hôn rớm máu/ Cơn đau ấy - anh xin - đừng ẩn náu/ Mưa một mùa nước mắt mấy mươi năm" (Điều đó dĩ nhiên rồi).

Đọc Nguyễn Tiến Thanh, thấy ngôn ngữ thơ anh không chỉ được cảm nhận bằng thanh âm vật lý, mà bằng cả thị giác và tưởng tượng. Các danh từ, tính từ chỉ màu sắc hình họa, cảm xúc ("trắng", "bạc", "tím", "tím biếc chân trời", "heo may", "hoang vu", "vai gầy", "áo em mỏng", "ngọn cỏ mùa thu", "bạc đầu"...), từ ngữ chuyển đổi cảm giác thường xuyên được ưu tiên ("mùa mây trắng", "trắng bàn tay", "thương nhớ cũ","hoàng hôn rớm máu"...). Và cứ thế, như một hiện thể đặc trưng của "những ngày tháng ấy", thơ Nguyễn Tiến Thanh đi theo chiều lãng mạn, mộng mơ, lãng đãng sương khói thời gian.

Không gian thơ Nguyễn Tiến Thanh thường xuất hiện hình ảnh một khách bộ hành cô độc trong cuộc miên di. Các cụm động từ như "khất thực", "hành khất", "đi qua mùa mây trắng", "đi qua phố buồn tênh"... cùng mô típ "chỉ thấy", "thì ta" xuất hiện nhiều lần cho thấy hình tượng tác giả trong thơ Tiến Thanh là kẻ lãng du luôn khao khát kiếm tìm và mong cầu chút ấm áp của những tháng năm xưa. Chút cô đơn, thất tình, lãng mạn của chàng thi sĩ trẻ như tiếng vọng ngân vang từ thơ Nguyễn Tất Nhiên, Hoàng Nhuận Cầm…, có chăng, thì cũng không lạ, bởi nó cũng như tiếng vọng của người thơ trong thơ mới lãng mạn, nhạc tiền chiến, trong những bài bô-lê-rô hay trữ tình buồn: "Giờ còn gì trong ngôi nhà mùa thu/ Em đi vắng ta thì không đến kịp/ Quả đất rộng - tha hồ em cứ khóc/ Ngôi nhà mùa thu khép cửa lâu rồi" (Ngôi nhà mùa thu).

anhsachchieukhongten.jpg -0
Bìa cuốn “Chiều không tên như vết mực giữa đời” của Nguyễn Tiến Thanh.

Trong cái mẫu số thơ đặc trưng của một thời, có lẽ, cái riêng của Nguyễn Tiến Thanh bắt đầu từ chất lãng tử, phiêu ngạo riêng có của anh. Cũng không phải ngẫu nhiên, kiểu chủ thể trữ tình được ưa chuộng nhất trong thơ Tiến Thanh thời trẻ là chàng trai kiêu bạt, bụi đời lãng tử, cô đơn, đây đó thoáng chút bóng hình của chủ nghĩa hư vô: "Tôi đi hoài chỉ thấy đớn đau thôi/ Tôi đi hoài chỉ thấy đích xa xôi/ Đời vãi muối vào lòng tôi rách nát" (Chặng đường tuổi 20)…

Nguyễn Tiến Thanh lớn lên ở thời đói khổ nhưng mơ mộng. Chủ thể trữ tình trong thơ anh, do thế, đến mãi sau này vẫn thảng thốt hằng đêm viễn mộng: "Anh mất ngủ, ngàn đêm phiêu bạt/ Uống cô miên, khất thực mưa phùn" (Quỳnh hương); "Anh đi qua mùa mây trắng/ Gặp ngày tháng cũ bỏ quên" (Lữ hành).

Điều ngạc nhiên là, xen cài với những bài tình đầu, Nguyễn Tiến Thanh đã có những xúc cảm trữ tình thế sự già dặn: "Bạn ở xa cây cũng gọi phong ba/ Biết mây trắng phía kia là Tổ quốc/ Con sóng vỗ một niềm tin thao thức/ Giọt máu loang trên cột mốc chủ quyền" (Gửi Trường Sa); hay cảm thức chạm đến trái tim về mẹ, một đối tượng trữ tình vừa phổ quát, vừa rất đỗi riêng tư: "Sẽ chẳng bao giờ ai hiểu hết được đâu/ Giọt nước mắt mẹ rơi giữa ngày chiến thắng/ Mây đã trắng khăn tang chồng chết trận/ Trăm cuộc đời chung một hướng vọng phu" (Sân ga chiều đừng mưa)…

Nếu không gian thơ Nguyễn Tiến Thanh trong "Chiều không tên như vết mực giữa đời" là chàng trai đa cảm, trong sáng, pha chút khói sương lãng mạn thì trong "Loạn bút hành", thi sĩ tập trung thể hiện hình tượng người lữ thứ và cuộc hành hương tâm hồn. "Loạn bút hành", do thế, vừa siêu thực, vừa phảng phất tiếng xưa với "Thương hà", "điêu linh", "ly biệt", "đoạn trường", "chí lớn", "tráng sĩ", "người ra đi"…Trong "Loạn bút hành", hình tượng chủ thể trữ tình là trang nam tử lãng du, phiêu ngạo, "đầu trần đi giữa nắng nhân gian". Mô típ "ta vốn", "ta chẳng" thoạt nghe tưởng bất cần, song, thực tình "ta" đã gục ngã vì em, hiện nguyên hình là kẻ lụy tình: "Tráng sĩ một đi, ta ngoảnh lại/ Môi chiều/ Tóc mộng/ Mắt sơn khê".

Đọc Nguyễn Tiến Thanh, bên cạnh trạng thái "đi" gắn với cuộc di trú tâm hồn, còn xuất hiện trạng thái "ngồi" gắn với những suy niệm thế nhân. Với Nguyễn Tiến Thanh, thơ không đủ làm cho gương mặt thi nhân trở nên nhàu nát, song vẫn có một khoảng trống mênh mông trong "thế giới hoang vu": "Để chiều nay chốn cũ ta ngồi/ Nghe hoang mang một mùa trong tiền kiếp" (Chốn cũ).

Có điều đặc biệt là, trong "Loạn bút hành", bên cái tôi trữ tình giàu chất thế sự, và ngay cả khi "những cuống rạ cảm xúc bị cắt sát gốc", thơ Nguyễn Tiến Thanh vẫn nổi lên hình tượng chàng lãng tử "tóc giang hồ bay theo lá du cư", phiêu bạt trên miền xa thẳm với cỏ hoang lối cũ, cô miên, niệm khúc, quán nửa khuya: "Mưa nắng trĩu vai, bụi đời du tử/ Anh hoang vu như gió hoang đàng" (Chiều thật buồn riêng của anh thôi); "Môi siêu thực, mắt đa chiều/ Ném hư vô nhớ vào phiêu lãng trời/ Trăng lơ mơ, gió bụi đời/ Cùng đêm và gã dở người làm thơ"  (Ném hư vô nhớ vào phiêu lãng trời)...

Sau bốn năm đèn sách, nhân dạng ông đồ ít nhiều tĩnh tại đã không thắng được con người lãng tử ưa phiêu bạt, Nguyễn Tiến Thanh rời vị trí giảng viên tổng hợp văn khoa chuyển sang làm báo, một công việc phiêu lưu, nhiều áp lực, mạo hiểm nhưng cũng có nỗi vui riêng. Đi qua những cánh đồng đầy gió, đi qua mùa mây trắng thuở hoa niên, cũng là lúc thi nhân nhìn ra sợi xanh sợi bạc, thấy hun hút một niềm tiếc nhớ khôn khuây: "Tháng Ba xa hút hồng hoang tuổi/ Năm mươi ngồi đợi tóc phai đời/ Nếu xưa mây trắng đừng bay vội/ Tôi đã bây giờ thôi nhớ … tôi" (Ngũ thập). Chiếc nhiệt kế của tâm trạng, theo thời gian càng thấm đượm cảm thức buồn vui thế cuộc, "chênh vênh vực thẳm nhân sinh": "Quá nửa đời lạc lối/ Mơ những chuyện hoang đường/ Ngoảnh về - hoang vu tuổi/ Tóc vương đầy bão giông" (Tự thú).

Nguyễn Tiến Thanh yêu thơ song không chăm chú về thể cách kỹ thuật trong thơ. Anh viết phóng khoáng, tự nhiên, theo dòng cảm xúc. Trong tổng số gần 60 bài thơ đã in có 11 bài lục bát, 3 bài năm chữ, 6 bài tám chữ, một vài bài thơ văn xuôi, còn lại là sự xen cài pha trộn linh hoạt của kiểu thơ 7-8-9 chữ tự do, khoáng đạt. Trên nền cảnh trục ngữ đoạn phổ biến, trục kết hợp của Nguyễn Tiến Thanh rất phong phú, làm thành nét độc đáo tài hoa của riêng anh. Bên những "miên trầm", "cô miên, "trầm miên", "bảng lảng mây", "mịt mù mưa", "dằng dặc bão", thi sĩ không ngần ngại chen lấn những khẩu ngữ hiện đại rất thú vị, góp phần mang lại màu sắc mới cho thơ: "Vãi lều chưa - một tiếng đàn"; "Anh sợ vãi những chiều xa lặng lẽ"...

Thực tiễn cho thấy, mỗi hình thái, thể dạng thơ có khả năng thu hút và làm sinh thành một kiểu bạn đọc riêng. Thơ Nguyễn Tiến Thanh cũng vậy. Đó trước hết là kiểu thơ dành cho những người lãng mạn, yêu kỷ niệm, yêu những ngày tháng cũ. Tiến Thanh say mà tỉnh. Chất lãng mạn, lãng du không khiến những suy tư nhân thế và trách nhiệm công dân của anh khuất lấp. Nhưng Tiến Thanh cũng tỉnh mà say. Bởi có lẽ, thơ mãi mãi là chân trời huyễn mộng để anh được sống tận cùng với “bản lai diện mục” của mình. Không phải ngẫu nhiên, Nguyễn Tiến Thanh thường tập hợp bạn bè, hoặc tham gia các cuộc tụ tập văn chương để vượt thoát khỏi những mỏi mệt xác thân, để được chơi và chơi cùng với những tài hoa trong miền phiêu lãng.

Phùng Gia Thế
.
.