Nhà văn Lại Văn Long: 30 năm vắt kiệt mình với "Hồ sơ lửa"

Thứ Năm, 01/12/2022, 10:57

Viết xong "Hồ sơ lửa" - bộ tiểu thuyết hình sự dài nhất Việt Nam, ông như "hết pin". Đêm chỉ ngủ vỏn vẹn hai tiếng rồi dậy viết. Viết như thể chạy đua với tiếng kim đồng hồ, chạy đua với công việc làm báo hối hả thường nhật, chạy đua với chính mình để hiện thực giấc mơ thơ bé ngày nào...

Suýt ế trọn đời bởi mê văn

Ngày còn nhỏ, cậu bé của Đà Lạt mờ sương đã mê sách. Hễ thấy anh chị rinh về cuốn truyện nào mới thuê ngoài tiệm, Long lon ton lại gần đọc ké. Chưa biết chữ, nhưng thằng nhóc bốn tuổi vẫn lật truyện oai như ai. Té ra cu cậu mê mẩn hình vẽ. Này là siêu nhân trừ gian diệt ác, này là ông Bụt cứu giúp người hiền…

Sau này đi học, Long hay lén đọc trộm truyện chưởng Kim Dung của ba hay truyện thiếu nhi của anh chị trong nhà. Cậu mê tít "Tin tin", "Lucky Lucke", "Phan Tân - Sĩ Phú", "Tí hon thần lực"… hay truyện phiêu lưu, trinh thám trong bộ "Hoa đỏ" của tủ sách "Tuổi hoa". Cứ thế, những trang sách đầu đời gieo vào lòng cậu thiếu niên hạt mầm của công lý chính nghĩa, của bậc quân tử đứng về lẽ phải. Tình cờ đọc "Thuở mơ làm văn sĩ" của nhà văn Nhật Tiến và bộ "Sông Đông êm đềm", cậu ôm mộng lớn lên trở thành nhà văn để viết nên bộ truyện đồ sộ nhiều tập.

nha-van-lai-van-long.jpg -0
Nhà văn Lại Văn Long và bộ tiểu thuyết "Hồ sơ lửa".

Mộng là thế, nhưng ở lớp, điểm môn văn của cậu học trò cấp ba lúc nào cũng lẹt đẹt bốn, năm điểm. Lâu lâu cố lắm mới vớt được điểm sáu. Một lần gọi cậu học trò lên trả bài, thầy Nguyễn Văn Hương, người Nghệ An, lắc đầu ngao ngán: "Sao bài vở mi không thuộc mà lời thầy giảng tuần trước thì nhớ y hết? Cái này là do mi không chịu học bài chứ không phải mi dốt đâu". Cũng vì nhà nghèo quá, Long tính nghỉ học, nhường chiếc xe đạp duy nhất trong nhà cho ba mẹ đi làm. Gạt phắt lá đơn, thầy Hương mắng xối xả: "Mi làm được trò trống gì mà xin nghỉ học. Cuốc được thêm bao nhiêu đất mà bày đặt? Vớ vẩn, đi học đi!". Nhờ người thầy nghiêm khắc mà giấc mơ viết văn ngày nhỏ của anh vẫn nguyên vẹn như thuở nào.

Nhưng nợ cơm áo không đùa với khách thơ. Đậu vào khoa Triết, Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, cậu sinh viên lăn lộn đủ thứ nghề để có tiền ăn học: phụ hồ, bán bong bóng, dạy kèm… Ra chợ Bến Thành, gặp cô mậu dịch viên đứng quầy tạp hóa, Long dè dặt hỏi nhỏ: "Chị ơi, có xà bông nào rẻ nhất mà vừa giặt giũ, vừa tắm gội được không?". Cô gái ngước mắt nhìn anh chàng đen nhẻm, ốm nhom như ma đói rồi bụm miệng cười: "Ủa, tắm gội thì anh dùng xà bông Camay nè chứ gội bột giặt thì rụng tóc hết á". "Nhưng tui là sinh viên, đâu có tiền mua mấy thứ này". Thương tính thật thà, chất phác của chàng trai nghèo nên từ đó, hai người thành bạn. Một buổi chiều, chở anh bạn nhà quê trên xe máy, cổ biểu: "Long nè, Long thử viết văn đi. Nghe cách Long nói chuyện, mình dám chắc Long viết hay lắm đó".

Nghe lời cô bạn, anh mày mò viết truyện đầu tay "Màu mận chín" và được đăng trên Báo Tuổi trẻ. Ra trường năm 1988, Lại Văn Long vẫn là một chàng cử nhân lông bông thất nghiệp. Anh tính về Đà Lạt, ai kêu gì thì làm nấy. Loay hoay mãi mà đời mình không biết mai này về đâu, nghiệp văn nhân biết có đèo bòng nổi khi gánh áo cơm đè nặng trên vai, có lần anh đánh bạo ướm lời: "Bạn muốn tui viết văn phải hôn? Vậy bạn chịu khó nuôi tui bảy năm đi. Viết xong tác phẩm dài kỳ này, nếu tui mà nổi tiếng, tui nuôi lại bạn suốt đời ". Cô bạn đỏ mặt, thẹn thùng quay đi: "Tui sợ Long nổi tiếng rồi lại bỏ tui hổng chừng". Lỡ duyên với người bạn gái năm nào, anh tự nhủ mình thà ở vậy, chẳng quen ai nữa, để chuyên tâm mà viết. Không vợ, không con, thân mình ất ơ đâu đó chẳng được, miễn sao ngòi bút vẫn theo.

Mãi đến năm 1992, khi "Kẻ sát nhân lương thiện" đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ năm 1990 - 1991, cơ hội đến với giấc mơ tuổi nhỏ mới thực sự bắt đầu. Người ta được giải Nhất thì mừng hết lớn, còn Long thì dở khóc dở cười. Số là phần thưởng dành cho giải Nhất là một chiếc tivi màu xịn nhất bấy giờ. Biết phần thưởng, Long mếu máo cầu cứu Ban tổ chức: "Mấy anh làm ơn đổi chiếc tivi thành tiền mặt giúp em. Tiền ăn em còn thiếu trước hụt sau, lấy đâu ra chỗ mà đặt tivi".  Ngày trao giải, Ban biên tập Báo Công an TP Hồ Chí Minh ngỏ ý mời Lại Văn Long về làm phóng viên. Niềm vui nhân đôi khi từ đây, chất liệu và trải nghiệm thực tế để anh làm nên thiên tiểu thuyết hình sự để đời bắt đầu tích góp, đầy dần...

30 năm và 2.400 trang "Hồ sơ lửa"

Mấy chục năm lăn lộn trong nghề báo, lại là tờ báo sát cánh với hành trình đấu tranh phòng chống tội phạm của lực lượng Công an, Lại Văn Long sở hữu nguồn vốn liếng quý giá, dồi dào, chân thực mà không phải nhà văn nào cũng có. Đầu năm 2016, Báo Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với hãng phim để quay series phim hình sự "Hồ sơ lửa" dài đến 1.100 tập. Lại Văn Long được phân công viết kịch bản.

"Tôi sung sướng vô cùng. Quả là cơ hội ngàn năm có một để tôi hiện thực hóa giấc mơ hồi nhỏ của mình. Phần đầu tiên tôi viết là "Mật danh Đ9". Khi chuyển thể xong phần này sang tiểu thuyết, các phần sau tôi viết luôn tiểu thuyết cho đã tay. Phần chuyển thể kịch bản thì giao cho người có chuyên môn bên điện ảnh. Nếu chính mình viết kịch bản thì được hưởng tám triệu đồng/ tập. Thuê người ta thì mình chỉ được một triệu. Nhưng tôi chấp nhận để chuyên tâm cho bộ tiểu thuyết để đời" - ông tâm sự.

Một ngày của Lại Văn Long quần quật với việc cơ quan, gia đình đến 8 giờ tối. Nhưng ngả lưng xuống giường, đầu óc ông còn trằn trọc đến 10 giờ mới thiếp đi. 12 giờ khuya dậy đốt thuốc, bắt đầu soạn giấy viết "Hồ sơ lửa" (đến nay ông vẫn không viết được trên máy tính). Đáng tiếc, chuỗi phim mới phát sóng 128 tập đã phải tạm ngừng vì nhiều lý do. Không nản chí, Lại Văn Long quyết viết cho xong bộ tiểu thuyết "Hồ sơ lửa".

Sau 30 năm ấp ủ và 5 năm lao động miệt mài, cuối tháng 11 vừa qua, 2.400 trang "Hồ sơ lửa" chính thức ra mắt bạn đọc và được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận là "bộ tiểu thuyết hình sự nhiều tập nhất Việt Nam". Bộ tiểu thuyết gồm sáu phần: "Mật danh Đ9", "Oán thù trớ trêu", "Gia tộc tướng cướp", "Phát súng chính nghĩa", "Lật án tử hình" và "Hồng nhan sương khói", tái hiện cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm đầy gian khổ mà hào hùng, mưu trí của lực lượng Công an. Trong đó, "Mật danh Đ9" từng đoạt giải thưởng "Cây bút vàng" 2018 của Bộ Công an còn "Gia tộc tướng cướp" đoạt giải C cuộc thi "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức năm 2017 - 2020.  

Tác phẩm quy tụ gần 500 nhân vật, được Lại Văn Long lấy cảm hứng từ chính những câu chuyện thực tế trong đời làm báo. Dù mỗi tập là một câu chuyện, vụ án độc lập nhưng linh hồn xuyên suốt bộ tiểu thuyết là Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh với Đại tá Minh, Trung tá Lâm, Thiếu tá Thanh và nhà báo Thái Trung… Đó là những con người mưu trí, quả cảm, không quản ngại gian khó để đưa tội phạm ra ánh sáng.

Trong sáu tập, tập làm nhà văn Lại Văn Long lao tâm khổ tứ nhưng xúc động, hào hứng nhất chính là "Gia tộc tướng cướp". Chuyện kể về dòng họ có bốn đời làm tướng cướp. Đến thế hệ thứ tư, do những trớ trêu của lịch sử, trong dòng họ xuất hiện một cảnh sát hình sự. Ngoài bi kịch của anh cảnh sát khi đối đầu với những người thân "bên kia chiến tuyến", tác phẩm còn phản ánh cuộc đấu tranh gian khổ, hy sinh của lực lượng Công an trong suốt 40 năm với một đại gia đình có hơn chục tướng cướp manh động, hung bạo.

"Đây là gia tộc có thật ngoài đời mà tôi có dịp tiếp xúc trong vài vụ án. Sở dĩ tôi biết tường tận về gia tộc này là nhờ cuốn sổ tay của một anh Công an xã. Anh ghi chép rất tỉ mỉ về dòng họ này. Do mỗi đời trải qua mỗi thời kỳ lịch sử khác nhau nên khi viết, tôi phải bỏ công nghiên cứu tỉ mỉ. Rằng thời đó, người ta dùng vũ khí gì để cướp tàu, trang phục, nhà cửa hồi đó ra sao... để miêu tả cho đúng" - ông cho hay.  

Những câu chuyện trong "Hồ sơ lửa" không đơn thuần chỉ kể lại vụ án chấn động dư luận một thời mà còn thể hiện cái thiện, cái ác giằng xé bên trong mỗi con người. Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh đánh giá bộ tiểu thuyết mang lại nhiều giá trị nhân văn bởi tác giả không đi sâu vào chuyện phê phán riêng cá nhân ai mà xây dựng gần gũi hình tượng người chiến sĩ Công an nhân hậu, quả cảm nhưng vẫn còn đó những khiếm khuyết. Ngược lại, phía tội phạm cũng có người do hoàn cảnh trớ trêu, thiếu hiểu biết hay sự vô cảm của người đời đã đẩy họ vào vũng lầy tội lỗi.

Theo bà, nhà văn Lại Văn Long không phải người đầu tiên khai thác đề tài hình sự trong văn chương nhưng ông lại là người đầu tiên dám mạnh dạn đưa ra một định dạng tiểu thuyết hình sự công phu, giàu chất liệu, trải nghiệm và dày công sáng tạo bằng ngòi bút vừa chân thực vừa mượt mà, hấp dẫn của một nhà văn làm báo.

Mai Quỳnh Nga
.
.