Người đi tìm hình của nước
"Lênh đênh bốn biển" ("Nước non vạn dặm", tập 2), gối kề "Nợ nước non" (tập 1) của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ sẽ ra mắt đúng dịp Kỷ niệm 93 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2023). Một tác phẩm, theo ước đoán của không riêng tôi, sẽ là đại diện cho thể loại tiểu thuyết viết về một nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam: Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
"Hồ Chí Minh - Tên Người là cả một niềm thơ" là nhan đề thi phẩm của nhà thơ Cuba Phêlích Rôđrighết, một trong những áng văn thơ hay nhất của các nhà văn thế giới viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh. Trong thơ ca Việt Nam hiện đại, "Người đi tìm hình của Nước" của nhà thơ Chế Lan Viên là một trong những bài thơ hay nhất viết về Bác Hồ kính yêu: "Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi/ Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác/ Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất/ Bốn phía nhìn không bóng một hàng tre/ Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ/ Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương/ Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở/ Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương".
"Lênh đênh bốn biển" ("Nước non vạn dặm", tập 2), gối kề "Nợ nước non" (tập 1) của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ sẽ ra mắt đúng dịp Kỷ niệm 93 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2023). Một tác phẩm, theo ước đoán của không riêng tôi, sẽ là đại diện cho thể loại tiểu thuyết viết về một nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam: Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Một lần nữa, bằng thực tiễn sáng tác, nhà văn khẳng định sự trở lại ngoạn mục của đề tài truyền thống (lịch sử, cách mạng, chiến tranh) trên văn đàn Việt Nam đương đại. Điều này cho thấy sự cần thiết của tinh thần "ôn cố tri tân". Quan trọng hơn, trong bối cảnh văn hóa được đặt đúng vị trí "Văn hóa còn dân tộc còn", Văn hóa Đảng đang trở thành đối tượng nghiên cứu của các ngành khoa học xã hội và nhân văn hiện nay. Lãnh tụ Hồ Chí Minh là một đề tài vô tận của văn học nghệ thuật, biểu trưng cho Văn hóa Đảng.
Tiểu thuyết "Nợ nước non" đã gây tiếng vang trên văn đàn Việt Nam năm 2022. Phát huy tinh thần sáng tác thành công về lãnh tụ Hồ Chí Minh, với một sức lao động nghệ thuật đáng khâm phục, hôm nay nhà văn đã tặng người đọc "thiên" thứ hai của bộ ba tiểu thuyết hoành tráng, chan chứa âm hưởng sử thi - lãng mạn - trữ tình về một CON NGƯỜI VIỆT NAM VIẾT HOA, nhân vật văn học điển hình có tên NGUYỄN ÁI QUỐC, trong quãng đời từ năm 1911 đến 1941. Ba mươi năm với lịch sử một dân tộc không phải là dài. Nhưng với lịch sử Đảng và lịch sử một con người thì quá đầy đủ tầm kích của cái kỳ vĩ, cái trác tuyệt, cái đẹp, cái anh hùng.
Cao vọng tìm đường cứu nước như là khởi nguồn cuộc trường chinh mười ngàn ngày của một thanh niên dấn thân vì lý tưởng giải phóng dân tộc cao đẹp. Vào những năm đầu của thế kỷ XX, nhiều phong trào yêu nước sôi nổi, mạnh mẽ bùng lên. Nhưng cuối cùng không đạt được mục đích chính nghĩa. Có thể do đường lối và phương pháp tiến hành không phù hợp (cầu viện ngoại bang, bất bạo động). Lịch sử thường anh minh khi "chọn mặt gửi vàng".
Ngày 5/6/1911, tại Thương cảng Nhà Rồng, Sài Gòn, người thanh niên Văn Ba - Nguyễn Tất Thành xuống con tàu mang tên Amiral Latouche Tresville, trong vai một phụ bếp, với mong muốn đến thẳng nước Pháp, dẫu: "Phía trước là những gì anh chưa biết, chỉ là những nung nấu, đoán định và dự cảm. Đích đến gần nhất là nước Pháp, là hình bóng của cuộc cách mạng Pháp hơn một trăm hai mươi năm về trước. Đâu là một nước Pháp phát triển, văn minh và đâu là một nước Pháp thực dân, tàn bạo. Tại sao? Tại sao?" (kết thúc tập 1- "Nợ nước non"). Những người có hoài bão, lý tưởng, khát vọng lớn (cao vọng) đều chật căng, thường trực trong óc những câu hỏi lớn "Tại sao?". Khoa học và nghệ thuật chân chính từ xưa tới nay cũng đều khởi nguyên từ câu hỏi lớn "Tại sao?".
Chín (9) chương của tiểu thuyết "Lênh đênh bốn biển" tái hiện quãng thời gian mười ngàn ngày (30 năm) của chàng trai Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc ra đi với hai bàn tay trắng tìm đường cứu nước, trải qua bao trùng sóng gió nguy nan (đói rét, bệnh tật, truy nã, bắt bớ, ẩn mình, xê dịch...), để sau đó trở về Đất Mẹ cùng đồng chí, đồng bào tận hiến cho sự nghiệp chính nghĩa, thiêng liêng - giành độc lập tự do cho giang sơn đất nước. Với phép viết "tỉnh lược" (độ dồn nén tối đa câu chữ, biến cố, sự kiện, tình tiết...), tiểu thuyết "Lênh đênh bốn biển" đã cống hiến cho người đọc một thiên sử thi về "thời đại anh hùng cần một nền nghệ thuật anh hùng", bởi vì "thời thế tạo anh hùng", ngược lại cũng có thể "anh hùng tạo thời thế".
Tìm ánh sáng Lênin là biến cố lớn nhất trong ba mươi năm bôn ba hải ngoại, lênh đênh bốn biển, tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc. Nhà tiểu thuyết có kinh nghiệm sẽ biết "chộp", nắm bắt được biến cố trong vô số biến cố, có ý nghĩa bước ngoặt, tại đó số phận nhân vật sẽ được biểu đạt trong tính điển hình của nó. Nói cách khác đó là những điểm độc sáng trong một đời người mà nhà tiểu thuyết cần thiết "chốt" lại, để tô đậm, nhấn mạnh ý nghĩa của một đoạn đời trong đường đời của một vĩ nhân - Nguyễn Ái Quốc - sau này là Hồ Chí Minh: Lãnh tụ của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam thời hiện đại. Trong chuỗi biến cố quan trọng của ba thập niên bôn ba, vượt khó, tìm đường cứu nước nổi bật trường đoạn Nguyễn Ái Quốc bắt gặp ánh sáng của "Luận cương Lênin" (về vấn đề dân tộc và thuộc địa), là quan trọng nhất. Bắt đầu từ chương 5 (thời gian: ngày 16/7/1920), Nguyễn Ái Quốc lần đầu tiếp xúc với "Luận cương Lênin" (được lãnh tụ của giai cấp Vô sản thế giới viết từ 4/1917). Đọc xong Luận cương khai sáng, Nguyễn Ái Quốc đã: "Anh bật khóc. Một nỗi nghẹn ngào không thể nào giải thích nổi ùa đến, bao trùm, tràn ngập tâm hồn anh.
- Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta.
Anh run rẩy cất lời một mình trong căn phòng nhỏ chật chội nhiều sách vở. Bên ngoài cửa sổ nhỏ là vòm cây sáng óng ánh bởi nắng đã ngả sang chiều. Mùa hè nước Pháp chưa bao giờ đẹp đến thế".
Trở về vinh quang là hệ quả tất yếu của hành trình tự do. Ngay trang đầu chương 1, sự kiện Nguyễn Ái Quốc trở về Đất Mẹ - Tổ quốc Việt Nam được tác giả viết chữ nghiêng (chủ đích), rất khác với những gì xảy ra trong chuyến ra đi lịch sử (5/6/1911) tại Bến cảng Nhà Rồng, Sài Gòn. Tiếp sau là phép đồng hiện, để đến những trang cuối của chương cuối (chương 9), đúng ngày 28/1/1941 (nhằm vào trưa mùng 2 Tết Tân Tỵ, 1941), Người đã đặt chân trên mảnh đất mà đằng đẵng ba mươi năm trời luôn như một "dĩ vãng phía trước": "Vậy là, sau ba mươi năm dài đằng đẵng từ Đông sang Tây lại từ Tây về Đông, cuối cùng Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Ái Quốc, Tống Văn Sơ, Thầu Chín, Lý Thụy, ông Vương, Hồ Quang... .đã được đặt chân trở về với mảnh đất mà ông luôn đau đáu khắc khoải trong lòng. Mảnh đất mà khi ông rời đi đã để lại phía sau bao nhiêu mong chờ, lo lắng, hy vọng. Trái tim ông bất chợt buốt nhói khi nghĩ đến cha. Hẳn là ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong những giờ phút cuối cùng đã nghĩ đến người con trai này rất nhiều và đã ước ao biết mấy được nhìn thấy. Ông nhớ đến câu quở trách của cha: "Nước mất không lo đi tìm, tìm cha phỏng có ích gì?". Cuối cùng thì ông cũng đã trở về. Trở về để cùng hàng triệu đồng bào tìm lại nền độc lập cho đất nước này. Con đường cách mạng phía trước còn rất dài và rất nhiều chông gai, ghềnh thác, nhưng nhất định ông sẽ cùng với đồng chí, đồng bào mình đi tới đích - Nguyễn Ái Quốc tự nhủ khi đặt tay lên cây cột mốc bằng đá trong ngày mùa xuân lạnh giá. Trời lạnh nhưng trong lòng ông như có một ngọn lửa vừa được thắp lên".
Ba mươi năm lênh đênh bốn biển (1911-1941), bốn năm chuẩn bị thế và lực (1941-1945) cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 thành công, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bằng Bản "Tuyên ngôn Độc lập" bất hủ đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2/9/1945. Có đủ tiền đề lịch sử và văn học để chúng ta kỳ vọng "thiên" thứ ba trong bộ ba tiểu thuyết "Nước non vạn dặm", nhân vật trung tâm chói sáng - Lãnh tụ Hồ Chí Minh: "Người là Cha, là Bác, là Anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ/ Người ngồi đó, với cây chì đỏ/ Vạch đường đi từng bước, từng giờ" (Tố Hữu - "Sáng tháng năm", 1951).