Nghệ thuật đưa địa danh vào thơ
Trong thứ thơ trữ tình hướng nội, tức là loại thơ chủ yếu đào sâu vào thế giới tâm hồn của cái tôi trữ tình của tác giả, như trong nền Thơ Mới trước 1945, tất cả khái niệm thời gian và không gian đều rất trừu tượng, chung chung. Ta sẽ rất khó tìm ra một địa danh nào cụ thể trong thơ Xuân Diệu và Huy Cận vào thời kỳ ấy chẳng hạn.
Nhưng ngược lại, từ sau Cách mạng Tháng Tám và suốt hai cuộc kháng chiến, có thể nói, một dòng thác tên đất, tên làng, tên sông, tên núi... đã mặc nhiên ùa vào trong thơ và chiếm lĩnh một vị trí độc đáo, góp phần làm nên diện mạo của thơ ca kháng chiến và cách mạng.
Lý do của hiện tượng này thực đơn giản: cách mạng và chiến tranh là những chuyển động xã hội dữ dội và quyết liệt đủ sức kéo bật con người ra khỏi cuộc sống riêng tư để hòa vào trong nhịp sống của thời cuộc và thời đại. Cả dân tộc, trong đó có các nhà thơ, phải làm một cuộc lên đường triền miên suốt ba mươi năm, bàn chân ướm suốt rộng dài đất nước, đâu dừng lại đấy là quê, xa xôi thành thân thuộc, người dưng hóa bạn bè, những gặp gỡ và chia ly, những nhớ mong và chờ đợi..., tất cả đều trở thành máu thịt và tâm hồn, nói như Chế Lan Viên:
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn.
Những địa danh tràn vào trong thơ chính là dấu ấn của những cuộc dịch chuyển triền miên ấy, và ở đây, tên đất đâu chỉ còn là tên đất, chúng đã mang nặng hồn người. Lần trước, khi bàn về bài thơ "Tây tiến" của Quang Dũng, tôi đã có dịp nói đến cái tài của nhà thơ trong việc dùng địa danh để tạo không khí, với những tên đất đầy ấn tượng: Sài Khao, Pha Luông, Mường Lát, Mường Hịch, Mai Châu, Sầm Nứa, Viên Chăn...
Thật khó hình dung "Tây tiến" sẽ ra sao nếu bỏ đi những tên đất rất đặc thù ấy. Nhà thơ hàng đầu của Cách mạng là Tố Hữu cũng đồng thời là người sử dụng nhiều nhất và thành công nhất việc đưa địa danh vào thơ. Có thể nói, cảm hứng về đất nước là cảm hứng xuyên suốt của thơ Tố Hữu trong hai cuộc kháng chiến, từ "Việt Bắc" đến "Nước non ngàn dặm". Và để biểu đạt cảm hứng đó, nhà thơ đã mượn những tên đất để gửi hồn mình và khiến bạn đọc xúc động vì cái cách mà nhà thơ đã gọi tên chúng lên với biết bao âu yếm.
Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế
Gió qua rừng Đèo Khế gió sang...
Có phải ở đây, cái "gió" và "rét" vốn từ đẩu từ đâu kéo về bỗng trở nên cụ thể đến mức như nhìn thấy được, sờ thấy được ấy đã làm ớn lạnh đến cả những người đọc, người nghe chúng ta. Cảm giác ấy rõ ràng đến nỗi, nó khiến cho một người như nhà thơ Tế Hanh, bấy giờ đang sống ở một vùng phía Nam vốn chẳng biết rét là gì, phải thốt lên:
Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế
Đọc câu thơ đồng chí tưởng thơ mình!
Người ta hay suy luận về tài chơi tên đất mà lại mang màu sắc của Tố Hữu trong hai câu:
Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam
Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng
Hai câu thơ mà có đến năm màu! Nhưng ấn tượng nhất về nghệ thuật dùng địa danh của nhà thơ này chính là trong bài thơ dài hoành tráng "Ta đi tới". Để cực tả niềm vui chiến thắng, toàn đất nước từ nay đã thuộc về ta (dù Miền Nam lúc ấy còn tạm thời trong tay đối phương), Tố Hữu đã làm một cuộc điểm danh vĩ đại những miền đất suốt dọc tấm bản đồ Việt Nam từ "Mục Nam Quan cho đến mũi Cà Mâu". Dường như hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước đều có mặt!
Từ sau "Bình Ngô đại cáo", dễ chưa bao giờ từng mảnh đất của Tổ quốc lại được gọi tên một cách hào sảng và yêu thương đến thế! Chưa bao giờ cái việc khá "kỳ cục" và đơn giản là liệt kê ra vô số các địa danh nọ tiếp địa danh kia như vậy mà không gây nhàm chán, mà lại xúc động lòng người và làm nên hồn vía của cả một bản hùng ca. Những ai đã có mặt trong những ngày tháng gian lao và hiểm nghèo của cách mạng và chiến tranh, được chứng kiến giờ khắc thắng lợi huy hoàng của đất nước mới cảm nhận hết được ấn tượng xúc động và tự hào khi những địa danh đất nước được gọi lên một cách giản dị và thiết tha như thế trong "Ta đi tới".
Ở đây, tôi không muốn nói đến những địa danh đặc biệt - những địa danh trùng tên với những chiến công, những kỳ tích, hoặc những tên núi tên sông vốn từ lâu đã có chỗ trong lòng người. Không, chỉ là những tên đất bình thường, giản dị, nhiều lúc nôm na, nhưng khi đã thấm một chút hồn người, đã lưu dấu kỷ niệm của con người trên chặng đường sống và chiến đấu thì đều có thể trở thành thơ, thành nhạc, nếu duyên may con người ấy lại là nghệ sĩ! Đó là câu thơ đóng dấu một thời đất nước chia cắt của Tế Hanh:
Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị
Tận chân trời mây núi có chia đâu?
Là khí chất của những cô gái Hà Tĩnh thời chiến tranh chống Mỹ trong thơ Phạm Tiến Duật:
Em ở Thạch Kim sao lại lừa anh nói là Thạch Nhọn?
Là những chặng hành quân đến đâu cũng để lại nhớ thương của chàng thi sĩ trẻ đa tình Lưu Quang Vũ:
Sao tên sông lại là Thương
Để cho lòng anh nhớ?
Còn nhà thơ già Khương Hữu Dụng một bận nghe mưa rơi trên những tán lá kè ở xứ Nông Cống tỉnh Thanh Hóa thì bỗng nhiên nhớ tới... cả ba miền:
Một trận mưa thêm vàng
Một rừng kè rất cọ
Nông Cống chiều nay
Sao mà Phú Thọ
Sao mà Tam Quan...
Với những câu thơ như thế, chúng ta không hiểu ở đây đất đã thổi hồn vào cho thơ hay chính là thơ gửi hồn cho đất. Chỉ biết, đất mang đến cho con người buồn vui, thương nhớ nên đất trở thành thơ, và đến lượt mình, thơ lại góp phần biến đất thành bất tử.