Khi nhà báo làm thơ tặng vợ

Thứ Sáu, 25/10/2019, 08:16
Thơ viết về vợ, cổ kim cũng nhiều, bởi  "Xưa nay vợ hơn trời". Người vợ, rồi người mẹ, rồi các con chính là gia đình, nơi được coi là bến đỗ, dù đi đâu, về đâu cuối cùng cũng tìm về. Là cứu cánh của cuộc đời mỗi con người. Cũng như thơ, thơ là cứu cánh của tầm hồn con người, nhất những người đa sầu, đa cảm...

Hôm vừa rồi, bạn tôi, một nhà báo đã nghỉ hưu lên thăm tôi ở nhà vườn. Thấy tôi đang đọc tập thơ "Sương khói" (Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2019) của nhà báo Sáu Nghệ (Phạm Duy Tương), anh cầm lấy, dở mấy trang, đọc qua rồi bảo tôi: "Này, ông Dương Kỳ Anh,  xem này, trang đầu tập thơ ghi: "Tặng vợ Nguyễn Thị Hải"; hai trang cuối in hai cái ảnh, ảnh vợ đang ngồi trên bậc cửa đợi chồng (chắc là đang đi nhậu), trang cuối in ảnh  Sáu Nghệ tác giả tập thơ đang che ô cho vợ... Tay này nịnh vợ giỏi!".

Rồi anh bạn tôi đọc to hai câu thơ in trong tập "Sương khói" của Sáu Nghệ:

Điều duy nhất riêng tôi không đổi
Đó là vợ của tôi...

Thực ra, tập thơ " Sương khói" của nhà báo Sáu Nghệ là tập thơ thứ 2 của tác giả, sau tập "Gió chuyển mùa" thể hiện tâm trạng của một nhà báo làm thơ, là những cảm nhận về cuộc đời, về con người, về nhân tình thế thái... Tất nhiên trong đó có những bài thơ viết về vợ, về những gì thân thương nhất của cuộc sống hàng ngày...

Tôi quen biết Sáu Nghệ đã nhiều năm. Sáu Nghệ sinh ra và lớn lên ở Đậu Liêu, nơi "Trâu cười, người khóc", nay thuộc thị xã Hồng Lĩnh - Hà Tĩnh. Với tính cách thẳng thắn, bộc trực của chàng trai xứ Nghệ, lại nhiều năm sống ở vùng đất miền Tây Nam Bộ, nên khá ngang tàng.

Trong văn chương (tập truyện ngắn "Lặng lẽ bên tôi", Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2018); trong hồi ký - phóng sự ("Đồng bằng bồi lở", Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2019); cũng như trong khá nhiều bài báo Sáu Nghệ đều thể hiện, bày tỏ những chứng kiến thẳng thắn của mình.

Ở tập thơ đầu của Sáu Nghệ,  "Gió chyển mùa", tôi đã đọc, định viết một cái gì đó nhưng không hiểu sao tôi không viết nổi, có lẽ vì chất báo chí trong tập thơ đó chăng? Mà tôi luôn quan niệm rằng, thơ là thơ, báo là báo, không chỉ trong cách thể hiện mà cả trong tư duy cũng khác nhau.

Đến tập "Gió chuyển mùa", tôi thấy thích, thấy chất thơ thấm đẫm hơn,  thấy được cái chân thực của một người thơ thực sự: "Về già thấy trời đất trẻ ra/ Cuộc sống non tơ mơn mởn vô ngần/ Mây khói phương xa không còn vướng bận/ Hạnh phúc lon ton theo trẻ ở hiên nhà ..." (Về già).

Cái mà Sáu Nghệ gọi là "Sương khói" trong tập thơ này thực ra là cái lẽ đời được mất, hư vô... Chứ không phải chất lãng mạn mơ màng như nhiều người làm thơ vướng bận. Ngay cả "Sương khói tình yêu" (tên một bài thơ trong tập) cũng rõ ràng, được tác giả lý giải khá cụ thể, nhưng nó giàu chất thơ: "Sương khói trên đường như mây trên trời/ Hư vô mà vĩnh viễn/ Như anh nắm tay em khoảng khắc rồi tan biến/ Giữa vũ trụ mênh mông, nhân loại vô thường.../ Sương khói không lý giải con đường/ Con đường không lý giải sương khói ...".

Nhiều bài thơ trong "Sương khói" nhà báo Sáu Nghệ thường đưa ra những triết lý của mình như là minh chứng cho cách nhìn nhận cuộc đời sau nhiều năm lăn lộn trong nghề báo, mắt thấy tai nghe biết bao điều đầy nghịch lý: "Muốn chui ghế leo cao, cũng muốn ngửng cao đầu/ Muốn lối cũ vĩnh viễn, cũng muốn đổi thay bay bổng địa cầu/ Muốn tất cả vì mình, cũng muốn tiếng thơm vì dân, vì nước/ Muốn dạy người, cũng muốn người cung phụng bao ao ước/ Muốn sống muôn năm, cũng muốn chết có tượng đài ..." (Bi kịch muốn).

Cũng là một cách thể hiện. Nhưng, tôi thích những câu thơ như thế này hơn, nó thực sự là thơ: "....Muôn năm một lối mòn/ Bờ sông quê cỏ dại/ Tôi lớn lên, trẻ lại/ Trên lối mòn sông quê" (Lối mòn sông quê)

Thơ viết về vợ, cổ kim cũng nhiều, bởi  "Xưa nay vợ hơn trời". Người vợ, rồi người mẹ, rồi các con chính là gia đình, nơi được coi là bến đỗ, dù đi đâu, về đâu cuối cùng cũng tìm về. Là cứu cánh của cuộc đời mỗi con người. Cũng như thơ, thơ là cứu cánh của tầm hồn con người, nhất những người đa sầu, đa cảm.

Sáu Nghệ tâm sự với tôi rằng, để chăm sóc nuôi dạy ba đứa con khôn lớn, người vợ hiền của Sáu Nghệ (vốn quê Đông Anh - Hà Nội) đã xin nghỉ việc, tần tảo lo toan từ đồng tiền, bát gạo... nuôi các con khôn lớn trưởng thành, để cho nhà báo Sáu Nghệ rảnh rang lo viết báo và nhiều năm làm Trưởng ban đại diện Báo Tiền phong ở miền Tây Nam Bộ.

Có được người vợ hiền, đảm đang tháo vát, yêu chồng thương con là có được sự bình yên trong gia đình, trong cuộc sống mỗi con người: Chính Sáu Nghệ đã viết trong bài thơ "Qua ô cửa tinh khôi": "Sửa nhà xong nên ô cửa tinh khôi/ Nhìn ra thấy không gian thật mới.../ ...Nắng mịn màng đầy ắp gần xa/ Cuộc sống không bờ tràn tươi mơn mởn/ Trời cao thơm đầy niềm ước muốn/ Thời gian vỗ nhịp bình yên" (Qua ô cửa tinh khôi).

Không biết trong đời sống hàng ngày, nhà báo Sáu Nghệ sau những lần say xỉn có cưng chiều vợ không, nhưng trong thơ: "Sinh ra anh để che ô cho em/ Cho gia đình.../ Phụ nữ được nâng niu/ Gia đình được êm ấm". Hơn thế nữa, còn là một triết lý: "Nếu có nơi nào đàn ông không biết che ô cho phụ nữ/ Mà quái gở: phụ nữ che ô cho đàn ông/ Thì những giá trị vĩnh hằng hóa hư không/ Đạo lý cuộc sống thành món hàng xa xỉ.../ Gia đình nháo nhác, bất an.." (Che ô cho em). Hẳn có người cho rằng chỉ mỗi việc che ô cho vợ mà Sáu Nghệ cũng suy ra lắm chuyện!

Thực ra, che ô chỉ là cái cớ để tác giả tập thơ "Sương khói" nói đến một điều sâu xa hơn: Với phái đẹp, một nửa nhân loại,  chúng ta phải biết trân trọng, bảo vệ, yêu mến, nâng niu...

Thơ tặng vợ cũng vì thế mà được viết ra chăng?

Nhà vườn Sóc Sơn, 2019 
Dương Kỳ Anh
.
.