Nào ai xuôi vạn lý

Thứ Sáu, 23/02/2024, 14:55

Đường phố Lê Duẩn ở Hà Nội (dài 2.194m, rộng 12-15m), nối từ ngã ba Điện Biên Phủ tới ngã tư Đại Cồ Việt, Xã Đàn. Trục đường này giao cắt tới 17 con phố thuộc các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng. Đặc biệt, phố còn là điểm nhấn tại Cửa Nam (Hoàng thành) và đã từng có tên Hàng Lọng (Hàng Tàn) nằm trong cụm di tích ngàn năm kẻ chợ Thăng Long.

Xưa có câu: "Ngã tư Cấm Chỉ đứng trông/ Qua Hàng Thợ Nhuộm thẳng giong Hàng Tàn" (Hà Nội băm sáu phố phường).

Hàng Lọng - Cái Quan cửa thành

Từ thời Lê Trung Hưng (1533-1788) đã xuất hiện những cửa hàng bán lọng, ô, tàn và mũ kiệu trên phố. Những người thợ từ làng Quất Động (Thường Tín) lên làm nghề dựng lọng, tàn gỗ hoặc tre bán cho các quan lại về cửa Nam thành để chầu vua. Thời đó trong cung có đưa ra tiêu chuẩn tùy chức quan được che mấy lọng và được thiết kế trang trí ra sao (ví dụ Tổng đốc Hà Nội được che 4 chiếc lọng). Phố Hàng Lọng hình thành (từ đầu phố Khâm Thiên tới ngã tư Cửa Nam) để đón lõng các vị quan dừng chân sửa chữa hay mua lọng mới trước khi vào kinh.

Đi cùng với nghề làm lọng, tàn, ô trên phố còn xuất hiện nghề thêu ren kèm theo. Thợ thêu cũng luôn nhiều việc vì phải trang trí trên vải hoặc giấy bồi quét sơn lợp dù lọng. Phải nói đây là phố làm đẹp cho các quan vào thiết triều. Dân gian xưa mỉa mai rằng: "Làm nên quan thấp, quan cao/ Làm nên lọng tía, võng đào nghênh ngang". 

2-cửa hàng bán lọng (trước năm 1911)..jpg -0
Cửa hàng bán lọng (trước năm 1911).

Sau này tới triều đại Tây Sơn và nhà Nguyễn đã rời kinh thành vào Huế thì phố Hàng Lọng chỉ tồn tại được chừng hơn 200 năm. Nghề làm hàng lọng, tàn được chuyển vào thành Huế tiếp tục phát triển cho tới sau này. Khi thực dân Pháp tới, phố Hàng Lọng được đặt tên là "Đường Cái Quan".

Tới năm 1947, sau tái chiếm Hà Nội, thực dân Pháp còn đổi thành đường "Rue De Lattre de Tassigny" (tên một tướng chỉ huy Pháp). Tới ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), nhà nước ta đặt tên là đường Nam Bộ. Rồi năm 1988, đường Nam Bộ nối với phố Kim Liên (từ ngã tư Khâm Thiên tới ngã tư đê Lê Đại Hành) được đặt tên Lê Duẩn cho tới ngày nay.

Theo nhà thơ Văn Thao (ở số 102 Lê Duẩn) cho biết, ngôi nhà số 5 trên phố xưa là nhà in Taupin của Pháp. Cách mạng tháng Tám thành công (1945), chính phủ ta mở xưởng in tiền đầu tiên tại đây. Khi hòa bình lập lại (1954), nhà nước cho mở cửa hàng "Bách hóa số 5 Nam Bộ". Tới năm 2019, cửa hàng được chuyển nhượng cho Tập đoàn Vàng bạc, đá quý (hiện là siêu thị Hapro Mart nằm trong tòa tháp DoJi -16 tầng).

Nhà thơ Văn Thao còn kể, gần nhà ông có chùa Tiên Tích (số nhà 111 Lê Duẩn). Đây là di sản văn hóa đậm dấu ấn Thăng Long huyền thoại được dựng từ triều Lê Trung Hưng. Chuyện xưa rằng, khi nhà vua tình cờ bắt gặp một tiên nữ bên hồ Kiêm Âu (gần Văn Miếu). Vua ngỡ ngàng theo chân tới đây thì nàng tiên biến mất. Ngài bèn cho dựng chùa Tiên Tích (dấu tích nàng tiên) để lấy chốn thiền tự. Năm 1785 chùa bị cháy và được dân làng Nam Ngư (giữa phố Hàng Lọng cũ) xây lại. Sau này chùa trùng tu khang trang như hiện nay vào năm 1906. Hiện trong chùa còn bảo vật chuông do dân thôn Nam Ngư cung tiến vào thời Minh Mạng thứ 14 (1835).

Phố Hàng Lọng xưa có ngôi đền thờ tổ nghề làm lọng, tàn và thêu nhưng hiện không còn dấu tích vàng son một thuở. Theo thời gian, dân kẻ chợ Thăng Long buôn bán nhiều mặt hàng mới trên phố. Hiện hai bên đường phố mọc lên những khách sạn cùng các cửa hàng buôn bán, sửa chữa máy khâu và điện thoại. Gia đình nhà thơ Văn Thao cũng từng mở phòng bắt mạch kê đơn thuốc nam.

Ông còn cho hay, ngôi nhà nhỏ bé của mình luôn là nơi hội ngộ văn nghệ sĩ khắp nơi mỗi khi về Thủ đô. Phải chăng dấu tích Hàng Lọng xưa vẫn còn đó đọng lại trong thơ ông: "Rối vua/ Rối quan/ Rối giả đoan trang/ Rối làm hành khất/ Con rối đất/ Phẩm tô lòe loẹt/ Ai là người đã nặn ra mi?" ("Rối đất" - Văn Thao).

Phố neo hồn chiến sĩ

Có thể coi ngã ba Lê Duẩn và Điện Biên Phủ là dấu mốc cây số 0km xuất phát từ Thủ đô Hà Nội đi tới mũi Cà Mau. Sau này ga Hà Nội (Hàng Cỏ xưa) được xây dựng chiếm toàn bộ diện tích giữa phố càng làm cho đường Lê Duẩn trở nên trục giao thông quan trọng bậc nhất của Hà Nội. Nhiều ngành nghề buôn bán phát triển sầm uất mở mang hai bên dẫy phố.

Nếu bên đường nhà số lẻ có hàng chục cửa hàng buôn bán kính mắt, thì bên đường hè đối diện cũng có hàng chục cửa hàng bán quần áo, giầy mũ lính đua chen chạy dài tới ngã tư Khâm Thiên - Nguyễn Thượng Hiền. Khu trung tâm ga Hà Nội được coi là huyết mạch giao thông đường sắt đi về phía hai miền Nam - Bắc. Đồng thời nơi đây còn lưu dấu bao ký ức của thành phố trăm năm cùng những biến động của cuộc sống.

3-ga hà nội trên đường lê duẩn.jpg -1
Ga Hà Nội trên đường Lê Duẩn.

Nhạc sĩ Doãn Mẫn ở ngõ Chân Hưng xưa trên phố Lê Duẩn (gần ga) đã sáng tác ca khúc "Biệt ly" tại đây. Bài hát được viết từ năm 1937 đầy ẩn ức qua những cuộc chia tay đẫm nước mắt mà nhạc sĩ chứng kiến nơi sân ga. Giai điệu trầm buồn xót xa với lời ca thương cảm: "Biệt ly sóng trên dòng sông/ Ôi còi tàu như xé đôi lòng/ Và mây trôi nước trôi/ Ngày tháng trôi cùng lướt trôi/ Mấy phút bên nhau rồi thôi/ Đến khi bóng em mờ khuất/ Người về u buồn khắp trời/ Người ra đi với ngàn nhớ thương".

Quảng trường sân ga khá lớn khi nối với đầu phố Trần Hưng Đạo cũng là nơi tiễn những đoàn quân đi về mặt trận phía Nam một thuở. Vẫn còn đó ký ức của 25 ngày đêm chiến sĩ vệ quốc quân Thủ đô đánh chặn giặc Pháp tấn công vào ga (từ 19/12/1946 tới 15/1/1947). Sau chín năm kháng chiến thành công, quân và dân Hà Nội đã trở về giải phóng Thủ đô. Những tên lính Pháp cuối cùng đã bỏ ga tháo chạy. Sáng ngày 9/10/1954, công nhân hỏa xa đã chuẩn bị chuyến tầu đầu tiên xuống ga Văn Điển đón bộ đội, cán bộ và nhân dân vào nội thành ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954).

Từ đó ga Hà Nội được ghi dấu bao nỗi niềm và khao khát của tuổi trẻ lên đường tiếp tục cuộc chiến đầu giải phóng miền nam. Những cuộc chia ly giờ đây không còn những giọt nước mắt buồn mà luôn tươi sáng nụ cười và lời hẹn trở về. Đó là những hình ảnh thật khó quên: "Sân ga Hàng Cỏ/ Tuổi mười tám trong hàng quân/ Năm khởi chiến/ Thề ra đi/ Không trở về khi giặc chưa yên!/ Cô gái Hà Nội trong đám đông đưa tiễn/ Gửi chàng trai một bó hoa/ Và một nụ hôn" ("Em ơi! Hà Nội phố" - Phan Vũ).

Sự lạc quan của người dân Thủ đô còn được nhà thơ tôn vinh giữa cuộc chiến phòng không khi giặc Mỹ tới ném bom sập sảnh chính ga Hàng Cỏ (tháng 12/1972). Vậy mà khi ấy những đoàn tàu vẫn hối hả đưa chiến sĩ lên đường chiến đấu. Biết bao ký ức sân ga trào dâng trong tâm cảm thi sĩ: "Đoàn tàu chở đoàn quân về phía Nam/ Vào trận đánh/ Chở theo dãy phố/ Chở những con đường/ Chở nguyên Hà Nội nhớ" (Phan Vũ). Đường về phía nam được coi là khát vọng ngày nào trong cuộc chiến giải phóng miền Nam. Những chàng trai lên đường với khúc tang bồng tráng sĩ: "Nào ai xuôi vạn lý/ Phương trời Nam mây bay/ Phố neo hồn chiến sĩ/ Đường về không hẹn ngày" ("Phía trước"- Lục Hoàng).

Cuối phố - đầu ô

Ít người hình dung được ở giữa ngã tư cuối phố Lê Duẩn với Lê Đại Hành và Xã Đàn đã từng có cửa Ô Đồng Lầm (hay Ô Kim Hoa). Đây là cửa ô phía nam của tường thành đất bao quanh kinh thành Thăng Long xưa (nối đê Kim Liên sang đê Lê Đại Hành rồi chạy ra sông Hồng). Ô Đồng Lầm có kiến trúc giống như Ô Quan Chưởng hiện nay ở đầu sông Tô Lịch. Đồng thời gần Ô Đồng Lầm còn có đền Kim Liên (Kim Hoa) thờ thần trấn giữ huyết mạch phía Nam của kinh thành Thăng Long (nằm trong hệ thống Thăng Long tứ trấn từ thời nhà Lý). Phía sau cửa Ô là hai hồ rộng lớn (Bảy mẫu và ba mẫu) thuộc làng Kim Liên cổ kính (nay là phường Phương Liên).

Cuối đường Lê Duẩn trở thành huyết mạch giao thông trục đường quốc lộ số 1. Ngã tư phố như bông hoa mở cánh khổng lồ cho một cửa ô ngày nào đi về phương Nam xa xôi. Đoàn tàu chạy dọc phố luôn hú còi chào tạm biệt trước khi lên đường. Đó là những chuyến tàu mùa xuân "Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay. Ngày hôm nay thênh thang con đường lớn, tàu anh đi trong yêu thương chào đón" ("Tàu anh qua núi" - Phan Lạc Hoa).

Vương Tâm
.
.