“Mùa biến thái” - Tái hiện cuộc chiến chống dịch

Thứ Sáu, 17/03/2023, 22:34

Nguyễn Quang Hưng là một người viết nhiều. Anh không ngại va chạm đến những vấn đề, khía cạnh hỗn tạp, gai góc của đời sống. Vì thế, ở tuổi ngoài 40, anh sở hữu một “gia tài văn chương” mà nhiều người viết ao ước. Hơn chục đầu sách với thơ và tản văn được đánh giá cao, Nguyễn Quang Hưng đã khẳng định được tiếng nói của mình trên văn đàn. Tập thơ “Mùa biến thái” ra mắt trong năm 2022 là tiếng lòng của nhà thơ trước những biến động của thời cuộc.

“Mùa biến thái” gồm có bốn phần: Luận tội virus, Đất đai tai biến, Mình ở đâu, Chờ thiên điểu. Xuyên suốt tập thơ là những bất an, hoài nghi, nỗi lo âu, trăn trở cùng những cảm xúc lắng đọng của thi nhân. Ở phần “Luận tội virus”, độc giả không tránh khỏi cảm giác ám ảnh, hoang mang khi bắt gặp những câu thơ đầy thế sự, đề cập đến vấn đề nóng bỏng của nhân loại.

Đó là đại dịch COVID-19 - kẻ thù vô hình nhưng đầy nguy hiểm và tàn khốc khi đe dọa và làm đảo lộn cuộc sống của con người: “Trước cơn điên mới của virus/ Chưa thể biết thời khắc bất thần bị đánh úp/ Không biết đã bị cầu gai xuyên vào người khi nào/ Kẻ thù trong mặt người/ Đã gần ta như niềm an ủi” (Trước cơn điên mới của virus). Tác giả sử dụng các từ “cơn điên”, “bị đánh úp”, “cầu gai” như thể hiện sự bông đùa, giễu cợt, nhưng nó càng làm tăng thêm tính thời sự cho đoạn thơ và cho thấy mức độ nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19.

“Mùa biến thái” - Tái hiện cuộc chiến chống dịch -0
Bìa cuốn “Mùa biến thái” của Nguyễn Quang Hưng.

Với trách nhiệm của một nhà thơ trước thời cuộc, Nguyễn Quang Hưng không quên tái hiện khoảng thời gian mà toàn dân phải gồng mình chống chọi với dịch bệnh. Lúc đó, mỗi người đi đến đâu, tiếp xúc với ai đều phải nhớ rõ ràng, chi tiết để khai báo đề phòng khi vô tình bị lây nhiễm: “Phải nhớ hết để sẵn sàng khai báo/ Khi bất thần hẫng đi biết mình không an toàn/ Phản xạ mới thời mắc bệnh/ Trong khoảnh khắc nhoáng nhoàng những mặt”/ Tôi lây ai ai đã nhiễm/ Tôi bắt đầu từ đâu bây giờ/ Ngập trong tai tiếng quanh mình đang gãy vỡ” (Lịch sử tiếp xúc).

Bằng trải nghiệm chân thực và tinh tế, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng đã linh hoạt trong cách sử dụng ngôn từ. Vì thế, giọng thơ của anh lúc thì tỉnh táo, trào lộng; khi lại đầy nỗi hoài nghi, sợ hãi; lúc lại sâu xa, buồn thương... Tuy nhiên, giọng thơ hoài nghi, bất an bao trùm cả tập thơ. Chính giọng điệu này làm nổi bật tâm trạng của con người trước thời đại. Cái thời đại mà mỗi người là một “mãnh vỡ”. Chỉ vì virus vô hình mà họ trở nên ngờ vực nhau, dần xa cách nhau: “Có khi nào đến nỗi ít muốn gặp ai như bây giờ/ Tự mình trổ tua tủa những phòng vệ/ Trông lại giống kẻ mà mình phòng vệ/ Loài nhão nhớt đổi mặt/ Nó trốn mình hay mình đang chạy nó (Đối mặt đuổi bắt).

Ở phần “Đất đai tai biến”, Nguyễn Quang Hưng tiếp tục cho người đọc nhớ lại những giây phút mà chúng ta phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, của dịch bệnh. “Cứ như đột nhiên núi sạt xuống/ Không thấy nhà thấy người đâu nữa/ Như cả con dốc bùn kéo đi ầm ầm/ Lời kêu cứu lời phát biểu lời an ủi lời thề không giữ lại được” (Mùa đột biến); “Tìm người tiếp xúc liên quan/ Dấu người tìm giữa vạn ngàn đảo điên/ Cuồng quay tứ phía tràn lên/ Những luồng sắc nhọn phủ trên thiện lành” (Mùa biến thái). Ngay nhan đề các bài thơ “Mùa biến dị”, “Mùa biến thái”, “Mùa đột biến”, “Mùa biến” đã gợi một sự ám ảnh về những điều bất trắc, dị thường. Đó là mùa gieo vào lòng người nỗi bất an, sợ hãi. Bởi ngoài đối mặt với thiên tai, dịch bệnh, nhiều người còn phải vật vã với cuộc mưu sinh đầy gian khổ. Khung cảnh người từ phía Nam về quê tránh dịch được Nguyễn Quang Hưng tái hiện thật chân thực và đậm nét. “Ngã lăn long lóc bão bùng/ Người xe dắt díu về trong kinh hoàng” (Về trong bão người).

Những bài thơ ở phần ba “Mình ở đâu” nhiều bài viết về đội ngũ y bác sĩ, bộ đội ngày đêm không quản ngại hiểm nguy, nhọc nhằn để cứu chữa bệnh nhân, để đem lại cuộc sống yên bình cho nhân dân: “Ngủ đi thầy thuốc trông tôi/ Mắt sâu quầng mắt là lời trắng đêm/ Bàn tay đỡ tay tôi lên/ Run run ngón mỏi nhấn trên mạch trầm” (Người hồi sức); “Cùng trong biến loạn quanh co/ Thắm màu bộ đội để cho yên bình” (Lính xanh). Sự hy sinh của những người thầy thuốc, của những người lính thật cao cả và đáng trân trọng. Họ góp phần không nhỏ cho đất nước “nở hoa”, cho Tổ quốc vang lên bài ca chiến thắng.

“Mùa biến thái” thể hiện ý thức trách nhiệm của nhà thơ Nguyễn Quang Hưng trước thời cuộc. Đọc xong tập thơ, chúng ta thêm nhớ những tháng ngày mà cả dân tộc chung sức đồng lòng tiêu diệt giặc COVID-19, và trân trọng hơn những phút giây bình yên ở thực tại. Với những câu thơ tự do, xen lẫn thể thơ lục bát, câu từ không hoa mỹ, khó hiểu nên tập thơ “Mùa biến thái” là món ăn tinh thần phù hợp với nhiều đối tượng người đọc.

Lê Hương
.
.