Một thuở trời xanh Ô Lý

Thứ Bảy, 27/01/2024, 16:08

Tôi bị dòng sông Thạch Hãn cùng xứ sở Chăm xưa nơi níu kéo từ khi mới chợt dừng chân. Quảng Trị cùng dòng sông đẫm lệ công chúa Huyền Trân một thuở khi bước xuống thuyền về với Chế Mân (1306) đổi lấy hai vùng Ô Châu, Ô Lý để mở mang bờ cõi cho đất Việt. Châu Ô Lý chính là mảnh đất Quảng Trị và Thừa Thiên Huế ngày nay. Phải chăng sự ám ảnh Chăm khởi nguồn từ đây, quê hương Chế Lan Viên mà tuổi thơ ông từng tắm gội trên dòng sông thi ca Thạch Hãn.

Hồi tưởng bi tráng

Tôi đã về với bạn bè ở Quảng Trị trong bao lần hối hả buồn vui. Có ngày tôi say rượu cứ đi xe vòng quanh thị xã Quảng Trị mà không biết đường ra. Thứ rượu của làng Kim Long cất bằng nước sông Thạch Hãn cõng hồn người đi trên những hàng cây như mộng du.

Chợt nhớ có lần đang lang thang bên chợ Thị xã Quảng Trị, tôi bỗng nghe thấy từ cửa hàng vang lên lời ca: "Một sớm đã về dừng chân phố thị/ Mẹ ôm trái bí mắt còn ngẩn ngơ/ Đường vắng bên lề một thân rất nhỏ/ Mẹ mang trái bí đi về chợ xa" (''Bà mẹ Ô Lý'' - Trịnh Công Sơn). Những giai điệu ra đời sau cuộc gặp gỡ tình cờ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với một người mẹ Ô Lý. Ngày ấy bà chạy loạn ra Huế vì cuộc chiến khốc liệt tại thị xã Quảng Trị (1972). Cùng những thông tin về cuộc chiến đấu kiên cường của quân và dân ta đã làm nhạc sĩ xúc động và thấy cần chia sẻ. Hình ảnh người mẹ Quảng Trị trong bài hát như găm vào trí nhớ tôi từ ngày đó. 

Một thuở trời xanh Ô Lý -0
Lễ tưởng niệm các chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị.

Lần này trở lại thị xã Quảng Trị với bao kỷ niệm thân hữu bạn bè cùng nỗi xao xuyến khôn nguôi bên dòng sông Thạch Hãn. Ngắm dòng sông cuộn sóng đam mê vào mùa mưa tôi ngỡ ngàng vì những hình ảnh: "Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi đôi mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm" (chiến sĩ Lê Bá Dương).

Thạch Hãn còn là dòng sông lịch sử gắn liền với cuộc chiến đấu 81 ngày đêm của quân dân ta chống cuộc tái chiếm Thành cổ Quảng Trị của đế quốc Mỹ, từ (28/6/1972) tới (16/9/1972). Biết bao chiến sĩ đã hy sinh dưới dòng sông Thạch Hãn. Lời vọng hồn những chiến sĩ vô danh vẫn dư âm tới ngày nay: "Khi người lính lặng im tan vào đất/ Là cuộc đời chảy mãi những dòng sông/ Ôi dòng sông mang phù sa người lính/ Tưới mát bãi bồi, xanh mướt nương dâu" ("Dòng sông hoa đỏ" - thơ Nguyễn Hữu Quý).

Hình ảnh "phù sa người lính" tạo dấu ấn lịch sử trĩu nặng của miền đất Ô Lý cổ kính này. Thị xã Quảng Trị giờ đây luôn được vun đắp xanh tươi chính là lớp phù sa tâm hồn: "Thạch Hãn ơi, ai còn trầm dưới đó/ Dáng mẹ hiền bằng ánh điện hôm nay/ Lung linh sắc màu đồng đội ấm bàn tay/ Cho Thạch Hãn mãi là dòng sông ánh sáng" (Văn Thuận). Đó là ánh sáng lung linh trong những đêm lễ hội hoa đăng trên sông Thạch Hãn (vào những dịp lễ hội) để tưởng nhớ tới những chiến sĩ đã hy sinh. Đó là sự biết ơn và luôn lưu lại những sắc đỏ phù sa của dòng sông quê hương.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng kể lại, sau những năm 1977 và 1978 nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng đoàn văn nghệ sĩ Bình Trị Thiên vào lao động và đi thực tế tại thị xã Quảng Trị. Khi dấn thân vào những ký ức máu lửa đã xảy ra tại thành cổ trên dòng sông Thạch Hãn, nhạc sĩ đã viết bài ký sự: "Nam Thạch Hãn những ngày đầu tháng ba" (in trên Tạp chí Văn nghệ Bình Trị Thiên - 7/1978).

Khi đó nhạc sĩ tham gia làm việc tại công trình Đại thủy nông Nam Thạch Hãn. Một tâm trạng dạt dào cảm xúc mới lạ về Quảng Trị trong tâm hồn Trịnh Công Sơn. Và điều kỳ thú trong đợt đi này, người bạn của nhạc sĩ là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tạo nên một thiên bút nổi tiếng - "Đêm chong đèn nhớ lại". Ông đã kể câu chuyện rất xúc động về một người mẹ nơi Thành cổ Quảng Trị. Hình ảnh của người mẹ Ô Lý ngày nào như được tiếp sức từ nhịp điệu thân thương của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết về mẹ Thỏa đã từng giả điên để nuôi giấu những cán bộ cách mạng nằm vùng với bao hiểm nguy. Cuối cùng con trai của mẹ, một chiến sĩ dũng cảm đã hy sinh trước ngày chiến thắng đem tới sự cảm động sâu sắc cho người đọc. Kỳ diệu hơn nữa, sau này biểu tượng ánh sáng từ những "Đêm chong đèn nhớ lại" (Hoàng Phủ Ngọc Tường) đã nhập thần vào ca khúc bất tuyệt "Huyền thoại mẹ" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Và đó chính là hình ảnh của "Người mẹ Ô Lý" hoàn chỉnh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Kỳ vĩ những tượng đài

Vườn cỏ thành cổ Quảng Trị luôn xanh tốt với tươi sắc nõn nà mỗi buổi sớm. Nếu toàn bộ khu thành cổ là một tượng đài khổng lồ hào hùng của Quảng Trị thì đài tưởng niệm giữa khu thành cổ lại tạo hình nấm mộ chung cho hàng ngàn chiến sĩ đã hy sinh tại chiến trường dữ dội này. Ngôi mộ chung mang tính biểu tượng một ngôi đền được thiết kế hình bát giác dưới chân tường (tượng trưng cho bát quái). Bốn lối lên dâng hương tạo kết cấu tứ tượng cùng với 81 bậc tâm linh. Số 81 ghi dấu ấn lịch sử của một tráng ca hùng vĩ về chiến công gìn giữ thành cổ của những chiến sĩ đã nằm xuống trong 81 ngày đêm.

Một thuở trời xanh Ô Lý -1
Ngày Hội hoa đăng 27/7 hàng năm trên sông Thạch Hãn, Quảng Trị.

Có thể nói, mỗi mét vuông thành cổ được coi là một mét máu đã chan chứa nỗi đau đất nước. Nơi đây, mỗi cọng rêu trên thành cổ cũng đượm máu anh hùng. Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, người chiến sĩ miền đất Quảng Trị từng viết: "Rêu cũng đỏ như đã từng là máu/ Cỏ xanh hơn nơi vạn chiến binh nằm/ Ù… ù gió hay hồn lính trận/ Thổi trăm năm không qua được mùa hè". Khi lên dâng hương cho những đồng đội đã khuất, nhà thơ xúc động với từng bậc đá rêu phong dưới nắng mưa: "Đài chứng tích nấm mộ chung liệt sĩ/ Nhưng khói hương này xin thắp cả đôi bên/ Ai thấu hiểu nỗi đau của Mẹ/ Để dựng tượng đài nước mắt Việt Nam" (Thắp cho thành cổ).

Cùng những công trình tưởng niệm chiến sĩ lớn nơi thành cổ, tôi thường dừng chân dâng hương tại tượng đài mô phỏng 19 giọt máu (bên đầu cầu Thạch Hãn). Đây là hình tượng những trái tim màu sáng hồng của 19 chiến sĩ trẻ đã hy sinh trong trận đánh đầu tiên bên dòng sông quê hương. Đó là cuộc tấn công của các chiến sĩ Quảng Trị vào tháng 4 gây chấn động cho đối phương.

Chuyện đã xảy ra khi kế hoạch phá sập cầu Thạch Hãn để chặn viện trợ quân sự của địch từ Huế của chiến sĩ ta bị lộ. Trung đội gồm 20 người chiến sĩ chiến đấu quyết tử chống chọi với ba tiểu đoàn địch bao vây tứ phía. Mười chín người đã hy sinh trong cuộc chiến đánh giáp lá cà dũng mãnh. Tượng đài với 19 trái tim hồng của tuổi đôi mươi luôn hiển hiện bên dòng sông. Nơi đây gió thường hun hút đổ về từ những cánh rừng nơi đứt gãy trên dẫy núi Trường Sơn. Đó là những giai điệu đất nước luôn âm vang lời ca: "Cho tôi hôm nay vào thành cổ/ Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ/ Cỏ xanh non tơ cỏ xanh non tơ/ Xin chớ vô tình với người hy sinh/ Trên mảnh đất quê mình" ("Cỏ non thành cổ" - Nhạc sĩ Tân Huyền).

Một thuở trời Ô Lý bỗng như nổi gió cùng Thạch Hãn dậy sóng trong lòng tôi. Ngôi trường Bồ Đề trên đường Trần Hưng Đạo ngay trung tâm thị xã vẫn còn đó những dấu tích hoang tàn lửa khói sau 81 ngày đêm đỏ lửa. Là một di tích quốc gia (chứng nhận năm 2013), ngôi trường là tượng đài lên án cuộc chiến tranh đẫm máu. Đây là một trong những bằng chứng tội ác còn sót lại bên thành cổ cùng với lời nhắn gửi trên bức tường đổ vỡ: "Lớp cũ trường xưa vẫn còn đó/ Thầy cô, bạn cũ ở phương nào".

Bỗng, tiếng chuông vang lên rung động đường phố báo hiệu tới giờ tiến hành lễ thả đèn trên bờ sông Nam Thạch Hãn. Tôi lặng đi bên ngọn sóng cuồn cuộn trôi ra biển Đông. Hàng trăm ngọn đèn lung linh hình hoa sen bồng bềnh trên sóng nước. Đây là lễ tưởng niệm của người dân thị xã để an ủi những vong hồn chiến sĩ siêu thoát trong ngọn nguồn sông núi quê hương. Tôi chầm chậm đi bên bờ Nam Thạch Hãn với những câu thơ đỏ lửa: "Những dấu chân lùi lại phía sau/ Dấu chân in trên đời chúng tôi những tháng năm trẻ nhất/ Mười tám hai mươi sắc như cỏ/ Dầy như cỏ/ Yếu mềm và mãnh liệt như cỏ/ Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình" ("Những người đi tới biển" - Trường ca Thanh Thảo).

Vương Tâm
.
.