Dấu ấn nhà dài Ê Đê qua một số công trình lịch sử văn hóa

Thứ Năm, 11/01/2024, 18:30

Nhà dài truyền thống của người Êđê ở Đắk Lắk là một phức hợp không gian kiến trúc độc đáo, là nét đặc trưng trong đời sống, sinh hoạt, tín ngưỡng, nhà dài còn là một công trình sáng tạo văn hóa vật chất ấn tượng của tộc người này.

Trong xã hội cổ truyền của người Êđê, nhà dài là nơi chung sống của đại gia đình theo chế độ mẫu hệ. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, đã diễn ra quá trình giải thể nhà dài, do vậy việc lưu giữ kiến trúc nhà dài được quan tâm, đặc biệt là đối với những công trình lịch sử văn hóa.  

Tiếp tôi ngay tại quầy lễ tân của Bảo tàng Đắk Lắk là cô gái Chu Thị Nhàn. Nhàn là người Bắc Giang, sau khi học xong Khoa Bảo tàng, Đại học Văn hóa Hà Nội thì như một cơ duyên, cô vào công tác tại Đắk Lắk. Có lẽ vì quá yêu mến mảnh đất cao nguyên mà cô trở thành hướng dẫn viên tại bảo tàng tỉnh. Theo như giới thiệu của những đồng nghiệp đang công tác tại đây thì "Chị Nhàn hiểu rất rõ về đất và người Đắk Lắk".

1.jpg -0
Bảo tàng Đắk Lắk và khu trưng bày trong bảo tàng.

Nhàn sau khi nghe tôi trình bày về mục đích chuyến thăm bảo tàng thì cười rất vui vẻ, cho hay: "Bảo tàng Đắk Lắk được khánh thành ngày 21/11/2011. Đây là một công trình có diện tích sử dụng 9.000m2, được xây dựng trong khuôn viên Biệt điện Bảo Đại".

Nghe Nhàn giới thiệu thế tôi mới thực sự để ý đến kiểu kiến trúc của bảo tàng. Đó là một công trình khá lớn, cao, dài và rộng với hình dáng chỉ mới thoạt nhìn đã thấy rất đậm chất Tây Nguyên với những hàng cột thanh thoát nằm bên đường phố Lê Duẩn, thuộc phường Tân Tiến, ngay trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột. Vì nằm trong một khuôn viên rộng với những hàng cây cổ thụ tỏa cành lá xum xuê nên không gian thoáng đãng, khi bước vào có cảm giác hòa hợp với không khí núi rừng bạt ngàn ở Tây Nguyên.

Nhàn cho hay: "Bảo tàng Đắk Lắk được thiết kế theo kiến trúc nhà dài truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê tại Tây Nguyên. Bảo tàng được dựng lên bởi các chất liệu hiện đại như bê tông, kính và hợp kim, cùng các màu sắc tương phản như trắng, đen, nâu... làm cho không gian bảo tàng vừa sang trọng vừa cổ điển, cuốn hút lòng người khi nhìn từ xa".

Khi thực hiện xây dựng bảo tàng mới này, những người thiết kế đã thay đổi lối kiến trúc nhà dài truyền thống với sự phát triển theo chiều dọc (chiều sâu của nhà), mà điều chỉnh thuộc kiểu không gian mở theo chiều ngang và được xây dựng với chiều dài 130m, rộng 65m trên một mảnh đất 9.200 mét vuông, vì thế khi đến bảo tàng bạn sẽ cảm nhận được cảm giác thoải mái, dễ chịu nhất trong quá trình đi dạo hay di chuyển quanh bảo tàng. Nhàn nói thêm: "Thay vì cầu thang lên nhà là hai cầu thang gỗ truyền thống của nhà dài thì cầu thang mới được mở rộng thành bậc lên xuống rộng rãi. Nó cho phép người đi lên được thuận tiện. Mặc dù vậy vẫn giữ nguyên lối lên ở chính giữa nhà".

Bước vào không gian bảo tàng sẽ thấy đây là một không gian mở, cô Nhàn giới thiệu: "Không gian trong bảo tàng có thiết kế mở chính là để việc trưng bày cho phù hợp với việc sắp đặt theo từng chuyên đề cụ thể. Cách thức này nhằm phục vụ mục đích chính trị hoặc theo từng chủ đề cụ thể gắn với việc tiến hành trưng bày giới thiệu của bảo tàng". Hiện Bảo tàng Đắk Lắk là bảo tàng đầu tiên của Việt Nam sử dụng 4 ngôn ngữ trong trưng bày. Cô Nhàn cho hay: "Bốn ngôn ngữ trưng bày ở đây gồm ngôn ngữ: Việt, Pháp, Anh và tiếng Êđê bản địa". Theo đó, bảo tàng có ba không gian trưng bày thường xuyên là: Không gian Đa dạng sinh học. Không gian Văn hóa dân tộc và Không gian Lịch sử. Được biết hiện nay tỉnh Đắk Lắk là một địa phương có tới 49 dân tộc trong tổng số 54 dân tộc anh em ở nước ta.

Nghe giới thiệu như vậy tôi mới hiểu vì sao trong bảo tàng này lại có khu vực trưng bày cố định chuyên về các dân tộc Việt Nam cùng với việc sắp xếp các nhóm ngữ hệ (ngôn ngữ) như: Ngôn ngữ Nam Đảo, Ngôn ngữ Tạng Miến, Ngôn ngữ Kadai, Ngôn ngữ Hán, Ngôn ngữ Môn - Khmer, Ngôn ngữ Tày Thái, Ngôn ngữ Mông Dao, Ngôn ngữ Việt Mường.... Cô Nhàn vui vẻ cho hay: "Đắk Lắk là một Việt Nam thu nhỏ đấy chú ạ. Người bản địa là dĩ nhiên rồi và người nhập cư cũng rất đông. Bà con đến từ các vùng miền của nước ta". Đúng như ai đó đã nói: "Bước vào bảo tàng Đắk Lắk như được bước từ những khu rừng bạt ngàn sang một không gian văn hóa gần gũi, mộc mạc của các dân tộc trên dải đất hình chữ S, điển hình là của người Êđê, Mnông và Gia Rai".

Theo cô hướng dẫn viên du lịch thì trước năm 2011 việc trưng bày bảo tàng được thực hiện tại Biệt điện Bảo Đại, nhưng do quá trình phát triển nên Biệt điện Bảo Đại không đủ không gian để đáp ứng nên bảo tàng mới hiện nay được tỉnh Đắk Lắk   phối hợp với nước Cộng hòa Pháp xây dựng mới, trong khuôn khổ dự án "Phát huy di sản bảo tàng Việt Nam".

9.jpg -1
Nhà sinh hoạt cộng đồng ở buôn Treng, huyện Ea H'Leo, tỉnh Đắk Lắk.

Theo đó, Biệt điện Bảo Đại đã được cấp bằng chứng nhận "Di tích Quốc gia", trở lại thành nơi trưng bày những dấu tích liên quan tới một giai đoạn của lịch sử và dấu tích văn hóa độc đáo trên mảnh đất Tây Nguyên. Nhàn cho biết: "Biệt điện Bảo Đại được thiết kế theo dạng kiến trúc nhà dài Êđê. Người Pháp cho xây dựng tòa nhà này để làm Tòa công sứ. Toà nhà này được xây dựng trên một cồn đất nhân tạo hình chữ nhật bằng phẳng có diện tích 2.135,8m2, cao hơn so với mặt sân gần 2m và được kè đá vững chắc.

Năm 1947, Vua Bảo Đại có lên Buôn Ma Thuột nghỉ dưỡng tại đây nên tòa nhà được đổi tên là Biệt điện Bảo Đại. Nhàn cho hay: "Với diện tích xây dựng 1.514m2, tòa Biệt điện là không gian đẹp, yên tĩnh, mát mẻ, một công trình kiến trúc kết hợp hài hoà, đặc sắc giữa kiến trúc nhà dài truyền thống của người Êđê Tây Nguyên với kiến trúc phương Tây, tạo nên nét đẹp độc đáo, hấp dẫn". Trong khuôn viên Biệt điện Bảo Đại có nhiều cây xanh cổ thụ, đặc biệt nhất là cây long não nằm ngay bên phải cổng vào của Biệt điện, được trồng vào năm 1930. Đến năm 2014, cây long não được gắn biển Cây di sản Việt Nam. Cây long não này cao gần 30m, đường kính thân cây khoảng 2,5m. Cây tỏa bóng xanh mát và rất đẹp nên được nhiều du khách trong và ngoài nước đặc biệt yêu quý.

Từ năm 1955 đến 1975, tòa nhà này trở thành nơi diễn ra các sự kiện quan trọng trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đến năm 1976 thì nơi đây được thiết kế lại thành Bảo tàng các dân tộc Đắk Lắk. Hiện nay, Di tích lịch sử Biệt điện Bảo Đại là điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách muốn tìm hiểu về vị vua cuối cùng của Việt Nam cũng như những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của triều đại phong kiến Việt Nam tại Đắk Lắk.

Ở thị trấn Liên Sơn, huyện Lăk và ngay bên Hồ Lăk hiện còn một biệt điện khác của Vua Bảo Đại. Biệt điện này do đích thân Nam Phương Hoàng Hậu chỉ đạo xây dựng, bà cũng là người đứng ra thanh toán và cũng được xây dựng theo kiến trúc nhà dài Ê đê. Hiện biệt điện này được bảo quản như một di sản lịch sử. Biệt điện nằm trên chóp một ngọn đồi cao 422 mét so với mặt nước biển. Phía dưới là Hồ Lăk, hồ nước ngọt tự nhiện lớn nhất Tây Nguyên, bao quanh là những cánh rừng nguyên sinh. Ngọn đồi này được người dân trong vùng gọi là đồi Bảo Đại.

Được biết, hiện toàn tỉnh Đắk Lắk có gần 1.700 nhà sinh hoạt cộng đồng đang hoạt động. Tất cả đều được xây dựng thống nhất theo kiểu kiến trúc nhà dài truyền thống và được áp dụng cho tất cả các buôn làng. Đây chính là nơi bà con trong các buôn làng sử dụng làm nơi hội họp, giao lưu sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí kiểu như "Nhà văn hóa" khu dân cư ở các địa phương khác.

Theo như đánh giá của ngành văn hóa Đắk Lắk thì: Nhà sinh hoạt cộng đồng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống thông qua hoạt động nghi lễ, lễ hội của các dân tộc bản địa trên địa bàn tỉnh; góp phần gìn giữ những giá trị lâu đời của nhà dài, làm tăng hiệu quả các hoạt động văn hóa cơ sở.

Nguyễn Trọng Văn
.
.