Một người thành phố “chất”

Thứ Tư, 07/02/2024, 10:49

Con đường Âu Cơ (quận Tây Hồ, Hà Nội) đang thi công, ngày nắng bụi mù mịt, ngày mưa đặc quánh bùn đất. Ấy vậy mà ở góc quán cà phê của ông lão Nguyễn Thế Thành nằm sát mặt đường đê, khách vẫn đều đặn ghé qua. Không phải vì quán đang hot một món đồ uống nào đó, chẳng phải vì quán có view đẹp để chụp ảnh check in, mà là bởi nơi đây luôn có sự thú vị lâu bền.

Người rành sách bảo đây là thư viện cổ, người yêu văn hóa, yêu Hà Nội gọi đây là không gian "chất". Và ông chủ quán cà phê là một người thành phố "chất"...

1.Cuối năm, trời lất phất mưa phùn. Mới hơn 7 giờ sáng, ông lão Nguyễn Thế Thành đã đi chợ về. Là ông đi chợ hoa, chọn đúng một khóm hồng đỏ ưng ý chở về, rồi lúi húi trồng vào chậu đặt ngay trước cửa quán. "Tết sầm sập sau lưng rồi, phải có hoa mới có không khí tết. Quán tôi nhất định phải có chậu hồng đỏ, cành đào phai hoa kép, gốc già sù sì mốc rêu xanh", ông lão vừa vun đất vừa thủng thẳng. Mái tóc dài đã bạc gần hết được ông buộc túm sau đầu, dáng người gầy guộc, tuy chỉ có đôi mắt vẫn tinh anh. Bà lão Thành đứng bên cạnh chép miệng: "Không động vào đất, vào cây, không đọc sách thì ông ấy không chịu được. Tôi ở với ông ấy bao nhiêu năm tôi biết mà".

1.jpg -0
Ông Nguyễn Thế Thành say sưa bàn luận về văn chương.

Giữa lầy lội bùn đất nơi con đường đang thi công, khóm hồng trước cửa quán cà phê sách làm sáng cả không gian bàng bạc. Và tâm thế đón tết của ông Thành làm nhiều người đến quán cũng thấy chộn rộn, xốn xang những xúc cảm đặc biệt ngày cuối năm. Nhà ông là quán cà phê, mà quán cà phê lại chính là thư viện sách. Nói thế là bởi tất cả những không gian ấy hòa làm một, không phân định. Tuy thế, nhìn là biết ông ưu tiên sách hơn cả.

Nhà ông, ở bất cứ góc nào cũng thấy sách, với tay là chạm vào sách. Ngôi nhà 3 tầng đã cũ, xây dựng đơn giản, ông dành đến 2 tầng cho sách. Từng dãy kệ sách to dài phủ khắp phòng khách, dồn bếp vào một góc bé xíu. Sách xếp đầy trong kho, ngăn nắp, lớp lang. Riêng sách Tết ông xếp riêng một tủ. Ngoài sách, là tranh, tượng, cổ vật được bài trí đầy nghệ thuật dưới bàn tay sắp xếp tài hoa của gia chủ. Tầng 3 là phòng đọc sách lý tưởng, vừa thoang thoảng mùi trầm, vừa ngai ngái mùi sách, tĩnh lặng và an yên.

Ông lão Thành nâng niu sách như một gia tài, rảnh rỗi là sắp xếp, phủi bụi, đóng bọc. Thư viện này không có thư mục tra cứu, cần sách gì cứ hỏi ông. Ngót vạn cuốn sách cũ mới thuộc đủ thể loại, dành cho nhiều lứa tuổi mà ông nhớ rành mạch từng vị trí. Ở nơi này, không gian sống của con người dường như bị ẩn đi, nhịp sinh hoạt trở nên mờ nhạt. Không âm nhạc, không wifi, đến cà phê, đồ uống ở quán này cũng chỉ là phụ thôi. "Món" chính ở đây là sách. Quán "mộc" thế là để bất cứ ai đến đây cũng thực sự tĩnh tâm với sách. Quán không có nhân viên, một mình ông vừa là thủ thư, vừa pha cà phê phục vụ khách với giá bình dân. Đây thực sự là một không gian đẹp và mộc mạc còn sót lại giữa phố phường Hà Nội ồn ào náo nhiệt.

 Ông Thành nhẩn nha kể: "Khách đến quán tôi trước lạ sau quen, cứ trở đi trở lại rồi thân thiết như người nhà. Nhiều họa sĩ hay lui tới đây, tranh của họ vẫn lưu dấu cùng với sách. Các nhà văn cũng hay ghé quán. Nhà văn Băng Sơn, Tô Hoài ngày trước vẫn ngồi phòng này đọc sách. Các cô cậu sinh viên ham sách hay ở nhà tôi cả ngày để đọc và ghi chép tài liệu, trưa đến thì ăn mỳ, ăn cơm ở đây, chiều mới về".

Nhiều người bảo ông "giàu". Vì có những món đồ cổ nhiều khách đến vật nài ông để cho, "được giá" đến đâu ông cũng không bán, chỉ để ngắm chơi. Cũng có những bộ sách quý hiếm thì dù ông không dư giả gì cũng cố gắng chắt chiu, thậm chí bán cả đồ đạc trong nhà để mua về. Ông không uống rượu, nhưng trong nhà bao giờ cũng có vài bình rượu quý để đãi bạn bè. Nhà ông không rộng, nhưng tấm lòng ông luôn rộng mở. Không giàu có về vật chất, nhưng ông giàu tri thức, giàu bạn bè, giàu sách.

2."Tôi sinh năm 1947, Tết này sang tuổi 77. Bà cụ sinh ra tôi là người làng hoa Nghi Tàm, còn ông cụ người làng đào Nhật Tân. Hai làng đẹp nhất, nhộn nhịp nhất là dịp Tết đến xuân về. Bố tôi giỏi buôn bán, có nhà, có xưởng ở khắp các phố Phan Huy Ích - Nguyễn Trường Tộ. Tôi sinh ở phố Hàng Hòm. Lớn lên có lúc ở phố ở Hàng Bún, Hàng Khoai, Nguyễn Thiệp. Tôi không biết buôn biết bán, chỉ ham đọc sách thôi", ông lão Thành kể. Những tưởng các con sẽ được thừa hưởng chút tài sản từ người cha, nhưng trải qua nhiều biến cố gia đình, tài sản dần mất mát. "Cha giàu thì con có, cha khó thì con khổ, nhà tôi đông anh em, tôi lại là con cả, phải tự lực vươn lên trong đói nghèo và bao bọc các em. Tôi đã trải qua đủ mọi nghề vất vả, từ đạp xích lô, bốc vác đến công nhân cơ khí", ông tổng kết đời mình.

Không phải đến bây giờ, khi các em đã yên phận, nhẹ gánh gia đình thì ông Thành mới ham sách. Mà từ khi còn nhỏ ông đã ham đọc. Ông bảo: "Từ khi biết chữ, tôi có cái tật là hễ nhìn thấy chữ là đọc, dẫu là mẩu giấy, vài dòng thông báo hay báo, sách. Cuộc sống lao động dù có khó khăn, vất vả đến mấy thì tôi vẫn thích đọc sách, dành dụm tiền để mua sách". Từ chỗ ham đọc, ông gom sách làm tài sản. Cả cuộc đời ông đã vượt qua những khốn khó mà giữ sách. Sách của ông chỉ có tích lại chứ chẳng có chuyện bán đi.

2.jpg -1
Ở thư viện cổ, ông Thành vừa là thủ thư, vừa pha cà phê phục vụ khách.

Ông Thành không học cao, cả đời lao động vất vả, sống thanh bần, nhưng triết lý đọc sách thì không phải ai cũng thấu hiểu và thực hành được như ông. Ông bảo: "Xã hội nhiều trò tiêu khiển, sao phải đọc sách? Vì sách là người thầy khổng lồ dạy mình khôn ra. Nhưng đọc cũng phải biết cách, đọc tự nguyện, biết chọn lọc khi đọc. Người đọc với nhu cầu học tập là người đọc sách thành công, chứ không phải đọc để giết thời gian. Bố mẹ muốn con đọc sách thì đừng hô hào "con ơi đọc sách đi", mà chính chúng ta hãy đọc sách trước đã, hãy làm gương, rồi con sẽ học theo".

Ông đã nhen nhóm niềm ham đọc tới nhiều người, trong đó có con trai ông. Ông kể lại kỉ niệm xúc động: "Quãng năm 1990, vợ chồng con cái tôi còn ở phố Trần Xuân Soạn, nhà chỉ có 24m2 nhưng gác xép nhỏ ưu tiên đựng sách. Một buổi sáng, tôi bỗng thấy trong nhà có quyển "Tuyển tập Vũ Bằng" và một bộ "Tam Quốc Chí" 3 tập. Tôi nhìn mấy cuốn sách mới tinh thì mê lắm, nhưng băn khoăn không biết sách của ai. Một lúc sau, tôi hỏi con trai tôi là cháu Nguyễn Thế Bách lúc ấy hơn 10 tuổi. Cu cậu bảo con mua ngoài phố Bà Triệu. Bách đã lấy tiền tiết kiệm từ lúc phụ việc cho bà bán cháo trai ngoài phố để mua sách. Lúc ấy, tôi đã khóc vì xúc động. Tôi mừng vì con yêu sách, biết dành dụm tiền mua sách. Tôi mừng vì tình yêu sách của tôi đã thấm sang con một cách rất tự nhiên, không ép buộc".

Nhà ông Thành rời phố, chuyển ra ven đê Âu Cơ dựng nhà dựng cửa cũng đã gần 20 năm. Ông đi đâu thì sách của ông theo đấy. Anh Bách con trai ông giờ cũng đam mê và sưu tầm sách giống cha. Có những bộ cổ văn đặc biệt được anh lưu giữ như tài sản quý. Cha con ông Thành hợp tính nhau, cầu kì trong nhiều thú chơi. Từ chơi mai chơi đào ngày. Tết đến chăm gà cảnh, bonsai, mảng nào cũng "có nghề". Nhà ông, ngoài sách còn có không gian của cây cảnh, cây thế được uốn tỉa công phu, là gốc cau giàn trầu xanh mướt. Bà Thành vẫn ngày ngày vào phố bán hàng. Ông Thành ở nhà trông quán, pha cà phê, chăm đôi gà cảnh, chăm cây, dọn dẹp ngăn nắp nhà cửa. Nhưng có bận bịu đến đâu ông cũng dành một khoảng để đọc.

"Trước, khi còn trẻ, ngoài thì giờ lao động tôi vẫn đọc sách. Giờ vẫn vậy, ngày nào mà không được đọc tôi cảm thấy thiếu thiếu. Tôi yêu những áng văn chương. Những tác phẩm đoạt giải Nobel thì không thể không đọc, đó là những tác phẩm danh giá. Tôi thích đọc tác phẩm của các nhà văn Nam Cao, Kim Lân, Nguyên Hồng. Nhưng tôi đọc cả văn học Pháp, Mỹ, Ban Lan để mở mang đầu óc", chạm vào mạch sách, ông lão Thành say sưa cả tiếng đồng hồ…

Trong không gian ấy, hiện lên hình ảnh bà lão Thành hiền hậu, chịu thương chịu khó. Bà không phải là người đọc sách, hiểu sách, nhưng luôn tôn trọng, nâng niu gia tài sách của ông. Đi bên ông gần hết cuộc đời, bà hiểu tính ông, hiểu những điều ông làm đã lan toả năng lượng tích cực cho cuộc đời này. Cả cuộc đời vất vả lao động và dành dụm nuôi con, nhưng bà không bao giờ kêu ca nửa lời khi ông luôn dành tâm trí, tiền bạc, thời gian và không gian cho sách.

Huyền Châm
.
.