Một đời văn, một vùng trời kỷ niệm

Thứ Năm, 10/11/2022, 16:07

Tôi sinh năm 1936. Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn sinh năm 1941. Cách nhau những 5 tuổi, nhưng chúng tôi là bạn bè rất gần nhau. 9 tuổi, Bắc Sơn theo anh trai gia nhập Đoàn Thiếu nhi Nghệ thuật của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.

Tôi cũng gia nhập đoàn năm 12 tuổi, rồi sau đó chuyển sang Đoàn Truyền bá vệ sinh của Cục Quân y Bộ Quốc phòng, và cùng chuyến đi biểu diễn văn nghệ phục vụ các đơn vị bộ đội. Bắc Sơn học Khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội trước tôi 1 năm. Tốt nghiệp, chúng tôi cùng trải qua nhiều năm là giáo viên văn các trường cấp 3.

Từ nghề thầy dạy văn, chúng tôi chuyển sang nghề báo. Rồi sau đó cùng tập tễnh vào nghề văn và trở thành nhà văn. Vậy coi như chúng tôi là những người cùng thời. Thành ra, có quyển "Hồi ký Bẩy nổi Ba chìm"  của Bắc Sơn trong tay là tôi không dứt ra được.

1.Không dứt ra được vì mới bập vào mấy chục trang đầu cuốn sách là đã có cái thích thú vì nhận ra rằng, trên đời này, chẳng có cái gì bỗng chốc mà mất đi cả. Không có cái gì là mất đi. Không ai bị lãng quên! Vì may thay con người ta còn có nghệ thuật, đặc biệt là văn chương. Văn chương, nó đấy, chỉ là mấy con chữ trên trang giấy thôi mà toàn bộ cuộc sống của chú bé Bắc Sơn thoát ly gia đình, trở thành một thành viên nhỏ tuổi của cuộc Kháng chiến thần thánh chống Pháp 9 năm.

Với toàn bộ khung cảnh vật chất, đời sống tinh thần một thời, từ những chi tiết nhỏ nhất, cách đây hơn bảy chục năm, qua cách kể của nhà văn, thế là đã phục hiện thành hình, thành ảnh sinh động tươi tắn như một cuốn phim quay chậm diễu vòng qua trước mắt ta! Ôi! Cả một vùng trời kỷ niệm và thương nhớ cùng hương vị, màu sắc riêng đã qua không bao giờ trở lại. Bắc Sơn, sớm được nuôi dưỡng trong môi trường nghệ thuật, một trí nhớ khác thường, một tâm hồn nhạy cảm, một đời sống nội tâm phong phú. Những bẩm sinh đặc trưng từ thời niên thiếu báo hiệu một năng lực văn chương!

nhà văn nguyễn bắc sơn với sức viết dồi dào.jpg -0
Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn với sức viết dồi dào.

2. Dài đến cả trăm trang là "Phần bốn" của cuốn Hồi ký, dành để kể về cuộc sống riêng trong quan hệ gia đình họ hàng của nhà văn. Trang nọ nối trang kia, dằng dặc, dồn dập, đọc có khi còn rối trí, hơi mệt, nhưng không muốn buông bỏ. Không buông bỏ vì nhờ ở cách kể. Rủ rỉ, rề rà, tỉ mẩn kỹ lưỡng đến mức thấu triệt sa đà, có cả hơi tham lam nữa, nhưng linh hoạt, biến huyền, có duyên, và hóm hỉnh. Không buông bỏ vì nhờ đó mà nhớ lại một thời: Đánh Mỹ và xây dựng đất nước sau chiến tranh. Một thời con người vất vả nổi chìm để trụ lại với đời. Một thời đã qua còn lưu lại bóng hình trong một cá thể. Và kết cục là một cảm giác thỏa mãn. Vì nhờ vậy mà hoàn chỉnh một chân dung văn chương. Nhà văn ta, một kiểu nhà văn Việt Nam là thế chăng! Như cả triệu triệu con người. Không biệt đãi, không khác người. Không ưu thế trời cho. Một cuộc sống "tôi cùng xương thịt với nhân dân tôi" (Xuân Diệu).!  

Đọc tuy có mệt nhưng không buông bỏ, không nản. Không nản vì cứ như bị đuổi theo từng câu chữ. Cứ như đọc một cuốn tiểu thuyết với rất nhiều chi tiết ngóc ngách cuộc sống. Đọc đến một đoạn có tứ lạ, có câu văn hay, gấp sách lại ngẫm nghĩ một mình, rồi lại mở sách đọc tiếp được. Và cuối cùng thế là hiểu thêm một điều. Anh là một nhà văn. Nhiệm vụ của anh là viết. Nhưng đồng thời anh còn là một công dân, một người con, một người cháu trong dòng họ. Một người tình, một người chồng, một người cha, một người ông.

Khi còn trẻ, anh còn là một học sinh, một sinh viên, thành nhân đi làm, anh là một thầy giáo, một viên chức, một đảng viên… Anh có nhiệm vụ hoàn thành chức trách ở mỗi vị thế. Anh phải đóng tròn các vai của mình đồng thời với vai nhà văn. "Phải sống cuộc sống với đầy đủ các cung bậc cùng là huyền thoại của nó"! Đó là ý kiến của Garcia Marquez. Sống thật là cả một công cuộc  vừa  bình thường vừa nặng nề vừa lớn lao!

3.Về chức phận nhà văn của anh, thực ra thì chẳng nên kể lể làm gì. Nghề nghiệp nào cũng có cái vinh quang và khốn khó của nó. Nghề văn của Bắc Sơn cũng không ngoại lệ! Từ bài viết in đầu tiên trên Tờ tin Chiến sĩ Hậu cần năm 1972 đến truyện ngắn đầu tiên "Quả cuối mùa" của anh  in trên Báo Văn nghệ ngày 6/3/2000, là hai mươi tám năm. Từ truyện ngắn đầu tiên tới tiểu thuyết đầu tay "Luật đời và Cha con" in năm 2005, tức 5 năm. Tiếp đó, không kể cả loạt các Tập Truyện ngắn và Bút ký, tiểu thuyết được xuất bản: Tiểu thuyết  "Lửa đắng"-  2013: Tiểu thuyết "Gã Tép riu" - 2016; Tiểu thuyết "Vỡ vụn" - 2017; Tiểu thuyết "Cuộc vuông tròn" - 2019; Tiểu thuyết "Lính tang" -  2022; Hồi ký "Bẩy nổi ba chìm" - Công trình kể biết mấy mươi!

Ai đã dính vào cái công việc bút mực, hiển nhiên là thông cảm với cực nhọc của nội tình. Viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên, nhà văn Bắc Sơn kể: "Bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên "Luật đời và Cha con", mất nhiều thời giờ vào bố cục đã đành. Còn mất nhiều thời gian về thể loại, vào chương đầu, chương kết. Cuối cùng, quyết định gạt tất cả sang một bên, vốn liếng có gì cứ xả ra.

Viết cuốn "Lửa đắng", tác giả cho biết: "Viết hơn một năm. Cái lối vừa viết vừa nghĩ, vừa thiết kế vừa thi công chứ không tài năng như ai. Đóng cửa ngồi viết liền mấy tháng, không đi ra ngoài  đến nỗi viết xong cuốn sách sụt mất mấy cân".

Chuyện bếp núc nghề chữ nghĩa văn chương chỉ hé lộ tí ti thế thôi. Còn  chuyện  hậu kỳ thì rắc rối hơn và anh chị nhà văn nào cũng ít nhiều nếm trải. Để in được một cuốn sách đâu có dễ. Cuốn "Đồng bạc trắng hoa xòe" tôi viết xong và gửi bản thảo tới Nhà xuất bản Văn học năm 1972. Năm 1979, sách mới in ra. Cuốn "Đất làng" của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú mất 6 năm. Bây giờ thời đổi mới viết đầu năm, giữa năm sách đã ra lò. Nghe tưởng dễ mà đâu phải. Vấn đề là phải có đầu ra. Tức sự xuất tài lực trực tiếp của chính tác giả từ khâu in ấn phát hành. Khó! Nhưng xem ra cũng không phải là không vượt được. 

Khó hơn là ở chỗ viết cái gì và thế nào đây để bạn đọc chấp nhận. Để Nhà xuất bản chấp nhận, giữa thời buổi giao tranh dữ dội của các trào lưu tư tưởng, mà vẫn bộc lộ được nhân cách, phẩm giá mình. Văn học trực tiếp phản ánh ý thức xã hội thông qua nhà văn. Nhiều cuốn của Bắc Sơn gặp trở ngại này. Cuốn "Lửa đắng" của anh viết một năm, nhưng chạy để in mất gấp rưỡi thời gian. Bốn năm Nhà xuất bản đều cùng một cái lắc đầu: "Ông định dạy khôn ai?"

4. Bắc Sơn có nhiều bạn bè. Anh đẹp người đẹp nết, sống dung dị hiền hòa, khiêm nhường, điềm đạm, vui tính mà lại có tình. Để công ra đếm, hồi ký của anh nhắc tên có đến cả vài trăm người bạn. Bạn bè thời đi học trường phổ thông, thời học đại học, thời đi làm, gần như chẳng sót một ai. Mà chân dung mỗi người chỉ vài nét phác thảo cũng có cả gốc cả nguồn.

Anh dành cả Phần 10 cuốn sách để viết về các bạn văn. Rất đông. Hữu Thỉnh. Vũ Duy Thông, Hà Minh Đức, Thành Phong, Bế Kiến Quốc, Nguyễn Khắc Trường, Ma Văn Kháng, Phong Lê, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Trí Huân, Trần Huy Quang, Bùi Việt Thắng, Nguyên An, Lê Thành Nghị, Nguyễn Trọng Tân, Lê Lựu, Nguyễn Bình Phương, Phạm Hoa, Nguyễn Quang Thiều, Đoàn Trọng Huy, Bích Thu, Như Bình, Nguyễn Trọng Văn, Thúy Toàn, Đoàn Tử Huyến, Nguyễn Văn Dân, Hòa Vang, Lưu Khánh Thơ, Đào Tuấn Ảnh…

"Văn dĩ hội hữu" - văn chương là tiếng gọi hợp đoàn. Người xưa đã nói vậy. Nhưng cái lẽ căn bản là ở chính con người anh vốn thuộc nặng tình. Anh trân trọng quý mến và mang ơn nghĩa bạn bè. Mỗi gương mặt bạn bè là một kỷ niệm gắn bó với anh. Anh yêu quý bạn bè. Và anh nhận lại được từ bạn bè niềm mến thương chia sẻ .

5."Khổ hải mang mang. Hồi đầu thị ngạn". Bể khổ mang mang. Quay đầu là bờ. Cuối cùng thì cuốn Hồi kí "Bẩy nổi ba chìm" mang cái tên ám ảnh một thân phận bèo dạt mây trôi, trải bao lận đận cũng đã đến được tay bạn đọc. Nhưng mà thôi, kết thúc thế là đẹp, là mãn nguyện.

Mãn nguyện rồi nên chấm hết cuốn sách này, tác giả mới có câu kết sau đây: "Người ta có tiền tỷ, hàng trăm tỷ trong Ngân hàng Quốc gia, tớ chỉ có 25 cuốn trong Thư viện Quốc gia thôi".

Câu viết giản dị mà có màu sắc cảm khái lạ lùng! Nhà văn là thế đó. Một đời văn. Một vùng trời kỷ niệm và nhớ thương. Họ chỉ để lại cho đời những trang văn, những cuốn sách. Nói cho đúng và sang trọng thì ở đây nên nhắc lại ý của Jean Paul Sartre: "Họ hiến tặng miễn phí cho xã hội những cuốn sách của mình".

Tây Hồ một ngày cuối thu 25/10/2022

Ma Văn Kháng
.
.