PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện: Một đời người, một đời văn

Thứ Năm, 24/09/2020, 15:38
Cuốn sách "Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và Lý luận, thực tiễn Nghệ thuật" (NXB Hội Nhà văn, 2020) của PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện, là cuốn sách in riêng thứ 9 của ông trong tổng số 46 đầu sách vừa in riêng, vừa chủ biên của tác giả trong 25 năm qua (1995 - 2020).


Cuốn sách "Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và Lý luận, thực tiễn Nghệ thuật", đẹp cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Các vấn đề được trình bày khoa học, mạch lạc, dễ hiểu, kèm theo những ảnh tư liệu minh họa phù hợp… 

Đây là cuốn sách thứ 7 viết về Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng (sau các sách của các tác giả Hà Xuân Trường, các tác giả chủ biên: Phan Khanh, Đỗ Đình Hãng, Trần Văn Bính, Đinh Xuân Dũng, Lê Thị Thu Hiền...). Nhưng ở đây, tác giả tiếp cận dưới góc độ nghiên cứu sự nhất quán và tiếp tục phát triển của đường lối Văn hóa văn nghệ (VHVN) của Đảng, từ "Đề cương về văn hóa Việt Nam" 1943 đến nay. 

Đây cũng là chuyên luận tham gia Đề tài khoa học cấp Ban Đảng, do Hội đồng Lý luận Phê bình (LLPB) Văn học nghệ thuật Trung ương chủ trì. Phần lớn các bài trong cuốn sách đã được đăng trên "Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam"; "Lý luận, Phê bình Văn học nghệ thuật", hoặc đã được công bố tại các Hội thảo khoa học chuyên ngành.

Chuyên luận chia 2 phần chính. Phần I: "Đường lối Văn hóa, Văn nghệ của Đảng cộng sản Việt Nam - Sự nhất quán và phát triển", gồm 180 trang. Phần này được trình bày dưới dạng hàn lâm như một công trình khoa học, tương đương luận văn Thạc sĩ hoặc luận án Tiến sĩ. Phần II: Tiểu luận - Phê bình, gồm 17 bài, đề cập đến thực tiễn đời sống văn học nghệ thuật, góp phần làm sáng tỏ nội dung ở phần I.

Tác phẩm mới của PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện.

Sức "nặng" của chuyên luận tập trung ở phần I. Bằng tư duy thực chứng, tổng hợp, phân tích mạch lạc, qua lịch sử đường lối VHVN của Đảng, tác giả cho thấy giá trị lý luận, tổng kết thực tiễn, chỉ đạo thực tiễn, định hướng sự phát triển Văn học nghệ thuật (VHNT) của Đường lối. Khẳng định những thành tựu của Đường lối về mặt lý luận, làm giàu kho tàng lý luận mác xít về VHNT, vừa về mặt hiệu quả thực tiễn. Trên cơ sở đó, thấy được sự kết hợp chặt chẽ giữa tư  tưởng lý luận và thực tiễn đời sống VHVN của Đường lối VHVN.

Đáng chú ý ở phần I, đó là: lần đầu tiên tác giả nêu ra những vấn đề: Khái niệm về "Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng"; Định nghĩa về Đường lối Văn hóa, Văn nghệ Việt Nam; Từ đó, đi sâu phân tích những "Cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn của Đường lối Văn hóa, Văn nghệ của Đảng cộng sản Việt Nam", khẳng định tính nhất quán, kiên định, trước sau như một, trung thành với những tư tưởng, nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, nhưng được vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tiễn nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng; Tác giả chỉ rõ: Đường lối VHVN của Đảng cộng sản Việt Nam hình thành là một quá trình, từ "Đề cương về văn hoá Việt Nam", năm 1943 và ngày càng được hoàn thiện theo từng thời kỳ lịch sử, xứng đáng trở thành nguồn lực mạnh mẽ tập hợp, phát huy sức mạnh của toàn xã hội, xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh; Bên cạnh đó, tác giả nêu bật những đóng góp về hoàn thiện đường lối của những nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng cũng là các nhà văn hóa lớn như Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu…

Chuyên luận làm rõ bản chất của đường lối là lý luận mác xít về VHVN, vận dụng sáng tạo vào Việt Nam, nhất quán qua các giai đoạn cách mạng và luôn bổ sung, phát triển; Đồng chí Trường Chinh là người đầu tiên đặt vấn đề học tập tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh. 

Nguyễn Ngọc Thiện thẳng thắn chỉ ra, Đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng bên cạnh thành tựu, còn có những hạn chế lịch sử; về tầm nhìn trong việc vạch ra Đường lối, chỉ đạo thực hiện Đường lối, qua từng giai đoạn cách mạng; Ở phần này, ngoài những lý lẽ và minh chứng xác đáng theo góc nhìn khách quan, khoa học của người nghiên cứu, tác giả còn viện dẫn những ý kiến của Tố Hữu, Hà Xuân Trường để làm rõ thêm cho những luận điểm của mình.

Từ những thành tựu, hạn chế, thiếu sót, tác giả nêu ra "Những bài học kinh nghiệm rút ra từ lý luận và thực tiễn nhằm đảm bảo sự nhất quán có tính chất nguyên tắc và sự tiếp tục không ngừng bổ sung phát triển để hoàn thiện Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng trong hơn 70 năm qua", đảm bảo thực thi hiệu quả Đường lối VHVN của Đảng. Đặc biệt, những kiến nghị có tính chất xây dựng của chuyên luận là những gợi ý rất quý cho các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cơ quan chính quyền, đoàn thể trong công tác VHVN.

Phần II của chuyên luận: Tiểu luận- Phê bình, gồm những bài viết cho thấy, tác giả bám sát đời sống thực tiễn lý luận - phê bình nghiên cứu VHVN mạnh dạn, trao đổi ý kiến thẳng thắn, có trách nhiệm. 

Phần này, tác giả quan tâm đến những vấn đề: về tư tưởng văn nghệ của Hồ Chí Minh về VHVN; phân tích tác dụng to lớn của văn hóa, nghệ thuật góp phần định hướng phát triển và tiến bộ xã hội: "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi"; về "Tính chuyên nghiệp của phê bình văn học nghệ thuật và nhà phê bình chuyên nghiệp", ở bài viết này, tác giả chỉ rõ vai trò của lý luận - phê bình bằng việc viện dẫn những ý kiến của Thiếu Sơn, Hoài Thanh về thực trạng của phê bình văn nghệ Việt Nam trước Cách mạng tháng 8/1945 và những quan điểm về phê bình văn học; ý kiến của Trường Chinh trong "Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam", nhấn mạnh tính đối thoại dân chủ trong tranh luận, trao đổi ý kiến trong phê bình, nâng cao tính chiến đấu, bảo vệ cái đúng, chống những lệch lạc sai trái về quan điểm VHVN, yêu cầu người làm phê bình phải công tâm, công minh; phải đổi mới trong tư duy phê bình, khuyến khích sự tìm tòi sáng tạo, thể nghiệm, sự đa dạng phong phú trong văn học nghệ thuật.

Là người tâm huyết với hoạt động LLPB, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện  rất quan tâm đến đội ngũ LLPB (nhất là đội ngũ LLPB ở các Hội VHNT), từ thực trạng về đội ngũ này ở các địa phương (vừa thiếu, vừa yếu), tác giả đưa ra những đề xuất, kiến nghị về đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nghiên cứu lý luận, phê bình VHNT; Bên cạnh đó, ông còn dành nhiều sự quan tâm đến "Đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa" trước những yêu cầu và thách thức mới: Các bài viết về "Tư tưởng và phong cách nhà văn - Những vấn đề lý luận và thực tiễn" của GS.TS. Trần Đăng Suyền; "Một thời Đông Bắc" của Vũ Mão và "Một danh họa bậc thầy lão thực" (Họa sĩ Lê Năng Hiển) được tác giả dầy công nghiên cứu, đưa ra những nhận xét đánh giá, xác đáng, cụ thể, thuyết phục; Là người có thâm niên trong nghề, nhiều năm ở cương vị Tổng biên tập "Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam", PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện rất quan tâm đến vấn đề quản lý, nâng cao chất lượng chuyên nghiệp của báo chí văn nghệ. 

Ông mạnh dạn chỉ ra tính thiếu chuyên nghiệp cùng những hạn chế, và đề ra những kiến nghị, giải pháp kịp thời; Qua những loạt bài này ta thấy nổi lên một phong cách phê bình chuyên nghiệp, luôn gắn lý luận với thực tiễn, sâu sát cụ thể, thiết thực, đề cao tranh luận, bàn bạc trao đổi dân chủ, không áp đặt độc đoán.

Với văn phong giản dị, dễ hiểu, giọng điệu uyển chuyển, sinh động,; cách nêu vấn đề và trình bày vấn đề rõ ràng, ý kiến cá nhân được nêu ra thẳng thắn, có thể nói, ở chuyên khảo "Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và Lý luận, thực tiễn Nghệ thuật", PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện vừa vận dụng tổng hợp những kết quả nghiên cứu đã có, vừa đưa ra những suy nghĩ kiến giải riêng, đánh giá, đúng đắn, khách quan. Qua đó, thấy được một nhãn quan khoa học, một phương pháp thâu nhặt, chọn lọc, sắp xếp, biến kiến thức của nhân loại thành hệ thống kiến thức của riêng mình. 

Không chỉ có thế, ở mảng nghiên cứu nào ông cũng đi từ khảo sát thực tế, nghiên cứu kỹ càng tư liệu thực chứng, rút ra những thông tin có giá trị khoa học, để từ đó có những nhận xét, đánh giá, luận giải sâu sắc về đối tượng được đề cập. 

Có thể nói, đây là cuốn sách quý, giọng điệu phê bình sắc sảo mà uyển chuyển nên khá hấp dẫn, người đọc sẽ tìm thấy sự thích thú và bổ ích rất nhiều cho mình khi đọc nó. Chắc chắn hành trình của tác giả vẫn tiếp tục và những hoa trái ngọt lành vẫn đang chờ ông.

Nguyễn Thị Bình
.
.